Ngay thời điểm này, dù lãi suất kỳ hạn dài đã được thả nổi nhưng "cuộc đua" về lãi suất ở các ngân hàng vẫn diễn ra, lúc thì âm thầm, khi lại sôi nổi, ở cả kỳ hạn bị khống chế lẫn tự do thỏa thuận.
Mập mờ giữa việc ngân hàng cho vay tuần hoàn và đảo nợ
- Cập nhật : 04/10/2016
(Ngan hang)
Theo ý kiến của một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cho vay tuần hoàn trở thành vỏ bọc hợp pháp cho sự đảo nợ, che giấu nợ xấu, giảm trích lập dự phòng rủi ro, tạo tình trạng lãi ảo, chính vì thế mà NHNN mới có công văn chấm dứt việc cho vay tuần hoàn này.
NHNN và mong muốn minh bạch nợ xấu
Ngày 16/9/2016, NHNN ban hành Công văn số 6960/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) dừng cho vay mới trả nợ trước hạn và/hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn. Vì sao thời điểm này Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại muốn siết hoạt động này, điều mà NHNN đã từng thực hiện hai năm trước (Công văn 7059/NHNN-TTGSNH)?
Việt Nam là nền kinh tế đặc thù với hệ thống ngân hàng là kênh dẫn vốn chủ đạo cho cả nền kinh tế. Do vậy, trong thời gian qua, toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam đã thực hiện cải cách toàn diện nhằm phát huy tối đa được vai trò của mình cũng như đáp ứng sự phát triển năng động của một nền kinh tế đang đổi mới mạnh mẽ.
Sau 5 năm cải cách, bức tranh toàn cảnh của toàn hệ thống đã được đổi thay tích cực, với những thành tựu nổi bật về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, được dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Các thành công này đặt nền tảng vững chắc cho tiếp tục cải cách ở các giai đoạn sau với khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và ngân hàng được hoàn thiện theo hướng đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước không ngừng được hoàn thiện, củng cố và tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ và quản lý hoạt động ngân hàng; hệ thống các tổ chức tín dụng được tái cơ cấu mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn và chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao, đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ tiền tệ - ngân hàng của nền kinh tế và tiến gần hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.…
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam còn tồn tại nhiều khó khăn cần được chỉnh sửa như thiếu minh bạch thông tin, tù mù sở hữu chéo, che đậy nợ xấu, khiến cho hệ thống NHTM khó phát triển, tiềm ẩn rủi ro chung cho nền kinh tế.
Nhắc lại một công văn đã ban hành cách đây hai năm (Công văn 7059/NHNN-TTGSNH) có lẽ mục đính chính của NHNN chính là đang cần các TCTD sống thật hơn về tỷ lệ nợ xấu thực sự chứ không phải chỉ là những con số đã được đưa về dưới 3% một cách kỹ thuật.
Cho vay tuần hoàn - người bạn đồng hành cùng nợ xấu
Cho vay tuần hoàn không phải là một phương thức cho vay mới mẻ trên thế giới và hiện nay, pháp luật Việt Nam không có định nghĩa chính thức nào về cho vay tuần hoàn. Nếu vận dụng tinh thần của luật "là được phép làm những gì mà luật không cấm", thì cho vay tuần hoàn cũng không có gì sai.
Về bản chất của cho vay tuần hoàn có thể hiểu ngắn gọn "đây là khoản vay mà các TCTD cho phép người vay, sau một thời gian vay, được tiếp tục nợ tiền vay sau khi đến kỳ trả nợ, chỉ cần người vay đồng ý trả lãi vay ở mức lãi suất mới (có thể cao hơn lãi suất cũ) trong kỳ hạn vay mới được TCTD và bên vay cùng thống nhất).
Việc cho vay như vậy sẽ không có gì rủi ro nếu khách hàng vay có nền tảng tài chính tốt, quy mô sản xuất kinh doanh không đổi (lặp đi lặp lại) dẫn đến nhu cầu vốn không tăng không giảm, dòng tiền về đều, nhu cầu thanh toán nhanh và liên tục. Thực tế ít có khách hàng nào đạt được các yêu cầu trên nên đây là phương thức cho vay không phổ biến.
Ở Việt Nam, các DN đạt được chuẩn mực để cho vay tuần hoàn lại càng hiếm. Dễ thấy, chỉ cần căn cứ vào mục đích xin vay, đối tượng cho vay và căn cứ vào sự chuyển hóa của tín dụng trong một chu kỳ sản xuất hay lưu thông hàng hóa: Tiền - Hàng -Tiền, thì sẽ thấy rằng về hình thức có thể na ná nhau nhưng về bản chất thì cho vay tuần hoàn khác biệt hẳn với cho vay hạn mức, thấu chi tài khoản, cho vay qua thẻ tín dụng. Nhưng các hình thức cho vay này lại có điểm chung nhất đó là khách hàng vay phải tốt, để đảm bảo cho sự hoàn trả nợ đúng hạn.
Theo ý kiến của một chuyên gia tài chính ngân hàng, hiện nay, đảo nợ chính là sự tuần hoàn của vốn vay của các khách hàng đã và đang có rủi ro tiềm ẩn ngày càng lớn. Và cho vay tuần hoàn trở thành vỏ bọc hợp pháp cho sự đảo nợ, che giấu nợ xấu, giảm trích lập dự phòng rủi ro, tạo tình trạng lãi ảo; chính vì thế mà NHNN mới có công văn để chấm dứt việc cho vay tuần hoàn này.
Tuy nhiên do thực tiễn hoạt động kinh doanh rất đa dạng, nhu cầu hợp pháp cần phải được đáp ứng nhất là trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, thiết nghĩ NHNN cần ban hành quy định hay thông tư hướng dẫn, nhằm định nghĩa rõ ràng về "cho vay tuần hoàn", cũng như tạo ra hành lang pháp lý để TCTD và khách hàng thực hiện, chứ không đơn giản chỉ cần ra một công văn "nói" cấm là hết trách nhiệm.
Cho vay đảo nợ đã bị lợi dụng
Cho vay đảo nợ thực chất không bị cấm vì trong quá trình đi vay, DN cũng có khi có nhu cầu tái cơ cấu khoản vay để đảm bảo khả năng trả nợ cho phù hợp với dòng tiền thu về; hoặc khi lãi suất cho vay hạ, doanh nghiệp sẽ tìm cách vay nợ mới trả nợ cũ để có mức chi phí trả lãi vay thấp hơn. Đây là những nhu cầu chính đáng và hợp pháp nên luật không cấm. Nhu cầu này không xảy ra thường xuyên và cũng không mang tính phổ biến.
Từ thực tiễn, bất cứ khi vay khoản tiền nào để sản xuất kinh doanh, người vay luôn phải có một kế hoạch chi tiết để thực hiện, nếu vì lý do nào đó không thể thực hiện đúng thì có nghĩa là rủi ro đã xảy ra ở khâu lập kế hoạch hay trong quá trình thực hiện, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của đồng vốn cho vay và khả năng trả nợ đến hạn của khách hàng.
Cho nên TCTD phải rất cẩn trọng khi xem xét tái cơ cấu nguồn vốn đã cho vay hay khi cho vay đảo nợ để biết chắc rằng việc làm này xuất phát từ khó khăn khách quan của khách hàng nhưng khách hàng có thể tự xử lý rủi ro này, và quan trọng nhất là sau quá trình đảo nợ thì khả năng trả nợ cho TCTD phải tốt lên. Thế nhưng thời gian qua đã cho thấy cho vay đảo nợ hiện nay đang bị một số DN và TCTD lợi dụng để che giấu nợ xấu, tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống.
Việc cho vay đảo nợ (vay nợ mới trả nợ cũ) dẫn đến kết quả không tốt chủ yếu là do thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh không tốt, tình hình tài chính của khách hàng đã quá khó khăn, vốn tự có rất ít mà lại muốn "tay không bắt giặc"... dẫn đến không có hoặc không đủ nguồn trả nợ; cho nên cứ sau mỗi lần đảo nợ khách hàng vay không tốt lên mà còn suy yếu thêm, đến khi nợ không thể đảo được nữa thì DN cũng "chết". Do đó NHNN có cấm nhằm xóa bỏ việc lợi dụng cho vay đảo nợ/cho vay mới - trả nợ cũ để che giấu nợ xấu, là cũng vì lợi ích chung của nền kinh tế.