6,5% là mục tiêu tăng trưởng năm 2017 được giới lãnh đạo Trung Quốc đặt ra tại đại hội đảng lần thứ 19, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Ấn Độ đặt tham vọng châu Phi, vượt mặt Trung Quốc?
- Cập nhật : 12/10/2017
Lo ngại Trung Quốc, chính phủ đương nhiệm Ấn Độ ngày càng xác định vai trò quan trọng của châu Phi.
Tuần qua, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đã đến châu Phi trong khuôn khổ chuyến thăm khu vực đầu tiên với vai trò tổng thống và điểm đến của ông là Djibouti và Ethiopia.
Chuyến công du diễn ra ngay sau khi Ấn Độ và Nhật Bản tuyên bố mục tiêu chiến lược của hai nước là kết nối châu Á với châu Phi tại hội nghị thượng đỉnh thường niên Ấn - Nhật lần thứ 12, tổ chức tại thành phố Gandhinagar của Ấn Độ hôm 14/9.
Ấn Độ từ lâu rất quan tâm đến việc mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi, lục địa mà New Delhi có mối quan hệ lịch sử và là nơi các cường quốc ngày nay đang tranh nhau ảnh hưởng.
Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết "châu Phi được chọn làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của tổng thống".
Điều này cho thấy tầm quan trọng của lục địa đen ngày càng được nhìn nhận bởi chính phủ đương nhiệm của Ấn Độ.
Thủ tướng Djibouti Kamil Mohamed (phải) đón Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind tại sân bay. Ảnh: Africa Times
Trong đó, Djibouti nổi lên là một quốc gia có vị trí chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương. Việc xây dựng căn cứ hải quân và cũng là căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc ở Djibouti đã tạo ra vô số lo ngại cho Ấn Độ.
Căn cứ này được xem là chiếc đòn bẩy để Trung Quốc giảm các giới hạn còn tồn tại trong chính sách ngoại giao toàn cầu của mình cũng như khẳng định hình ảnh của Trung Quốc tại châu Phi về mặt quân sự.
Chính phủ Trung Quốc xác nhận căn cứ trên đắt đầu được xây kể từ năm 2015. Đây sẽ là căn cứ hải quân đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài mặc dù Bắc Kinh ngoài mặt chính thức gọi đây là một cơ sở hậu cần. Hải quân Trung Quốc hôm 22/9 cũng vừa tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật đầu tiên tại căn cứ này.
Theo đánh giá của hãng tin Reuters, với vị trí chiến lược nằm ở rìa Tây Bắc của Ấn Độ Dương, Djibouti đã khiến Ấn Độ lo lắng khi quốc gia châu Phi này trở thành một phần mới trong chiến lược "chuỗi ngọc trai" của Bắc Kinh, bủa vây New Delhi từ nhiều phía, trong đó có Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka.
Đối với Ethiopia, Ấn Độ có mối quan hệ lâu đời với nước này và hiện vẫn là quốc gia được Ấn Độ ưu ái nhất tại châu Phi khi có đến hơn 540 công ty Ấn Độ đang hoạt động ở đây.
Cả Djibouti và Ethiopia được xem là “chìa khóa” cho kế hoạch tiếp cận châu Phi của Ấn Độ.
Hiện Ấn Độ đang đẩy mạnh phát triển mối quan hệ với châu Phi. Trong vài thập kỷ gần đây, trọng tâm của Ấn Độ chủ yếu tập trung vào việc xây dựng ảnh hưởng tại khu vực. Theo đó, New Delhi đã cung cấp cho châu Phi hơn 1 tỷ USD để hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân viên thuộc Chương trình Hợp tác Kinh tế Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC).
Ngoài ra, Ấn Độ còn cam kết chi 7,5 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Phi, với 137 dự án tại hơn 40 quốc gia. Ấn Độ cũng triển khai chương trình miễn thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm đến từ các nước kém phát triển nhất của châu Phi.
Khi tiếp cận châu Phi, rõ ràng Ấn Độ sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, quốc gia đã đi trước New Delhi trong việc đầu tư vào lục địa đen. Với chính sách viện trợ tài chính và quân sự cho các quốc gia châu Phi, Trung Quốc đang có ảnh hưởng mạnh mẽ tại lục địa này, đặc biệt là cũng đã kiếm lợi rất nhiều từ các nguồn tài nguyên và năng lượng của châu Phi.
Tuy nhiên, điểm sáng và là hy vọng của Ấn Độ khi là người đến sau đó chính là nhiều quốc gia châu Phi đã nhận ra vị đắng từ các khoản viện trợ và đầu tư của Bắc Kinh. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra với những cáo buộc rằng Trung Quốc đang thực hiện chính sách thực dân tại châu lục này.
Trong khi đó, các chuyên gia cho biết Ấn Độ xem châu Phi là một đối tác mang tính hợp tác và công bằng. Điều này có thể được thấy rõ trong tài liệu về sáng kiến Hành lang tăng trưởng Á - Phi (AAGC) được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra hồi giữa tháng 9.
AAGC được xem là một chiến lược đối trọng sáng kiến Một vành đai, một con đường (OBOR) của Trung Quốc. Mặc dù mang tầm cỡ ngang với chiến lược của Trung Quốc nhưng AAGC lại đặt các ưu tiên vào phát triển nông thôn, nông nghiệp, năng lượng, giáo dục, phát triển kỹ năng và cải thiện chất lượng sống tại châu Phi. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ muốn khai thác các tài nguyên ở châu lục này.
Hiện Ấn Độ vẫn cần thời gian để đo mức độ tín nhiệm của mình tại châu Phi.
An Nhiên
Theo Baodatviet.vn