Sự thay đổi trong chiến lược đầu tư cũng như việc gia tăng dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương sẽ đẩy giá vàng năm 2019 lên cao.
Cấu trúc sở hữu và rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam
- Cập nhật : 03/09/2018
Quá trình tăng vốn nhanh chóng của các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam trong thời gian ngắn đã hình thành cấu trúc sở hữu, đặc biệt là tình trạng sở hữu chéo và đa phương giữa ngân hàng với doanh nghiệp và ngân hàng với ngân hàng. Điều này có thể phát sinh nhiều khoản nợ xấu, đặc biệt là rủi ro mang tính hệ thống vì vấn đề thanh khoản cho các ngân hàng. Thông qua dữ liệu được thu thập thủ công từ báo cáo tài chính đã kiểm toán và báo cáo thường niên của 31 ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2007-2016, bài viết nghiên cứu về cấu trúc sở hữu có tác động đến khả năng thanh khoản của các ngân hàng, từ đó đưa ra các hàm ý chính sách nhằm nâng cao công tác quản trị rủi ro tại các ngân hàng thương mại trong thời gian tới.
Nghiên cứu mối quan hệ giữa cấu trúc sở hữu và rủi ro thanh khoản
Cùng với mức độ hội nhập ngày càng cao của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã và đang chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các ngân hàng trong khu vực và thế giới. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các ngân hàng thương mại (NHTM) buộc phải mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ hiện đại và phương pháp quản trị tiên tiến.
Các NHTM Việt Nam đã chạy đua về vốn, vốn các NHTM cũng đã tăng lên mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2006/NĐ-CP quy định mức vốn pháp định tối thiểu của NHTM cổ phần là 1.000 tỷ đồng với thời hạn đến cuối năm 2008 và 3.000 tỷ đồng đến cuối năm 2010.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/12/2016, tổng vốn điều lệ của 35 NHTM là 387.009 tỷ đồng, tăng 55.940 tỷ đồng so với năm 2015. Năm 2017, có 19/35 ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ, với tổng mức tăng thêm là 37.135 tỷ đồng.
Quá trình tăng vốn nhanh chóng của các NHTM trong thời gian ngắn đã hình thành cấu trúc sở hữu, đặc biệt là tình trạng sở hữu chéo và đa phương giữa ngân hàng với doanh nghiệp và ngân hàng với ngân hàng có thể phát sinh rất nhiều khoản nợ xấu, đặc biệt là rủi ro mang tính hệ thống vì vấn đề thanh khoản.
Do đó, một trong những khía cạnh quan trọng cần xem xét là các tác động của cấu trúc sở hữu đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Nói cách khác, các nhà quản lý cần có sự cân nhắc giữa những tác động tích cực và tiêu cực của cấu trúc sở hữu đối với các NHTM Việt Nam.
Trên thế giới, chủ đề mối quan hệ giữa cấu trúc sở hữu với rủi ro của NHTM đã được quan tâm nghiên cứu nhưng kết quả vẫn còn chưa thống nhất. Một số nghiên cứu như Lee (2008) hay Saunders và cộng sự (1990) cho rằng, các ngân hàng có yếu tố sở hữu nước ngoài càng lớn thì rủi ro càng tăng. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Laeven (1999) lại cung cấp bằng chứng ngược lại.
Ngoài ra, Micco và cộng sự (2007) chỉ ra rằng, cổ đông nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển hệ thống, cải thiện tỷ suất sinh lời và quản trị chi phí hoạt động. Từ đó, họ khuyến nghị nên nâng cao cấu trúc sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng tại các nước đang phát triển.
Đối với rủi ro thanh khoản, một số nghiên cứu như: Goodhart và Schoenmaker (2006); Schinasi và Teixeira (2006); Schoenmaker và Oosterloo (2007) cho rằng, ngân hàng nước ngoài làm tăng nguy cơ lây lan rủi ro cho hệ thống ngân hàng ở các nước phát triển.
Bảng 1: Thống kê các biến | ||||
Biến | Quan sát | Trung bình | Nhỏ nhất | Lớn nhất |
LR | 310 | 0,5178 | 0,1548 | 0,9456 |
FOWN | 310 | 0,0642 | 0,0000 | 0,3178 |
CR | 310 | 0,0270 | 0,0004 | 0,0329 |
EA | 310 | 0,1506 | 0,0321 | 0,9379 |
SIZE | 310 | 4,9039 | 3,5021 | 5,7298 |
DR | 10 | 0,0135 | -0,0406 | 0,0760 |
IR | 10 | -0,0067 | -0,0571 | 0,0380 |
SMR | 10 | 0,4893 | 2,9750 | 1,2031 |
Trong khi đó, một số nghiên cứu khác (Demirguc-Kunt và cộng sự, 1998; Detragiache và Gupta, 2004; Freixas và Holthausen, 2005) lại có đánh giá ngược lại. Ở Việt Nam, nghiên cứu của Võ Xuân Vinh và Mai Xuân Đức (2016) cho thấy, ngân hàng nước ngoài có thanh khoản tốt hơn (rủi ro thanh khoản thấp hơn) so với các ngân hàng trong nước và còn đóng vai trò hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM Việt Nam khi xảy ra thiếu hụt thanh khoản.
Trần Hoàng Ngân và Phạm Quốc Việt (2016) nghiên cứu về mối quan hệ giữa quản trị công ty và thanh khoản các NHTM Việt Nam cho thấy, các ngân hàng có cấu trức sở hữu nước ngoài tác động âm đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng nhưng không có ý nghĩa thống kê.
Mô hình và phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu dựa trên mô hình và các nghiên cứu của Lee (2008), Dinger (2009), Vodova (2011), Võ Xuân Vinh và Mai Xuân Đức (2016), Trần Hoàng Ngân và Phạm Quốc Việt (2016) đã xây dựng mô hình cấu trúc sở hữu và rủi ro thanh khoản tại các NHTM Việt Nam như sau:
LRit = a0 +a1*FOWNit +a3*Xit+ a4*Zt+εit
Trong đó, FOWNit là biến đo lường mức độ sở hữu nước ngoài của ngân hàng i ở năm t; Xit là một véc tơ bao gồm các biến kiểm soát thể hiện đặc trưng của ngân hàng i ở năm t (bao gồm các biến: rủi ro tín dụng CR, quy mô ngân hàng Size, vốn ngân hàng EA); Zt bao gồm các biến kiểm soát ở cấp độ vĩ mô ở năm t (bao gồm các biến: lãi suất liên ngân hàng IR, lãi suất huy động DR, biến động lãi suất thị trường SMR và tỷ lệ tăng trưởng GDP); εit là sai số không quan sát được.
Dữ liệu có cấu trúc dữ liệu bảng không cân bằng. Dữ liệu thuộc nội bộ các NHTM được thu thập thủ công từ báo cáo tài chính đã kiểm toán và báo cáo thường niên của 31 NHTM Việt Nam giai đoạn 2007-2016.
Nguồn dữ liệu được lấy từ cơ sở dữ liệu của Bankscope. Các biến vĩ mô (lãi suất, tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng GDP) được thu thập từ cơ sở dữ liệu của IMF và báo cáo thường niên của NHNN.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để xem xét tác động của cấu trúc sở hữu đến thanh khoản của các NHTM Việt Nam. Phương pháp Pooled OLS, FEM và REM.
Bảng 2: Kết quả hồi quy mô hình cấu trúc sở hữu và rủi ro thanh khoản tại các NHTM Việt Nam | ||||
BIẾN | POOLED | FEM | REM | FGLS |
FOWN | -0.0709 | -0.382** | -0.0709 | -0.296*** |
CR | 0.398*** | -0.185*** | 0.398*** | 0.267*** |
EA | 0.0475 | 0.0460 | 0.0475 | 0.0276 |
SIZE | -0.0428 | -0.313*** | -0.0428 | -0.259* |
DR | 0.00201*** | 0.00105 | 0.00201*** | 0.00132** |
IR | 0.00258*** | 0.00170*** | 0.00258*** | 0.00111** |
SMR | 0.0196 | 0.0330 | 0.0196 | 0.0387 |
Hệ số chặn | 0.344 | 1.641*** | 0.344 | 1.633*** |
N | 310 | 310 | 310 | 310 |
Hệ số xác định | 0.9075*** | 0.7401*** | 0.9859*** | |
Kiểm định Chow | 13.34*** | |||
Kiểm định Hausman | 0.328*** | |||
Kiểm định PSTĐ | 63.33*** | |||
Kiểm định TTQ | 42.327*** |
Bên cạnh đó, để lựa chọn giữa Pooled, FEM và REM, tác giả sử dụng các kiểm định sau: Kiểm định F và kiểm định Hausman. Tuy nhiên, kết quả thực hiện cho thấy, có sự mâu thuẫn trong việc lựa chọn ba mô hình Pooled, FEM và REM. Do đó, tác giả chọn mô hình FEM là phù hợp nhất với mẫu số liệu được thu thập.
Mặc khác, tác giả kiểm định Breush – Pagan cho thấy, có phương sai sai số và kiểm định Wooldridge để phát hiện tự tương quan của mô hình FEM không thuần nhất. Do vậy, ước lượng thu được từ FEM không hiệu quả. Để cải tiến tính hiệu quả của ước lượng, nghiên cứu sử dụng phương pháp bình phương bé nhất tổng quát GLS.
Kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu cho thấy, cấu trúc sở hữu có tác động đến khả năng thanh khoản của các NHTM Việt Nam, đặc biệt là sở hữu nước ngoài (FOWN) càng cao thì rủi ro thanh khoản của ngân hàng càng thấp và ngược lại.
Bên cạnh đó, rủi ro tín dụng (CR) có tác động cùng chiều đến rủi ro thanh khoản của ngân hàng. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp thêm bằng chứng thực nghiệm chứng minh vai trò tích cực của các cổ đông nước ngoài đến rủi ro thanh khoản nói chung và hoạt động của các NHTM Việt Nam. Quy mô tổng tài sản ngân hàng (SIZE) tăng thì rủi ro thanh khoản của ngân hàng giảm.
Trên thực tế, các ngân hàng có quy mô lớn thường là các ngân hàng có uy tín. Các ngân hàng này có thể dễ dàng huy động được nguồn tiền gửi dồi dào, ổn định với chi phí thấp từ các thành phần kinh tế. Mặt khác, khách hàng của các ngân hàng này phần lớn là các cá nhân, doanh nghiệp có nền tảng tài chính lành mạnh.
Ngoài ra, các biến lãi suất huy động thực (DR) và lãi suất liên ngân hàng thực (IR) có tác động dương đến rủi ro thanh khoản của ngân hàng. Như vậy, lãi suất tăng sẽ tác động làm tăng rủi ro thanh khoản của các NHTM.
Khi lãi suất huy động tăng sẽ làm cho chi phí đầu vào của các ngân hàng tăng. Do áp lực chi phí, các ngân hàng giảm dự trữ tài sản thanh khoản, cho vay với lãi suất cao khiến nợ xấu có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng xấu đến khả năng thu hồi nợ và làm rủi ro thanh khoản của các ngân hàng tăng lên.
Hàm ý chính sách
Từ kết quả nghiên cứu và thực tiễn nền kinh tế Việt Nam, nghiên cứu cho rằng, cấu trúc sở hữu có tác động đến khả năng thanh khoản của các NHTM Việt Nam, trong đó việc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các tổ chức tín dụng Việt Nam hoàn toàn có cơ sở trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, NHNN cần tham mưu cho Chính phủ lộ trình cụ thể đối với từng nhóm đối tượng tổ chức tín dụng. Cụ thể, đối với nhóm các ngân hàng được coi là yếu kém, tỷ lệ sở hữu nước ngoài có thể xem xét nâng mức trần tối đa lên 100%. Bởi lẽ, các ngân hàng yếu kém là những ngân hàng hoạt động không hiệu quả, cần phải tái cấu trúc toàn diện.
Trong khi đó, đối với các tổ chức tín dụng hoạt động bình thường, mức trần sở hữu nước ngoài nên được cân nhắc ở một tỷ lệ hợp lý để có thể hài hòa giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu chính trị. Cụ thể, mục tiêu kinh tế là tranh thủ nguồn vốn nước ngoài để hỗ trợ các ngân hàng Việt Nam đầu tư công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn Basel II theo đúng lộ trình.
Mục tiêu chính trị là Nhà nước cần phải đảm bảo quyền kiểm soát ngành Ngân hàng để tạo được sự tự chủ cho nền kinh tế, tránh bị thâu tóm, chi phối trên thị trường tài chính. Vì vậy, tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong nhóm các tổ chức tín dụng này có thể xem xét nâng mức trần lên 49% trong giai đoạn hiện nay. Riêng các NHTM nhà nước đóng vai trò dẫn dắt thị trường, Nhà nước cần đảm bảo được mức độ sở hữu đủ để chi phối hoạt động.
Về vấn đề quản lý hoạt động ngân hàng, Nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp để hỗ trợ các tổ chức tín dụng quản lý và thu hồi nợ được thuận lợi hơn cho từng ngân hàng trong từng điều kiện cụ thể, nâng cao chất lượng công tác thanh tra - giám sát ngân hàng để đảm bảo minh bạch trong hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, các NHTM cũng cần quan tâm đến các chính sách phòng ngừa rủi ro tín dụng bằng cách nâng cao năng lực thẩm định tín dụng; Quản lý chặt chẽ các khoản cho vay; Phòng ngừa và hạn chế rủi ro đạo đức; Hoàn nhập kịp thời các khoản lãi dự thu đúng quy định; Trích lập đúng và đủ các khoản dự phòng để phòng ngừa nguy cơ không thu hồi đủ các khoản cho vay; Tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng (dịch vụ ngân hàng) và giảm tỷ trọng thu nhập từ tín dụng trong cấu phần doanh thu của ngân hàng.
Cuối cùng, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, quy mô ngân hàng có tác động ngược chiều đến rủi ro thanh khoản của ngân hàng. Vì vậy, các NHTM cần có những bước đi cụ thể, vững chắc để mở rộng quy mô tổng tài sản. Khi quy mô tổng tài sản càng lớn thì vị thế thanh khoản của ngân hàng càng cao và rủi ro thanh khoản của ngân hàng sẽ giảm xuống.
THS. TRƯƠNG NGUYỄN TƯỜNG VY - ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG TP. HỒ CHÍ MINH, THS. MAI THỊ PHƯƠNG THÙY - ĐẠI HỌC VĂN LANG
Theo Tapchitaichinh.vn
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Hoàng Ngân và Phạm Quốc Việt (2016), “Mối quan hệ giữa quản trị công ty và thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, 3+4, 119;
2. Võ Xuân Vinh và Mai Xuân Đức (2016), “Sở hữu nước ngoài và rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, 33 (3), 1-11;
3. Laeven, L. (1999), “Risk and efficiency in East Asian banks”, World Bank Policy Research Working Paper 2255 (1999);
4. Lee, S.W., (2008), “Ownership structure, regulation, and bank risk-taking: Evidence from Korean banking industry”, Investment Management and Financial Innovations 5, 70;
5. Saunders, A., Strock, E. & Travlos, N.G. (1990), “Ownership structure, deregulation, and bank risk taking”, The Journal of Finance 45 (1990), 643;
6. Schinasi, G.J. & Teixeira, P.G. (2006), “The lender of last resort in the European single financial market”, International Monetary Fund;
7. Schoenmaker, D. & Oosterloo, S. (2007),Crossborder Issues in European Financial Supervision, The Structure of Financial Regulation, Routledge, London, 264.