Quy định mới về hộ chiếu, xuất cảnh, nhập cảnh
Hội đoàn Việt Nam tại Pháp phản đối Trung Quốc bay thử ra Trường Sa
Sức bật cho vay tiêu dùng ở TP.HCM
Khai trương đường bay Cần Thơ – Nha Trang
Khởi tố hiệu trưởng bớt xén tiền bán trú của học sinh
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 20-06-2016
- Cập nhật : 20/06/2016
Đầu tư 7.300 tỷ đồng kết nối giao thông khu vực Tây Bắc với cao tốc Nội Bài – Lào Cai
Việc xây các tuyến kết nối này sẽ góp phần nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng cho khu vực Tây Bắc, đồng thời phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Dự án dự kiến đầu tư 2 tuyến đường kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai gồm tuyến nối từ Lai Châu và tuyến nối từ Nghĩa Lộ (Yên Bái).
Cụ thể, tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai bắt đầu từ Km34+800, Quốc lộ 4D, thành phố Lai Châu và kết thúc tại nút giao IC.16 Km 198 +730, cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Tuyến có chiều dài 137 km được xây dựng theo quy mô đường cấp III miền núi, trong đó có 16 km xây mới, 121 km sẽ được nâng cấp mở rộng.
Tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài – Lào Cai bắt đầu từ Km 209+500, Quốc lộ 32, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái và kết thúc tại nút giao IC14, Km 149+705, cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Tuyến có chiều dài 52,2 km, được xây dựng theo quy mô đường cấp IV miền núi.
Tổng mức đầu tư Dự án là 7.300 tỷ đồng, trong đó phần vốn vay của ADB là 6.600 tỷ đồng (tương đương 300 triệu USD); vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước là 700 tỷ đồng (35 triệu USD).
Do Dự án không có khả năng thu hồi vốn nhưng có tác động lan tỏa cho cả vùng Tây Bắc nên PMU2 đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận áp dụng cơ chế ngân sách cấp phát vốn vay 100% để thực hiện.
Việc xây các tuyến kết nối này sẽ góp phần nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng cho khu vực Tây Bắc, đồng thời phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm Chủ đầu tư và quản lý, được khởi công ngày 25/4/2009 và thông xe toàn tuyến ngày 21/9/2014. Đây là tuyến đường bộ cao tốc dài nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay (245km), đi qua 5 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.
Từ khi đưa vào khai thác đến nay, tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai giúp các phương tiện giảm một nửa thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 giờ so với 7 giờ trước đây, từ Hà Nội đi Yên Bái chỉ còn hơn 2 giờ, đồng thời cũng rút ngắn một nửa thời gian đi lại giữa các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ,… Ngay cả một tỉnh lân cận như Lai Châu, từ khi cao tốc Nội Bài – Lào Cai đưa vào khai thác, lượng khách du lịch, hàng hóa và thu ngân sách của tỉnh đều tăng cao; giảm đáng kể thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lai Châu chỉ mất 6 tiếng đồng hồ so với trước đây khoảng 10 – 11 tiếng. Các doanh nghiệp vận tải tiết kiệm được 20-30% chi phí, giúp hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa; ước tính 1 năm làm lợi cho xã hội khoảng 1.800 tỷ đồng từ tiết kiệm về mặt thời gian, nhiên liệu, chi phí hao mòn…
AFW tư vấn mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất thêm hơn 853 ha
Diện tích ban đầu của Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất được phê duyệt 306 ha, gồm 110 ha mặt đất và 196 ha mặt biển, tuy nhiên trong quá trình triển khai hợp đồng thiết kế tổng thể (FEED), phía đơn vị tư vấn - Công ty Amec Foster Wheeler Energy Limited (AFW-Anh) đã đề nghị chủ đầu tư bổ sung 853,48 ha diện tích cho dự án, trong đó có 170,48 ha mặt đất và 683 ha mặt biển.
Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Trưởng Ban quản lý dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất cho biết, hiện BSR chưa có quyết định cuối cùng diện tích bổ sung cụ thể là bao nhiêu.
“Diện tích bổ sung trên đất liền cho dự án ước tính khoảng từ 50-70 ha, và phần diện tích đó chi phí đền bù không cao vì chủ yếu là cây xanh do người dân trồng”, ông Nguyễn Việt Thắng cho biết.
Hiện Ban quản lý dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất đã ký hợp đồng với Liên danh nhà thầu thi công rà phá bom mìn, vật nổ gói thầu 8b. Liên danh nhà thầu đã hoàn thành rà phá 90% diện tích trên cạn.
Đối với phần rà phá bom mìn trên biển, theo báo cáo của đơn vị tư vấn, tuyến ống dầu thô và SPM (phao nhập dầu thô từ ngoài khơi) có hướng tuyến và vị trí được bố trí khác biệt so với phương án tư vấn sơ bộ vì vậy chưa triển khai công tác thi công rà phá bom mìn, vật liệu nổ cho phần diện tích trên biển này.
Cũng theo ông Nguyễn Việt Thắng, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đã hoàn thành trên 90%, hợp đồng FEED đã triển khai được khoảng 26% khối lượng công việc. Hiện đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu cung cấp bản quyền công nghệ cho 7/7 phân xưởng.
Toàn bộ công nghệ lựa chọn đều là công nghệ tiên tiến hiện đại nhất từ các nước Pháp, Mỹ, Italy, Hà Lan... Nhà thầu thiết kế tổng thể AFW cũng đang chuẩn bị chiến lược lựa chọn nhà thầu EPC cho dự án, lập tổng dự toán và triển khai thiết kế các hạng mục công nghệ, các công trình phụ trợ và công trình biển.
Dự kiến, công tác giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành trong tháng 7/2016 và các hạng mục thu xếp vốn, mở thầu hiện BSR/DQRE đang nhận được sự chỉ đạo sát sao của PVN để tiến hành lựa chọn Nhà tư vấn thu xếp tài chính cho dự án dự kiến cũng sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Hiện theo dự án đã được phê duyệt, 30% tổng nguồn vốn của dự án là của nhà đầu tư và 70% là vốn vay (50% là vốn vay từ nguồn quỹ tín dụng xuất khẩu, 50% còn lại là vay thương mại).
Năm 2015, Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được Chính phủ chấp nhận với công suất chế biến Nhà máy tăng từ 6,5 lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 192.000 thùng dầu/ngày, tăng khoảng 30%. Sau khi hoàn thành, nhà máy sẽ chế biến được các chủng loại dầu thô thông dụng trên thế giới.
Dự án có tổng vốn đầu tư trên 1,8 tỷ USD sẽ được thực hiện trong 78 tháng, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Đến nay, dự án đã triển khai được 13/78 tháng.
Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM cam kết đầu tư siêu thị ở Kon Tum
Theo đó, hai bên thống nhất triển khai kế hoạch hợp tác nhiều nội dung trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi địa phương. Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai địa phương gặp gỡ, kết nối đầu tư mở rộng hợp tác phát triển.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết tại hội nghị này, Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM cam kết đầu tư một siêu thị Co.op mart tại Kon Tum.
Sau khi trao đổi tìm hiểu hàng hóa trưng bày tại hội nghị, Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM tìm được các đối tác cung cấp ở KonTum gồm cà phê, mật ong, tiêu rừng, chè dây. Trong khi đó các doanh nghiệp TP.HCM tìm được đối tác là phà phân phối cặp, ba lô… để phát triển thị trường.
Theo ông Kiên với kết quả trên cho thấy bước khởi đầu thuận lợi trong kí kết hợp tác thương mại giữa hai địa phương. Thời gian tới, hàng hóa của doanh nghiệp hai địa phương sẽ hiện diện nhiều ở các hệ thống phân phối TP.HCM và Kon Tum.
Cá sấu rớt giá, người nuôi lao đao
Nhiều hộ dân nuôi cá sấu ở Bạc Liêu đang lâm vào tình cảnh khốn đốn khi cá sấu rớt giá mạnh, hiện chỉ còn 80.000-85.000 đồng/kg, giảm 60-70% so với mức giá cùng thời điểm này năm trước.
Anh Trần Quốc Ninh, một hộ nuôi cá sấu ở huyện Vĩnh Lợi, cho biết số cá sấu anh nuôi đang đạt trọng lượng để bán, từ 17-18kg/con nhưng với mức giá nêu trên sẽ bị lỗ nặng.
“Nhưng để chờ giá lên, cá càng lớn, quá lứa sẽ khó bán hơn” - anh Ninh lo lắng.
Nhiều hộ dân ở các huyện Phước Long, Hồng Dân... cũng gặp tình cảnh tương tự.
Theo các hộ nuôi, với mức giá cá sấu giống từ 650.000-700.000 đồng/con và giá thức ăn khoảng 12.000-13.000 đồng/kg, giá bán cá sấu thương phẩm phải ở mức từ 150.000 đồng trở lên người nuôi mới có lời.
Ông Nguyễn Văn Phúc, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, cho biết phong trào nuôi cá sấu ở Bạc Liêu đều tự phát, nhiều người đua nhau làm chuồng trại để nuôi cá sấu khi giá tăng, dẫn đến hiện tượng cung tăng vọt, trong khi đầu ra lại phụ thuộc vào thương lái.
Theo ông Phúc, đơn vị cũng vừa có văn bản gửi phòng NN&PTNT các huyện khuyến cáo bà con nông dân thận trọng trong việc nuôi cá sấu, không nên đầu tư nuôi mới.
“Về lâu dài, nông dân cần liên kết lại theo hình thức HTX, tổ hợp tác, hiệp hội để có đại diện đứng ra thương thảo việc mua bán với đối tác và thương lái thì mới không bị ép giá” - ông Phúc nói.