Thu giữ hàng nghìn phụ tùng ô tô nghi trộm cắp ở Hà Nội
Donald Trump lại gây sốc với tuyên bố giành lại việc làm từ Việt Nam
Bình Thuận phải cắt giảm hơn 15.000 ha lúa vì hạn hán
Tránh phải khiếu nại khi vay tiêu dùng
Nhà Bè được hoán đổi đất nông nghiệp lấy đất ở tại dự án nhà ở
PTT Vũ Đức Đam: Quản lý CNTT phải theo triết lý chuyển động, thích ứng
- Cập nhật : 14/03/2016
(Yeu nhan)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm trên tại hội thảo công bố Báo cáo phát triển thế giới 2016 “Lợi ích số” do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức chiều nay 14/3.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc quản lý công nghệ thông tin phải theo triết lý chuyển động và thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Tham gia hội thảo của WB, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT dẫn lại câu chuyện thực tế về ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh taxi của Uber, cũng như cuộc cự cãi nên hay không đóng cửa taxi Uber trước nguy cơ có thể “đè bẹp” taxi truyền thống trong nước, để minh chứng cho việc ứng dụng công nghệ số đang làm thay đổi bộ mặt kinh doanh của các doanh nghiệp Việt. Theo ông Bình, đây là câu chuyện chung của bất kỳ quốc gia nào trong giai đoạn chuyển tiếp khi CNTT bùng nổ.
Chủ tịch FPT nhấn mạnh, trong bối cảnh CNTT phát triển không phải chuyện lo doanh nghiệp truyền thống “chết” hay không trước bão đổ bộ của các doanh nghiệp mới ứng dụng công nghệ, mà cốt lõi chính là phải “đẩy” các doanh nghiệp cũ đi nhanh hơn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh để có thể cạnh tranh được trên thị trường.
“Một dịch vụ tốt cho dân, rẻ hơn, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực xã hội thì làm sao lại chống? Thay vì chống, chúng ta phải tạo điều kiện để cho dịch vụ Uber phát triển hơn nữa. Càng đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu” – ông Bình chia sẻ.
Có mặt tại hội thảo và tỏ quan điểm đồng tình với ý kiến của Chủ tịch FPT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, CNTT đang tạo ra bộ mặt mới cho phát triển đất nước, góp phần nâng cao năng suất lao động, giúp người nghèo hoà nhập với sự phát triển chung của nhân loại. Nhưng giống như bất kỳ lĩnh vực nào, công nghệ số cũng có mặt trái của mình.
Chính phủ tạo mọi điều kiện để công nghệ tới gần hơn với người dân. Ngược lại, mỗi người dân dù đang làm gì cũng phải ý thức được nó là công cụ kỳ diệu mở ra cơ hội cho mình. Trước những mặt trái của việc sử dụng công nghệ, phải có thói quen và ý thức sử dụng để bảo vệ mình và cộng đồng.
“Cũng cần dành sự trân trọng, ngưỡng mộ những người sáng tạo công nghệ và mang đến với cộng đồng. Không có lý gì vì mặt trái của công nghệ số mà kìm hãm sự phát triển của nó. Quản lý CNTT ở Việt Nam phải theo triết lý “chuyển động, thích ứng”- Phó Thủ tướng nói.
Nói về tự do truy cập thông tin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, Chính phủ lo cho hàng trăm triệu dân, ở nhiều trình độ và lứa tuổi khác nhau. Mục tiêu lớn nhất của Chính phủ là giữ một đất nước ổn định, hoà bình để người dân làm ăn phát triển, nên chính sách đưa ra phải trên cơ sở hài hoà, toàn diện.
“Kể nhiều câu chuyện của quá khứ nhưng không phải để “ôn nghèo kể khổ”, mà để thấy ngay cả lúc khó khăn nhất Chính phủ Việt Nam vẫn nhìn về phía trước, ủng hộ công nghệ mới” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.
Ông Vũ Đức Đam ví von: “Tôi lâu không có thời gian xem phim, nhưng hồi xưa phim có dán nhãn, có loại dành cho trẻ em, cấm trẻ em, phim dành cho người lớn. Ở quê xưa ngủ phải mắc màn, nay ở thành phố phải sử dụng màn chống muỗi. Quan trọng là phát triển nhưng ở mức độ nào. Chính phủ ủng hộ phát triển công nghệ. Việt Nam hiện nay là một trong số nước ban hành chính sách phát triển CNTT tốt nhất trong các nước Asean, trên quan điểm bảo vệ người dân, đất nước”.
Liên quan tới chính sách quản lý phát triển CNTT, ông Nguyễn Thanh Tuyên – Phó Vụ trưởng Vụ CNTT - Bộ Thông tin & truyền thông cho biết, Chính phủ cố gắng để tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ cho người dân. Nhưng trước những thông tin không tốt thì Chính phủ cũng phải có "barem" (bảng mẫu - PV) để hạn chế, cụ thể hoá bằng Luật. Hiện dự thảo Luật An toàn thông tin đã được đưa ra bàn thảo và lấy ý kiến. Ngoài ra, một loạt các bộ Luật khác như Luật Dân sự, Luật Hình sự... cũng có những quy định để đảm bảo an toàn thông tin.
“Bản thân tôi cũng là người tham gia và tương tác nhiều trên các mạng xã hội. Mạng xã hội số chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội bình thường, con người tương tác với nhau cũng có yêu thích, giận hờn”- ông Tuyên nói.
“Khi Chính phủ quyết định mở cửa Internet, nếu đóng kín cánh cửa thì sống trong môi trường không khí kìm hãm. Mở cửa sẽ có khi mát nhưng phải chấp nhận bụi, ruồi bọ. Do đó, kiến thức pháp lý là rất quan trọng mà Chính phủ phải tạo dựng để tránh những hành vi vi phạm trên Internet không đáng có”, ông Nguyễn Thanh Tuyên ví von. Vì thế, phải có những hành lang pháp lý để hạn chế và xử lý các vi phạm. Đồng thời, phải tuyên truyền về mặt pháp lý vì có những người vi phạm mà họ không biết mình đã vi phạm.