Việt Nam - Philippines ký tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược
Bắt một phụ nữ 'quen biết các sếp" lừa chạy việc, lấy hơn nửa tỉ đồng
Chặn vụ vận chuyển nửa tấn chân, đuôi bò thối vào Sài Gòn tiêu thụ
Gần 30.000 tỉ đồng xây dựng nhiều cảng cá, khu neo đậu tàu cá tránh bão
Mở rộng phố Nguyễn Đình Chiểu, giá bồi thường cao nhất 107 triệu đồng/m2
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh tối 08-03-2016
- Cập nhật : 08/03/2016
Quyết toán thuế trước 31.3, tránh bị phạt
Nhu cầu vốn ngân sách gấp đôi khả năng đáp ứng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết như vậy khi báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 sáng 7-3.
Bản báo cáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối tháng này.
Ông Vinh cho biết: “Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước do các bộ, ngành và địa phương đề xuất khoảng 4.000 nghìn tỷ đồng, gấp 20,5 lần kế hoạch năm 2015 và gấp khoảng 2,1 lần khả năng cân đối vốn 5 năm 2016-2020 (1.846 nghìn tỷ đồng)”.
Theo lời ông Vinh, “đây là lần đầu tiên trong việc lập kế hoạch, chúng ta khắc phục tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc ra từng năm, chuyển sang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn”.
Trong điều kiện cân đối ngân sách rất khó khăn, Chính phủ trình phương án ưu tiên cho các dự án, gồm: đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng chưa được bố trí đủ vốn; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn nhà nước tham gia thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt.
“Trước hết, các cấp, các ngành phải bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản ứng trước, phần còn lại bố trí đủ vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và bố trí vốn cho các dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp. Số còn lại (nếu có) mới cho phép bố trí khởi công các dự án mới” - ông Vinh nói.
Đối với các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đề nghị phải kiểm soát chặt chẽ về sự cần thiết, chỉ thực hiện các dự án thực sự hiệu quả; phù hợp với khả năng giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi theo các hiệp định đã ký kết và các dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với tiến độ triển khai thực hiện đến năm 2020.
Riêng nhu cầu và dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017-2020, tổng hợp cho thấy các bộ, ngành và địa phương đề xuất 1.300 nghìn tỷ đồng để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng.
Nhưng trên cơ sở cân đối vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành 200 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, chủ yếu cho các dự án cấp thiết thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế.
Liên quan đến tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết trong 5 năm tới sẽ xử lý cơ bản vấn đề này, ưu tiên thanh toán số vốn ứng trước trong nhiều năm qua.
“Sau năm 2020 sẽ không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản” - ông khẳng định.
Đối với một số bộ, ngành, địa phương, do số vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương quá lớn, nếu trong kế hoạch trung hạn 5 năm tới bố trí để trả nợ dứt điểm thì sẽ không còn tiền để đối ứng các chương trình, dự án ODA và bố trí vốn cho các dự án khác.
“Thậm chí, sẽ không còn nguồn để khởi công dự án mới như đối với Bộ Giao thông vận tải, các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận” - Bộ trưởng Vinh cho hay.
Quỹ Nhật rót 500 triệu USD xây 8.000 căn hộ ở TP.HCM
Tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, phía Nhật cùng hai đối tác VN sẽ đưa ra thị trường 8.000 căn hộ, cửa hàng bán lẻ...
Theo Công ty An Gia, hai dự án đầu tiên quỹ Creed Group rót vốn là Angia Skyline và Angia Riverside đã bán hết 90%, trong đó khách Nhật chiếm hơn 15% - Ảnh: Đ.D.
Ngày 6-3, quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) cùng Công ty An Gia Investment đã ký kết hợp tác với Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) nhằm thực hiện dự án khu căn hộ River City (đường Đào Trí, quận 7, TP.HCM).
Với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, phía Nhật cùng hai đối tác VN sẽ đưa ra thị trường 8.000 căn hộ, cửa hàng bán lẻ...
Tổng diện tích dự án 11,25ha, mật độ xây dựng 23,6% và diện tích các căn hộ được thiết kế đa dạng từ 47-122m2.
Trước đó năm 2015, Creed Group đã công bố đầu tư vào Công ty An Gia 200 triệu USD và tung ra thị trường hai dự án căn hộ là Angia Skyline và Angia Riverside, hiện đã bán hết 90%, trong đó khách hàng nước ngoài (chủ yếu là khách Nhật) chiếm hơn 15%.
Ông Masakazu Yamaguchi - đại diện phía Creed Group - cho rằng thị trường bất động sản VN đang như Nhật, Hàn Quốc và Singapore… trong thời kỳ bắt đầu phát triển nên rất tiềm năng. Đặc biệt, VN đang tích cực tham gia hội nhập nên dự báo sẽ thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài đến làm ăn, sinh sống...
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Yakabe Yoshinori, phó Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, nhận định năm 2016 dự báo nguồn vốn đầu tư Nhật Bản sẽ tiếp tục đổ vào lĩnh vực bất động sản tại VN dưới các hình thức như: liên doanh, hợp tác đầu tư hoặc mua bán dự án.
Năm 2016 dự kiến sẽ có thêm một số dự án hạ tầng kết nối khu Nam. Cụ thể, dự án cầu Thủ Thiêm 4 nối từ đường Nguyễn Văn Linh đến khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) với tổng chiều dài 2km đã được UBND TP.HCM cho phép PDR nghiên cứu đầu tư theo hình thức BT và dự kiến được khởi công trong năm nay.
Ngoài ra, cầu Kênh Tẻ 2 trong dự án đường trục Bắc - Nam và một cây cầu từ quận 4 bắc qua quận 7, từ hướng đường Nguyễn Tất Thành cũng sẽ được xây dựng trong thời gian tới.
Nhiều ưu đãi cho vốn FDI vào nông nghiệp
Bộ NN&PTNT vừa trình Chính phủ dự thảo chiến lược tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp VN đến năm 2030.
Theo ông Trần Kim Long - vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ NN&PTNT, bộ này vừa trình Chính phủ dự thảo chiến lược tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp VN đến năm 2030.
Trong đó, Bộ NN&PTNN dự báo vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp sẽ đạt mức 5 tỉ USD vào năm 2020 và 8 tỉ USD vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, ông Trần Kim Long cho hay nguồn vốn sẽ vào 31 phân ngành có giá trị gia tăng cao, những sản phẩm có lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên... Cụ thể, công nghệ chế biến sâu đối với lúa gạo, sắn, cao su, cà phê, ca cao...
Đồng thời, Bộ NN&PTNN cũng vừa hoàn thiện các chính sách ưu đãi thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực ưu đãi. Theo đó, nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào những lĩnh vực mà VN chú trọng như nêu trên thì sẽ hưởng giảm các loại thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế xuất khẩu, nhập khẩu.
Bên cạnh đó, dự án đầu tư cũng sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động.
Vay ODA đầu tư 5 tuyến đường sắt đô thị TP.HCM
UBND TP.HCM vừa đề xuất sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật đầu tư tám dự án ở TP, trong đó có năm dự án đường sắt đô thị TP có tổng vốn đầu tư 5,4 tỉ USD.
* Đề xuất vay ODA đầu tư 5 tuyến đường sắt đô thị TP.HCM
UBND TP.HCM vừa đề xuất Bộ Kế hoạch - đầu tư sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật đầu tư tám dự án ở TP, trong đó có năm dự án đường sắt đô thị TP có tổng vốn đầu tư 5,4 tỉ USD.
Năm dự án đường sắt đô thị TP gồm: dự án xây dựng nhà ga metro trung tâm Bến Thành (Q.1) khoảng 350 triệu USD; xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a, giai đoạn 1 Bến Thành - bến xe Miền Tây khoảng 1,82 tỉ USD; xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a, giai đoạn 2 bến xe Miền Tây - Tân Kiên khoảng 1 tỉ USD; xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3b ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước khoảng 1,87 tỉ USD; xây dựng tuyến monorail số 2 quốc lộ 50 - bến xe Miền Tây mới có vốn đầu tư khoảng 750 triệu USD.
*Xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM
Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM đoạn từ Tân Vạn (TP.HCM) - Nhơn Trạch (Đồng Nai), giai đoạn 1 dài 17,7km.
Đây là đoạn đường đầu tiên của tuyến đường vành đai 3 TP.HCM, có tổng chiều dài 82,5km. Dự án được chia làm hai thành phần: dự án thành phần 1A dài 8,75km, từ tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến điểm giao cắt đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, sử dụng vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng ngân sách; dự án thành phần 1B do doanh nghiệp đầu tư BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao).
Tổng mức đầu tư toàn dự án là 9.260,7 tỉ đồng (khoảng 423 triệu USD), thời gian thi công 2016-2019.
Theo lãnh đạo Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long - đơn vị thay mặt Bộ Giao thông vận tải quản lý dự án, tuyến đường trên sẽ rút ngắn khoảng 20km đến TP Nhơn Trạch, tạo thuận lợi vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển ở Đồng Nai về TP.HCM.
Việc xây dựng tuyến đường vành đai 3 TP.HCM sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Đông và Tây Nam bộ.