Theo ông Nguyễn Anh Dương, mặt bằng giá cả thế giới và thị trường tài chính là 2 yếu tố nhạy cảm với kinh tế Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, song tác động ở mức độ nào phụ thuộc đáng kể vào sự chuẩn bị của chính nền kinh tế.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Rủi ro nào với doanh nghiệp Việt?
- Cập nhật : 29/03/2019
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn biến khó lường do đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cần chủ động ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra.
Nếu cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc không được giải quyết sớm thì nguy cơ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị Mỹ điều tra và áp các biện pháp phòng vệ thương mại là rất cao. Ảnh minh họa: TTXVN
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Xung đột thương mại Mỹ - Trung và rủi ro với các doanh nghiệp Việt Nam” do Trung tâm Hội nhập Quốc tế Tp. Hồ Chí Minh (CIIS) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 22/3.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung Quốc đã và đang tác động đến dòng chảy thương mại hàng hóa, làm gia tăng các vụ điều tra phòng vệ thương mại của Mỹ với những đối tác nhập khẩu lớn.
Xung đột giữa Mỹ - Trung Quốc khiến doanh nghiệp 2 nước phải tìm cách tăng cường xuất khẩu sang nước thứ ba, tạo ra áp lực nhập khẩu cho các thị trường khác; trong đó có Việt Nam, đồng thời làm gia tăng xu thế bảo hộ, phòng vệ thương mại trên toàn cầu.
Theo ông Chu Thắng Trung, nếu cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc không được giải quyết sớm thì nguy cơ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị Mỹ điều tra và áp các biện pháp phòng vệ thương mại là rất cao. Tiền lệ quan hệ thương mại giữa Mỹ -Trung Quốc và Việt Nam cho thấy, sau khi Mỹ tiến hành điều tra và áp thuế phòng vệ thương mại với Trung Quốc mặt hàng nào thì 3 - 4 năm sau Mỹ cũng tiến hành điều tra với Việt Nam.
Nguyên nhân là do cơ cấu sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ của Trung Quốc và Việt Nam khá tương đồng nhau. Thêm vào đó, sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ với hàng hóa của Trung Quốc thì kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đó của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh.
Điều này có thể được giải thích là phía Việt Nam đã tận dụng lợi thế về thuế để đẩy mạnh xuất khẩu, tuy nhiên nếu kim ngạch xuất khẩu vượt quá năng lực sản xuất thực tế của Việt Nam thì nguy cơ bị Mỹ điều tra là rất cao.
Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Văn phòng Luật sư IDVN phân tích thêm, rủi ro lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc chính là vấn đề chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc. Có nghĩa là hàng hóa Trung Quốc sẽ được đẩy vào Việt Nam dưới dạng tạm nhập tái xuất hoặc gia công đơn giản để lấy xuất xứ Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Mỹ.
Điều này giúp hàng hóa Trung Quốc tránh bị áp thuế cao nhưng sẽ là lý do chính đáng để Mỹ điều tra và áp dụng phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam. Đáng ngại nhất là nếu Mỹ kết luận có sự chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam thì tất cả sản phẩm đó của Việt Nam sẽ chịu chung mức thuế với Trung Quốc chứ không chỉ áp riêng với số hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, việc điều tra chống lẫn thuế là vấn đề mới và chưa được quy định cụ thể trong Hiệp định WTO, do đó phía Mỹ thường đơn phương áp dụng Luật của Mỹ, gây bất lợi cho đối tác. Mặt hàng thép là một trong những tiền lệ bất lợi của Việt Nam khi mua nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất xuất khẩu vào Mỹ, hiện nay mặt hàng ván ép cũng đang bị Mỹ điều tra.
Với những diễn biến khó lường trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và xu hướng bảo hộ thương mại ở nhiều quốc gia khác, bà Nguyễn Thị Phương Thảo khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng cho sản phẩm của Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh khác.
Song song đó, doanh nghiệp cần cân nhắc cẩn trọng trong việc sử dụng các nguyên liệu bán thành phẩm và thành phẩm từ Trung Quốc cũng như các quốc gia đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để hạn chế tối đa nguy cơ lọt vào “tầm ngắm” của Mỹ.
Trong khi đó, ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC nhấn mạnh, để giảm thiểu nguy cơ bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động trong việc đánh giá rủi ro.
Theo đó, doanh nghiệp tuyệt đối không tiếp tay cho hoạt động chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc, đồng thời phải quản trị tốt việc lưu trữ các chứng từ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, sản phẩm. Chỉ khi doanh nghiệp chủ động sản xuất, kinh doanh một cách chân chính thì mới đủ sức vượt qua những rủi ro trong bối cảnh thương mại toàn cầu nhiều biến động như hiện nay.
Nguồn: Xuân Anh/TTXVN