Rất nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, Chính phủ Việt Nam sẽ đặt ra mục tiêu nâng xếp hạng quốc gia lên mức “Đầu tư” trong vòng 10 năm tới và hợp tác tích cực hơn với các tổ chức xếp hạng để đặt ra một lộ trình cụ thể cho mục tiêu này.
Những điều người dân cần biết về vàng miếng một chữ để tránh thiệt hại
- Cập nhật : 27/01/2016
(Tai chinh)
Vàng miếng SJC một chữ và hai chữ đều có chất lượng như nhau, được lưu thông bình thường, không có sự phân biệt. Hoạt động sản xuất vàng miếng là độc quyền của Nhà nước, không phải là độc quyền doanh nghiệp…
Chỉ trong vòng 1 tháng, SJC đã hai lần tạm ngưng mua vàng miếng SJC loại một ký tự chữ và vàng móp méo khiến cho nhiều người dân sở hữu vàng miếng SJC lo lắng, đứng ngồi không yên. Nhiều trường hợp tích cóp nhiều năm có một ít vàng cần bán để chi tiêu gấp cũng không bán được, ngay cả khi tìm đến trụ sở Công ty SJC.
Vậy vì sao vàng SJC loại một chữ lại bị “phân biệt đối xử” và quyền lợi của người giữ vàng trong trường hợp này có được bảo vệ?
Vàng “một chữ” khác gì “hai chữ”?
Căn cứ Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và các quy định khác của pháp luật, Nhà nước đều công nhận quyền nắm giữ, mua, bán tất cả các loại vàng miếng hợp pháp của người dân, không có sự phân biệt đối xử và không hạn chế lưu thông các loại vàng miếng đã từng được NHNN cấp phép sản xuất.
Do vậy, vàng miếng SJC một chữ hay vàng miếng SJC hai chữ đều được được lưu thông bình thường như tất cả các loại vàng miếng.
Vàng miếng SJC một chữ là những mẫu mã, sản phẩm vàng miếng SJC có 1 ký tự chữ trước dãy số sêri, do Công ty SJC đã sản xuất giai đoạn từ năm 1992 đến năm 1996. Theo Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa và các quy định khác của pháp luật có liên quan, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm do công ty đã sản xuất.
NHNN và bản thân công ty SJC đã khẳng định trước công luận vàng miếng SJC một chữ và vàng miếng SJC hai chữ đều có chất lượng như nhau, đều được Nhà nước công nhận và được lưu thông bình thường, không có sự phân biệt.
Vì sao SJC dừng mua vàng miếng “một chữ”?
Vừa qua, có một số thông tin cho rằng xảy ra hiện tượng Công ty SJC dừng thu mua vàng miếng SJC một chữ số trong vài ngày là do sự chậm trễ trong việc cấp hạn mức gia công lại vàng miếng SJC móp méo.
Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN, đầu năm 2016, Công ty SJC có đề nghị NHNN cấp hạn mức cho Công ty được gia công vàng miếng SJC móp méo thành vàng miếng SJC trong năm 2016.
Căn cứ quy định tại Quyết định 1623/QĐ-NHNN ngày 23/8/2012 về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN, NHNN đã phối hợp với NHNN chi nhánh TP.HCM triển khai các bước cần thiết để đảm bảo việc cấp hạn mức được thực hiện một cách chặt chẽ và đảm bảo đúng qui trình.
Ngày 11/1/2016, NHNN đã có văn bản chấp thuận cho Công ty SJC được gia công vàng miếng SJC móp méo thành vàng miếng SJC với hạn mức 30.000 lượng trong 6 tháng đầu năm 2016. Cùng ngày, NHNN đã có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giám sát chặt chẽ quá trình gia công lại vàng miếng SJC móp méo thành vàng miếng SJC tại Công ty SJC theo đúng quy định hiện hành.
Việc cấp hạn mức gia công lại vàng miếng SJC móp méo được thực hiện hàng năm trên cơ sở nhu cầu thực tế của thị trường.
NHNN cũng đã đề nghị Công ty SJC cần chủ động hơn nữa trong việc dự báo nhu cầu của thị trường để đảm bảo không xảy ra tình trạng như những ngày vừa qua.
NHNN chỉ thuê SJC gia công vàng miếng
Đại diện NHNN cho biết, từ trước đến nay, nhiều người vẫn lầm tưởng Công ty SJC độc quyền sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động sản xuất vàng miếng là độc quyền của Nhà nước, không phải là độc quyền doanh nghiệp.
Khoản 3 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã quy định rõ “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”. Sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành, việc sản xuất vàng miếng là do Nhà nước thông qua NHNN độc quyền tổ chức thực hiện, không có tổ chức, cá nhân nào được sản xuất vàng miếng, kể cả Công ty SJC.
Trước đây, cả nước có đến 8 TCTD và doanh nghiệp được cấp phép sản xuất vàng miếng, tuy nhiên, thương hiệu vàng miếng SJC đã được thị trường lựa chọn là thương hiệu uy tín và chất lượng cao nhất, chiếm trên 90% thị phần. Do đó, trên cơ sở quy luật của thị trường và để tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và cho xã hội, Nhà nước thông qua NHNN đã thuê Công ty SJC gia công vàng miếng cho NHNN.
Ông Cảnh cho biết công ty SJC không được tiếp tục sản xuất vàng miếng mà chỉ được gia công vàng miếng SJC 99,99% theo chỉ đạo của NHNN về hạn mức, thời điểm và nguồn vàng nguyên liệu để gia công vàng miếng.
Đồng thời, NHNN kiểm soát tuyệt đối hoạt động gia công vàng miếng của Công ty SJC (như niêm phong khuôn, máy dập, có tổ giám sát tại SJC trong suốt quá trình gia công, kiểm định đầu vào và đầu ra chặt chẽ). Công ty SJC chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và thực hiện việc hậu mãi sản phẩm vàng miếng do công ty sản xuất, gia công.
“Do vậy, việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng là hoàn toàn phù hợp, đảm bảo mục tiêu của Đảng và Chính phủ là tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng, làm suy giảm sức hấp dẫn của vàng miếng”, vị đại diện NHNN khẳng định.
Người dân cần làm gì?
NHNN cho biết theo các quy định của pháp luật hiện hành, Công ty SJC phải chịu trách nhiệm bảo hành sản phẩm vàng miếng do công ty đã sản xuất.
Ngay sau khi xảy ra tình trạng như trên, NHNN đã yêu cầu Công ty SJC tiếp tục thực hiện thu mua vàng miếng SJC một chữ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo NHNN chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương chỉ đạo và giám sát chặt chẽ việc thu mua, vàng miếng của Công ty SJC trên địa bàn.
Đến nay, hoạt động thu mua vàng miếng SJC một chữ đã diễn ra bình thường. Như Công ty SJC đã khuyến cáo, gười dân đang nắm giữ vàng miếng SJC một chữ, nếu có nhu cầu bán hoặc chuyển đổi sang vàng miếng SJC hai chữ, nên đến giao dịch tại các địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng của Công ty SJC để tránh thiệt hại không đáng có.