tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 21-06-2016

  • Cập nhật : 21/06/2016

Hà Nội phê duyệt giá đất bồi thường, hỗ trợ GPMB tại huyện Phú Xuyên

UBND Hà Nội vừa phê duyệt hệ số điều chỉnh, giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức hợp đồng BOT đoạn qua huyện Phú Xuyên.

cao toc phap van - cau gie

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Theo quyết định, giá bồi thường giải phóng mặt bằng vị trí 1 đường 428b đoạn xã Phúc Tiến từ giáp quốc lộ 1A đến hết xã Phúc Tiến; hệ số điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường giải phóng mặt bằng là 2,11 lần so với giá đất ở cùng vị trí quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND thành phố; giá đất cụ thể (làm tròn) là 4.009.000 đồng/m2.

Vị trí 3 đường 428b đoạn xã Phúc Tiến từ giáp quốc lộ 1A đến hết xã Phúc Tiến, hệ số điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường giải phóng mặt bằng là 1,87 lần so với giá đất ở cùng vị trí quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND thành phố; giá đất cụ thể (làm tròn) là 2.490.000 đồng/m2.

Vị trí 1 đường liên xã Phúc Tiến (từ giáp QL1A đến hết xã PhúcTiến), hệ số điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường giải phóng mặt bằng là 1 53 lần so với giá đất ở cùng vị trí quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ- UBND ngày 29/12/2014 của UBND thành phố; giá đất cụ thể (làm tròn) là 1 844 000 đồng/m2.

Vị trí 3 đường liên xã Nam Phong, Thụy Phú (đoạn từ giáp huyện Thường Tín đến đê sông Hồng), hệ số điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường giải phóng mặt bằng là 1,85 lần so với giá đất ở cùng vị trí quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND thành phố; giá đất cụ thể (làm tròn) là 1.840.000 đồng/m2.

UBND Hà Nội giao UBND huyện Phú Xuyên chịu trách nhiệm về vị trí, nguồn gốc sử dụng đất; lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức hợp đồng BOT đoạn qua huyện Phú Xuyên đúng quy định...


Đề xuất thưởng 10 tỉnh, thành phố gần 1.200 tỷ đồng

Đó là đề xuất của Chính phủ được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây khi cho ý kiến về việc xử lý và phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2015.

Theo đó, 10 tỉnh, thành phố được đề xuất thưởng số tiền gần 1.200 tỷ đồng gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa và Bình Dương.

Giải thích cho lý do thưởng cho 10 tỉnh, thành phố số tiền trên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Luật Ngân sách nhà nước, khoản 5 Điều 59 quy định: "Hàng năm, trong trường hợp có tăng thu Ngân sách Trung ương (NSTW) so với dự toán từ các khoản thu phân chia giữa NSTW với Ngân sách địa phương (NSĐP), Chính phủ quyết định trích một phần theo tỷ lệ không quá 30% của số tăng thu so với dự toán thưởng cho NSĐP, nhưng không vượt quá số tăng thu so với mức thực hiện năm trước.

Theo người đứng đầu ngành Tài chính, các năm trước, NSTW đều thực hiện thưởng vượt thu cho các địa phương mức tối đa 30% của số vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và kết quả vượt thu thực tế (bao gồm cả các năm 2012, 2013 NSTW bị giảm thu tổng thể).

Đối với năm 2015, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và kết quả vượt thu thực tế, thì mức tối đa 30% của số vượt thu thưởng cho 10 địa phương là 2.255 tỷ đồng.

“Trong bối cảnh NSTW về tổng thể bị hụt thu, nguồn lực NSTW hạn chế, thực hiện quy định của Luật Ngân sách nhà nước và căn cứ khả năng nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi của NSTW, Chính phủ kiến nghị xử lý 50% mức tối đa thưởng cho 10 địa phương là 1.128 tỷ đồng, gồm: thành phố Hà Nội 297,9 tỷ đồng, TP.HCM 449,3 tỷ đồng; Hải Phòng 4,3 tỷ đồng; Quảng Ninh 15,7 tỷ đồng; Vĩnh Phúc 149,4 tỷ đồng; Bắc Ninh 10,6 tỷ đồng; Đà Nẵng 30,9 tỷ đồng; Quảng Ngãi 67,2 tỷ đồng; Khánh Hòa 11,4 tỷ đồng và Bình Dương 91 tỷ đồng. Mức thưởng này tương ứng tỷ lệ 15% của số vượt thu, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước là không quá 30%”, ông Dũng cho biết.

Cắt mức hỗ trợ hơn 12.500 tỷ đồng “đặc thù” cho Hà Nội và TP.HCM

Đề cập đến khoản hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng theo cơ chế tài chính đặc thù cho thành phố Hà Nội và TP.HCM, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, căn cứ chế độ quy định và kết quả thu thực tế, thì tổng nhu cầu hỗ trợ đầu tư trở lại theo cơ chế tài chính đặc thù cho 2 thành phố là 12.554 tỷ đồng (trong đó: Hà Nội 3.217,6 tỷ đồng, TP.HCM 9.336,8 tỷ đồng).

Tuy nhiên, trong điều kiện cân đối NSTW khó khăn do giảm thu, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội không thực hiện hỗ trợ đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù cho Hà Nội và TP.HCM.

“Việc đề xuất xử lý mức thưởng vượt thu như phương án của Chính phủ và không đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù cho Hà Nội và TP.HCM như trên là phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và thực tế khả năng cân đối nguồn lực của NSTW nam 2015, không làm tăng thêm bội chi NSNN”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Theo người đứng đầu ngành Tài chính, trường hợp xử lý thưởng cho 10 địa phương theo tỷ lệ tối đa 30% của số vượt thu (2.255 tỷ đồng) và hỗ trợ 12.554 tỷ đồng đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù cho Hà Nội và TP.HCM thì phải tăng bội chi NSNN năm 2015 thêm 13.681 tỷ đồng, tương ứng bội chi NSNN và nợ công tăng thêm 0,31%GDP kế hoạch (0,33%GDP thực hiện).

Cho ý kiến thẩm tra về vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí việc thưởng vượt dự toán thu cho 10 địa phươngnhư tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc nhiều địa phương vượt dự toán cao cũng phản ánh tình trạng lập dự toán NSNN chưa sát, cần xem xét, khắc phục để bảo đảm tính chủ động trong điều hành ngân sách trong những năm tới.

Đối với việc đầu tư trở lại cho Hà Nội và TP. HCM, ông Hải cho biết, đa số ý kiến tán thành với phương án Chính phủ trình. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện áp dụng các tiêu chí, định mức phân bổvốn đầu tư nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 đã loại bỏ các ưu đãi tính điểm đối với các địa phương có điều tiết về NSTW, dẫn đến vốn đầu tư phát triển cho các thành phố như Hà Nội, TP.HCM giảm, thì cần thực hiện đúng quy định việc hỗ trợ đầu tư trở lại cho 2 thành phố theo quy định của Luật NSNN nhằm khuyến khích, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu lâu dài.

Sau khi nghe các đại biểu cho ý kiến, Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với đề xuất của Chính phủ sẽ thưởng cho 10 địa phương trên số tiền gần 1.200 tỷ đồng do vượt thu ngân sách trong năm 2015.(infonet)


Khốn khổ vì điều kiện kinh doanh

Mới đây, phát biểu trên báo chí, ông Nguyễn Thái Linh, Ủy viên Thường vụ Hiệp hội In Việt Nam, bức xúc nói chính các giấy phép con là cơ sở để sinh ra các cuộc thanh tra, kiểm tra của nhiều ban, ngành. Đáng nói là hàng loạt quy định không còn hợp thời đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (DN).

Dẫn chứng cho sự mệt mỏi với việc xin giấy phép con, ông Linh cho biết mỗi ngày, họ có cả trăm đơn hàng; thông tin khách hàng đã nhập vào máy tính, chỉ cần nhấn nút in ra là xong. Nhưng theo quy định, DN phải “ghi chép” sổ sách và sao lưu CMND của người đặt in, mà phải chép vào cuốn sổ mua từ cơ quan chức năng. Nhiều khách hàng đặt in một hộp danh thiếp cũng phải mượn CMND photocopy để lưu nên rất khó chịu. Không làm đúng như thế thì các đoàn kiểm tra bắt lỗi.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết trong một cuộc họp báo gần đây là hiện cả nước có gần 7.000 giấy phép con liên quan đến hoạt động của DN. Trong đó, trên 1/2 không còn căn cứ pháp lý để tồn tại vì các giấy phép đó được quy định bởi các thông tư - mà theo quy định mới thì thông tư của các bộ, ngành và địa phương không được hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN.

Giấy phép con xưa nay là nỗi ám ảnh của DN. Nhiều DN nói thẳng việc vất vả bươn chải để trụ được với thị trường, với sức ép của DN nước ngoài chẳng thấm vào đâu so với chuyện phải vắt óc suy nghĩ làm sao thoát khỏi sự hành hạ của giấy phép con. Nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý con số hơn 23.000 DN dừng hoạt động hoặc phải giải thể trong quý I năm nay là có “sự đóng góp” không hề nhỏ của tình trạng tràn lan giấy phép con.

Điều đáng nói là theo quy định mới, từ ngày 1-7, những điều kiện kinh doanh được quy định bởi thông tư nếu tiếp tục thực hiện thì coi như vi phạm pháp luật. Vậy nhưng, gần đây, một số bộ, ngành vẫn phớt lờ, tiếp tục ban hành một số giấy phép con về điều kiện kinh doanh trong các thông tư. Đến nỗi, ông Vũ Tiến Lộc phải thốt lên: “Đây là điều rất lạ”.

Ngay sau khi ra mắt quốc dân đồng bào, Chính phủ mới, dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức một hội nghị vào ngày 29-4 với chủ đề “DN Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Tại hội nghị, thông điệp được Thủ tướng Chính phủ đưa ra: DN là một động lực của phát triển kinh tế, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các DN phát triển. Ngay sau hội nghị, Chính phủ ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Theo đó, Chính phủ sẽ vận hành theo nguyên tắc lấy DN là đối tượng phục vụ, từ đó tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh và phát triển. Trong đó có việc các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, dễ thực hiện, lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con.

Nỗ lực của Chính phủ đã quá rõ. Tuy nhiên, bao giờ các bộ, ngành đưa ra được lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con là câu hỏi rất khó trả lời. Với cách vận hành của bộ máy hành chính nước ta, rất khó để trông chờ vào sự nỗ lực của các bộ, ngành. Ngặt nỗi, DN có thực sự được thụ hưởng những nỗ lực của Chính phủ hay không lại cần bắt đầu từ chính nỗ lực của các bộ, ngành!


Hà Nội: Sửa đổi tỷ lệ phần trăm đơn giá thuê đất hàng năm

UBND Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3153/QĐ-UBND, sửa đổi một số điều tại Quyết định số 3667/QĐ-UBND về tỷ lệ phần trăm (%) đơn giá thuê đất đối với các trường hợp thuê đất hàng năm không thông qua hình thức đấu giá, thuê đất, thuê mặt nước, thuê đất để xây dựng công trình ngầm trên địa bàn thành phố.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Theo quyết định,  sửa đổi quy định tại Điểm 1.4, Điều 1, Quyết định số 3667/QĐ- UBND, ngày 7/7/2014, của UBND thành phố Hà Nội, cụ thể: Trường hợp mục đích sử dụng đất thuê làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư theo danh mục do Chính phủ quy định, đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất một năm là 0,5% giá đất tính thu tiền thuê đất.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 16/6/2016. Đối với các trường hợp xác định đơn giá thuê đất từ ngày 27/12/2015 (ngày hiệu lực Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ) đến thời điểm quyết định này có hiệu lực, tỷ lệ phần trăm (%) đơn giá thuê đất áp dụng theo quy định nêu trên.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục