Kiên Giang khởi công hàng loạt dự án lớn
Đà Nẵng: Phê duyệt quy hoạch dự án xây dựng bệnh viện quốc tế
Thúc đẩy mô hình HTX thuỷ sản
Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự 2015
Đà Nẵng đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây 2 hầm chui giảm tải giao thông
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 14-03-2016
- Cập nhật : 14/03/2016
Giang hồ manh nha “chiếm cảng”
Chắn đường xuống cầu cảng thu tiền, tràn sang cảng khác đe dọa giành mối bốc xếp, đánh người không nộp “tiền vô cảng”... là những hành động ngang ngược ở cảng An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang) khiến dân hoang mang, bức xúc.
Những ngày này, xuống tới thị trấn An Thới hỏi ông Hai Cháo (ông Nguyễn Tấn Thành, 61 tuổi, ngụ khu phố 1, thị trấn An Thới) hầu như ai cũng biết.
Không chỉ do ông là người dân cố cựu ở đây mà vì ông vừa mới bị một nhóm đầu gấu chặn đánh ngay trong khuôn viên cảng quốc tế An Thới.
Và khi nhắc tới câu chuyện này, nhiều người ở đây còn chưa hết hoang mang, phẫn nộ.
“Không nộp tiền thì biến!”
Chuyện xảy ra khoảng 7g sáng 23-2 khi ông Thành chạy xe máy vào cảng quốc tế An Thới lấy cá, ghẹ từ ghe biển đem lên chợ bán như thường lệ. Sau khi vào cổng, ông chạy xe thẳng xuống cầu cảng thì bị hai tên đầu gấu chặn lại đòi nộp tiền mới mở barie cho qua.
Nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự tham gia
Theo thiếu tá Trần Hữu Chương, cầm đầu nhóm đầu gấu là Nguyễn Thanh Phong (thường gọi là Phong Thủy, 32 tuổi, tạm trú tại Phú Quốc). Trước đó ngày 11-2, Phong đã ký hợp đồng với ông Nguyễn Văn Đoàn (52 tuổi), người được giao quản lý ở cảng quốc tế An Thới, để thành lập đội bảo vệ, bốc xếp ở đây.
Với hợp đồng trong tay, Phong huy động một số “đàn em” tới trấn giữ tại cảng, trong số này có cả những đối tượng có tiền án, tiền sự gốc Hà Nội, Hải Phòng.
“Thấy quá vô lý, tui cự lại và không chịu đưa tiền. Vậy là hai thằng nhào tới, một thằng đá trúng hai cái vô vai trái, thằng kia đá vô hông phải, may là tui đỡ được. Một ông bạn đứng gần đó vô can cũng bị nó đòi đánh” - ông Thành kể lại.
Người dân địa phương cho biết nhóm đầu gấu này có gần 20 người, xuất hiện ở cảng quốc tế An Thới từ khoảng mùng 4, mùng 5 tết và ăn ngủ tại một nhà kho ngay bên trong khuôn viên cảng.
Nhóm này do một thanh niên tên Phong cầm đầu và xưng là nhân viên bảo vệ cảng, đảm nhiệm việc bốc xếp hàng hóa, thu phí ra vào cảng.
Để đánh dấu sự cát cứ ở đây, nhóm người này lắp đặt một thanh barie chắn ngang đường xuống cầu cảng. Bất cứ người, phương tiện nào đi qua cũng phải nộp tiền 5.000-10.000 đồng/người, bất kể là ngư dân lên xuống tàu hay khách du lịch.
Nhân viên phục vụ trên một tàu chở khách du lịch neo ở cảng quốc tế An Thới cho hay dù tàu đã nộp “phí” cho nhóm này nhưng khi khách du lịch vào cảng để xuống tàu cũng bị nhóm này chặn lại và thu tiền theo đầu người.
“Thấy khách của mình bị làm phiền, chúng tôi thắc mắc tụi nó nạt lại rằng không nộp tiền thì biến!” - anh này kể lại.
Ngay cả nghiệp đoàn bốc xếp tại cảng cũng bị nhóm đầu gấu này giật mối xếp dỡ hàng hóa. Tiền công bốc dỡ mỗi tấn hàng thông thường khoảng 100.000-150.000 đồng đã bị nhóm này đẩy lên gấp nhiều lần. Nhiều tàu cá, tàu hàng không đồng ý với giá trên trời nên dạt sang cảng An Thới cũ (chủ yếu lên xuống vật liệu xây dựng, hải sản) nằm sát bên cạnh.
Không chịu buông tha, nhóm đầu gấu này đi trên một xe bán tải và khoảng 10 tên đi xe máy kéo sang cảng cũ tìm tới các đội bốc xếp ở đây yêu cầu không được bốc dỡ hàng hoặc phải đầu quân cùng làm.
“Mấy ngày trước nghe tiếng nhóm đầu gấu này tác oai tác quái bên cảng mới (cảng quốc tế An Thới - PV), giờ thấy họ hùng hổ kéo qua lớn tiếng như vậy nên nhiều anh em bốc xếp ở đây cũng sợ, không muốn va chạm nên ngưng làm mấy ngày” - đội trưởng một đội bốc xếp ở cảng An Thới kể.
Không chỉ vậy, nhóm đầu gấu này còn đe dọa, ép các chủ tàu hàng ở cảng cũ dời qua bốc hàng ở cảng mới. Có tàu sợ không bốc kịp hàng sẽ trễ chuyến hàng khác nên đành bấm bụng dời qua dù biết phải chịu giá cao hơn. Nhiều chủ tàu mua hải sản cũng bức xúc nhưng vì không muốn đụng chạm nên cũng lánh sang bờ khác.
Lộ diện “xã hội đen”!
Sau khi những hành vi hung hãn, tác oai tác quái của nhóm đầu gấu này được người dân trình báo, Công an huyện Phú Quốc cử trinh sát xuống địa bàn nắm tình hình.
Ngay sau khi nắm được chân tướng nhóm đầu gấu, công an huyện Phú Quốc đã mời Nguyễn Thanh Phong - người cầm đầu nhóm bảo kê này - tới cảnh cáo và buộc cam kết không được tiếp tục có hành vi đe dọa, hành hung và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Theo thiếu tá Trần Hữu Chương - đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Phú Quốc, cơ quan chức năng thị trấn An Thới cũng đã làm việc với đơn vị thuê nhóm đầu gấu này, họ cho hay đã chấm dứt hợp đồng và cách đây vài ngày nhóm này đã giải tán, rút khỏi khu vực cảng.
“Chúng tôi nói thẳng quan điểm của công an là không kỳ thị với người có tiền án, tiền sự và sẵn sàng tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng, làm ăn chân chính. Tuy nhiên, nếu anh tiếp tục vi phạm pháp luật thì sẽ bị trừng trị nghiêm khắc” - thiếu tá Chương cho biết.
Có mặt tại cảng quốc tế An Thới (do Cục Hàng hải Việt Nam quản lý) và cảng An Thới (do Sở NN&PTNT Kiên Giang quản lý) ngày 10-3, chúng tôi ghi nhận các hoạt động ở đây đã trở lại bình thường.
Ông Ngô Văn Lâm - trưởng ban điều hành cảng An Thới - cho biết nếu lực lượng công an và cơ quan chức năng địa phương không can thiệp và ngăn chặn kịp thời có thể đã dẫn đến tình trạng giang hồ cát cứ, gây bất ổn cho các hoạt động tại cảng.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vương Quốc Khánh - phó tổng giám đốc Công ty CP khai thác cảng hàng hải An Thới - cho biết công ty trúng thầu khai thác cảng quốc tế An Thới trong thời hạn 30 năm.
Trước đây, do không có người phụ trách nên lãnh đạo công ty giao khoán lại cho ông Nguyễn Văn Đoàn trông coi và quản lý tại đây. Ông Khánh cũng vừa được phân công về phụ trách quản lý cảng quốc tế An Thới cách đây chừng 10 ngày nên chỉ mới nắm được sự việc.
Theo ông Khánh, sau khi ông về tiếp quản ở đây được ba ngày, nhóm đầu gấu của Phong tự rút đi. Bản thân ông cũng không biết thực chất hợp đồng giữa ông Đoàn và Phong ra sao vì cho đến giờ ông Đoàn chưa chịu xuất hiện để làm thủ tục bàn giao lại công việc.
“Sau tết, lên họp với lãnh đạo công ty ở Sài Gòn, ông Đoàn khoe mới thuê được đội vệ sĩ về lập lại trật tự tại cảng, công ty cứ yên tâm. Nào ngờ lại xảy ra chuyện như thế!” - ông Khánh nói. (Tuổi Trẻ)
“Cơn bão” kinh doanh đa cấp: Những bài học đắt giá
Kinh doanh đa cấp phát triển mạnh mẽ, rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước. (Ảnh minh họa: Internet)
Những biến tướng lừa đảo của mô hình kinh doanh đa cấp đã gây thiệt hại lớn về kinh tế và những hệ lụy không nhỏ cho xã hội.
Sau khi vụ việc lừa đảo thiệt hại tới 1.900 tỷ đồng của Công ty Liên kết Việt vỡ lở, Bộ Công Thương mới chính thức có ý kiến khuyến cáo người dân xem xét kỹ mô hình này trước khi tham gia. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu khuyến cáo này được đưa ra sớm hơn, có thể nhiều người đã không mắc bẫy đa cấp.
Ngay sau khi Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có Lê Xuân Giang (tức Lê Xuân Hà) – Chủ tịch HĐQT Công ty Liên kết Việt, hàng nghìn người từng tham gia mạng lưới của Công ty này mới tỉnh ngộ. Giấc mộng làm giàu nhanh chóng đã phải trả giá đắt.
Trong số 60.000 người tham gia vào hệ thống đa cấp Liên kết Việt có không ít những người nông dân, người lao động nghèo, sinh viên mới ra trường…gom góp tiền của tham gia vào mạng lưới đa cấp trước những chiêu lừa đảo tinh vi, núp bóng dưới các “đại hội hoa hồng”, các phần thưởng nhà, xe; các mức chi trả mức hoa hồng lên đến 65% doanh thu.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), mọi hình thức thu tiền của người vào sau để trả hoa hồng cho người vào trước mà không qua giao dịch mua bán hàng hóa đều bị pháp luật nghiêm cấm. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, mức trần chi trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích khác cho nhà phân phối là 40% doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Vì vậy, mọi cam kết chi trả lớn hơn 40% đều vi phạm quy định của pháp luật.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu những khuyến cáo này được đưa ra sớm hơn, có thể nhiều người đã nhận biết được những dấu hiệu vi phạm, tránh được các bẫy lừa đảo kinh doanh đa cấp.
“Những cảnh báo này mặc dù muộn, nhưng còn hơn là không. Người dân khi đầu tư phải hết sức thận trọng, cần hiểu rằng tỷ suất lợi nhuận chỉ có thể có được ở mức hợp lý, không có kênh đầu tư nào cho phép làm giàu nhanh một cách phi lý. Phải tìm hiểu kỹ các công ty trước khi bỏ tiền ra. Những công ty thu lợi nhuận cao là bởi họ có tỷ suất lợi nhuận cao do có khoa học công nghệ hiện đại, trong khi kinh doanh đa cấp lấy chỗ nọ bù chỗ kia thì làm sao có tỷ suất lợi nhuận cao được. Nhiều khi người dân nghe người quen biết đã bỏ tiền ra đầu tư, đến nỗi khuynh gia bại sản. Đó là những bài học đau xót cần phải khắc phục”, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét.
Trên thực tế, bán hàng đa cấp chỉ là một hình thức bán hàng, phân phối hàng hóa, không phải là một hình thức đầu tư. Thế nhưng, thời gian qua, không ít các công ty đã lợi dụng mô hình này, lôi kéo người dân tham gia với những lời hứa hẹn hấp dẫn về lợi nhuận.
Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính này thực tế không chú trọng phát triển sản phẩm, mà chỉ tập trung lôi kéo nhiều người tham gia, tồn tại được nhờ vào số tiền những người mới gia nhập bỏ ra mua hàng. Công ty thu lợi nhuận từ khoản tiền này và dùng để chia hoa hồng cho những người có công tuyển dụng.
Trước khi vụ lừa đảo của công ty Liên kết Việt, đã từng có hàng loạt các vụ lừa đảo đa cấp bị phát hiện. Chẳng hạn, công ty MB24, lôi kéo 17.000 người tham gia mua bán gian hàng ảo trên mạng. Với chiêu bài kêu gọi hội viên giới thiệu nhiều người tham gia sẽ được tích điểm, nâng cấp độ, hưởng hoa hồng “khủng”, Công ty này lừa đảo hơn 630 tỷ đồng. Tương tự, 39.000 người tham gia mua gian hàng ảo theo hình thức đa cấp của Công ty Tâm Mặt trời cũng khó lấy lại được số tiền 122 tỷ đồng…
Theo Luật sư Ngô Văn Hiệp - Trưởng Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh, người tham gia bán hàng đa cấp cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về công ty, đặc biệt là nhận biết một số dấu hiệu lừa đảo dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp.
“Người tham gia kinh doanh đa cấp cần tìm hiểu công ty đó có thẩm quyền kinh doanh đa cấp không, rồi sản phẩm có đảm bảo không. Công ty kinh doanh đa cấp biến tướng là những công ty thông qua nhân viên của mình tổ chức các hội thảo thổi phồng công dụng của sản phẩm, và kèm theo những lời hứa hẹn về lợi ích khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và hưởng các khoản hoa hồng, tiền thưởng lớn, thực chất phần trăm hoa hồng đó chính là tiền của người tham gia lại trả cho chính người tham gia”, Luật sư Ngô Văn Hiệp khuyến cáo.
Theo Bộ Công Thương, khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một trong những điều khoản mà các nước yêu cầu Việt Nam phải thực hiện là việc chấp thuận hoạt động kinh doanh đa cấp. Mô hình này đã có từ lâu trên thế giới và xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng 20 năm trở lại đây, nhưng từ cuối năm 2004, Luật cạnh tranh và 2005 là Nghị định 110 mới được ban hành để đưa kinh doanh đa cấp vào khuôn khổ.
Cả nước hiện có 65 đơn vị được cấp phép kinh doanh đa cấp, có trên 1,2 triệu người tham gia, với hơn 7.000 mặt hàng, trong đó thực phẩm chức năng chiếm đến 90%. Trong những năm gần đây, kinh doanh đa cấp phát triển mạnh mẽ, rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước. Những biến tướng lừa đảo của mô hình này đã gây thiệt hại lớn về kinh tế và những hệ lụy không nhỏ cho xã hội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải cho biết, tới đây cơ quan chức năng sẽ rà soát lại Nghị định 42 về kinh doanh đa cấp, để có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung, nhằm siết chặt hơn hoạt động này. Nghị định 42 mới ban hành được khoảng hơn 1 năm. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ rà soát lại, xem còn khe hở nào của pháp luật không, cụ thể là trong Nghị định 42, có quy định nào mà doanh nghiệp kinh doanh đa cấp có thể vin vào để lách hay không.
“Qua sự việc này, Bộ Công Thương cũng mong cơ quan chức năng tại mỗi địa phương phải nâng cao hơn nữa vai trò, nhiệm vụ quản lý của mình trong việc phát hiện, ngăn chặn và cảnh báo các hành vi lừa đảo xảy ra trên địa bàn. Thậm chí, ngay cả những người khi tham gia vào hoạt động kinh doanh này cũng phải tìm hiểu thật kỹ. Hành vi kinh doanh nào chưa đúng quy định pháp luật thì đề nghị, thông báo cho chính quyền địa phương, hoặc Bộ Công Thương để ngăn chặn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ.
Mới đây, đại diện Bộ Công Thương cũng đã nhận trách nhiệm trong việc quản lý lĩnh vực kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, câu hỏi mà dư luận cũng như hàng chục nghìn người tham gia vào mạng lưới của Liên kết Việt quan tâm là liệu có lấy lại được số tiền hàng nghìn tỷ đồng đã rót vào mạng lưới đa cấp? Vụ việc lừa đảo kinh doanh đa cấp lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam chưa khép lại. Đây sẽ là những bài học đắt giá đối với những người đã và đang có ý định làm giàu với mô hình đa cấp./.
Quốc lộ 20: Gần 100 tỷ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng chưa trả
Cộng đồng quản lý, bảo vệ tài nguyên biển
Thông qua tuyên truyền vận động, các tổ tự quản còn chia thành nhiều ca kíp kiểm tra khu vực ven biển để theo dõi, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm. Từ đó, người dân địa phương nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm việc khai thác rong mơ (tên khoa học là Sargassum) theo đúng thời gian quy định, đồng thời chung tay tham gia hình thành mô hình đồng quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển một cách bền vững.
Xử lý nước thải bệnh viện bằng cây sậy