Tỷ giá các ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank
Tết này có 'loạn' đổi tiền?
- Cập nhật : 26/01/2016
(Tai chinh)
Chủ trương không in tiền lẻ, cấm đổi tiền lẻ ăn chênh lệch vào dịp tết của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dần đi vào cuộc sống. Ban quản lý (BQL) các khu di tích, đền chùa đều mong sớm không còn cảnh “vật vã” thu gom, thuê máy sàng lọc phân loại tiền xu, kiểm đếm sau mỗi mùa lễ hội.
Cử 20 người đếm tiền lẻ
Sáng 19/1 tại Phủ Tây Hồ (Tây Hồ, Hà Nội), dọc đường vào phủ, hàng chục quầy đổi tiền lẻ với đủ mệnh giá bày la liệt. Thấy khách vào phủ, chủ cửa hàng chào mời, chèo kéo đổi tiền. Tiền lẻ mệnh giá 500 đồng được báo giá 10 ăn 7 (đổi 100.000 đồng được 70.000 đồng); tiền 1.000 đồng là 10 “ăn 8” (đổi 100.000 đồng được 80.000 đồng); tiền 2.000 đồng và 5.000 đồng “ăn 7,5” ( đổi 10.000 đồng được 75.000 đồng).
Bước qua cổng, đập vào mắt khách lễ chùa là 5 bàn để đổi tiền, bán vé số nằm chình ình giữa sân Phủ Tây Hồ. Trên bàn, các tệp tiền lẻ dày cục nằm lăn lóc. Khu vực gian hàng sắp lễ, bày lễ, viết sớ, từng cọc tiền lẻ đặt trên bàn sẵn sàng đổi cho khách.
Việc đổi tiền lẻ lấy chênh lệch, chúng tôi chủ yếu nhắc nhở, chứ chưa phạt. Hi vọng với chính sách không in tiền lẻ sẽ giúp người dân thay đổi thói quen rải tiền lẻ gây phản cảm và lãng phí ở các đền chùa.
Ông Nguyễn Thành Lập - Đại diện BQL - đền Bà Chúa kho
Tại chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cùng thời điểm, không còn cảnh người người bê mâm tiền lẻ chèo kéo như mọi năm, dịch vụ đổi tiền lẻ lén lút hơn trước. Những cọc tiền lẻ để lẫn giữa khay vàng hương, bánh kẹo. Khi khách có nhu cầu đổi tiền lẻ, chủ cửa hàng đem tất cả các loại tiền với đủ mệnh giá từ trong cửa hàng.
“Mấy năm nay, việc đổi tiền lẻ lấy chênh lệch bị cấm, chị không dám bày tràn lan. Công an thấy là bắt phạt liền. Em cần bao nhiêu tiền, mệnh giá nào cũng có”, chị Linh - một chủ quầy bán vàng hương tại cổng chùa Hà cho biết.
Theo ông Nguyễn Minh Kham, Trưởng BQL chùa Hà, cứ đến dịp tết, người dân đi lễ rải tiền lẻ khắp các ban thờ, thậm chí giắt lên cây cảnh, lọ hoa, BQL rất vất vả trong việc thu gom, kiểm đếm. Hết mùa lễ tết, mỗi ngày BQL cử 20 người ngồi sắp xếp, phân loại tiền rồi cho vào máy đếm, phải mất từ 7-10 ngày mới xong. Tránh việc người dân rải tiền lẻ, BQL chùa cử người nhắc nhở, tuyên truyền người dân, không rải tiền lẻ khắp nơi, chỉ đặt vào một hoặc 2 ban thờ chính. Để người dân không phải chịu thiệt, vào ngày rằm, mùng 1, BQL chùa Hà tổ chức đổi tiền lẻ trong chùa cho người dân, không lấy chênh lệch.
“Đáng ra định cúng Phật 10 đồng nhưng đi đổi tiền lẻ chỉ còn 8 đồng, người dân có bao nhiêu cứ cho vào hòm công đức sẽ đỡ thất thoát, nhà đền cũng đỡ mất công thu dọn”, ông Kham nói.
Đền Bà chúa kho giảm mạnh
Tại Cụm di tích đền Bà Chúa kho (Bắc Ninh), không còn cảnh bày tiền lẻ tràn lan. Thấy khách lạ, một người bán vàng hương nhanh nhảu gọi: “Đổi tiền lẻ không em ơi. Tiền 1.000 đồng, 10.000 lấy 8.000 đồng”. Khi nhìn thấy đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng, chủ quầy đổi tiền lẻ vội vàng bê mâm tiền chạy khuất sau cửa hàng cất giấu. Tại các ban thờ thuộc đền Bà Chúa kho, số lượng tiền lẻ bày lên mâm hoa quả tạ lễ ít hơn trước kia.
Ông Nguyễn Thành Lập, Trưởng BQL cụm di tích đền Bà Chúa kho cho biết, những năm gần đây, số lượng tiền lẻ người dân rải ở đền giảm nhiều so với trước kia. Trong khuôn viên đền, BQL đặt biển báo cấm đổi tiền lẻ lấy chênh lệch, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, đồng thời kiểm tra nhắc nhở các hộ kinh doanh đổi tiền lẻ. Ở mỗi ban thờ, BQL cử người túc trực nhắc nhở người dân cho tiền vào hộp giọt dầu, không đặt lên ban thờ, cắm lên lọ hoa.
“Người dân có tâm đến chùa thắp hương lễ bái các vị anh hùng, người có công với đất nước, để tiền một chỗ hay nhiều chỗ như nhau, không nhất thiết phải thả tiền ở tất cả mọi nơi. Việc đặt vào hòm công đức không có sự khác biệt với đặt trên bàn thờ, là nét văn minh. Nhà đền không mất nhiều công thu gom, phân loại, kiểm đếm”, ông Lập nói.
Mong không phải thuê máy về đếm tiền
Đại diện BQL đền Bà Chúa kho cho biết những năm trước, vào dịp đầu và cuối năm, làm không xuể công việc. Mỗi ngày mất cả tiếng để mở hòm công đức, thu gom tiền. Sau đó, nhờ các ngân hàng cử nhân viên mang máy đến kiểm đếm tiền. BQL thành lập bộ phận chuyên thu gom, phân loại sau đó gửi vào NHNN.
Theo Trưởng BQL đền Bà Chúa kho, những năm trước khi tiền xu còn phổ biến, nhà đền phải thuê máy sàng lọc để phân loại từng mệnh giá, vì làm thủ công không thể hết. BQL chỉ nhắc nhở người dân đến lễ và người đổi tiền lẻ. “Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng hạn chế dần lượng tiền lẻ để đỡ lãng phí công sức thu gom, kiểm đếm”, ông Lập nói.
Bà Đào Thị Phượng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Bắc Ninh cho biết, với đặc trưng tỉnh có nhiều khu di tích, đền chùa, việc thu gom, kiểm đếm tiền mệnh giá nhỏ (dưới 5.000 đồng) rất vất vả. “Trước kia, sau mỗi mùa lễ hội, ùn ùn từng xe chở bao tải tiền lẻ gửi vào NHNN. Có thời điểm, kho của NHNN chật cứng tiền lẻ”, bà Phượng nói.
Theo NHNN chi nhánh Bắc Ninh, với chính sách không in tiền lẻ mới vài năm trở lại đây, số lượng tiền lẻ đổ về ngân hàng sau lễ tết giảm rất nhiều. Để hạn chế việc đổi tiền lẻ, cán bộ NHNN phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, yêu cầu người đổi tiền lẻ ký cam kết không vi phạm. Nếu vi phạm sẽ xử phạt theo quy định pháp luật.