Cơ quan kiểm toán phát hiện nhiều địa phương buông lỏng trong chấp hành kỷ luật ngân sách. Các giải pháp khắc phục tình trạng này ra sao?
Ngân hàng nên xử lý nợ xấu ra sao trong thời gian tới?
- Cập nhật : 03/05/2017
Có nhiều lý do để các ngân hàng phải tính cách thức xử lý nợ xấu chủ động một cách mạnh mẽ trong năm nay.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã được kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.
Nhìn chung,việc xử lý nợ xấu của hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, nhưng pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập; Thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động. Do đó, các ngân hàng đòi hỏi cần tiếp tục và sớm có giải pháp xử lý quyết liệt trong thời gian tới để không tác động xấu đến an toàn hệ thống và bảo đảm thực hiện được các chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng đã đề ra.
Thời gian qua, NHNN đã có nhiều giải pháp được ban hành để hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu. Như năm 2012, NHNN đã có văn bản cho phép các ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ của các doanh nghiệp tạm thời khó khăn, mà theo đánh giá của ngân hàng là có khả năng phục hồi và phát triển. Năm 2013, NHNN đã trình Chính phủ cho ra đời VAMC. Ở thời điểm đó, VAMC thực hiện nhiệm vụ mua nợ xấu của NHTM nhằm 2 mục đích, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa tháo gỡ cho các ngân hàng.
Có 3 giải pháp chính mà các ngân hàng cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới nhằm giúp giải quyết tích cực số lượng nợ xấu còn tồn đọng và số đang phát sinh thêm:
Các ngân hàng tăng cường tự xử lý nợ xấu
Tính đến thời điểm này, đã có 2 ngân hàng mua lại nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và một số ngân hàng cũng đang dự kiến sẽ mua lại các khoản nợ xấu đã bán trong năm nay để làm sạch danh mục nợ xấu tại VAMC.
Theo đó, Vietcombank đã mua lại toàn bộ hơn 4.300 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC để tự xử lý bằng nguồn lực tài chính của mình, vượt 3 năm so với kế hoạch đề ra, trở thành ngân hàng đầu tiên sạch nợ tại VAMC. Sau đó, ngân hàng VIB cũng đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, thể hiện việc ngân hàng này cũng đã mua lại 1.336 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC để thực hiện các biện pháp thu hồi và xử lý, nhờ đó, dư nợ tại VAMC của VIB đã giảm 30%.
Ngoài 2 ngân hàng trên, nhiều NHTM khác cũng xác định nhiệm vụ tự thân đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu. Cụ thể, SCB đã xử lý, thu hồi được hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu, giảm đáng kể tổng nợ mà ngân hàng này đã bán cho VAMC từ mức 17.000 tỷ đồng xuống còn 14.000 tỷ đồng cuối năm 2016. Hay ngân hàng OCB cũng dự định làm sạch danh mục nợ xấu bán cho VAMC trong năm 2017 và đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 1%.
Có nhiều lý do để các ngân hàng phải tính cách thức xử lý nợ xấu chủ động một cách mạnh mẽ trong năm nay. Trong đó, nguyên nhân chính phải kể đến là một số ngân hàng đã giảm được tỷ lệ nợ xấu nội bảng, hoạt động kinh doanh ghi nhận lợi nhuận tốt hơn trong năm 2016 và kế hoạch lợi nhuận tăng cao hơn trong năm 2017, gíup trích lập quỹ dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản nợ xấu. Thị trường bất động sản đang ấm dần lên ở nhiều phân khúc kể từ năm 2015 cho đến nay cũng là một nguyên nhân, đặc biệt là phân khúc đất nền không chỉ trong khu vực nội thành mà còn ở các tỉnh xung quanh TP.HCM, Hà Nội… tạo cơ hội tốt trong việc xử lý tài sản đảm bảo bằng bất động sản- đây là tài sản thế chấp cho phần lớn các khoản nợ xấu tại các ngân hàng. Từ đó, các ngân hàng có đủ tiềm lực để quay trở lại mua khoản nợ xấu đã bán cho VAMC và đây là một tín hiệu đáng mừng đối với quá trình xử lý nợ của hệ thống ngân hàng.
Tính đến thời điểm giữa tháng 3/2017, sau 3 năm rưỡi hoạt động, VAMC đã mua tổng cộng được 25.631 khoản nợ xấu tại 42 tổ chức tín dụng tại Việt Nam, với tổng dư nợ gốc 282.124 tỷ đồng, giá mua nợ là 245.672 tỷ đồng, thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt. Tuy nhiên, VAMC chỉ mới thu hồi nợ được 50.165 tỷ đồng bằng nhiều hình thức bán nợ, bán tài sản bảo đảm, đạt tỷ lệ 17,6% so với tổng dư nợ gốc và dự kiến trong 4 năm tới sẽ xử lý thêm được 150.000 tỷ đồng nợ xấu.
Việc chậm thu hồi nợ xấu từ VAMC xuất phát từ các nguyên nhân cơ bản như: việc bỏ quyền thu giữ tài sản đảm bảo trong Bộ luật dân sự 2015, VAMC không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất theo Luật đất đai 2013, VAMC không có quyền xử lý tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm bị kê biên của bên phải thi hành án đang thế chấp/cầm cố tại ngân hàng đảm bảo cho khoản vay theo Luật thi hành án dân sự 2008… Cho nên, đây được xem là các số liệu khá khiêm tốn so với sự kỳ vọng của các ngân hàng khi bán nợ cho công ty này. Hơn nữa, tuy đã bán nợ cho VAMC, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng ở mức 20% đối với mệnh giá trái phiếu trong vòng 5 năm (chỉ trừ vài trường hợp đặc biệt là được trích lập dự phòng ở mức 10%). Do đó, các ngân hàng nên nỗ lực tăng cường để tự xử lý các khoản nợ xấu của mình trong thời gian tới vẫn được xem là giải pháp tối ưu hiện nay.
Bán lại nợ xấu theo giá thị trường
VAMC đang thực hiện thí điểm việc mua nợ xấu theo giá trị thị trường và đang từng bước triển khai các công việc cụ thể như đánh giá thực trạng khoản nợ để xem xét hiệu quả việc mua nợ theo giá thị trường, tìm kiếm đối tác mua nợ, đàm phán với các ngân hàng để thống nhất phương án triển khai.
Ví dụ như ngân hàng bán cho VAMC một khoản nợ 100 tỷ đồng gốc và 20 tỷ đồng lãi phát sinh, tổng cộng 120 tỷ đồng, với giá 30-50 tỷ đồng. Khi mua rồi, VAMC có quyền đòi khách hàng nợ 120 tỷ đồng (và sẽ hoàn trả toàn bộ tài sản thế chấp cho khách hàng trong trường hợp đòi được), chứ không phải khách hàng được quyền trốn nợ.
Sau đó, VAMC sẽ bán lại khoản nợ ấy kèm tài sản đảm bảo theo giá thị trường. Cách thức bán cơ bản là đấu giá công khai trên nguyên tắc giá bán cao hơn giá mua. Người mua lại nợ kèm tài sản thế chấp từ VAMC, đến lượt mình, được hưởng quyền đòi nợ từ con nợ. VAMC, người mua nợ và ngân hàng bán nợ cùng phối hợp với nhau có trách nhiệm theo dõi khoản nợ và yêu cầu bên nợ tiếp tục thực hiện việc trả nợ.
Như vậy, tổ chức hay cá nhân mua lại nợ từ VAMC đứng trước hai khả năng: hoặc bán được nợ cho người mua mới với giá cao hơn (có lời), thấp hơn (bị lỗ); hoặc đòi được toàn bộ hoặc một phần khoản nợ gốc và lãi tùy vào khả năng trả nợ của “con nợ”.
Tiếp tục phối hợp với VAMC tiếp tục xử lý các khoản nợ đã bán
Cho đến nay mới chỉ có ngân hàng VCB đã mua lại hoàn toàn các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đó. Một số ngân hàng tương tự đang lên kế hoạch mua lại các khoản nợ đã bán cho công ty này trong năm nay tuỳ theo tình hình tài chính và kế hoạch riêng của từng ngân hàng. Do đó, trong năm nay sẽ còn nhiều ngân hàng vẫn duy trì các khoản nợ xấu đã bán tại VAMC và tiếp tục phối hợp để giải quyết cho hiệu quả.
Việc xử lý nợ xấu tại VAMC cũng đang gặp nhiều khó khăn và đã khiến cho tốc độ xử lý nợ tại đây rất chậm trong thời gian vừa qua. NHNN đã tập hợp hàng loạt các khó khăn, vướng mắc về pháp lý trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu của VAMC và tại các ngân hàng và đã đưa vào Dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Trong Dự thảo luật lần này sẽ được trình trước Quốc hội đã bao gồm các quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ khi các quy định cũ đã còn nhiều bất cập làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ như vướng mắc về thu giữ tài sản, về quyền nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; về phí thi hành án, về kê biên tài sản bảo đảm ...
Do đó, với các sự khơi thông trong việc xử lý nợ xấu bằng sự thay đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật sắp tới, ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với VAMC và khách hàng để tiếp tục tích cực xử lý hiệu quả và nhanh chóng hơn nữa các khoản nợ đang tồn đọng không chỉ tại VAMC mà còn đang nằm trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng.
Theo Trí thức trẻ/CafeF