Các cá nhân, hộ gia đình nếu doanh thu sản xuất, kinh doanh hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống không phải nộp lệ phí môn bài.
Góc nhìn: Biến thể mới của 'khối u nợ xấu'
- Cập nhật : 09/06/2017
Khối u nợ xấu đã chuyển sang một dạng biến thể mới, trong khi một chính sách đủ tầm và đủ mạnh vẫn còn thai nghén sau hơn 5 năm đã trôi qua.
Tổng dư nợ tín dụng ngân hàng cũng như cái bánh GDP danh nghĩa đã to hơn đáng kể sau 5 năm, giúp tỉ lệ nợ xấu loãng bớt.
Trước tiên, cần khẳng định: nợ xấu là một phạm trù luôn tồn tại song hành cùng hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Nợ xấu chỉ trở thành vấn đề buộc Chính phủ và toàn hệ thống chính trị phải bắt tay cùng xử lý khi quy mô và mức độ nghiêm trọng của nó đã vượt quá phạm vi và năng lực giải quyết của từng ngân hàng đơn lẻ, thậm chí một ngành ngân hàng - tức rủi ro mang tính hệ thống đã ở mức độ cao, đe dọa gây khủng hoảng ngân hàng và kéo cả nền kinh tế chìm theo.
Nguy cơ như thế thực sự đã hiện hữu vào tầm cuối năm 2011 khi mà khối u nợ xấu tích tụ từ những năm trước đó, bị bục ra.
Lẽ ra ngay khi đó, hệ thống chính trị đã phải vào cuộc một cách dứt khoát, mạnh mẽ và quyết liệt để ngăn chặn, chí ít làm giảm nhẹ hậu quả mà khối nợ xấu gây ra. Tuy nhiên, ở vào giai đoạn đó, nhận thức toàn hệ thống chưa thống nhất và xu hướng chính trị chưa thích hợp để làm vậy.
Hơn 5 năm tiếp theo đã trôi qua. Khối u nợ xấu đã chuyển sang một dạng biến thể mới. Con bệnh thay vì cần được chữa trị theo một phác đồ thực sự tích cực, đã chỉ được gây tê, gây mê cục bộ bởi cơ chế bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và cách các ngân hàng phải thắt lưng buộc bụng, tăng cường trích lập quỹ để bù đắp dần nợ xấu, kéo theo toàn xã hội cùng chịu thiệt hại.
Bằng chứng cho nhận định này là con số nợ xấu và nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu cần xử lý tới cuối năm 2016 được Ngân hàng Nhà nước mới công bố vẫn còn rất lớn, khoảng 600 nghìn tỉ đồng, chiếm 10,08% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Nó vẫn không khác quá nhiều so với con số nợ xấu cỡ nửa triệu tỉ đồng, chiếm tới cỡ trên 17% GDP xét tại thời điểm cuối tháng 3/2012 (số vẫn do Ngân hàng Nhà nước sau này công bố).
Tất nhiên, chúng ta hiểu là tổng dư nợ tín dụng ngân hàng cũng như cái bánh GDP danh nghĩa đã to hơn đáng kể sau 5 năm, giúp tỉ lệ nợ xấu loãng bớt.
Như vậy, theo người viết, tính cấp thiết của việc cần phải ban hành một nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã rất rõ ràng, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội và môi trường pháp lý hiện tại.
Và để có một khung pháp lý đầy đủ hơn, đồng bộ hơn, Quốc hội sẽ xem xét việc thông qua tiếp Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng trong kỳ họp tiếp theo. Tất nhiên, việc hoàn thiện khung khổ pháp luật nói chung cho tổng thể hoạt động tiền tệ - ngân hàng vẫn còn là câu chuyện của thì trung dài hạn.
Xin lưu ý là đống tiền đang và gần như “đắp chiếu” kia phần lớn là từ nguồn tiền gửi của dân. Khi quy mô và mức độ nghiêm trọng của nợ xấu đủ lớn, hậu quả của nó thực sự ghê gớm, bắt toàn xã hội cùng gánh chịu, từ người dân, doanh nghiệp, ngân hàng tới Chính phủ (ngân sách nhà nước), không từ bất kỳ ai.
Và cũng cần thiết phải nhấn mạnh rằng ở một nền kinh tế chuyển đổi và mới nổi như chúng ta, nơi vẫn còn sâu đậm dấu ấn cấu trúc kinh tế của thời bao cấp, nơi môi trường thể chế liên tục phải thay đổi, cải tiến để dần hoàn thiện, nơi có mức độ dễ tổn thương cao trước các cú sốc bất lợi từ bên ngoài, nơi văn hóa “tín dụng chính sách” và “tín dụng chỉ định” (phi thị trường) vẫn khá thịnh hành, nơi năng lực chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp ngân hàng còn ở đẳng cấp trung bình - thấp, thì thực trạng nợ xấu ngân hàng ngày nay là không quá khó hiểu.
Tóm lại, cần nhấn mạnh một nghịch lý hay một vấn nạn, thậm chí có thể gọi là quốc nạn đang hiện hữu trong đời sống kinh tế - xã hội nước ta, đó là: nhiều ngân hàng đang là “con tin” của các con nợ lớn.
Tương tự như vậy, nền kinh tế mới nổi phụ thuộc nặng nề vào nguồn vốn tín dụng như Việt Nam, bất đắc dĩ cũng đang trở thành “con tin” của ngành ngân hàng.
Song song với xử lý nợ xấu, việc nghiêm trị các cá nhân, tập thể có hành vi cố ý phạm luật để gây ra hậu quả nợ xấu nghiêm trọng là một việc khác, vẫn phải được tiến hành theo luật pháp hiện hành.
Theo VnEconomy