Trên thị trường vàng hiện nay có từ 3-8% lượng vàng không đủ tuổi, không đảm bảo chất lượng. Điều này thể hiện sự thiếu minh bạch trong công tác công bố chất lượng vàng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Tình hình nợ xấu ngân hàng ra sao trong 6 tháng đầu năm 2017?
- Cập nhật : 08/08/2017
Về giá trị tuyệt đối, tất cả 12 ngân hàng khảo sát đều có số nợ xấu gia tăng. Tuy vậy, nhờ đẩy mạnh tín dụng trong 6 tháng đầu năm nên chỉ có 5/12 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm...
Ảnh minh họa.
5/12 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng
Thống kê 12 ngân hàng đã công bố BCTC bán niên (bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, MBB, Eximbank, VIB, VPBank, Techcombank, NCB, SHB và Sacombank) cho thấy, tổng nợ xấu ở mức hơn 65,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm.
Về giá trị tuyệt đối, tất cả 12 ngân hàng khảo sát đều có số nợ xấu gia tăng. Tuy vậy, nhờ đẩy mạnh tín dụng trong 6 tháng đầu năm nên chỉ có 5/12 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm, bao gồm Vietinbank, ACB, VIB, Techcombank và NCB.
Trong khi đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 5,8%, lên gần 31,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 51,5% nợ xấu. 9/12 ngân hàng có tỷ lệ nhóm nợ này gia tăng bao gồm Vietcombank, BIDV, Eximbank, MB, SHB, VPBank, VIB, Techcombank và NCB.
Ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh nhất trong kỳ này chính là NCB. Cụ thể, tại ngày 30/6, NCB đang có hơn 608 tỷ đồng nợ xấu, tăng tới hơn 60% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng tới 51,7%, lên 309 tỷ đồng, chiếm 51% tổng nợ xấu trong khi nợ nghi ngờ tăng gấp 5,4 lần, lên hơn 121 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đến cuối quý II/2017 là 2,21% trên tổng dư nợ, so với mức 1,48% hồi đầu năm.
Techcombank cũng là một trong những ngân hàng có nợ xấu tăng khá mạnh với mức tăng từ hơn 2,2 nghìn tỷ lên 2,7 nghìn tỷ, tương đương mức tăng 20,9%. Nợ có khả năng mất vốn cũng tăng lên 1,5 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% so với đầu năm và chiếm 56,3% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hiện ở mức 2,06%, so với mức 1,58% hồi đầu năm.
Tương tự, con số nợ xấu của ngân hàng ACB đến hết quý II/2017 là hơn 2 nghìn tỷ đồng, tăng tới 41,2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,1%, trên tổng dư nợ tăng khá mạnh so với mức 0,87% hồi đầu năm.
BIDV hiện đang là nhà băng có số nợ xấu lớn nhất, với gần 15,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức gần 7 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 1,2% trong khi nợ nghi ngờ tăng tới 74,9%, lên 1,8 nghìn tỷ đồng. Tuy vậy, nhờ đẩy mạnh hoạt động tín dụng (tăng 11,56%) nên tỷ lệ nợ xấu lùi về mức 1,9%, từ mức 1,99% hồi đầu năm.
Tới cuối tháng 6, Vietinbank có hơn 8,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 26,4% so với đầu năm, chủ yếu tăng ở nợ nghi ngờ khi tăng tới hơn 420%, lên 4,2 nghìn tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn giảm nhẹ 9%, còn gần 3,5 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1,02% lên 1,17% trên tổng dư nợ.
Chi phí dự phòng tiếp tục là gánh nặng
Thống kê cho thấy, 7/12 ngân hàng tăng trích lập dự phòng cho 6 tháng đầu năm 2017 với tổng trích lập dự phòng của 12 ngân hàng đạt gần 23,6 nghìn tỷ đồng, tăng tới 27% so với cùng kỳ năm 2016.
ACB là ngân hàng tăng trích lập dự phòng mạnh nhất trong nhóm khảo sát khi dành tới hơn 966 tỷ đồng cho khoản này, chiếm 43% tổng lợi nhuận thuần và gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước. Tại MB, con số này là hơn 1,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với mức 582 tỷ đồng trích lập cùng kỳ năm trước.
Xét về con số tuyệt đối, BIDV hiện đang là nhà băng trích lập dự phòng lớn nhất với việc dành tới hơn 6,2 nghìn tỷ đồng cho việc trích lập, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 62,6% tổng lợi nhuận thuần.
Tương tự, Vietinbank cũng trích lập hơn 4,8 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng tới 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này tại Vietcombank là 3 nghìn tỷ đồng.
Dù con số trích lập dự phòng vẫn chiếm một khoản tương đối lớn trên bản báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, một điều đáng mừng là lợi nhuận của đa số nhà băng đều chứng kiến sự tăng trưởng so với năm trước.
Trong nhóm khảo sát, ngoại trừ NCB, các ngân hàng khác đều có lợi nhuận tăng trưởng từ 10 đến vài chục % so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Sacombank là nhà băng có sự “lột xác” mạnh mẽ nhất khi báo lãi lên tới hơn 578 tỷ đồng, gấp gần 27 lần so với con số vỏn vẹn hơn 21 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Ba “ông lớn” là Vietcombank, Vietinbank và BIDV tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá tốt là 22,8%, 12,7% và 11%.
TRẦN THÚY
Theo Bizlive.vn