Chính phủ mắc nợ, lợi nhuận rơi vào công ty Trung Quốc... là thực tế ở nhiều quốc gia vay vốn Trung Quốc.
Hậu Thaibev mua Sabeco: Tính chuyện bán vốn khôn ngoan
- Cập nhật : 26/07/2018
Năm nay, người Thái vẫn muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam và M&A là cách họ thích sử dụng hơn đầu tư mới.
Diễn đàn M&A năm 2018 sẽ diễn ra tại TP.HCM vào ngày 8.8 tới, kỳ vọng mang lại các thương vụ lớn, nhằm đạt mục tiêu 6,5 đến 6,9 tỷ USD, thấp hơn mức 10,2 tỷ USD của năm 2017.
Kỷ lục của thập kỷ
Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A thường niên, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, ông Lê Trọng Minh, tại họp báo giới thiệu Diễn đàn M&A 2018 hôm 24.7, cho biết, đã có gần 4.000 thương vụ được tạo lập trong 10 năm qua, với tổng giá trị đạt khoảng 48,8 tỷ USD.
Quy mô thị trường M&A tại Việt Nam năm 2017 tăng 9 lần so với năm 2008, với tổng giá trị đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016.
Thương vụ kỷ lục của thập kỷ thuộc về ThaiBev của Thái Lan, thông qua công ty con Vietnam Beverage mua lại 51% Sabeco, công ty bia lớn nhất tại Việt Nam, trị giá 5 tỷ USD, được tạo lập năm 2017.
Trước đó, các nhà đầu tư Thái Lan đã mua lại những công ty lớn dẫn đầu thị trường, như BigC, Metro, Nguyễn Kim thuộc lĩnh vực bán lẻ và phân phối, hay Prime Group, VCM, Xi măng Holcim của lĩnh vực nguyên vật liệu, hoặc Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền phong của ngành nhựa.
Mua lại những công ty sản xuất hàng tiêu dùng (đồ uống, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu), người Thái không chỉ mua lại những thương hiệu mạnh, mà còn mua lại mạng lưới phân phối, tạo thuận lợi về tiếp cận thị trường.
Theo quan sát của ông Đặng Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty AVM: “Các nhà đầu tư Thái Lan đưa ra mục tiêu và thực hiện quyết liệt hơn những nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác. Họ đầu tư vào các thương vụ lớn nhưng rất kín tiếng”.
Việt Nam, những năm gần đây, đã đón một dòng vốn lớn đến từ các tập đoàn lớn của Thái Lan. Theo ông Đặng Xuân Minh, cùng tốc độ thâu tóm nhanh và mạnh, thậm chí đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại, sự quan tâm ngày một rõ ràng đến các lĩnh vực dầu khí, hạ tầng giao thông và nông nghiệp.
Tổng giám đốc AVM cho rằng, Việt Nam có thể vẫn là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn từ Thái Lan. Nhiều khả năng, trong tương lai gần, thị trường M&A sẽ tiếp tục được chứng kiến những thương vụ M&A đình đám mà nhà đầu tư Thái tiếp tục giữ vai trò là bên mua.
Bán một cách khôn ngoan
Theo kế hoạch, năm 2018, Chính phủ sẽ tiếp tục cổ phần hóa 64 doanh nghiệp. Phó Viện trưởng CIEM, ông Phan Đức Hiếu, nhận định: “Năm nay, người Thái có vẻ như muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam và M&A là một cách họ thích sử dụng hơn là đầu tư mới xây một nhà máy”.
Nhận định của Phó Viện trưởng Ciem là hoàn toàn có cơ sở. Theo báo cáo của Công ty AVM, năm 2017, nhà nước thực hiện cổ phần hóa tại 40 doanh nghiệp, giá trị thu về đạt 140.000 tỷ đồng. Kết quả này có được, chủ yếu là nhờ hai thương vụ Sabeco và Vinamilk.
Yếu tố thành công ở hai thương vụ này ở chỗ đây là hai công ty đầu ngành trong lĩnh vực sữa và sản xuất bia, đồng thời Nhà nước đã mạnh dạn giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này xuống dưới 50%, đồng thời tổ chức đấu thầu minh bạch.
Tuy nhiên, kết quả đạt được từ cổ phần hóa và thoái vốn không đồng đều. Nhiều doanh nghiệp được cổ phần hóa và thoái vốn đã không đạt được mục tiêu như kỳ vọng, AVM nhận định.
Trên thực tế, cổ phiếu Sabeco (mã SAB) liên tục sụt giảm. Trên sàn HOSE, hôm ngày 22.7, SAB được niêm yết ở mức 200 nghìn đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu SAB đã giảm gần 20%, còn nếu tính từ mức giá đỉnh 335 nghìn đồng/cổ phiếu, SAB đã mất hơn 40%.
Cổ phiếu Sabeco giảm làm gia tăng những ý kiến về sự hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước sau thoái vốn, dù Thaibev quyết định đưa ông Neo Gim Siong Bennett vào vị trí Tổng giám đốc của Sabeco, kể từ ngày 1.8 cho nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Bà Lê Hải Yến, Phó giám đốc khối IB -Công ty Chứng khoán Bản Việt, nói rằng, “những đánh giá ngắn hạn sẽ không chính xác”, bởi vì “chiến lược mua của nhà đầu tư là dài hạn”.
“Giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán chỉ thể hiện một phần, trong khi đánh giá sự thành công của thương vụ Sabeco thông qua M&A cần tính đến nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thị trường”.
Vị Phó giám đốc đến từ Chứng khoán Bản Việt cho rằng, sau khi Thaibev tiếp quản 53% vốn thoái của Bộ Công thương tại Sabeco, thị trường đã nhìn nhận những thay đổi tích cực của nhà đầu tư mang lại cho doanh nghiệp này.
Cụ thể, là việc kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như hiệu quả của doanh nghiệp. Điều này, đồng nghĩa với việc mang lại lợi ích cho toàn bộ cổ đông của doanh nghiệp, không chỉ là những cổ đông lớn.
Tính đến nay, thương vụ Thaibev – Sabeco mới chỉ diễn ra chưa đầy 1 năm. Ông Phạm Văn Thinh, Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, cũng quả quyết, “còn quá sớm để nói rằng thương vụ này có thành công hay không”.
“Nhà đầu tư Thaibev đầu tư vào Sabeco, không đầu tư vào chứng khoán, nên giá cổ phiếu lên hay xuống không ảnh hưởng đến chất lượng giao dịch này. Thêm nữa, bán thành công Sabeco Nhà nước thu về 110.000 tỷ đồng”.
Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, bây giờ, người mua đang trong quá trình chỉnh đốn lại doanh nghiệp vừa tiếp quản, với rất nhiều vấn đề liên quan đến hậu sáp nhập.
Cụ thể, hoạt động kinh doanh như thế nào, giữ lại thương hiệu Sabeco hay chuyển thành thương hiệu Thái… Đặc biệt là vấn đề văn hóa, họ sẽ làm thế nào để vận hành Sabeco hiện tại như một bộ phận của Thaibev.
Theo kế hoạch, năm 2018, Chính phủ sẽ tiếp tục cổ phần hóa 64 doanh nghiệp. Từ góc độ một nhà làm chính sách, hơn ai hết ông Phan Đức Hiếu hiểu rằng, các nhà hoạch định chính sách, thậm chí nhà đầu tư không quyết định được khi nào nổ ra một thương vụ lớn.
Thứ nhất, sẽ không bán được giá hợp ý ở một thời điểm nhất định, nếu nhà đầu tư không quan tâm đến vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước vẫn được cho là “món hời”, nhưng “món hời” đó lại phụ thuộc vào sự quan tâm của nhà đầu tư trong từng giai đoạn khác nhau.
Thứ hai, nên bán phần vốn nhà nước một cách khôn ngoan và có chiến lược. Một chiến lược/kế hoạch khôn ngoan là không bán vốn bằng mọi cách và bằng mọi giá.
Thông qua M&A, ông Hiếu hi vọng: “Số doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2018 sẽ được bán vốn đúng kế hoạch, đúng tiến độ, kèm theo đó là bán một cách khôn ngoan”.
“Điều đấy không có nghĩa chúng ta bán nhỏ giọt, mà bán theo đúng mục tiêu của Nhà nước. Thậm chí, trên thị trường M&A, đôi khi còn phải biết “làm hàng” để mang lại hiệu quả cao hơn là giữ nguyên hiện trạng để bán”, ông Hiếu đề xuất.
Dự báo giá trị M&A năm 2018 sẽ giảm so với năm 2017, chỉ 6,5-6,9 tỷ USD. Nhưng ông Lê Trọng Minh vẫn cho rằng “thị trường vẫn chờ đợi các thương vụ lớn, cùng những động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ và các doanh nghiệp”.
Hải Vân
Theo Nhipcaudautu.vn