Tháng 3 đến tháng 9, FED đã nâng lãi suất tổng cộng 3 lần, từ 1,5% lên 2,25%. Lần cuối FED nâng lãi suất là đầu tháng 6.2018, biên độ vay 1,75-2%.
Cú sốc NDT: Ý đồ Trung Quốc hay sự tất yếu?
- Cập nhật : 31/07/2018
Tổng thống Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ trong khi Trung Quốc khẳng định tỷ giá nhân dân tệ do thị trường quyết định.
Từ giữa tháng 6/2018, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc liên tiếp giảm giá so với đồng USD. Trong tuần qua, đã có lúc đồng nhân dân tệ đánh dấu mức giảm hơn 5,5% so với USD tính từ đầu năm đến nay. Nếu chỉ tính riêng từ đầu quý II đến nay, NDT đã giảm giá hơn 10%, mức biến động rất mạnh trong nhiều năm trở lại đây.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, việc đồng nhân dân tệ giảm giá liên tiếp không hẳn là biện pháp để Trung Quốc đối phó với cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
"Đây không chỉ là hậu quả của quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ, dù cũng là một phần quan trọng, nhưng việc đồng nhân dân tệ giảm giá còn do sự lên xuống của đồng USD trên phạm vi toàn cầu.
Chính sách bảo hộ của Tổng thống Donald Trump đã làm cho đồng USD tăng giá. Ngay các đồng ngoại tệ khác như đồng yên, euro cũng phải điều chỉnh theo.
Chính vì thế, tôi không cho rằng việc đồng tiền giảm giá là ý đồ của chính phủ nào cả, nó là sự tất yếu của quan hệ thương mại giữa Mỹ và các đối tác trên thế giới.
Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất của mình nhưng Trung Quốc bây giờ không cứng nhắc trong định giá tỷ giá hối đoái mà họ để tùy theo thị trường quyết định", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc nhận xét.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Quý, đồng nhân dân tệ giảm giá có lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc nhưng không có lợi cho nhập khẩu. Hàng hóa của Mỹ và các nước khác nhập vào Trung Quốc có giá cao, không có lợi cho người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp Mỹ đầu tư ở Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ đồng nhân dân tệ giảm giá, tuy nhiên những thiết bị, máy móc mà những doanh nghiệp này nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc sẽ bị nâng giá.
"Xét tổng thể, toàn bộ diễn biến quan hệ Trung-Mỹ hiện nay không có lợi cho đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc", ông Quý nói.
Đối với Việt Nam, đánh giá mức độ lợi, thiệt từ tác động của đồng nhân dân tệ giảm giá, PGS.TS Nguyễn Huy Quý cho rằng điều hay còn tùy thuộc vào từng thanh toán.
Chẳng hạn, một số thanh toán giữa Việt Nam và Trung Quốc được thực hiện bằng đồng USD sẽ bất lợi cho phía Việt Nam. Tuy nhiên, nếu thanh toán bằng đồng nhân dân tệ thì Việt Nam lợi hơn. Kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế gia công, 90% nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phải nhập khẩu do không có ngành công nghiệp phụ trợ. Việc giá thành nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn sẽ có lợi cho Việt Nam.
Ngược lại, nếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Việt Nam sẽ bị thiệt hơn trước vì để đổi được 1 USD phải mất nhiều nhân dân tệ hơn.
Dự đoán xu hướng của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Huy Quý cho rằng, cuộc chiến này sẽ không kéo dài và không đẩy mạnh lên toàn diện.
"Tổng thống Trump dọa sẽ đánh thêm thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc nhưng tôi cho rằng khả năng đó không diễn ra và trong năm nay, hai bên sẽ có dàn xếp ổn định quan hệ thương mại Trung Mỹ.
Cuộc chiến tranh này sẽ không kéo dài. Chiến tranh thương mại xưa nay chưa bao giờ kéo dài vì không có lợi cho ai. Mặt khác, quan hệ thương mại của hai quốc gia liên quan toàn bộ đến mạng lưới thương mại toàn cầu. Hiện thương mại giữa Mỹ và EU đã bắt đầu được điều chỉnh, từ căng thẳng giờ hai bên đều có sự nhượng bộ. Quan hệ Trung-Mỹ cũng như vậy", vị chuyên gia về Trung Quốc đánh giá.
Cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Bùi Quang Bình, Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, bản thân cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD mà không cần đợi Trung Quốc làm việc đó.
Việc đồng nhân dân tệ giảm giá chắc chắn có ảnh hưởng đến Việt Nam, tuy nhiên theo ông Bình, ảnh hưởng đó đến đâu, như thế nào thì còn phải chờ và xem xét bình tĩnh.
"Về nguyên tắc, hai nước lớn đánh nhau thì các nước bé sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh hưởng lớn nhất là hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc rất đắt, còn hàng Trung Quốc sang Việt Nam lại rất rẻ.
Cái này giống như con dao hai lưỡi. Hàng hóa nhập về rẻ nhưng nếu không xuất đi được thì cũng không biết bán cho ai. Ngân hàng Nhà nước thời gian qua cũng đã phải có động thái điều chỉnh tỷ giá", PGS.TS Bùi Quang Bình nói.
Thành Luân
Theo Baodatviet.vn