Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng là dấu hiệu cho thấy nhà chức trách nước này đang lo ngại về một cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ, theo giới chuyên gia.
TS Lê Xuân Nghĩa: Nên bình tĩnh hành động trước nguy cơ chiến tranh tiền tệ Mỹ - Trung
- Cập nhật : 09/08/2018
Theo vị chuyên gia, dù hạ giá VND theo NDT hay không, Việt Nam đều gặp bất lợi trong bối cảnh biến động tiền tệ hiện nay.
Cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng với hàng loạt thông điệp leo thang được Mỹ và Trung Quốc đưa ra gần đây. Căng thẳng thương mại lên cao kéo theo lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ.
NDH có cuộc trao đổi với TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia về rủi ro của Việt Nam trước nguy cơ chiến tranh tiền tệ.
- Từng lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể kéo theo chiến tranh tiền tệ, đến nay, ông nhận định khả năng xảy ra kịch bản này như thế nào?
- TS Lê Xuân Nghĩa: Chúng ta nên lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ có thể bùng phát. Khi bị Mỹ đánh thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa, Trung Quốc sẽ chọn đối đầu, trả đũa lại. Nhưng với lượng hàng hóa là 200 tỷ USD, thuế suất 10% thì họ sẽ áp dụng phá giá nhân dân tệ (NDT) 6-7% để bù đắp phần nào. Với 3-4% còn lại, Trung Quốc sẽ cố gắng cải tiến công nghệ, tiết kiệm chi phí. Tổn thất của họ sẽ nhỏ đi thông qua phá giá tiền tệ.
Khi NDT mất giá, nhiều nền kinh tế có quan hệ thương mại với Trung Quốc như Nhật Bản, EU, ngay cả Việt Nam cũng buộc phải phản ứng trở lại, phá giá đồng tiền theo.
Dòng vốn từ Mỹ vào Trung Quốc và chiều ngược lại cũng sẽ bị ảnh hưởng. Sự dịch chuyển cán cân vốn và cán cân vãng lai bị thu hẹp lại hoặc gián đoạn có thể dẫn đến ách tắc vốn, ách tắc tiền tệ có tính toàn cầu.
Khi đó, cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ bùng phát.
- Nhân dân tệ đã mất giá kỷ lục, yếu đi 6,7% so với USD trong 8 tuần qua. Trước mắt, Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào từ điều này?
-Rõ ràng với sự phá giá của NDT, hàng Trung Quốc sẽ rẻ hơn hiện nay 6-7% và "tràn" Việt Nam nhiều hơn. Tất nhiên trong số đó có cả nguyên vật liệu nhưng chủ yếu vẫn là hàng tiêu dùng và bán lẻ. Trong khi đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ đắt hơn hiện tại 6-7% nếu VND giữ nguyên giá trị.
Việt Nam đang rơi vào một tình huống rất khó chịu. Không phá giá tiền đồng, chúng ta sẽ bị thiệt thòi trong thương mại với Trung Quốc, khả năng cạnh tranh của hàng hóa giảm đi. Nhưng nếu phá giá theo, Mỹ có thể cho là thao túng tiền tệ. Bên cạnh đó, việc phá giá tiền đồng rất có thể sẽ khiến lạm phát tăng lên do tâm lý, trong khi áp lực hiện tại đã tương đối căng thẳng.
- Trước tình hình đó, có ý kiến cho rằng Việt Nam nên giảmgiá đồng tiền ở mức vừa phải. Theo ông, nhà điều hành nên ứng xử như thế nào?
-Việt Nam phải rất thận trọng, Mỹ có thể đánh thuế cả chúng ta tương tự Trung Quốc. Đến nay, chính quyền Trump đã xem xét Việt Nam ở những khía cạnh giống hệt Trung Quốc.
Thứ nhất, Mỹ nhắm đến quốc gia có thặng dư thương mại trên 20 tỷ USD với mình. Hiện nay, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã vượt 30 tỷ USD.
Thứ hai, thặng dư cán cân vãng lai vượt quá 3% GDP. Việt Nam cần hết sức cân nhắc, dù điều này chưa mắc phải.
Thứ ba, Mỹ có thể nhìn nhận Việt Nam thao túng tiền tệ. Lý do là trong vòng một năm, mua ngoại tệ vượt quá 2% GDP, như năm 2017 Ngân hàng Nhà nước mua dự trữ ngoại hối hơn 13 tỷ USD.
Thêm nữa, phía Mỹ đánh giá Việt Nam chưa có nền kinh tế thị trường đầy đủ đặc biệt là về chính sách tiền tệ cũng như đang vi phạm nhiều quyền sở hữu trí tuệ.
Như đã phân tích, nếu Việt Nam thực sự phá giá đồng tiền để có lợi cho thương mại sẽ dẫn đến khả năng bị Mỹ xem là thao túng tiền tệ và trừng phạt tương tự Trung Quốc.
Tôi cho rằng hiện tại, Việt Nam nên bình tĩnh quan sát, có kế hoạch dài hạn, không nên hành động vội vàng. Trước hết cần củng cố hệ thống ngân hàng, tăng khả năng thanh khoản. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần củng cố các công cụ của chính sách tiền tệ để đảm bảo kiểm soát được lạm phát một cách vững chắc.
Trên cơ sở đảm bảo được lạm phát, khi đó Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh tỷ giá theo một mức thích hợp trước các diễn biến mới. Hiện nay hầu hết các nước đang dừng lại để quan sát, chưa có nhiều động thái về phía chính sách tiền tệ.
- Ông vừa nhắc tới nguy cơ Việt Nam trực tiếp rơi vào vòng xoáy chiến tranh thương mại. Về dài hạn thì cần làm gì để điều này không xảy ra?
- Đến giờ phút này tôi cho rằng Mỹ vẫn dành cho Việt Nam một không gian đàm phán, chưa thẳng tay đánh thuế. Nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan. Thời gian qua rất nhiều đoàn kiểm tra cấp cao, cấp trung của Mỹ đã sang và đưa ra khung các vấn đề cần xử lý.
Nếu Washington yêu cầu phải xử lý cùng lúc tất cả các vấn đề thay vì từng phần sẽ rất áp lực.
Nhẹ nhất, phía Mỹ chỉ đánh thuế nhôm và thép và áp dụng hàng rào kỹ thuật cá basa và tôm như cảnh báo hiện nay. Nặng hơn, Mỹ có thể đánh thuế đối với 40% thặng dư thương mại Việt - Mỹ, tức là 40% của hơn 30 tỷ USD. Còn nếu Việt Nam cũng bị đánh thuế toàn diện như Trung Quốc sẽ rất gay go.
Lâu nay chúng ta vẫn khá chủ quan với tâm lý nước nhỏ, Mỹ không nhắm tới. Nhưng theo nguyên tắc của WTO, Mỹ không thể đơn phương chĩa "mũi dùi" vào một thành viên khi các nước khác cũng mắc lỗi tương tự. Vì vậy, nguy cơ Việt Nam nằm trong tầm ngắm là rất lớn.
Việt Nam cần hết sức lưu ý và xử lý ngay các vấn đề phát sinh.
Theo Nam Anh
Người đồng hành