Ông Dương Công Minh được bầu làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất.
World Bank đề xuất 4 trụ cột xử lý nợ xấu
- Cập nhật : 31/05/2017
Các chuyên gia của WB cho rằng, quản lý nợ xấu là vấn đề phức tạp, có nhiều bên liên quan.
Ảnh minh họa.
Trong đó, cơ quan giám sát an toàn quy định về dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng vốn vay, xác định nợ xấu, chuyển đổi nợ xấu thành nợ tốt, chỉ tiêu xử lý nợ xấu theo ngân hàng, các khái niệm về trì hoãn nợ.
Tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây, bà Ceyla Pazabassiouglu - Giám đốc cấp cao về Tài chính và Thị trường toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) và các thành viên đoàn công tác đã giới thiệu các nội dung liên quan tới lĩnh vực xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng.
Theo đó, công tác quản lý và giải quyết nợ xấu của ngân hàng được chia ra theo các giai đoạn sau: Cảnh báo nợ xấu; Xác định nợ xấu và trích lập dự phòng để xứ lý nợ xấu; Phân loại, sắp xếp ưu tiên xử lý nợ xấu, can thiệp có mục đích của cơ quan quản lý.
Đối với chính sách của khu vực công về quản lý và xử lý nợ xấu phải tạo môi trường thuận lợi cho công tác quản lý và xử lý nợ xấu, phải có quy định chặt chẽ về an toàn hoạt động đối với các TCTD, hướng dẫn biện pháp giám sát đối với nợ xấu.
Chính sách của khu vực công can thiệp trực tiếp trong trường hợp cần thiết để tăng cường quản lý và xử lý nợ xấu. Nợ xấu phải được ghi nhận đầy đủ và kịp thời, phải được phân loại chính xác, từ đó xác định biện pháp và mục đích quản lý và xử lý nợ xấu phù hợp.
Các chuyên gia của WB cho rằng, quản lý nợ xấu là vấn đề phức tạp, có nhiều bên liên quan. Trong đó, cơ quan giám sát an toàn quy định về dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng vốn vay, xác định nợ xấu, chuyển đổi nợ xấu thành nợ tốt, chỉ tiêu xử lý nợ xấu theo ngân hàng, các khái niệm về trì hoãn nợ.
Các cơ quan liên quan tới quản lý và xử lý nợ xấu bao gồm: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kinh tế và đầu tư, các ngân hàng, cơ quan thuế, đơn vị kiểm toán...
Nếu nợ xấu không được xử lý đầy đủ, nền kinh tế sẽ bị đình trệ, suy giảm tín dụng, các NHTM hoạt động không hiệu quả, có thể dẫn tới mất khả năng thanh khoản và đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống ngân hàng.
Do vậy, cần thiết phải có sự hợp tác trong khu vực công trong việc đẩy mạnh quản lý và xử lý nợ xấu.
Nhận xét về việc xử lý nợ xấu tại Việt Nam, đoàn công tác của WB cho rằng, vấn đề giải quyết nợ xấu tại Việt Nam đòi hỏi phải triển khai toàn diện trong thời gian dài.
Đoàn công tác WB đề xuất 4 trụ cột chính nhằm hỗ trợ xử lý nợ xấu đối với Việt Nam, cụ thể là các trụ cột: Hiện đại hóa khu vực tài chính; Củng cố quy định và giám sát ngân hàng; Tái cơ cấu và xử lý các ngân hàng và tài sản dưới chuẩn; Củng cố giám sát an toàn vĩ mô. Các trụ cột này đều cần thiết và hỗ trợ lẫn nhau nhằm góp phần đem lại giải pháp toàn diện về xử lý nợ xấu.
Việt Nam cần phải xây dựng chính sách, Chính phủ, Quốc hội cần vào cuộc mạnh mẽ để bảo đảm cho sự thành công của kế hoạch xử lý nợ xấu và tái cơ cấu tổ chức tín dụng.
Đoàn công tác của WB cho biết, để giúp Việt Nam xử lý nợ xấu, WB đã thiết kế chương trình hợp tác kỹ thuật 4 năm cho Việt Nam và đang tiến hành thảo luận với các nhà tài trợ về nguồn vốn cho chương trình này.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cảm ơn sự chia sẻ kinh nghiệm hữu ích của các chuyên gia về xử lý nợ xấu. Phó Thống đốc cho biết, Chính phủ Việt Nam và NHNN rất quan tâm trong chỉ đạo, điều hành về xử lý nợ xấu.
Năm 2012, Chính phủ đã có các văn bản quan trọng về xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng, NHNN đã tích cực triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
NHNN đã tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình triển khai xử lý nợ xấu và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Từ đó, xác định và lựa chọn mô hình xử lý nợ xấu phù hợp với đặc điểm và điều kiện của Việt Nam.
Đồng thời, tăng cường học hỏi kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế và tiếp thu, chọn lọc để đưa vào thực tiễn triển khai nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng. Do vậy, NHNN rất cần tư vấn, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật của WB cho ngành Ngân hàng để hoàn thành mục tiêu thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
LINH LINH
Theo Bizlive.vn