tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Mỹ - Trung và cuộc chiến Internet ở Cuba

  • Cập nhật : 24/03/2016

(Tin kinh te)

Cần tăng tốc cung cấp Internet trong nước, nhưng Cuba lại e ngại sự giúp đỡ của các hãng công nghệ Mỹ, như Google, và muốn tìm đến đối tác truyền thống là Trung Quốc.

Cuba cần phải cải thiện tất cả các loại cơ sở hạ tầng, nhưng quan trọng nhất vẫn là hệ thống mạng Internet. Dù vậy, khi Google và nhiều công ty công nghệ khác của Mỹ, với sự hậu thuẫn của chính phủ, ngỏ ý muốn cung cấp hạ tầng Internet, thì Chính phủ Cuba lại tỏ ra cảnh giác với những "món quà" công nghệ tân tiến này. Thay vào đó, họ có thể sẽ hướng tới một đối tác quen thuộc hơn - Trung Quốc.

Ở Cuba, truy cập Internet là một điều rất hiếm hoi. Cho đến tận tháng 7/2015, chỉ những người làm việc trong Chính phủ và những người chịu trả hơn 4 USD mỗi giờ tại các điểm truy cập mới có thể kết nối mạng. Tất nhiên, ở đất nước mà mức lương trung bình của một công nhân chỉ ít hơn hoặc bằng 20 USD một tháng, thì chẳng có mấy ai sẵn sàng chi ngần ấy tiền cho Internet.Tháng 7/2015, Chính phủ Cuba bắt đầu cung cấp dịch vụ mạng cho người dân với mức giá 2,5 USD một giờ tại 35 điểm truy cập trên cả nước. Trong đó, Havana - thành phố đông dân nhất của Cuba - có 5 điểm. Tuy nhiên, so với quy mô 11 triệu người, con số 35 vẫn còn quá nhỏ, nhất là khi so sánh với New York - nơi có 283 điểm truy cập wifi miễn phí chỉ riêng tại các cửa hàng Starbuck.

nguoi dan cuba dung dien thoai di dong tai havana. anh: cnbc

Người dân Cuba dùng điện thoại di động tại Havana. Ảnh: CNBC

Trước tình hình đó, Google tỏ ý muốn giúp đẩy nhanh tốc độ triển khai hệ thống mạng trên toàn Cuba. Tháng 7/2015, đại gia công nghệ này được cho là đã đề xuất một kế hoạch chi tiết dài hơn 100 trang, nhằm cung cấp đường truyền mạng nhanh hơn với chi phí thấp hơn cho chính phủ Cuba.

Trong chuyến thăm tới Cuba hồi tháng 6/2015, Giám đốc Phát triển Ý tưởng của Google - ông Brett Perlmutter cho biết: "Chúng tôi là một trong những công ty cung cấp hạ tầng mạng lớn nhất thế giới, và chúng tôi có thể giúp phát triển việc này ở Cuba. Giống như châu Phi, Cuba đang có cơ hội rất lớn để chuyển đổi trực tiếp sang mạng di động, mà không cần phải qua mạng dây".

Tuy nhiên, chính phủ Cuba dường như không hề hứng thú với việc "nhảy cóc", đặc biệt đây lại là ý tưởng của một công ty Mỹ. Giữa tháng 7/2015, theo một tài liệu bị rò rỉ, chính phủ nước này đang có kế hoạch đến năm 2020 sẽ cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng cho các hộ gia đình.

Các thiết bị sẽ do hai công ty viễn thông của Trung Quốc là ZTE và Huawei cung cấp. Chi phí sẽ được tính dựa trên tốc độ đường truyền, lưu lượng sử dụng và phạm vi truy cập (nội địa hay quốc tế). Kế hoạch này sẽ mang lại hai lợi ích lớn cho chính phủ Cuba. Một là cơ hội để thu tiền và hai là có thể theo dõi hoạt động trực tuyến của người dân, Ten Henken - Giáo sư Baruch College cho biết.

"Tôi nghĩ là họ sẽ không nhờ tới Google đâu, nhất là khi có thể lựa chọn Trung Quốc", ông nói.

Khi được hỏi về kế hoạch của Google, một quan chức chính phủ Cuba cho biết, mọi người vẫn đang băn khoăn liệu gã khổng lồ này có phải là một trợ thủ của chính phủ Mỹ hay không. Ông chỉ ra rằng, giám đốc đương nhiệm của Google Ideas - Jared Cohen trước đó từng là một quan chức chính phủ. Cựu chính trị gia người Cuba - ông Juan Antonio Machado Ventura thậm chí từng ví Google giống như “con ngựa thành Trojan” của Mỹ vậy.

"Có những người muốn cung cấp mạng miễn phí cho chúng tôi. Nhưng không phải để kết nối người dân Cuba với nhau, mà là thâm nhập vào để làm công tác tư tưởng, chuẩn bị cho một cuộc chinh phục mới. Chúng tôi phải sử dụng Internet, nhưng sẽ theo cách của mình. Chúng tôi phải kết nối mạng để giới trẻ không bị thụt lùi so với thế giới, nhưng cũng phải giải thích với họ tại sao tiến độ triển khai lại chậm chạp như vậy", ông Ventura nói.

Chính quyền thành phố Havana vẫn chưa đưa ra quan điểm thống nhất nào về kế hoạch hợp tác với Google dù ban quản trị cấp cao của công ty đã thảo luận với chính phủ Cuba hơn một lần.

Google vốn công khai phản đối kịch liệt những quy định hạn chế của các chính phủ trong hoạt động truy cập mạng. Năm 2010, họ tuyên bố rút khỏi Trung Quốc khi Bắc Kinh quyết định chặn một số trang web nổi tiếng như Facebook, Twitter và YouTube. Trước đó, Google cũng từng cáo buộc Trung Quốc thực hiện cuộc tấn công mạng có tên Operation Aurora với quy mô lớn và tinh vi, nhằm đánh cắp các tài sản trí tuệ có giá trị của hãng.
 

Kim Dung
 (theo CNBC, VNexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục