Doanh nghiệp TP.HCM nợ BHXH 3.000 tỉ đồng
Ngày 15-6, ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết mức nợ chiếm gần 8% kế hoạch thu, tương ứng 3.000 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2015.
Để xử lý các khoản nợ, cơ quan BHXH TP đã thông báo đến hơn 2.000 doanh nghiệp nợ từ sáu tháng với số nợ 50 triệu đồng và thông báo mức lãi suất chậm nộp, khả năng bị xử lý hình sự từ ngày 1-7-2016.
Né đóng BHXH là một trong những nguyên nhân khiến quan hệ lao động tại doanh nghiệp không hài hòa. Ảnh: P.ĐIỀN
Theo ông Tiến, số nợ BHXH hiện nay tiếp tục tăng, nguyên nhân là do quy định hướng dẫn của TAND Tối cao có Công văn số 105 yêu cầu tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT của người lao động mà phải là của công đoàn cơ sở. Vấn đề phát sinh này đang gây lúng túng cho các cơ quan trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn trình tự, thủ tục nên nhiều hồ sơ khởi kiện còn tồn đọng. Đồng thời, tòa không thụ lý hồ sơ khởi kiện theo luật dân sự nên từ đầu năm đến nay công tác khởi kiện bị ách tắc, khó thu hồi nợ BHXH, chưa triển khai thanh tra chuyên ngành về thu BHXH, BHYT.
Đà Nẵng sẽ ưu tiên đột phá với kinh tế tư nhân
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, địa phương sẽ ưu tiên đột phá đầu tư kinh tế trong những năm tới với mảng kinh tế tư nhân, nhằm khai thác tốt hơn những lợi thế của Đà Nẵng.
Quang cảnh hội thảo Khát vọng Việt Nam 2035 diễn ra sáng nay 15/6/2016 tại Đà Nẵng.
Ông Mình nhìn nhận, Đà Nẵng đã có được những nền tảng phát triển trong nhiều năm qua, như hạ tầng giao thông, điều kiện y tế... và nhiều mảng hoạt động hiệu quả, như an ninh trật tự, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đầu tư du lịch... Nhưng để địa phương đẩy mạnh được nội lực kinh tế, lĩnh vực kinh tế tư nhân sẽ là mảng được tập trung đầu tư, tạo mọi điều kiện để phát triển ổn định và bền vững.
Với tinh thần đó, thời gian đến, chính quyền địa phương sẽ rà soát, nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi và kêu gọi phát triển mạnh kinh tế tư nhân, nhất là về lĩnh vực tăng năng suất lao động và đạt hiệu quả đầu tư cao.
Những thông tin này đã được ông Hồ Kỳ Minh đưa ra tại hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035 – Phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động và yêu cầu hiện đại hóa thể chế”, do Bộ Kế hoạch Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hợp tác Ngân hàng Thế giới tổ chức ở Đà Nẵng vào sáng nay 15/6/2016.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, hội thảo này có nội dung trao đổi với các tổ chức và doanh nghiệp tại miền Trung về bản báo cáo tổng quan “Việt Nam 2035”, với thông điệp kêu gọi vận động đổi mới thể chế quản lý và hiệu quả hơn về đầu tư kinh tế Việt Nam.
Trong đó, vấn đề hiện đại hóa nền kinh tế đi đôi với nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế quốc gia theo hướng chọn kinh tế tư nhân làm trung tâm của đổi mới, đã được xác định là những nội dung quan trọng.
“Đà Nẵng chúng tôi ủng hộ các vấn đề và lộ trình báo cáo Khát vọng Việt Nam 2035 đã đặt ra, bởi đây cũng chính là những nội dung hành động mà Đà Nẵng cần có, nhất là tạo mọi điều kiện để đầu tư phát triển kinh tế tư nhân, biến kinh tế tư nhân thành động lực mạnh mẽ cho địa phương phát triển”. Ông Minh nhấn mạnh như vậy.
Được biết, trong báo cáo Khát vọng Việt Nam 2035, các chuyên gia kinh tế và chính sách đã nhìn nhận, Việt Nam đang phải đối mặt 4 mối lo lớn và dài lâu, sẽ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế quốc gia, là năng suất thấp và tụt giảm; hệ thống đổi mới sáng tạo yếu kém; đô thị hóa chưa giúp tăng trưởng và tăng trưởng “xám” và biến đổi khí hậu.
Trong đó, 2 mối lo đầu tiên đã biểu hiện gắn bó mật thiết với các giá trị đầu tư và cải cách mà kinh tế tư nhân có thể mang lại.
Cho nên, lựa chọn hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế tư nhân là chìa khóa quan trọng để Việt Nam giải quyết căn cơ các mối lo phát triển ở tương lai.
Dự án Gang thép Thái Nguyên: Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương tự chịu trách nhiệm
Dù đã tiêu khoảng 4.500 tỷ đồng nhưng hiện tại dự án 8.000 tỷ vẫn cơ bản chỉ là những khung thép bỏ hoang - Ảnh: Tuổi Trẻ
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý về nguyên tắc cho phép Bộ Công thương lựa chọn nhà thầu tư vấn độc lập đánh giá Dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 - Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên theo hình thức chỉ định thầu.
"Bộ Công thương có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và tự chịu trách nhiệm trước quyết định của mình", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên thanh toán, hạch toán chi phí thuê tư vấn độc lập trên theo quy định hiện hành.
Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên là Dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ đồng, được khởi công tháng 9/2007.
Do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, dự án bị chậm tiến độ dẫn đến làm tăng tổng mức đầu tư lên hơn 8000 tỷ đồng, sau đó lại rơi vào trạng thái dừng thi công từ quý I/2013 do chưa thu xếp được vốn.
Cụ thể, dự án này vốn rất nổi tiếng sau khi gặp khó khăn tài chính, dẫn tới việc nhà thầuTrung Quốc bỏ về nước vào năm 2012, đem theo hơn 90% tiền TISCO đã thanh toán phần thiết bị…
Sau một thời gian dài đàm phán với Tổng thầu là Tập đoàn Xây lắp Luyện Kim Trung Quốc (MCC), TISCO đã báo cáo Thủ tướng về việc chấp nhận bồi thường cho nhà thầu Trung Quốc, đồng thời đưa ra với hàng loạt kiến nghị ưu đãi về thuế, tiền trả lãi vay… để có tiền tiếp tục triển khai dự án.
Cụ thể, TISCO khẳng định tổng vốn đầu tư của dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên sẽ lên tới 9.031 tỷ đồng - tăng 927 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư cũ.
Trước đó, theo đề nghị của nhà thầu Trung Quốc cũng, dự án đã tăng tổng vốn từ 3.843 tỷ lên 8.014 tỷ đồng.
Trong báo cáo Thủ tướng, Bộ Công thương công nhận với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh lên tới 9031 tỷ thì dự án cơ bản không còn hiệu quả, cần tới 23 năm mới thu hồi xong vốn.
Tuy nhiên, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ chấp nhận đề xuất ưu đãi của TISCO, cấp thêm một loạt ưu đãi “khủng”, trong đó có những ưu đãi mà hiếm doanh nghiệp tư nhân nào dám “mơ”: yêu cầu Ngân hàng Phát triển VN (VDB) khoanh nợ gốc, đồng thời miễn 100% lãi vay thời gian dự án dừng thi công (khoảng 386 tỷ). Tiền vay từ ngân hàng này cũng chỉ tính lãi 5,5%/năm...
Liên quan đến dự án này, hồi đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Công thương: thành lập tổ công tác; thuê tư vấn độc lập; đánh giá toàn diện Dự án, trong đó có phương án bán Dự án, phương án bán Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư Dự án, trong đó làm rõ khả năng đàm phán với đối tác để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm.
Trên cơ sở đó, đề xuất phương án xử lý đối với Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/7/2016.
Việt Nam đề nghị Trung Quốc không làm phức tạp tình hình Biển Đông
Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 13/6, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại của Việt Nam về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông thời gian qua.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (trái) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 diễn ra tại Myanmar năm 2014. Ảnh: Việt Hải/TTXVN
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc hôm qua.
Tại cuộc gặp, Phó thủ tướng bày tỏ quan ngại của Việt Nam về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông vừa qua đồng thời đề nghị hai bên tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng giữa hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho hay.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc thúc đẩy các cơ chế đàm phán về các vấn đề trên biển đạt tiến triển, cùng ASEAN thực hiện hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), sớm xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh quan hệ hai nước tiếp tục có những tiến triển tích cực và đề nghị hai bên tiếp tục duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhất trí về các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước. Về tình hình khu vực, ông Vương Nghị cho rằng Trung Quốc và ASEAN đều có nhu cầu duy trì hòa bình, hợp tác, kiểm soát bất đồng ở Biển Đông; về song phương, hai nước đã có các cơ chế đàm phán liên quan.
Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc diễn tại thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam. Sự kiện là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN - Trung Quốc vào tháng 9 tại Lào.
(
Tinkinhte
tổng hợp)