Chỉ cần nhìn vào những cái Trung Quốc đang tìm cách loại bỏ và muốn các nước này "rước vào" cũng phải thấy được nhiều điều.
Mỹ-Trung chuẩn bị khai hỏa Đại chiến thế giới thứ III? (Kỳ I)
- Cập nhật : 27/03/2016
(The gioi)
Với những gì đã và đang diễn ra trong thời gian gần đây - từ khẩu chiến tới những động thái quân sự của Mỹ và Trung Quốc, nhiều người cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, thậm chí khai hỏa Đại chiến thế giới thứ III, và “hạt nổ” là Biển Đông.
Bởi cho đến nay cả Mỹ và Trung Quốc đều nhiều lần khẳng định “giá trị cốt lõi” tại châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông - một trong những tuyến hàng hải huyết mạch trên thế giới hiện nay, và chẳng ai muốn xuống thang trong vấn đề này.
Và lĩnh vực này đã được cựu Cố vấn An ninh Quốc gia, nguyên Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đề cập trong cuốn “On China” - Bàn về Trung Quốc (được phát hành tháng 5/2011 tại Mỹ).
Kỳ I: Kiến giải của Tiến sỹ Henry Kissinger
Trong cuốn “On China” - Bàn về Trung Quốc của Tiến sỹ Henry Kissinger, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Kissinger Inc. (công ty tư vấn quốc tế), tác giả đã đề cập tới nhiều vấn đề, từ sự cầm quyền của Mao Trạch Đông, vai trò của Đặng Tiểu Bình, uy quyền của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào tại quốc gia hơn 1,34 tỷ người; tới cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh với Moskva và Washington...
Vì từng là Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng Mỹ, dưới thời Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford (1968-1975), người thiết kế và tạo dựng nên mối quan hệ Mỹ-Trung bằng thông cáo Thượng Hải năm 1972, nên ông Henry Kissinger hiểu khá rõ về đất nước với gần 9,6 triệu km2, có biên giới với 14 quốc gia (CHDCND Triều Tiên, Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Myanmar, Lào và Việt Nam). Do đó những nhận định của người từng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1973, được dư luận đặc biệt quan tâm.
Bởi ông Henry Kissinger đã cảnh báo về nguy cơ đối đầu trực diện giữa Washington và Bắc Kinh, bất chấp việc 8 đời Tổng thống Mỹ và 4 đời lãnh đạo Trung Quốc đã và đang duy trì mối quan hệ “hòa bình trong tranh chấp” hiện nay.
Tiến sỹ Henry Kissinger cho rằng, nếu bị thách thức, Mỹ sẽ làm những gì mình phải làm để đảm bảo an ninh của họ, nên trong một cuộc xung đột thực tế, cả 2 đều sẽ giáng đòn hủy diệt lên đối phương.
Và một lần nữa họ sẽ phải đối mặt với chính nhiệm vụ mà họ đang phải thực hiện hiện nay - xây dựng một trật tự thế giới mà ở đó cả 2 đều là thành phần quan trọng. Do đó, một cuộc đối đầu kéo dài giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ làm thay đổi nền kinh tế thế giới với những hậu quả không thể lường trước. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia cho rằng, việc xây dựng quân đội Trung Quốc hiện nay không phải là hiện tượng bất thường.
Nó chỉ bất thường nếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhà nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới không biến sức mạnh kinh tế của mình thành năng lực quân sự bổ sung. Nếu Mỹ coi sự tiến bộ trong phát triển năng lực quân sự của Trung Quốc là hành động thù địch, họ tất phải có biện pháp ứng phó.
Bởi cả Trung Quốc và Mỹ đều nhận thức được ranh giới mong manh giữa năng lực phòng thủ và tấn công, cũng như những hậu quả khi phát động chạy đua vũ trang.
Theo nhận định của Tiến sỹ Henry Kissinger, Trung Quốc phải đối mặt với Nga ở phía Bắc, Nhật Bản và Hàn Quốc ở phía Đông, Việt Nam và Ấn Độ ở phía Nam. Và đây là những quốc gia có truyền thống quân sự lâu đời, có khả năng tạo ra những cản trở đáng kể nếu lãnh thổ của họ bị đe dọa.
Do đó, chính sách ngoại giao thiên về quân sự của Trung Quốc sẽ đẩy mạnh sự hợp tác giữa tất cả, hay ít nhất là với một số quốc gia gợi nhớ lại “cơn ác mộng” trong lịch sử với Trung Quốc.
Ngoài ra, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia kiêm Ngoại trưởng Mỹ còn cho rằng, Mỹ-Trung không nên đẩy căng thẳng thành “trò chơi lưỡng bại câu thương” - cũng như sự trỗi dậy của một Trung Quốc thịnh vượng, mạnh mẽ không thể bị coi là thất bại chiến lược của Mỹ.
Và theo Tiến sỹ Henry Kissinger, Mỹ-Trung đều phải chịu những rủi ro lớn nếu đối đầu trực diện. Cả 2 đều phải tập trung điều chỉnh những phức tạp bên trong, và trên thế giới, cũng như chẳng ai có khả năng hạn chế sự phát triển trong nước.
Nỗi sợ hãi chiến lược lớn nhất của Bắc Kinh là một hoặc nhiều cường quốc triển khai quân sự xung quanh phạm vi biên giới Trung Quốc, có khả năng xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc.
Và khi cho rằng đang phải đối mặt với mối đe dọa như vậy, Trung Quốc đã khai chiến: tại bán đảo Triều Tiên năm 1950, tại Ấn Độ năm 1962, dọc biên giới phía Bắc với Liên Xô năm 1969 và với Việt Nam năm 1979.
(Còn tiếp)