Putin ra tay chặn nguồn tiền của khủng bố
Philippines huy động máy bay, tàu chiến bảo vệ APEC
Malaysia bắt 5 nghi phạm liên quan các tổ chức khủng bố
Anonymous đánh sập 5.500 tài khoản IS sau một ngày
Nga tố Mỹ không muốn diệt IS ở Syria
Tin thế giới đọc nhanh trưa 17-04-2016
- Cập nhật : 17/04/2016
2.000 người biểu tình lật đổ chính phủ ở Ai Cập
Đây là cuộc biểu tình chống chính phủ có quy mô lớn nhất Ai Cập trong hai năm nay và có dấu hiệu dẫn đến một làn sóng Mùa xuân Ả Rập mới.
Hơn 2.000 người A Cập tập trung biểu tình ở trung tâm thủ đô Cairo và TP Alexandria (Ai Cập) trong ngày 15-4 nhằm lật đổ chính phủ. Đây là cuộc biểu tình chống chính phủ có quy mô lớn nhất Ai Cập trong hai năm nay, theo báo Wall Street Journal(Mỹ).
Đến tối cùng ngày vẫn còn một nhóm người biểu tình tụ tập. Cảnh sát dùng hơi cay giải tán. Tổng cộng 12 người bị bắt.
Cuộc biểu tình do các nhà hoạt động cánh tả tổ chức nhằm phản đối việc Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi thỏa thuận sẽ trao quyền kiểm soát hai hòn đảo Tiran và Sanafir của Ai Cập trên biển Đỏ cho Saudi Arabia.
Người biểu tình cầm giày gí vào tấm ảnh của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi trong ngày biểu tình 15-4, phản đối chính phủ trao hai hòn đảo cho Saudi Arabia. (Ảnh: REUTERS)
Ông Abdel Fattah al-Sisi ký thỏa thuận này với vua Salman trong chuyến thăm Saudi Arabia tuần trước. Saudi Arabia hứa hẹn đầu tư hàng tỉ USD vào Ai Cập.
Sau khi thỏa thuận đã được ký, chính phủ Ai Cập mới thông báo về vấn đề này đến người dân. Thông báo cho rằng hai hòn đảo nằm trong khu vực eo biển Tiran vốn là của Saudi Arabia, Ai Cập kiểm soát từ năm 1950 đến nay là do đề nghị của phía Saudi Arabia.
Và giờ Ai Cập trả lại theo đúng nội dung biên giới hàng hải hai nước đạt được qua thời gian dài thương lượng. Thông báo này bị rất nhiều người phản đối, chỉ trích chính phủ đã bán các hòn đảo.
“Người dân muốn chế độ sụp đổ" là khẩu hiệu của người biểu tình trong ngày 15-4, tương tự khẩu hiệu của người dân Ai Cập xuống đường trong Mùa xuân Ả Rập năm 2011 dẫn đến lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak.
Tuy nhiên, quy mô của cuộc biểu tình ngày 15-4 khiêm tốn hơn rất nhiều so với các cuộc đại biểu tình ở Cairo trong Mùa xuân Ả Rập năm 2011.
Năm 2013, hàng triệu người Ai Cập tiếp tục xuống đường biểu tình lật đổ Tổng thống dân sự Mohamed Morsi thuộc Phong trào Anh em Hồi giáo. Lên thay ông Morsi là ông Abdel Fattah al-Sisi đại diện quân đội.
Ông Morsi bị tống tù sau đó. Phong trào Anh em Hồi giáo bị liệt vào hàng khủng bố và bị trấn áp mạnh, hơn 1.000 người ủng hộ tổ chức này đã bị giết. Tổ chức này cũng bị cấm tụ tập từ đầu năm 2014.
Cuộc biểu tình chống chính phủ có quy mô lớn nhất Ai Cập trong hai năm nay có thể dẫn đến một làn sóng Mùa xuân Ả Rập mới. (Ảnh: AFP)
Nhiều nhà bình luận chính trị nhận định cuộc biểu tình lật đổ chính phủ ngày 15-4 không hẳn chỉ vì chính phủ ông Sisi giao hai hòn đảo cho Saudi Arabia.
“Hành động của chính phủ đã dập tắt mọi hy vọng của chúng tôi khi bắt đầu cuộc biểu tình lật đổ chính phủ ông Mubarak ngày 25-1-2011" - hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời một người biểu tình tên Dawud.
Tổng thống Sisi dù bị phong trào Anh em Hồi giáo và nhiều người hoạt động cánh tả phản đối nhưng cũng được nhiều thành phần khác ủng hộ, cho rằng Ai Cập cần một lãnh đạo cứng rắn để vực dậy nền kinh tế lụn bại sau nhiều năm bất ổn chính trị. Tuy nhiên, sự ủng hộ này đã bắt đầu lung lay trong vài tháng gần đây.
'Phỉ báng' Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, một nghệ sĩ hài của Đức bị điều tra hình sự
Nghệ sĩ hài Jan Boehmermann, người bị điều tra cáo buộc đã phỉ báng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh Reuters
Mỹ vẫn mời Trung Quốc dự tập trận lớn nhất ở Thái Bình Dương
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua tham dự lễ bế mạc cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines mang tên Balikatan. Ảnh: Reuters
"Chúng tôi không có động thái rút lời mời" Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua nói trong chuyến thăm kéo dài hai giờ trên tàu sân bay USS John C.Stennis. "Phương pháp tiếp cận của chúng tôi là cố gắng bao gồm tất cả các bên".
Trước đó, một số nghị sĩ Mỹ lên tiếng kêu gọi loại Trung Quốc khỏi cuộc tập trận chung Vành đai Thái Bình Dương năm 2016 (RIMPAC 2016). Đây là cuộc tập trận quốc tế lớn nhất trong khu vực, do Washington chủ trì. Trung Quốc lần đầu tiên tham dự sự kiện này vào năm 2014, theo AFP.
Ông Carter đáp xuống tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS John C.Stennis khi nó đang di chuyển cách hòn đảo Luzon mà Philippines có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông khoảng 96 - 112 km về phía tây.
Trong chuyến thăm, ông Carter cũng thúc giục Bắc Kinh "ngừng việc xa rời mọi người lại" và đừng "tự cô lập" chính mình.
"Cố gắng để trở thành một phần của hệ thống hợp tác giữa các quốc gia sẽ biến phép màu châu Á thành hiện thực", ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đồng thời bác bỏ những luận điểm mà Trung Quốc đưa ra, cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ là nguyên nhân khiến căng thẳng gia tăng tại khu vực.
"Thứ mới ở đây không phải tàu sân bay Mỹ", ông Carter phát biểu. "Cái mới là bối cảnh căng thẳng tồn tại trong khu vực mà chúng tôi muốn xoa dịu".
Đây là lần thứ hai ông Carter lên một tàu sân bay khi nó hoạt động ở vùng biển này. Tháng 11 năm ngoái, ông lên tàu USS Theodore Roosevelt lúc nó đang ở tây bắc đảo Borneo. "Có nhiều lo ngại về hành vi của Trung Quốc ở đây", ông nói trong chuyến đi.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia, Philippines. Nước này gần đây còn bồi đắp trái phép đảo nhân tạo và xây dựng các công trình phi pháp như trạm radar và đường băng trên các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.
Ông Carter đến Philippines ngày 13/4 với mục đích làm nổi bật quan hệ quân sự mạnh mẽ với quốc đảo
29 người chết trong vụ động đất thứ 2 tại Nhật Bản
Tính đến chiều 16-4, có 29 người chết và 1.500 người bị thương trong vụ động đất thứ hai xảy ra chỉ trong hai ngày tại Nhật Bản. Mưa lớn đang cản trở công tác cứu hộ và gây lở đất nghiêm trọng.
Chỉ trong hai ngày, hai vụ động đất lần lượt 6,2 và 7,3 độ Richter xảy ra ở vùng Kumamoto trên đảo Kyushu miền tây nam Nhật Bản.
Rất nhiều tòa nhà đổ sập và lực lượng cứu hộ đang ra sức đào bới các đống đổ nát, bùn đất để tìm kiếm những người còn mắc kẹt.
Tuy nhiên các dư chấn tiếp theo gây cản trở lớn cho công tác này và làm dấy lên nỗi lo sợ có thể xảy ra các vụ động đất mạnh hơn nữa.
Hàng ngàn binh sĩ được điều động tới hiện trường vụ động đất để cứu hộ, cứu nạn.
Quan chức Tomoyuki Tanaka ở tỉnh Kumamoto cho biết, số người chết có thể sẽ còn tăng và ít nhất 80 người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch. Gần 70.000 người phải di dời khỏi nhà.
Thời tiết xấu làm tình hình càng khó khăn hơn. Các cơn dư chấn và mưa lớn kéo theo các vụ lở đất.
Tại ngôi làng Minamiaso ở tỉnh Kumamoto, một trận lở đất lớn phá hủy cây cầu trọng yếu, chặn đứng tuyến đường cung cấp lương thực và các hoạt động vận tải cứu hộ khác tới khu vực bị ảnh hưởng thiên tai nặng nhất.
Cây cầu dài 200 mét này trong vùng bị biến mất sau trận động đất và các vụ lở đất tiếp theo - Ảnh: Twitter của Mulboyne
Các nhân chứng tại đây cho biết họ nhìn thấy vệt đất nâu cuốn thành dòng dọc theo sườn đồi chảy xuống hệt như một dòng sông bùn.
Một vụ lở đất khác trong khu vực cũng làm đổ sập một ngôi nhà xuống khe suối, các ngôi nhà khác nằm chênh vênh bên miệng một hố lớn hiện ra trên mặt đất.
Cảnh sát nhận được thông tin về 97 trường hợp bị mắc kẹt hoặc chôn vùi trong các tòa nhà cao tầng, 10 người khác bị mắc kẹt trong các vụ lở đất.
Đài truyền hình Nhật Bản cho thấy hình ảnh một ký túc xá sinh viên của Đại học Tokai ban đầu là tòa nhà hai tầng nhưng nay chỉ còn một tầng.
Một nhân chứng nói anh nghe thấy tiếng kêu cứu từ trong đống đổ nát. Có 2 sinh viên thiệt mạng trong vụ ký túc xá đổ sụp.
Số người chết tại nơi xảy ra động đất có thể sẽ còn tăng và ít nhất 80 người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch - Ảnh: Independent
“Không gì quan trọng hơn sinh mạng con người và đây là cuộc chạy đua với thời gian”, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói.
Ông cũng cảnh báo công tác cứu hộ cần thận trọng với những khó khăn thời tiết khi chúng có thể làm các tòa nhà yếu hơn nữa và gây lở đất.
Vụ động đất thứ hai khiến cơ quan chức năng thoạt tiên phải phát đi cảnh báo sóng thần, tuy nhiên sau đó gỡ bỏ cảnh báo này.
Một quan chức chính phủ cho biết hiện chưa có vấn đề gì bất thường tại ba nhà máy điện hạt nhân trong khu vực xảy ra thiên tai.
Cựu tổng thống Guatemala bị cáo buộc nhận hối lộ
Văn phòng Bộ Tư pháp Guatemala ngày 15-4 cho biết cựu tổng thống đã ngồi tù Otto Perez bị cáo buộc nhận một phần trong khoản hối lộ 25 triệu USD để cấp phép cho công ty Tây Ban Nha thầu công trình.
Reuters cho biết đây là cáo buộc mới nhất chống lại ông Perez và chỉ diễn ra một năm sau bê bối nhận hối lộ khiến ông Perez từ chức và ngồi tù.
Cựu tổng thống Guatemala cũng đang chờ phiên tòa xét xử ông với cáo buộc cầm đầu vụ lừa đảo hàng triệu USD từ kho bạc nhà nước.
Cáo buộc mới nhất liên quan đến việc chính phủ dưới thời ông Perez trao hợp đồng thầu khoán cho công ty Terminales Contenedores de Barcelona (TCB) của Tây Ban Nha để xây dựng và quản lý một bến cảng Quetzal lớn nhất của quốc gia Trung Mỹ này.
Dự án trị giá 126 triệu USD được thiết lập để nhận tài trợ từ Ngân hàng Thế giới và 8,5 triệu USD từ công ty Tây Ban Nha này.
Ông Perez và cựu phó tổng thống dưới thời ông là Roxana Baldetti cũng đang ở tù chờ được xét xử hiện cùng bị cáo buộc đã tích cóp gần 25 triệu USD từ năm 2012 đến năm 2015.
Các công tố viên nói rằng họ có tài liệu chứng minh các cựu quan chức này cùng các cộng sự đã nhận được một số khoản thanh toán từ hợp đồng thầu trên.
Luật sư đại diện cho ông Perez là Cesar Calderon cho biết ông không có thông tin chi tiết về cáo buộc nên từ chối bình luận thêm.
Ngoài ông Perez và ông Baldetti, các nhà chức trách cho biết họ sẽ tính đến một phiên tòa sơ bộ để điều tra thẩm phán Tòa án Tối cao Douglas Rene Charchal vì có khả năng liên quan đến bê bối mới nhất của ông Perez.
Reuters cho biết hiện vẫn chưa rõ ai đã cung cấp thông tin các khoản nhận hối lộ cho các nhà chức trách Guatemala. Tuy nhiên cảnh sát đã bắt giữ 9 người, bao gồm người đứng đầu công ty con của TBC tại Guatemala là Juan Jose Suarez.