tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 29-05-2016

  • Cập nhật : 29/05/2016

Việt Nam sẽ mua được tên lửa BrahMos trong 2016?

Nga và Ấn Độ đã xác định được danh sách 14 quốc gia, với các nước đó, các hợp đồng xuất khẩu tên lửa hành trình "BrahMos"do liên doanh Nga-Ấn sản xuất có thể được ký kết, thỏa thuận đầu tiên có thể trong năm 2016, ông Praveen Pathak, đại diện của BrahMos Aerospace thông báo với Sputnik.
anh minh hoa wikipedia/one half 3544

Ảnh minh họa Wikipedia/One half 3544

"Ủy ban hỗn hợp Ấn Độ và Nga đã xác định được 14 quốc gia mà chúng ta có thể thảo luận về việc giao hàng, trong đó có Chile, Việt Nam, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Nam Phi", ông Pathak cho Sputnik biết.
 
Ông nói thêm rằng các nước này có mối quan hệ tốt đẹp với Nga và cả với Ấn Độ.
Trả lời câu hỏi, liệu các hợp đồng đầu tiên có thể được ký kết trước cuối năm nay, ông Praveen Pathak lưu ý rằng "điều đó là có thể, và trong năm nay, cũng như trong năm kế tiếp, nhưng trong lĩnh vực này nói về thời hạn chính xác là không thể được".
 
Trước đó, ông Pathak nói rằng người mua đầu tiên sẽ, rất có thể, là một trong những nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

“Tắc” dự án 4 tỷ USD

Dù TP HCM và các nhà đầu tư Mỹ quyết tâm triển khai sớm việc xây dựng trung tâm tài chính hội nghị TPP ở quận 2 nhưng đến nay, dự án này vẫn phải chờ do không phù hợp với quy hoạch.
mot goc phoi canh du an trung tam tai chinh hoi nghi tpp.

Một góc phối cảnh dự án trung tâm tài chính hội nghị TPP.

Trao đổi với phóng viên, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, khẳng định nếu dự án 4 tỷ USD của nhóm nhà đầu tư Mỹ và Việt Nam được triển khai sẽ kéo theo nhiều dự án nước ngoài khác đổ vào TP HCM và mục tiêu Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1 như lãnh đạo TP mong muốn sẽ trở thành hiện thực.

Chờ chứng nhận đầu tư

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, dự án trung tâm tài chính hội nghị TPP (đặt theo tên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP) đã hoàn tất các khâu chuẩn bị vốn, thiết kế bản vẽ chi tiết…, chỉ còn chờ giấy phép đầu tư là triển khai ngay. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là người giới thiệu các nhà đầu tư Mỹ rót vốn vào dự án này. Dự án trung tâm tài chính hội nghị TPP có quy mô 11ha với trung tâm tài chính, giải trí, du lịch gồm một tòa tháp cao 70 tầng cùng nhiều tòa nhà thấp và khu thương mại văn phòng, mua sắm, giải trí khép kín.

Trước đó, tại buổi gặp Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, ông Howard Lutnick, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tài chính Cantor Fitzgerald (Mỹ), khẳng định sẽ triển khai trung tâm tài chính hội nghị TPP ngay khi được cấp phép. Ông Howard Lutnick là đại diện của nhóm nhà đầu tư Mỹ đề xuất dự án 4 tỷ USD này hồi đầu tháng 5-2016. Tập đoàn Cantor Fitzgerald là chủ sở hữu tòa tháp đôi ở Mỹ bị tấn công trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Sau đó, tập đoàn này gần như phá sản, nhờ được chính phủ hỗ trợ, tái thiết nên ngày càng mạnh. Nay, Cantor Fitzgerald là tập đoàn đầu tư tài chính hàng đầu của Mỹ.

Nhân chuyến thăm của Tổng thống Obama tại Việt Nam, vị chủ tịch tập đoàn này sang TP HCM nhằm tái khẳng định mong muốn đầu tư vào dự án trung tâm tài chính hội nghị TPP.

Cần đồng điệu với nhà đầu tư

Tại buổi tiếp lãnh đạo Tập đoàn Cantor Fitzgerald, Bí thư Đinh La Thăng mong muốn Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1 của TP trong tương lai. “Đây là TP năng động sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao nên sẵn sàng tiếp nhận các nguồn đầu tư từ nước ngoài, trong đó có Mỹ. Hy vọng Tập đoàn Cantor Fitzgerald sớm triển khai dự án để TP HCM trở thành trung tâm tài chính, thu hút thêm nhiều tập đoàn lớn của Mỹ và các nước khác đến đầu tư”, Bí thư TP nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dự án chưa thể triển khai do nhà đầu tư muốn thay đổi một số chi tiết, trong khi quy hoạch tổng thể khu vực đã được phê duyệt. Ý đồ của các nhà đầu tư là xây dựng một khu tổng thể bao gồm tòa nhà cao 70 tầng, nhiều nhà thấp và các khu vui chơi giải trí khép kín. “Trong khi quy hoạch của Khu đô thị Thủ Thiêm đối với 11 ha này là xây dựng 11 tòa nhà hình khối, mỗi lô một khối nên chủ đầu tư không thể triển khai” - đại diện nhóm nhà đầu tư giải thích.

“Do TP HCM có cơ hội trở thành trung tâm tài chính khu vực, tôi thuyết phục các tập đoàn lớn của Mỹ đổ vốn vào dự án trung tâm tài chính hội nghị TPP. Để sớm đi vào hoạt động, phía nhà đầu tư đã rút ngắn thời gian triển khai rất nhiều. Cơ quan quản lý cũng nên rút ngắn quy trình xét duyệt, cấp phép nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư” - ông Johnathan Hạnh Nguyễn bày tỏ.

Trong buổi làm việc với TP HCM mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý thời gian qua, vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam tăng rất mạnh, trong khi TP HCM lại sụt giảm.

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng TP HCM muốn giành lại vị trí số 1 thì cần có cơ chế đặc biệt, không chỉ ưu đãi về thuế, đất đai mà quan trọng hơn là giải quyết thủ tục đầu tư nhanh chóng. “Không chỉ hành động từ Chính phủ mà các địa phương, ban quản lý các KCN-KCX được cấp phép đầu tư trực tiếp cũng phải thay đổi cách làm. Nếu không sẽ khó tạo ra làn sóng thu hút đầu tư mạnh mẽ” - GS Nguyễn Mại nhận định.(NLĐ)


Chậm làm “sổ đỏ” chung cư: Không tác dụng nếu chỉ phạt chủ đầu tư

Xử phạt chủ đầu tư chậm làm sổ đỏ thì Nhà nước được hưởng, chủ đầu tư chịu thiệt, nhưng sau đó vẫn không làm thì phạt cũng vô nghĩa.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Tình trạng các chung cư đưa vào sử dụng nhiều năm, người mua nhà đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính nhưng chủ đầu tư vẫn chậm trễ trong việc làm các thủ tục để cơ quan quản lý Nhà nước cấp sổ đỏ diễn ra khá phổ biến ở Hà Nội.
Bỏ ra nhiều tiền để mua nhà, hàng nghìn người dân lại đang phải mệt mỏi vì chờ đợi được công nhận quyền sở hữu chính căn nhà của mình. Thực tế này cho thấy, đã đến lúc cần xem xét lại cơ chế quản lý hiện nay để tìm giải pháp phù hợp với thực tiễn, đẩy nhanh tiến độ làm sổ đỏ, đảm bảo quyền lợi cho người dân ở các chung cư.

Năm ngoái, ngay sau khi chuyển về ở chung cư Meco Complex, ngõ 102 Trường Chinh, Hà Nội, ông Tô Đại Diễm đã được chủ đầu tư thông báo nộp hồ sơ để làm sổ đỏ. Hơn 1 năm đã trôi qua, nhưng kết quả là đến nay, sổ đỏ vẫn không thấy đâu, chủ đầu tư cũng chẳng có bất cứ phản hồi nào về vấn đề này.

Quá sốt ruột, ông Diễm đã quyết định làm đơn xin lấy lại hồ sơ để tìm cách tự đi làm sổ đỏ: “Tôi nộp ngay từ khi mua nhà, khoảng 1 năm rồi, nộp đầy đủ hồ sơ rồi mà không hiểu lý do làm sao chưa làm được. Chủ đầu tư nói là ai có nhu cầu thì nộp hồ sơ, hôm nay lên thấy hồ sơ vẫn ở trong ngăn kéo, để nguyên. Sốt ruột vì tuổi cao sức yếu rồi, cũng muốn cho nhanh gọn đi, sau này con cái đỡ lo”.

Hàng trăm hộ dân sống ở khu chung cư này đều rất bức xúc khi bỏ tiền tỷ mua nhà, nhưng chủ đầu tư lại thờ ơ, “ngâm” hồ sơ làm sổ đỏ từ năm này qua năm khác. Điều đáng nói là trong cùng một tòa nhà vẫn có 1 số ít hộ đã có được loại giấy tờ quan trọng này.

Đây là câu chuyện không chỉ xảy ra ở một vài chung cư đơn lẻ, mà khá phổ biến ở Hà Nội. Hàng nghìn người dân ở những khu chung cư cao cấp, mỗi căn giá hàng tỷ đồng, đến nhà thu nhập thấp, nhà giá rẻ, hay nhà tái định cư đang phải sống chung với tình cảnh bỏ tiền thật mua nhà mà chỉ như đi “ở trọ” vì chưa được công nhận quyền sở hữu. Kéo theo đó là hàng loạt những khó khăn, phức tạp trong cuộc sống cũng như khi muốn chuyển nhượng, mua bán lại.

Chị Vũ Thái Ninh ở khu đô thị mới Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội cho biết, chờ đợi hơn 2 năm mà chưa có sổ đỏ, chủ đầu tư thì cứ hứa hẹn rồi lại thất hứa, khiến người dân rất mệt mỏi: “Bây giờ các cấp phải xem chủ đầu tư chậm trễ làm sổ đỏ như thế nào. Hãy bảo vệ cho cư dân bởi vì họ rất vất vả trong việc kiếm được tiền để mua nhà, rồi lại rất vất vả để nuôi sống bản thân và gia đình nữa”.

Nghị định 43 năm 2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai nêu rõ, sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở có trách nhiệm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường các giấy tờ để làm thủ tục đăng ký, cấp sổ đỏ. Đa số người dân cho biết, trước khi đặt tiền mua nhà, phía chủ đầu tư đều khẳng định sẽ làm sổ đỏ chỉ sau khi bàn giao nhà vài tháng. Thế nhưng, nhiều khu chung cư đã đưa vào sử dụng 2-3 năm, thậm chí 5-7 năm mà vẫn “nợ” sổ đỏ của dân, nhiều nơi còn có hiện tượng “vòi vĩnh” thu thêm tiền mới làm sổ đỏ.

Có thể kể ra một số cái tên tiêu biểu như tại dự án khu đô thị mới Splendora, dự án Khu nhà ở Tân Lập, dự án khu đô thị Tân Tây Đô, dự án Khu nhà ở thương mại Sài Đồng, dự án 302 Cầu Giấy hay dự án Sông Hồng Parkview...

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, thực tế này có nguyên nhân do cách thức quản lý của cơ quan Nhà nước hiện nay là trao quyền cho chủ đầu tư được làm đầy đủ các giấy tờ, thủ tục… sau đó cơ quan Nhà nước mới bắt đầu thụ lý làm sổ đỏ. Trên thực tế, nhiều chủ đầu tư còn xây dựng sai phép, không đúng quy hoạch, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính… thì cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ không xem xét cấp sổ đỏ. Vì những sai phạm của chủ đầu tư mà không cấp sổ đỏ cho người dân là không phù hợp, ở đây lỗi không phải do người mua nhà. Cơ chế này cần thay đổi thì việc cấp sổ đỏ cho người dân ở các chung cư mới hiệu quả.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, chỉ cần người dân làm xong mọi thủ tục mua nhà với chủ đầu tư là cơ quan Nhà nước có thể cấp luôn sổ đỏ. Còn việc chủ đầu tư vi phạm thì cứ sai chỗ nào xử phạt chỗ đó và cần xử phạt ngay từ lúc đang xây dựng. Mức xử phạt đối với hành vi chậm làm sổ đỏ cho người dân của các chủ đầu tư dự án nhà ở hiện có thể lên tới 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh việc xử phạt, thì điều quan trọng hơn là cần nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan có thẩm quyền.

Theo ông Võ, việc xử phạt dù có cao thì chỉ có hiệu quả về răn đe chứ không có hiệu quả về hành vi quản lý. Hiệu quả về hành vi quản lý là cơ quan cấp trên phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ phải cấp ngay, như thế người dân mới được hưởng. Còn việc xử phạt thì Nhà nước được hưởng, chủ đầu tư chịu thiệt, nhưng mà sau khi nộp phạt xong rồi họ lại tiếp tục không làm sổ đỏ thì việc phạt cũng vô nghĩa.(VOV)


Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Bình Định đến 2035

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 (nhiệm vụ Quy hoạch).
tinh binh dinh

Tỉnh Bình Định

Nhiệm vụ Quy hoạch nêu rõ, phát huy lợi thế vị trí chiến lược và tiềm năng kinh tếbiển, xây dựng hệ thống đô thị - nông thôn tỉnh Bình Định phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Nâng cao vị thế của tỉnh, tạo sức lan tỏa đến vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu trên ranh giới hành chính toàn tỉnh Bình Định có diện tích tự nhiên 6.050 km2 gồm 11 đơn vị hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện.

Đánh giá vai trò của tỉnh trong mối quan hệ vùng quốc gia

Nhiệm vụ Quy hoạch yêu cầu nghiên cứu đánh giá vai trò và vị thế của tỉnh Bình Định trong mối quan hệ vùng quốc gia, quốc tế; tác động kinh tế - thương mại - văn hóa trên tuyến hành lang quốc tế Đông Tây. Đánh giá tác động lan tỏa từ thành phố Quy Nhơn và phụ cận; khu kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp tập trung, hệ thống cảng biển Quy Nhơn, Thị Nại, các di sản văn hóa, các đầu mối giao thông quốc gia... đến không gian đô thị toàn tỉnh Bình Định.

Về điều kiện tự nhiên, môi trường, cần đánh giá đặc điểm tự nhiên của vùng núi, gò đồi, đồng bằng ven biển, đầm phá. Đánh giá ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên tới các khu vực dự kiến xây dựng hệ thống đô thị và các khu chức năng động lực phát triển vùng tỉnh. Phân tích ảnh hưởng của chế độ thủy văn các sông lớn như sông Hà Thanh, sông Côn, sông Lại Giang, sông La Tinh... Đánh giá các tai biến thiên nhiên (nếu có), vấn đề biến đổi khí hậu liên quan đến chiến lược phát triển đô thị.

Ngoài ra, cần đánh giá thực trạng và nguồn lực phát triển vùng. Cụ thể, đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định. Hiện trạng phân bổ hệ thống các đô thị, tính chất, chức năng, quy mô, tỷ lệ đô thị hóa, động lực phát triển, thực trạng quản lý đô thị. Mối liên kết đô thị - nông thôn. Hiện trạng mạng lưới hạ tầng kinh tế, xã hội và hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng.

Xây dựng hệ thống đô thị và nông thôn phải phù hợp với chiến lược biển

Về định hướng phát triển không gian vùng tỉnh, nhiệm vụ Quy hoạch nêu rõ, xây dựng hệ thống đô thị và nông thôn phải phù hợp với chiến lược biển Việt Nam, hành lang kinh tế Đông Tây, định hướng phát triển đô thị toàn quốc, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và sự hình thành khu kinh tế Nhơn Hội.

Bên cạnh đó, đề xuất khung phát triển vùng, phân bổ các vùng kinh tế động lực đảm bảo khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh về điều kiện tự nhiên và hệ thống khung hạ tầng kỹ thuật chính; đảm bảo mối liên kết đô thị - nông thôn. Hình thành các khu trọng điểm về công nghiệp, du lịch, vùng sinh thái nông nghiệp, vùng bảo vệ cảnh quan tự nhiên đáp ứng yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu.

Đề xuất tổ chức không gian hệ thống đô thị, phân cấp loại đô thị, lựa chọn hình thái, cấu trúc, tính chất, chức năng và quy mô các đô thị. Xác định vai trò và các nguyên tắc phát triển thành phố Quy Nhơn, đô thị động lực tiểu vùng ven biển, tiểu vùng trung du miền núi phía Tây; các đô thị chuyên ngành gắn với vùng công nghiệp, du lịch sinh thái, các hành lang đô thị hóa mật độ cao.

Xây dựng thành phố Quy Nhơn trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng kinh tế trọng điểm của vùng và quốc gia về các lĩnh vực: Đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu, dịch vụ thương mại và du lịch, phát triển nhà ở và dịch vụ đô thị..., xác định các chức năng hỗ trợ phát triển tại khu vực phụ cận thành phố Quy Nhơn.

Xác định mô hình cấu trúc cư trú nông thôn gắn với các vùng sản xuất theo hướng tập trung áp dụng công nghiệp cao. Nghiên cứu mô hình cư trú nông thôn vùng ngập lũ tại hạ lưu các sông Côn, sông Hà Thanh; khu vực xung quanh đầm Thị Nại... Tạo động lực phát triển một số khu dân cư nông thôn tập trung theo hướng hình thành đô thị loại V; kết nối với các đô thị đã có, hệ thống hạ tầng vùng tỉnh, các khu vực công nghiệp, du dịch, thương mại tập trung.

Về giao thông, xác định khung giao thông, các công trình đầu mối giao thông toàn vùng tỉnh, kết nối giữa các đô thị và các khu vực đầu tư trọng điểm trong tỉnh, kết nối vùng với đầu mối giao thông quốc gia. Đề xuất quy mô và tuyến các trục hành lang giao thông quốc tế, quốc gia, giao thông nội tỉnh để tăng hiệu quả khai thác các quỹ đất mới tại các vùng huyện, kết nối khu kinh tế, khu công nghiệp với các trung tâm đô thị của tỉnh...(BĐT)


Phạt đến 80 triệu đồng nếu vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra

Theo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan, vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra sẽ bị phạt đến 80 triệu đồng.

Cụ thể, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đã được đăng ký mà không ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp hoặc không vi phạm chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan hải quan.

Hành vi đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Phạt tiền từ 40-80 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng niêm phong hải quan giả mạo; sử dụng chứng từ, tài liệu giả mạo, không hợp pháp, không đúng với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để khai, nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan mà không phải là tội phạm; sử dụng bất hợp pháp tài khoản đăng nhập, chữ ký số được cấp cho tổ chức, cá nhân khác để thực hiện thủ tục hải quan; truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin hải quan mà không phải là tội phạm.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục