tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giấc mơ năng lượng mặt trời của Ấn Độ

  • Cập nhật : 20/11/2017

Đấu thầu giành hợp đồng xây dựng một công viên năng lượng mặt trời khổng lồ ở miền Bắc Ấn Độ là sự kiện đáng chú ý vì một số lý do

dau thau gianh hop dong xay dung mot cong vien nang luong mat troi khong lo o mien bac an do la su kien dang chu y vi mot so ly donguon anh: wordpress

Đấu thầu giành hợp đồng xây dựng một công viên năng lượng mặt trời khổng lồ ở miền Bắc Ấn Độ là sự kiện đáng chú ý vì một số lý doNguồn ảnh: WordPress

Hơn 20 doanh nghiệp tham gia đấu thấu dự án đã cho thấy mức độ cạnh tranh rất khốc liệt. Buổi đấu thầu dự án điện mặt trời Bhadla này (diễn ra vào tháng 5.2017) đã kéo dài tới 30 giờ đồng hồ. Và kết quả chung cuộc đã khiến cho nhiều người trong ngành phải kinh ngạc: giá thắng thầu của dự án công viên năng lượng mặt trời 500 megawatt tại Rajasthan là một trong những mức giá thấp nhất trong ngành năng lượng mặt trời thế giới.

Các công ty thắng thầu là Acme Solar (Ấn Độ) và liên doanh SBG Cleantech cho biết sẽ xây dựng dự án Bhadla với giá chỉ 2,44 rupee (0,04USD) cho mỗi đơn vị điện năng họ bán ra.

Trên thực tế, đây không phải là mức thấp kỷ lục của thế giới, vì ở Trung Đông và Nam Mỹ có giá thắng thấu còn thấp hơn thế. Nhưng đối với ngành năng lượng Ấn Độ, sự kiện Bhadla đã khẳng định Ấn Độ đang trải qua một cuộc chuyển giao thế hệ từ điện than sang điện mặt trời và gió. Trong bối cảnh Ấn Độ hiện là quốc gia thải khí carbon lớn thứ 3 thế giới và có kế hoạch điện khí hóa ngay cả những ngôi làng xa xôi nhất nước trong vòng 2 năm, cuộc bành trướng nhanh của ngành năng lượng tái tạo Ấn Độ sẽ là động lực rất lớn thúc đẩy nỗ lực giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 20C - mục tiêu được đặt ra bởi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Cuộc chuyển giao này đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới, nhiều trong số đó đang nhìn sang Ấn Độ để tìm kiếm các dự án cơ sở hạ tầng xanh mang lại mức sinh lời cao, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng điện mặt trời ở gần như tất cả các thị trường khác đều đã chậm lại trong năm nay.

Masayoshi Son, nhà sáng lập SoftBank, một cổ đông trong liên doanh SBG Cleantech, cho biết ông dự định đầu tư 20 tỉ USD vào ngành năng lượng mặt trời Ấn Độ. Các nhà đầu tư lớn khác là Foxconn của Đài Loan và Bharti của Ấn Độ. Các bộ trưởng Ấn Độ tính toán để đạt được các mục tiêu năng lượng tái tạo của nước này sẽ đòi hỏi số vốn lên tới 160 tỉ USD.

Giac mo nang luong mat troi cua An Do

 

“Ấn Độ, cùng với Trung Quốc, đang đặt ra tốc độ phát triển năng lượng mặt trời và châu Âu đang phải đi theo. Điều này là sự ám chỉ rất rõ cho các thị trường năng lượng trên toàn thế giới”, Tim Buckley, Giám đốc Viện Kinh tế học năng lượng và Phân tích tài chính, nhận xét.

Trong năm 2015, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi đặt ra các mục tiêu cực kỳ tham vọng trong việc tạo ra công suất năng lượng tái tạo mới. Đến năm 2022, theo Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley, Ấn Độ sẽ sản xuất 175 gigawatt năng lượng tái tạo mới trong đó 100 gigawatt sẽ đến từ năng lượng mặt trời. Chỉ riêng các kế hoạch điện mặt trời của Ấn Độ đã tương đương với 25 nhà máy hạt nhân lớn. Ban đầu, Ấn Độ gặp khó khăn trong việc gia tăng công suất với tốc độ nhanh như mục tiêu đặt ra nhưng 2 năm qua, một loạt cuộc đấu thầu các dự án điện mặt trời với giá thấp kỷ lục đã khiến cho nhiều người tin rằng Ấn Độ sẽ nhanh chóng bắt kịp mục tiêu đề ra.

Theo một phân tích của hãng tư vấn Bridge to India, các nhà phát triển dự án dự kiến sẽ tạo ra 8,8 gigiawatt công suất năng lượng mặt trời mới vào năm 2017. Con số này sẽ cao hơn 76% so với năm 2016 và đủ để đưa Ấn Độ trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ 3 thế giới.

Tuy nhiên, Manoj Kumar Upadhyay, nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Acme, cho rằng có những lý do vì sao giá điện mặt trời ở Ấn Độ lại thấp như vậy. Ngoài việc Ấn Độ có nguồn ánh sáng mặt trời mạnh và ổn định, giá tấm pin năng lượng mặt trời sản xuất tại Trung Quốc đã giảm sâu trong các năm qua khi cơn sốt sản xuất đã tạo ra lượng cung dư thừa. Hơn nữa, chi phí vốn của Ấn Độ đã giảm xuống nhờ chính phủ nước này hỗ trợ tích cực cho ngành năng lượng mặt trời. Tại các trang trại như Bhadla, Chính phủ thu mua đất đai (nhờ đó đã xóa được một trong những rào cản lớn nhất ở Ấn Độ, nơi quyền sở hữu đất là chuyện rất khó thương lượng) cũng như đảm bảo kết nối lưới điện và cung cấp các khoản bảo lãnh thanh toán nếu các công ty công ích vỡ nợ.

Giac mo nang luong mat troi cua An Do

 

Dẫu vậy, vấn đề mà Acme đối mặt là có nhiều yếu tố có thể đẩy tăng chi phí lên đáng kể. Thứ nhất, dù lượng ánh sáng mặt trời hằng năm tại Bhadla sẽ tương đối ổn định trong thời hạn hợp đồng 25 năm nhưng mức độ ô nhiễm trong tương lai ở đây lại là điều khó đoán. Một nghiên cứu mới đây cho thấy mức độ ô nhiễm không khí quá cao tại Ấn Độ đang làm giảm tới 25% khả năng tạo ra điện mặt trời, cao hơn nhiều so với dự kiến.

Thứ hai, chi phí tấm pin năng lượng mặt trời đã ngừng giảm trong 6 tháng qua, không những vậy còn bắt đầu tăng lên, từ 0,30 USD/watt lên tới khoảng 0,35 USD/watt, chủ yếu vì cả Mỹ lẫn Ấn Độ đang xem xét áp thuế chống bán phá giá đối với các tấm pin sản xuất tại Trung Quốc. Theo một nhà điều hành trong ngành, một động thái như thế sẽ đẩy tổng chi phí các dự án như Bhadla tăng thêm 20%.

Thứ ba, thuế hàng hóa và dịch vụ mới của Ấn Độ cũng đã đẩy cao chi phí của các dự án năng lượng mặt trời. Các vật liệu như thép và đồng, chẳng hạn, giờ chịu mức thuế 18%.  Một rủi ro rất lớn nữa là các công ty nhà nước thu mua điện từ các dự án năng lượng mặt trời có thể gặp khó khăn trong thanh toán khi bản thân họ đang nặng nợ và lợi nhuận lại teo tóp.

Cũng đang có những dấu hiệu cho thấy các ngân hàng đang lo lắng liệu các dự án năng lượng mặt trời có trả được nợ vay. Giám đốc một ngân hàng nước ngoài cho biết họ chỉ tài trợ vốn cho các dự án điện mặt trời Ấn Độ khi nào các công ty chứng minh họ có thể phát triển dự án với chi phí đưa ra.

Một số cũng lo ngại tác động có thể xảy ra cho nền kinh tế Ấn Độ nếu các ngân hàng vốn dĩ nặng nợ của nước này bị buộc phải gánh thêm hàng tỉ USD nợ xấu từ ngành năng lượng mặt trời, giữa lúc nền kinh tế đã chịu cú sốc từ chính sách hủy tiền giấy mệnh giá lớn và sự ra đời của thuế hàng hóa và dịch vụ mới. “Nếu các dự án gặp trục trặc, doanh nghiệp sẽ vỡ nợ và ngân hàng sẽ gánh chịu nợ xấu. Và ngành điện mặt trời có thể sẽ chững lại”, Sumant Sinha, CEO ReNew Power, lo ngại.


Đàm Hoa
Theo Nhipcaudautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục