17 dự án ODA phải rà soát, cắt, chuyển vốn
Lùm xùm tại dự án nâng cấp đô thị Mỹ Tho
Ký văn kiện hợp tác Cảnh sát biển Việt Nam - Trung Quốc
Hà Nội: Đến 2020, 100% các công trình xây dựng phải được cấp phép
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 27-06-2016
- Cập nhật : 27/06/2016
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành than giảm giá thành sản xuất trong nước
Ngày 25/6, tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng tuy gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, ngành than đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, sản lượng khai thác ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng trong nước; công tác tái cơ cấu ngành than được thực hiện mang lại hiệu quả bước đầu, duy trì được việc làm cho hơn 100.000 lao động.
Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả để xử lý những khó khăn này, qua đó tạo điều kiện cho ngành than phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng.
Phó Thủ tướng nêu rõ để phát triển, ngành than phải đồng thời nâng cao công suất, giảm giá để cạnh tranh và bảo đảm môi trường.
Về giá, Phó Thủ tướng đề nghị TKV và các doanh nghiệp thành viên cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để giảm giá thành sản xuất trong nước. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần nghiên cứu một cách thấu đáo các chính sách thuế, phí đối với giá bán than.
Về các giải pháp trung hạn và dài hạn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành than cần tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, thăm dò, đánh giá tài nguyên làm cơ sở cho việc thực hiện quy hoạch phát triển ngành. Cùng với đó, ngành phải tổ chức khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản chủ lực, trước hết là than; có kế hoạch xuất, nhập khẩu than phù hợp.
Giải pháp đặc biệt quan trọng, có vai trò quyết định để vượt qua khó khăn chính là tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và do đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Một nhiệm vụ khác, khó khăn hơn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động chính là đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, quản lý chi phí nhằm tiết kiệm, khắc phục lãng phí, thất thoát để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị TKV cần đặc biệt quan tâm đến đời sống người lao động, trước hết là bảo đảm an toàn lao động, tiếp đó là vấn đề nhà ở, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân.
Với những kiến nghị của TKV, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý khai thác, chế biến, vận chuyển và xuất nhập khẩu than, quản lý về môi trường trên địa bàn.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã thị sát tình hình sản xuất, động viên công nhân thợ mỏ tiếp tục thi đua lao động sản xuất, khai thác có hiệu quả tại Công ty than Nam Mẫu, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã trực tiếp vào thăm, kiểm tra việc khai thác tại lò chợ ứng dụng những công nghệ khai thác mới như lò chợ cơ giới hóa đồng bộ khai thác bằng giàn chống tự hành kết hợp với máy khấu than, hệ thống giám sát khí mêtan..., giúp tăng hiệu quả khai thác hơn 30% so với trước đây.
Tặng quà, động viên công nhân đang khai thác trong hầm lò, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị công nhân, lãnh đạo nhà máy và ngành than cần đặc biệt chú ý an toàn lao động, không vì chạy theo thành tích khai thác mà chủ quan, mất an toàn.
Sau khi thị sát và nghe báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, thuận lợi khó khăn của Công ty Nam Mẫu thời gian qua, Phó Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của công ty trong việc cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống người lao động; đồng thời chia sẻ với công nhân, cán bộ công ty về những khó khăn đặc thù của ngành than.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành than nói chung và Than Nam Mẫu nói riêng tiếp tục nỗ lực, tập trung đổi mới công nghệ khai thác để giảm đến mức thấp nhất tổn thất tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, tăng mức độ an toàn, tăng năng suất lao động và tăng thu nhập người lao động, nhất là đối với thợ mỏ.
Mỏ than Nam Mẫu (nay là Công ty than Nam Mẫu trực thuộc TKV) đã có 17 năm xây dựng và phát triển, là một trong những đơn vị có sức tăng trưởng nhanh và sản lượng lớn trong Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam.
Hiện tại, công suất mỏ của công ty Than Nam Mẫu đạt 2,5 triệu tấn/năm, trữ lượng công nghiệp 81 triệu tấn, khai thác đến mức -200, tuổi thọ mỏ 36 năm, tính từ năm 2006.
Quy định mới về tiền lương của quân nhân, viên chức quốc phòng
Một số quy định về tiền lương, phụ cấp, nhà ở đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Theo quy định tại Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng số 98/2015/QH13 ngày 26/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1/7, tiền lương, phụ cấp, nhà ở đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định như sau:
Tiền lương của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được xác định theo trình độ đào tạo, chức danh, vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt.
Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được hưởng phụ cấp phụ cấp thâm niên được tính theo mức lương hiện hưởng và thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của quân đội theo quy định của pháp luật; phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức, viên chức có cùng điều kiện làm việc; phụ cấp, trợ cấp phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù quân sự.
Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được hưởng chính sách ưu tiên hỗ trợ về nhà ở xã hội; thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật. Quân nhân chuyên nghiệp được hưởng phụ cấp về nhà ở.
Về nâng lương đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng: Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nâng lương nếu có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và đủ thời hạn nâng lương cho từng đối tượng.
Việc nâng lương mỗi lần chỉ được nâng một bậc; trường hợp lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, học tập và trong thực hiện nhiệm vụ thì được nâng lương trước thời hạn hoặc vượt bậc. Trong thời hạn xét nâng lương nếu vi phạm kỷ luật quân đội và pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị kéo dài thời hạn xét nâng lương.
Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng cũng quy định: Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ trong quân đội được chăm sóc sức khỏe; khi bị thương, ốm đau, tai nạn, rủi ro nghề nghiệp ở xa cơ sở quân y hoặc mắc những bệnh mà cơ sở quân y không có khả năng điều trị thì được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế khác, được thanh toán viện phí và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi của quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Thân nhân của công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ trong quân đội không có chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Chính phủ (VOV)
Khởi động cầu dài hơn 6km bắc qua sông Lam
Sáng 26/6, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Bộ Giao thông Vận tải cùng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức khởi động công trình cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối Nghệ An - Hà Tĩnh. Công trình cầu Cửa Hội kết nối thị xã Cửa Lò với huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nằm trên tuyến đường bộ ven biển Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 1/2010, nằm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đến 2020.
Công trình có kinh phí đầu tư khoảng 1.050 tỷ đồng, trong đó có nguồn vốn đầu tư của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để thực hiện giải phóng mặt bằng, nguồn vốn Nhà nước đầu tư và phần còn lại hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương.
Cầu được thiết kế dài 6,2 km, trong đó phần cầu dài 1,6 km, còn lại phần đường dẫn. Bề rộng cầu 12 m với 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
Công trình hoàn thành sẽ kết nối, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển và du lịch, đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh miền Trung nói chung và hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Khởi công cơ sở 2 bệnh viện Ung bướu 6.000 tỷ đồng
Công trình cơ sở 2 bệnh viện Ung bướu TP HCM có 1.000 giường cùng trang thiết bị hiện đại với tổng giá trị đầu tư gần 6.000 tỷ đồng vừa được khởi công.
Sáng 26/6, UBND TP HCM đã làm lễ khởi công xây dựng cơ sở 2bệnh viện Ung bướu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và đại diện Bộ Y tế, lãnh đạo TP HCM đến dự.
Cơ sở 2 bệnh viện Ung bướu TP HCM là một trong 5 đề án “]Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại TP HCM do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014.
Các bệnh viện đầu tư theo hướng hiện đại, kỹ thuật cao, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực để cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần giảm tải các bệnh viện.
Cơ sở 2 bệnh viện Ung bướu TP HCM có quy mô 1.000 giường, xây dựng trên thửa đất rộng 55.594 m2 tại phường Tân Phú (quận 9), tiếp giáp tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Công trình có tổng diện tích sàn xây dựng là 120.000 m2, chia ra làm 3 khối nhà với nhiều bộ phận chức năng: Khoa Khám bệnh và điều trị ngoại trú, Khu Điều trị nội trú, Khu Kỹ thuật nghiệp vụ, Khu hành chính quản trị, bãi đậu xe và sân đậu trực thăng phục vụ công tác vận chuyển bệnh nhân cấp cứu. Dự kiến công trình này hoàn thành và đưa vào hoạt động cuối năm 2017.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hiện nay nhân dân sử dụng bảo hiểm y tế vẫn còn thấp, thực trạng quá tải giường bệnh khiến người dân còn nhiều bức xúc. Tỷ lệ giường bệnh trên đầu dân ở Việt Nam là quá thấp, việc xây dựng bệnh viện chuyên khoa Ung bướu là cần thiết để điều trị, chữa bệnh căn bệnh nan y này cho nhân dân. Người đứng đầu Chính phủ rất hoan nghênh sự cố gắng của lãnh đạo TP HCM, người dân địa phương đã nhường đất để xây dựng công trình.
Để công trình đảm bảo tiến độ, sớm đưa vào sử dụng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị chủ đầu tư là UBND TP HCM cần thường xuyên rà soát, giao ban công việc đảm bảo đúng tiến độ. Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế TP HCM tập trung công tác đào tạo cán bộ y bác sĩ chất lượng cao để làm việc tại bệnh viện.
"Tôi tin rằng bệnh viện có 1.000 giường với tổng đầu tư gần 6.000 tỷ đồng sẽ là địa điểm không những khám chữa bệnh cho nhân dân TP HCM mà cả miền Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo Ban quản lý các dự án Sở Y tế TP HCM ngay sau khi lễ khởi công, các nhà thầu đã bắt tay ngay vào công việc để đảm bảo đúng tiến độ. Ảnh: Phước Tuần
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết cơ sở 2 bệnh viện Ung bướu là công trình trọng điểm, quan trọng của khu vực miền Nam nên lãnh đạo TP rất quan tâm, giám sát và đẩy nhanh tiến độ.
Hiện Sở Y tế TP HCM cử lực lượng đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa Ung bướu đi học tập ở nước ngoài để có thể về điều trị bằng các trang thiết bị hiện đại, phục vụ việc khám chữa bệnh cho người dân.(Zing)