tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cú sốc nhân dân tệ: Trung Quốc theo được bao lâu?

  • Cập nhật : 01/08/2018

Đánh giá việc giảm giá nhân dân tệ là một đối sách của Trung Quốc, chuyên gia tự hỏi có thể giảm xuống được bao nhiêu?

Đồng nhân dân tệ đang giảm giá sâu khiến không ít ý kiến đồn đoán rằng Trung Quốc đang cố tình giảm giá đồng nhân tệ để bù đắp cho những tác động tiêu cực từ chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, đây là đối sách của Trung Quốc nhằm đối phó với cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ dù Bắc Kinh tuyên bố không dùng chính sách ngoại hối để đối phó với cuộc chiến tranh thương mại này.

Bởi là đối sách nên không thể dài hạn được.

"Nhân dân tệ giảm giá để đối phó với chiến tranh thương mại nhưng điều đó phù hợp với quy luật chung. Cần lưu ý rằng tăng, giảm là chuyện bình thường nhất của kinh tế thị trường và do các yếu tố cụ thể trong cân bằng kinh tế quyết định.

Trung Quốc liệu giảm giá đồng nhân dân tệ được đến bao nhiêu? Họ giảm được một vài phần trăm, và cái lợi thấy rõ nhất là lợi về xuất khẩu nhờ chênh lệch tỷ giá hối đoái. Nhưng Trung Quốc sẽ bị thiệt hại ở những vấn đề khác", ông Đoàn nhận xét.

trung quoc giam gia nhan dan te nhu mot doi sach nham doi pho cuoc chien thuong mai voi my

Trung Quốc giảm giá nhân dân tệ như một đối sách nhằm đối phó cuộc chiến thương mại với Mỹ

Cũng theo vị chuyên gia, bởi nước Mỹ sòng phẳng nên đối sách trên của Trung Quốc không làm khó được Washington.

"Hàng giá rẻ Trung Quốc nhờ đồng nhân dân tệ giảm giá có thể xâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ nhưng Tổng thống Donald Trump đâu cấm việc ấy. Nếu Trung Quốc cứ làm đúng luật thì không vấn đề gì cả.

Ông Trump tố Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác đang thao túng nội tệ và lãi suất. Trung Quốc có được lợi thế xuất khẩu vì họ chơi theo kiểu của họ. Cuộc chiến này là để lập lại sự cân bằng về kinh tế, Trung Quốc không phải cứ muốn là được.

Như đã nói, việc giảm giá, tăng giá giống như trò chơi bập bênh, hạ đầu này thì tăng đầu kia, không ai vỗ tay bằng một bàn tay. Đó là sự cân bằng tổng hòa và do các quy luật kinh tế quyết định.

Trung Quốc khôn ngoan hạ giá cái này, tăng cái kia để được chút lợi nhưng nước Mỹ cũng chẳng dại gì. Nếu chơi một cuộc chơi sòng phẳng thì không có gì phải lo", vị chuyên gia chỉ rõ.

Nhìn rộng ra, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho biết, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là cuộc chiến tổng lực, không đơn thuần về thương mại. Cuộc chiến ấy sẽ còn kéo dài và còn lan chuyển sang các cuộc chiến tranh tài chính, tiền tệ... Ngay ở thời điểm hiện tại, vị chuyên gia đánh giá, cuộc chiến tranh tiền tệ đã bắt đầu. Cuộc chiến này cho thấy có sự nhìn nhận căn bản về chính sách thương mại và chế độ thương mại ngày nay, từ đó, tạo ra trật tự của sự phát triển.

"Vì sao ông Trump muốn cuộc chiến tranh này? Ấy là vì nước Mỹ đã bị thiệt nhiều quá, thiệt đủ đường, không chỉ về thâm hụt thương mại. Toàn bộ chính sách của Mỹ đã bị Trung Quốc lợi dụng và Bắc Kinh đã trở nên giàu có đáng kể.

Theo quan điểm này, Mỹ là người đứng ra giải quyết, gánh vác việc cho thế giới nhưng đổi lại, Mỹ được gì?

Nhìn từ góc nhìn lợi nhuận, ông Trump thấy được rất rõ ràng rằng nước Mỹ cần phải thay đổi. Muốn nước Mỹ mạnh lên thì nước Mỹ phải đứng được ở vị trí nào? Phải có sự công bằng ra sao?

Nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Trump trở về chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc nhưng có lẽ, không hoàn toàn như vậy.

Ông Trump muốn thay đổi trật tự thế giới, mọi người phải phục vụ sự phát triển của nhân loại. Mà để phục vụ nhân loại là phải có một thị trường tốt và sòng phẳng, các nhà nước ngồi được với nhau để giải quyết các vấn đề kinh tế cũng như những quan hệ khác, trong đó có các quan hệ về chiến tranh.

Dĩ nhiên, để lập lại được trật tự như ông Trump mong muốn còn chặng đường rất xa", PGS Đoàn phân  tích. 

Ông cũng chỉ ra sự khôn ngoan của ông Trump khi nhằm vào Trung Quốc.

Nhắc lại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin cũng như những chỉ trích cho rằng ông Trump tỏ ra "yếu kém" trước Putin, PGS.TS Lê Cao Đoàn đặt câu hỏi: "Tại sao một người khôn ngoan, lõi đời như ông Trump lại tỏ ra khờ khạo trước ông Putin? Đó là vì ông Trump đánh giá, đối thủ thực sự hiện nay của Mỹ là Trung Quốc chứ không phải là Nga".

Theo vị chuyên gia, xét tương quan lực lượng về quân sự và kinh tế, Nga không là gì so với Mỹ.

Khi Trump gặp gỡ Putin là muốn dàn xếp một câu chuyện, đó là tương quan lực lượng. Nga thân thiết, bắt tay với Trung Quốc, thế nên Trump phải kéo một nước ra xa và đối phó với nước còn lại.

Trung Quốc đã mạnh lên rất nhiều vì lôi kéo được nhiều quốc gia đi theo với sáng kiến Một vành đai, một con đường dù rằng thực chất, Trung Quốc cho đi một thì lấy về mười.

"Với một người như ông Trump, đương nhiên ông ta không chấp nhận chuyện ấy và muốn lập lại trật tự để ai muốn giàu có thì phải nỗ lực, chấp nhận luật chung như nhau, đó là ngang giá, công bằng. Việc giải quyết các vấn đề đã có luật lệ của thế giới, không có chuyện gian lận, ăn cắp bản quyền... ở đây", ông Đoàn nói.

"Trong cuộc chiến thương mại này, ban đầu Trung Quốc có vẻ rất tự tin nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc bắt đầu run tay. Vấn đề chính là ở tương quan lực lượng và xu thế phát triển cho phép quốc gia ấy hành động thế nào.

Tất nhiên, khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn ra, các nước trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều nhưng bao giờ cũng có các cơ hội. Về dài hạn, các nước sẽ bị thiệt hại lớn nếu đi ngược chiều hướng của sự phát triển và không tăng được năng lực thật sự của mình", vị chuyên gia lưu ý.


Thành Luân
Theo Baodatviet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục