Việt, Thái cạnh tranh du lịch
Trung Quốc mua hơn 32.000 tấn vải thiều Bắc Giang
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tái đắc cử Chủ tịch HĐND TP.HCM
Thêm một công ty bán hàng đa cấp bị phạt nặng vì sai phạm
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 27-06-2016
- Cập nhật : 27/06/2016
Hàng thủ công Hội An lao đao vì hàng nhái
Đi dạo những con phố nhỏ cổ kính ở Hội An có thể nhìn ngắm diện mạo một thành phố du lịch đã hỗ trợ mạnh mẽ để nghề thủ công mỹ nghệ phát triển, tạo ra một lượng hàng hóa lớn.
Hai triệu du khách/năm đổ về trong một không gian nhỏ như phố cổ Hội An đã tạo lực hấp dẫn về phát triển nghề thủ công mỹ nghệ tại các làng ngoại ô. Nhưng Hội An còn thu hút các nghệ nhân, giới nghệ sĩ đến làm việc và sáng tạo ra sản phẩm thủ công mới thu hút khách du lịch để có sự cân đối giữa cung với cầu.
Chính ở đây, các mặt hàng cao cấp từ lụa, mây tre, xơ dừa, cây dâu tằm, gỗ mỹ nghệ, may thời trang, gốm, đúc đồng đã tạo ra sự hấp dẫn trong du lịch mua sắm tại phố cổ.
Tuy nhiên, thị trường bỏ ngỏ cho việc tiếp cận túi tiền của khách du lịch, và hướng đi của nó mang tính "thượng vàng hạ cám" thay vì nhà sản xuất đồng lòng xây dựng thương hiệu về nghề thủ công mỹ nghệ cho Hội An.
Trong lúc tỉnh Quảng Nam đang áp dụng nhiều giải pháp để phát triển các làng nghề, như chương trình cho vay vốn phát triển làng nghề, nâng cao tính thẩm mỹ và ứng dụng sản phẩm, đào tạo tay nghề, xây dựng thương hiệu thì thị trường đối mặt với cảnh mua bán "giá nào cũng có”.
Một giám đốc công ty chuyên sản xuất hàng lưu niệm làm tay cho biết, hiện nay công ty chỉ dám bán theo đơn đặt hàng sỉ, chưa dám mở cửa hàng bán lẻ sản phẩm vì sợ bị nhái mẫu mã. Một sản phẩm thủ công từ xơ dừa và cây dâu tằm mất hằng năm nghiên cứu quy trình sản xuất, nhưng chỉ cần đưa hàng ra thị trường 6 tháng là sản phẩm nhái tràn lan.
Trên các phố cổ, những cửa hàng với hình ảnh chiếc điện thoại bị gạch chéo rất nhiều. Xe đạp tre, đèn lồng tre hoặc tranh, tượng Phật gỗ đều phải đề bảng "Không chụp hình" bằng tiếng Việt vì sợ bị ăn cắp mẫu mã.
Một vị khách du lịch muốn mua một chiếc khăn quàng lụa tại một cơ sở chuyên sản xuất và trình diễn lụa nhưng chê đắt vì có giá 400 ngàn đồng, bởi cũng chiếc khăn lụa như vậy ngoài phố bán với 80 ngàn đồng. Người làm lụa biết ngay chiếc khăn ở cửa hàng ngoài phố là loại hàng nhái, kém phẩm chất.
Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng tinh tế nhận biết, và ấn tượng xấu họ mang theo về hàng thủ công Hội An thì thật đáng buồn. Bởi lụa nhái chỉ cần nhúng vào nước sẽ trở thành một miếng vải nhàu bởi không phải lụa tơ tằm.
Một nhiếp ảnh gia đã cố gắng tạo ra những tấm bưu thiếp rất đẹp về phong cách Hội An và Việt Nam, bán với giá 20 ngàn đồng thì các cửa hàng ở phố bán những tấm bưu thiếp 10 ngàn đồng vì sản xuất hàng loạt và cẩu thả.
Hàng lưu niệm sản xuất hàng loạt kém chất lượng đang gây khó khăn cho những người sáng tạo chất lượng cao. Việc mở cửa hàng trên phố cổ có chi phí mặt bằng cao, nên đa số người buôn bán chấp nhận nhập hàng rẻ, hàng nhái để đáp ứng khách nội địa, vô tình tạo ra một mặt bằng chung hàng hóa chất lượng rất thấp, tạo nên cái nhìn tiêu cực về trình độ sản xuất thủ công mỹ nghệ của Hội An.
Có thể người mua bán, sản xuất làm ăn chụp giật chỉ cho ngày hôm nay, nhưng về lâu dài, phố cổ Hội An không kịp gầy dựng một thương hiệu thủ công mỹ nghệ chất lượng cao thì không kích thích được người sản xuất sáng tạo, không thu hút được chất xám từ nghệ nhân. Chính người trong cuộc làm cho nhau lao đao nên một thương hiệu du lịch mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ vẫn còn xa vời! (DNSG)
Dấu hiệu chuyển giá ở Formosa Hà Tĩnh
Theo một nguồn tin từ Cục Hải quan Hà Tĩnh, Formosa đang nằm trong danh sách đen bị nghi ngờ có hoạt động chuyển giá để trốn thuế.
Kết quả kiểm tra hoàn thuế cuối tháng 2/2016 của Formosa Hà Tĩnh , cơ quan thuế đã phát hiện 19.497 hóa đơn của Cty đưa vào khấu trừ và hoàn thuế không đúng quy định. Kết quả là Formosa Hà Tĩnh đã bị truy thu thuế lên tới 1.554,4 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu cơ quan chức năng địa phương phát hiện ra các sai phạm của Formosa Hà Tĩnh ngay trong quá trình xây dựng đầu tư nhà máy. Vào tháng 5/2015, Cục Hải Quan Hà Tĩnh cũng đã phát hiện việc DN này cố tình nâng giá trị công trình thông qua các nhà thầu nước ngoài và nâng giá trị hàng hóa nhập khẩu thi công công trình lên tới 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, kể từ năm 2013 đến nay, một loạt những sai phạm khác liên quan đến vấn đề đóng thuế của Formosa Hà Tĩnh cũng đã được phát hiện.
Là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn nhất cả nước về vốn đăng ký đầu tư, gần 10,6 tỷ USD, dự án thép Formosa Hà Tĩnh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của miền trung nói chung và riêng tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. Tuy nhiên, những dấu hiệu vi phạm liên tục trong khi xây dựng dự án đã không khỏi đặt ra câu hỏi liệu tập đoàn Formosa có đang cố tình tìm mọi cách để thực hiện hành vi chuyển giá ở VN không?
"Những dấu hiệu vi phạm liên tục trong khi xây dựng đã đặt ra câu hỏi liệu tập đoàn Formosa có đang cố tình tìm mọi cách để thực hiện hành vi chuyển giá ở VN không?"
Trong một văn bản gửi Tổng Cục Hải quan năm 2015, Cục Hải quan Hà Tĩnh thậm chí còn nêu thẳng vấn đề rằng cơ quan này “nhận thấy có những vấn đề nghi vấn về việc chuyển giá, nâng giá máy móc thiết bị nhập khẩu nhằm nâng chi phí đầu vào” của Formosa Hà Tĩnh.
Nhận định trên được đưa ra sau khi Cục Hải quan Hà Tĩnh phát hiện các trường hợp nâng giá hàng hóa nhập khẩu cao hơn giá trị thực. Ví dụ được cơ quan hải quan Hà Tĩnh đưa ra là trong một tờ khai ngày 7/10/2014, Formosa Hà Tĩnh có nhập khẩu bộ phận “Vỏ của thiết bị lọc bụi trọng lực, lắp đặt dạng tháo rời với trị giá là hơn 1,63 triệu USD. Trong khi đó, trị giá của thiết bị này được khai báo trong đăng ký danh mục miễn thuế lại chỉ hơn 1,47 triệu USD. Như vậy đã có sự chênh lệch trị giá hơn 154 nghìn USD.
Mặc dù Formosa Hà Tĩnh đã đưa ra lời giải thích do thời gian đăng ký danh mục miễn thuế và thời gian nhập khẩu cách xa nhau dẫn đến sự chênh lệch về giá, nhưng Cục Hải quan Hà Tĩnh vẫn đặt vấn đề nghi vấn Formosa Hà Tĩnh khai tăng giá trị hàng hóa để chuyển giá.
Thực tế việc thu hút một dự án đầu tư quy mô lớn như Formosa Hà Tĩnh vào Việt Nam có thể nói là điều cần thiết, đặc biệt là Formosa Hà Tĩnh sẽ sản xuất những sản phẩm thép dùng cho các ngành công nghiệp mà Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu. Mới đây nhất, Formosa đã tuyên bố sẽ lui thời điểm khánh thành nhà máy Formosa Hà Tĩnh đã được dự kiến trong mùa hè này, trong bối cảnh dự án này đang bị thanh tra về các vấn đề liên quan đến môi trường. Nhưng có một điều chắc chắn rằng Formosa Hà Tĩnh vẫn sẽ hoạt động, bởi số tiền mà tập đoàn này cùng các đối tác như China Steel và JFE Steel đã đổ vào đây là không hề nhỏ.
Tuy nhiên, những nghi vấn này lại đặt ra câu hỏi phải quản lý và giám sát thế nào để Việt Nam có thể tận dụng được dự án này một cách hiệu quả nhất lại đang là vấn đề hóc búa.
Nguồn vốn ADB: lựa chọn mới cho doanh nghiệp tư nhân
Nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) sẽ là một lựa chọn mới cho các DN tư nhân Việt Nam nhằm đa dạng nguồn huy động vốn trong điều kiện tiếp cận với nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại vẫn còn khó khăn.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam tuần trước, Chủ tịch ADBTakehiko Nakao đã tiết lộ rằng, ADB đã thực hiện nhiều chương trình cho DN tư nhân vay vốn làm ăn ở nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm cả Việt Nam. Tuy nhiên, người đứng đầu ADB cũng thừa nhận rằng chương trình này ở Việt Nam vẫn chưa thực hiện được.
Sẵn vốn chờ DN tư nhân vay
“Về lý thuyết đối với ADB thì hoàn toàn không có trở ngại nào, nhưng ADB chưa hề nhận được bất cứ yêu cầu vay vốn nào từ phía các DN tư nhân của Việt Nam. Mặc dù chúng tôi rất muốn cho vay, nhưng chưa thấy DN nào hỏi vay cả” – ông Takehiko Nakao chia sẻ.
Việc không có DN Việt Nam nào hỏi vay vốn từ ADB, dù rằng ADB đã chuẩn bị sẵn nguồn tài trợ và rất sẵn sàng cho vay, có lẽ đã gây ngạc nhiên cho ông Takehiko Nakao. Nhưng điều này cũng gây ngạc nhiên với không ít các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam. Nguyên nhân được nhiều doanh nghiệp cho rằng không hề biết ADB có chương trình cho DN vay vốn đó, vì từ trước tới nay ADB mới chỉ được biết đến là một trong những nhà tài trợ vốn lớn nhất của Chính phủ Việt Nam.
Mặc dù vậy, với thông tin mà ông Takehiko Nakao cung cấp, các DN cũng sẽ có thêm một lựa chọn mới khi tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và sản xuất trong thời gian tới.
Chiến lược Đối tác Quốc gia mới
ADB đã thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam kể từ khi khôi phục các hoạt động tại Việt Nam vào năm 1993. Tính tới ngày 31 tháng 12 năm 2015, ADB đã cung cấp 14,4 tỷ USD vốn vay, 276,6 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật và 318,3 triệu USD viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.
Hầu hết số vốn đó được tài trợ cho các lĩnh vực nhằm tạo ra sự phát triển bền vững như y tế, cơ sở hạ tầng, giáo dục, năng lượng tái tạo, điện khí hóa nông thôn, thủy lợi và quản lý tài nguyên nước. Ngoài ra ADB cũng hỗ trợ Việt Nam và các nước Tiểu vùng sông Mekong để phát triển Hành lang kinh tế Đông-Đông Tây.
Ông Takehiko Nakao cho biết, thời gian tới ADB sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực trên. Ngoài ra, trong thông báo mới nhất của ADB tại Việt Nam, ngân hàng này tuyên bố sẽ tăng cường cho vay và đầu tư cổ phần trong khu vực tư nhân, nhất là trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. ADB cũng sẽ hỗ trợ chuẩn bị các dự án trọng điểm theo mô hình đối tác công tư (PPP), phù hợp với khung pháp lý thống nhất về PPP đã được ADB hỗ trợ.
Theo Chủ tịch ADB, ngân hàng này sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam mỗi năm khoảng 1 tỷ USD. Đây là một số tiền không hề nhỏ trong bối cảnh Việt Nam đang trong cơn khát vốn để phát triển.
Đồng thời với đó, ADB cũng đang xây dựng Chiến lược Đối tác Quốc gia mới cho giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu trọng tâm của chiến lược này là giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững với môi trường hơn, phù hợp với Kế hoạch Phát triển Kinh tế – Xã hội 5 năm 2016-2020 của Việt Nam cũng như quan hệ hợp tác với các đối tác phát triển.
“Vấn đề mấu chốt là Việt Nam cần tiếp tục thực thi những chính sách kinh tế phù hợp và cải cách cơ cấu theo chiều sâu. Đặc biệt quan trọng là cải cách các DN nhà nước thông qua giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước, nâng cao quản trị DN và tăng cường hiệu quả tài chính. Chính phủ cũng cần xử lý những khoản nợ xấu, gia tăng nguồn thu từ thuế, và nâng cao hiệu quả chi tiêu công” – ông Takehiko Nakao nói.
Thanh tra Nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang từ 1-7
Nhận định là dự án tiềm ẩn nguy cơ về môi trường, Bộ TN-MT quyết định sẽ tiến hành tranh tra nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam ở tỉnh Hậu Giang từ ngày 1-7 tới.
Ngày 26-6, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã chính thức có thông đến việc thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam.
Theo đó, thời gian gần đây, các cơ quan thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều tin bài lo ngại Nhà máy giấy Lee & Man của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đặt tại cụm công nghiệp Phú Hữu A (ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) sau khi hoạt động có thể gây “bức tử sông Hậu”.
Xét thấy sự lo ngại của mà các cơ quan báo chí nêu là vấn đề cần quan tâm, giải quyết, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà giao Tổng cục Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang, Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Hậu Giang và các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra, xem xét và đánh giá việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Giấy Lee & Man.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ngày 22-6, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã ban hành Quyết định số 759/QĐ-TCMT về việc thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, trong đó có Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đặt tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Đoàn sẽ tiến hành công bố quyết định thanh, kiểm tra vào ngày 30-6 và bắt đầu thực hiện công việc từ ngày 1-7.
Về thành phần đoàn kiểm tra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu ngoài đại diện Tổng cục Môi trường; đại diện Sở TN-MT Hậu Giang; đại diện Sở Công Thương Hậu Giang; đại diện Phòng Cảnh sát Môi trường tỉnh Hậu Giang; đại diện Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang, còn phải mời một số chuyên gia đầu ngành về công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải trong sản xuất giấy tham gia đoàn thanh, kiểm tra.
Bộ trưởng Bộ TN-MT nhận định đây là dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường, nếu không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về Bảo vệ môi trường. Vì vậy, đoàn thanh, kiểm tra cần phải xem xét toàn diện các nội dung sau:
Thứ nhất, kiểm tra quy trình phê duyệt, nội dung đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Giấy phép xả thải nước thải, công nghệ sản xuất và xử lý nước thải, đặc biệt là công nghệ xử lý nước thải.
Thứ hai, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam: trong thực hiện quy định ĐTM, Giấy phép xả thải, áp dụng quy chuẩn môi trường; việc thiết kế, thẩm định, xây dựng, kế hoạch vận hành thử nghiệm...
Thứ ba, kiểm tra phương án, công trình ứng phó sự cố môi trường, hồ chỉ thị sinh học, hệ thống giám sát tự động, trực tuyến kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường địa phương, đảm bảo nước thải trước khi thải ra môi trường được kiểm soát đầy đủ các thông số về môi trường theo quy định. Hệ thống này phải dễ dàng tiếp cận và được sự giám sát của người dân.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu kết quả kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện các vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, kể cả đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, phải đề xuất cho phép hay chưa cho phép nhà máy đi vào giai đoạn vận hành thử nghiệm sản xuất, các giải pháp yêu cầu nhà máy phải tiếp tục hoàn thiện, xử lý triệt để trước khi vận hành.