Người tiêu dùng Trung Quốc đang săn lùng sản phẩm Made-in-Japan đích thực do kinh hãi với sữa hỏng và hàng giả được chào bán tràn lan trên web Trung Quốc.
Ấn Độ xây đường sang Thái Lan, đối trọng Trung Quốc
- Cập nhật : 09/08/2017
Giữa bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, Ấn Độ không đứng nhìn mà ngược lại quyết tâm xây dựng mạng lưới “bạn bè” cho sân chơi của mình.
Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi tháng 7 vừa qua đã thông qua gói ngân sách 256 triệu USD để nâng cấp một phần của tuyến đường ở biên giới phía Đông của nước này và mở rộng thêm 65 km đường nối từ thị trấn Moreh lên thủ phủ Imphal của bang Manipur.
Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng tuyến đường cao tốc bốn làn xe dài 1.360 km đầy tham vọng để nối khu vực Đông Bắc Ấn Độ với các khu chợ ở Thái Lan và xa xôi hơn.
Hãng tin Bloomberg ngày 9-8 nhận định đây là một bước kế tiếp của New Delhi trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh, nhằm giành ảnh hưởng kinh tế và chiến lược trong khu vực.
Chỉ trong hai năm qua Ấn Độ đã chi hơn 4,7 tỉ USD cho các dự án phát triển đường biên giới, bao gồm tuyến cao tốc trên. Tuyến cao tốc dài 1.360 km này nối thị trấn biên giới Moreh, bang Manipur (Ấn Độ) với thị trấn biên giới Mae Sot, tỉnh Tak (Thái Lan) thông qua lãnh thổ Myanmar.
Công tác xây dựng tuyến đường được đẩy mạnh giữa bối cảnh Trung Quốc xúc tiến sáng kiến “Một vành đai, một con đường” với số tiền đầu tư được dự kiến hơn nửa ngàn tỉ USD băng qua 62 quốc gia. Tham vọng hình thành một chuỗi liên kết đường, đường sắt và thương mại liên lục địa của Trung Quốc đã khiến không chỉ Ấn Độ mà còn có Nga, Mỹ và Nhật quan ngại.
Dưới chính sách “Hành động phía Đông” của chính quyền ông Modi, Ấn Độ đang đầu tư vào các dự án liên kết đường và đường sắt ở các khu vực biên giới Đông Bắc của nước này, nơi giáp ranh với Nepal, Bhutan, Bangladesh, Trung Quốc và Myanmar.
Tuy nhiên, kế hoạch xây tuyến cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan không phải là một dự án mới. Nó đã được đề xuất tại cuộc họp cấp bộ trưởng ba bên ở Yangon (Myanmar) hồi tháng 4-2002. Ban đầu, đây chỉ là một dự án giữa Ấn Độ và Myanmar với đường hữu nghị Ấn Độ-Myanmar được khánh thành vào tháng 2-2001.
Ấn Độ muốn tăng cường các dự án liên kết xuyên quốc gia để đối phó việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Ảnh: MINT
Tuyến cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan đang được đẩy mạnh xây dựng với nhiều đoạn đã được hoàn thành và tiếp tục nâng cấp. New Delhi hiện cũng đề xuất mở rộng tuyến cao tốc này sang tận Campuchia, Lào và Việt Nam nhằm giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ các nước khu vực sông Mekong tới Ấn Độ. Đây là một kế hoạch nhằm giúp Ấn Độ thắt chặt hơn quan hệ với các nước Đông Nam Á.
Việc Ấn Độ mong muốn kiềm chế tham vọng của Trung Quốc có thể được thấy rõ khi hồi tháng 5 năm nay, nước này không tới tham dự hội nghị thượng đỉnh “Một vành đai, một con đường” kéo dài hai ngày của Trung Quốc. Hiện New Delhi và Bắc Kinh cũng đang có căng thẳng không phanh ở cao nguyên Dokalam nằm giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan.
Phía chính phủ Trung Quốc nói rằng sáng kiến “Một vành đai, một con đường” nhằm tăng cường sự liên kết trong khu vực và mang lại lợi ích kinh tế cho các nước láng giềng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ luôn tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố này. Bắc Kinh cũng từng kêu gọi New Delhi chớ có những hoài nghi về dự án.
Bonnie S Glaser đến từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định việc Trung Quốc đẩy mạnh các chiến lược của nước này, đặc biệt là sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, cực kỳ gây lo ngại bởi lẽ nước này có thể sử dụng sức mạnh kinh tế để chèn ép các nước khác, điển hình mới nhất là trường hợp Hàn Quốc (vụ hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ).
Tuy nhiên, nhận định về khả năng đối phó Trung Quốc, bà Glaser cho rằng Ấn Độ về dài hạn có thể tạo ra các thách thức cho Bắc Kinh. “Thứ Trung Quốc lo ngại nhất là Ấn Độ sẽ hợp tác với các nước khác như Mỹ, Nhật, Úc để đối phó ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực”.
BẢO ANH
Theo Plo.vn