Ukraine tuyên bố sẽ không thanh toán khoản nợ trị giá 3 tỷ USD có hạn chót vào cuối tuần này cho Nga. Động thái này đã khiến mâu thuẫn giữa hai nước thêm sâu sắc khi Moskva cho biết sẽ kiện Kiev ra tòa.
Sau 50 năm thành lập, sức mạnh kinh tế ASEAN ra sao?
- Cập nhật : 07/08/2017
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có nhiều điều để kỷ niệm cột mốc 50 năm ra đời: tiến bộ kinh tế - xã hội, vị thế khu vực sản xuất và mức ổn định chính trị tương đối.
Ra đời vào năm 1967 ở Bangkok (Thái Lan) với 5 thành viên sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, ASEAN đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hòa bình trong khu vực. Từ thời điểm đó, nhiều quốc gia đi từ nước nghèo, chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp sang các trung tâm sản xuất nhiều mặt hàng như ô tô và điện thoại di động.
Theo Bloomberg, nhiều thành viên của ASEAN, chẳng hạn như Philippines và Việt Nam, đang có tốc độ tăng trưởng trên 6%, thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Với tổng dân số hơn 620 triệu người, nền kinh tế 2.600 tỉ USD và tiềm năng đầu tư lớn, đến năm 2020, khu vực sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Dù vậy, mục tiêu hòa nhập của các nền kinh tế vẫn chưa đạt được. Doanh nghiệp ASEAN vẫn vấp phải nhiều hạn chế dù năm 2015, các nước đã ra kế hoạch chi tiết để loại bỏ rào cản thương mại, thành lập thị trường chung để hàng hóa, dịch vụ và lao động được tự do di chuyển.
Dưới đây là vài biểu đồ thể hiện sức phát triển của kinh tế ASEAN sau năm thập niên.
Triển vọng kinh tế
Tổng GDP ASEAN tăng vọt từ mức 37,6 tỉ USD năm 1970 lên 2.600 tỉ USD năm 2016, tương đương kích thước kinh tế Anh. Tăng trưởng ở khu vực được dự báo đạt 4,9% năm sau. Việt Nam, Myanmar và Philippines là những cái tên tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, theo BMI Research.
Thương mại
Nhiều thành viên lớn của ASEAN như Singapore phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và chu kỳ tăng trưởng toàn cầu. Đông Nam Á đã và đang nổi lên là ứng viên mạnh để thay thế sản xuất Trung Quốc nhờ chi phí lao động rẻ, nhu cầu trong nước gia tăng và cơ sở hạ tầng được cải thiện.
Song theo Capital Economics, thương mại giữa các thành viên ASEAN vẫn còn thấp nếu so với các khối nước khác, chẳng hạn như Liên minh châu Âu (EU). Thương mại nội khối ASEAN chiếm khoảng 1/5 tổng thương mại, trong khi thương mại nội khối EU chiếm hơn 60%. Rào cản phi thuế quan vẫn còn cao ở nhiều nước, đặc biệt là Indonesia.
Đầu tư
Nhiều thành viên ASEAN đang hưởng lợi từ tình trạng nhân khẩu học. Trong khi nhiều nơi như Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông có lực lượng lao động giảm từ năm 2015, Đông Nam Á vẫn có lực lượng lao động được dự báo tăng đến năm 2020, theo Nomura Holdings.
Triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực đang thu hút thêm đầu tư. Đơn cử, Coca-Cola đang mở rộng ở Việt Nam và Myanmar trong khi Apple đang xây dựng nhiều trung tâm nghiên cứu ở Indonesia.
Thu Thảo
Theo Thanhnien.vn