tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tín dụng tăng bao nhiêu thì hợp lý?

  • Cập nhật : 14/12/2015

(Tai chinh)

Theo một chuyên gia NH, tăng tín dụng bao nhiêu cũng chỉ là mục tiêu định hướng trong điều hành của NHNN đưa ra hàng năm. Tuy nhiên, định hướng mức nào NHNN chắc chắn phải dựa trên các chỉ số vĩ mô của Chính phủ, để vừa đảm bảo tăng trưởng vừa kiểm soát được lạm phát.

Tăng trưởng tín dụng (TTTD) là một trong những chỉ số quan trọng đối với hoạt động NH và nền kinh tế, nhất là khi mà thị trường tài chínhcủa Việt Nam còn chủ yếu dựa vào kênh NH.

Theo cách nhìn nhận của TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia NH, hiện nay có tới 75% nguồn vốn cung ứng cho DN là đến từ hệ thống NH, khu vực chứng khoán là 14%, còn lại là trái phiếu. Rõ ràng vai trò của nguồn vốn vẫn đang đè nặng lên hệ thống NH rất nhiều.

Nhớ lại cuộc “đại phẫu” NH diễn ra từ năm 2011, và nhất là chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã khiến tín dụng tăng chậm và đi theo chiều sâu, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế một cách thực chất hơn. Chẳng hạn như năm 2012, tín dụng tăng 8,91%; năm 2013 là 12,51%; năm 2014 là 14,16% và năm 2015 dự kiến khoảng 17%.

Cùng với đó GDP cũng hồi phục, năm 2014 đạt 5,98% và năm 2015 nhiều dự báo cho thấy có thể đạt trên 6,5%. Nền kinh tế của chúng ta dựa nhiều vào tín dụng, song không phải tín dụng tăng càng cao thì tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh hơn. Nếu đẩy tín dụng ra không có chất lượng thì nền kinh tế sẽ phải trả giá.

Bàn về mức độ sử dụng hiệu quả vốn tín dụng trong thời gian qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích qua so sánh tỷ lệ giữa TTTD với tốc độ tăng GDP hàng năm: những năm trước, trong khi tín dụng tăng 30% nhưng GDP cũng chỉ tăng trung bình 7%, có nghĩa là TTTD tăng gấp 3-4 lần GDP. Còn năm nay, theo dự báo GDP có thể tăng 6,5%, nhưng TTTD thực khoảng 17%, tức là chỉ gấp 2,5 lần GDP và đây là tỷ lệ có thể chấp nhận được.

Tín dụng năm 2015 có mức tăng trưởng tốt hơn nhưng các NH vẫn là tiếp tục thận trọng hơn trong xét duyệt tín dụng. Các NHTM chú trọng hơn đến các điều kiện như: xác định được dòng tiền tương lai của khách hàng; tài sản đảm bảo được định giá sát thị trường; đảm bảo tiền cho vay ra đúng địa chỉ, đúng mục đích…Với nhiều NH chất lượng tín dụng quan trọng hơn việc theo đuổi mục tiêu TTTD.

Điểm đáng lưu ý nữa được các chuyên gia đưa ra đó là tín dụng năm 2015 đã tăng đều hơn qua các quý, chứng tỏ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đã tốt hơn và không dồn quá nhiều vào thời điểm cuối năm. Theo ông Hiếu, TTTD ở mức hợp lý nhưng chất lượng tín dụng được bảo đảm, điều đó tốt hơn nhiều so với việc tăng tín dụng quá nóng nhưng tương lai phải trả giá cho vấn đề phát sinh nợ xấu.

Vậy năm 2016 với việc Quốc hội thông qua mục tiêu GDP là 6,7% và lạm phát ở mức dưới 5% thì năm 2016 tín dụng tăng khoảng bao nhiêu thì hợp lý? Theo một chuyên gia NH, tăng tín dụng bao nhiêu cũng chỉ là mục tiêu định hướng trong điều hành của NHNN đưa ra hàng năm. Tuy nhiên, định hướng mức nào NHNN chắc chắn phải dựa trên các chỉ số vĩ mô của Chính phủ, để vừa đảm bảo tăng trưởng vừa kiểm soát được lạm phát.

“Bởi mục tiêu của Chính phủ trong năm 2016 và những năm tới vẫn đặt ổn định vĩ mô lên hàng đầu nên chắc chắn NHNN cũng phải thận trọng.” – một chuyên gia bình luận và cho rằng, nếu như tăng trưởng tín dụng năm 2015 (đến nay vẫn chưa có con số cụ thể) khoảng 17%, mà GDP tăng 6,5%, thì năm 2016 nếu GDP khoảng 6,7% thì tín dụng có thể cao hơn năm 2015.

Ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc HSBC cho rằng, năm 2015 TTTD khoảng 16 -18% thì năm tới NHNN cũng có thể để “room” mức đó. Vì nếu để tín dụng ở mức quá cao, phát triển quá nóng, dòng vốn sẽ vào bất động sản và tác động tới lạm phát. Thông điệp của NHNN gần đây cũng rất rõ là kiểm soát TTTD không để nó tăng quá nóng.

Ông Hải phân tích thêm, theo tỷ lệ hiện nay, cứ 3 đồng tín dụng thì có được 1% GDP. Nếu chúng ta đẩy TTTD lên quá 20% hoặc cao hơn dễ dẫn đến tâm lý mọi người muốn phát triển nóng, tiền dư thừa rủng rỉnh lại đầu tư ngoài ngành. “Theo tôi, với mức TTTD khoảng 18% cũng là cao với nền kinh tế hiện nay” – ông Hải bày tỏ.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục