Các nguồn thông tin nước ngoài mới đây cho biết, Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục sắm thêm các loại vũ khí tối tân từ Nga như chiến đấu cơ Su-35, tên lửa S-400, xe tăng T-90SV, các loại tên lửa chống hạm và tên lửa đất đối đất tối tân...
Thế trận mới Mỹ -Trung ở biển Đông
- Cập nhật : 17/04/2016
(The gioi)
Trung Quốc đang tiếp tục quân sự hóa trên biển Đông trong khi Lầu Năm Góc gia tăng sự hiện diện trong khu vực.
Trong sáu ngày viếng thăm Ấn Độ và Philippines từ 10-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã hai lần lên thăm tàu sân bay và đã thông báo nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự quan trọng.
Trung Quốc càng hung hăng hơn
Báo New York Times nhận định chuyến đi châu Á vừa qua của ông Ashton Carter đã phát đi thông điệp Mỹ quyết tâm tăng cường sức mạnh quân sự, đồng thời hợp tác với các đồng minh và đối tác để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở biển Đông.
Tại Ấn Độ, ông Ashton Carter thông báo Mỹ và Ấn Độ đã đồng ý trên nguyên tắc thỏa thuận chia sẻ hậu cần quân sự và khẳng định Mỹ sẵn sàng giúp Ấn Độ hiện đại hóa tàu sân bay. Ông đã cùng Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Manohar Parrikar lên thăm tàu sân bay Ấn Độ INS Vikramaditya.
Tại Philippines, ông và người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin đã lên thăm tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis chạy bằng năng lượng hạt nhân, biểu tượng sức mạnh quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương.
Trước đó ông đã phát biểu bế mạc 11 ngày tập trận của hàng ngàn binh sĩ Mỹ và Philippines, thông báo Mỹ và Philippines bắt đầu tuần tra chung ở biển Đông, đồng thời xác nhận Mỹ bắt đầu đưa quân đồn trú luân phiên tại 5 căn cứ đã thỏa thuận với Philippines.
Các bước đi nêu trên cho thấy Mỹ đã gia tăng tiềm lực quân sự tại khu vực mà Trung Quốc mong muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ. Trong các chuyến thăm, nhiều lần ông Ashton Carter đã nhắc đến hành động gia tăng căng thẳng trong khu vực của Trung Quốc.
Theo New York Times, một số chuyên gia đã cảnh báo Lầu Năm Góc càng gia tăng sự hiện diện trong khu vực, Trung Quốc càng hung hăng hơn và sẽ tiếp tục bồi đắp xây đảo nhân tạo, bố trí tên lửa, máy bay trong vùng biển tranh chấp, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ xung đột quân sự.
Sau Scarborough đến bãi Cỏ Rong
Chuyên gia Mỹ Jim Fanell nhận định Trung Quốc đang muốn siết gọng kìm trên biển Đông. Ông cảnh báo: “Trung Quốc đã hoàn thành bồi đắp và xây dựng 7 tiền đồn… Chiến dịch giành chủ quyền biển của Trung Quốc không chỉ như thế mà sẽ bao trùm toàn bộ đường chín đoạn”.
Bằng chứng mới nhất là âm mưu của Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough của Philippines.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện, giải thích trên báo Financial Times rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục các hình thức dọa nạt mới. Ông nói: “Hoạt động bồi đắp và quân sự hóa các vị trí chiến lược như bãi cạn Scarborough nhằm ý đồ đẩy một nước khác ra khỏi vùng đất tranh chấp hoặc thông báo lập vùng nhận dạng phòng không trên toàn bộ hay một phần biển Đông”.
Trả lời báo Washington Free Beacon, nghị sĩ Hạ viện Randy Forbes nhận xét: “Chiến lược của Trung Quốc ở biển Đông quá rõ ràng… Họ có ý đồ sử dụng dọa nạt và sức mạnh để nhào nặn khu vực theo sở thích, bất chấp luật pháp hay nguyên tắc quốc tế”.
Chuyên gia Jim Fanell nhận xét Trung Quốc muốn xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough nhằm phản ứng trước phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye. Hoặc có thể Trung Quốc muốn sử dụng chiêu bài “tiên hạ thủ vi cường” để khi tổng thống Mỹ lên cầm quyền thì sự việc đã rồi, lúc đó muốn ngăn chặn âm mưu bành trướng của Trung Quốc sẽ khó khăn hơn.
Chuyên gia Rick Fisher ở Trung tâm Chiến lược và Thẩm định quốc tế cho rằng Trung Quốc cũng đang nhắm đến bãi Cỏ Rong và đây là tín hiệu cho thấy Trung Quốc muốn hoàn thành “bức tường cát” để bao vây biển Đông.
Ông lưu ý với căn cứ tương lai trên bãi cạn Scarborough, Trung Quốc có thể triển khai máy bay, tàu chiến, tên lửa phòng không và tên lửa chống tàu nhằm khống chế cửa ngõ phía bắc của biển Đông. Bãi cạn chỉ cách vịnh Subic 120 hải lý. Như vậy máy bay từ bãi cạn có thể xuất kích tấn công dễ dàng các mục tiêu trên đảo Luzon của Philippines.
Úc gửi thông điệp cho Trung Quốc
Trong khi đó, trao đổi với báo chí ngày 16-4 tại Darwin, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tuyên bố chính phủ Úc đang chờ đợi Trung Quốc tôn trọng thông điệp của Thủ tướng Malcolm Turnbull về vấn đề bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Bắc Kinh kéo dài 36 tiếng, Thủ tướng Malcolm Turnbull đã nỗ lực ngăn chặn đà gia tăng căng thẳng do Trung Quốc củng cố quân sự trên biển Đông.
Trong chương trình chính thức của chuyến thăm, hai bên đã đào sâu hợp tác về thương mại, du lịch và nghiên cứu. Trước khi dự buổi ăn tối riêng với Chủ tịch Tập Cận Bình tại nhà khách Điếu Ngư Đài tối 15-4, ông Malcolm Turnbull đã hội đàm với Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Phát biểu với báo giới sau hội đàm, ông Malcolm Turnbull cho biết ông đã nói đến vấn đề Trung Quốc bồi đắp xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở biển Đông. Ông khẳng định mọi tranh chấp phải được giải quyết hòa bình và phù hợp luật pháp quốc tế.
Trước cảnh báo từ Bắc Kinh rằng Úc phải chọn lựa giữa quan hệ kinh tế với Trung Quốc và liên minh an ninh với Mỹ, ông nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng… Lợi ích kinh tế của các nước trong khu vực phải dựa trên cơ sở hòa bình và ổn định”.
Theo hãng tin SBS (Úc), Ngoại trưởng Julie Bishop nhấn mạnh: “Lợi ích của chúng tôi là bảo đảm có thể tiếp tục tự do đi tàu và bay qua ở biển Đông”.
Báo Wall Street Journal ngày 15-4 (giờ địa phương) dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho biết họ tin rằng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đã bay ra đá Chữ Thập vào cuối tuần trước. Nguồn tin không nêu rõ làm thế nào họ biết thông tin này.
Trước đó, thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc không nêu cụ thể Phạm Trường Long ra đảo nhân tạo khi nào, đến đảo nào và khi nào thì rời đi. Đá Chữ Thập là một trong 7 thực thể Trung Quốc đã bồi đắp xây đảo nhân tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.