Mua giấy chứng nhận VietGap bao nhiêu cũng có
VASEP: Formosa phải có trách nhiệm với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản
Doanh nghiệp đồng hành cùng TP HCM đổi mới
Giá thuốc, dịch vụ y tế đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 25-08-2016
- Cập nhật : 25/08/2016
Metro Việt Nam đã được đổi tên mới, hợp nhất với BigC Thái Lan
Chủ tịch tập đoàn TCC Thái Lan là ông Charoen Sirivadhanabhakdi vừa tuyên bố kế hoạch sẽ sáp nhập hệ thống chuỗi siêu thị Metro Việt Nam với Big C Thái Lan.
Trước đó vào tháng 7/2016, Metro Việt Nam đã được đổi tên thành Mega Market Vietnam đồng thời chuỗi siêu thị này lên kế hoạch đầu tư vào Thái Lan để mở rộng mạng lưới bán buôn. Mega Market Việt Nam hiện có 19 trung tâm bán buôn trên khắp cả nước cũng như 2 kho chứa cá và rau sạch.
TCC đã hoàn thành thỏa thuận mua lại Metro Việt Nam vào tháng 1/2016 với giá 704 triệu USD. TRong khi đó công ty mẹ của Big C là Berli Jucker Pcl tuyên bố họ hy vọng doanh số bán hàng hàng năm đạt 100 tỷ baht (tương đương 3 tỉ USD) trong năm 2016.
Với thỏa thuận lần này, tập đoàn TCC sẽ giành được lợi thế trong cuộc đua cạnh tranh với những doanh nghiệp khác trên thị trường không chỉ ở Việt Nam, Thái Lan mà sang toàn khu vực tiểu vùng sông Mekong và Đông Nam Á. Nhìn chung, tập đoàn này sẽ nắm trong tay quyền lực chi phối thị trường cũng như tiêu thụ các mặt hàng.
Sẽ có nhiều hàng Việt xuất hiện ở thị trường Thái
Sau 8 tháng tiếp quản Mega, TCC đã chuyển khoảng hơn 100 tấn hoa quả tới siêu thị Big C Thái Lan. TCC cũng tăng cường kế hoạch phát triển các dự án nông nghiệp và hỗ trợ người nông dân trong việc chọn cây trồng, thu hoạch đồng thời tìm kiếm nhà cung cấp những mặt hàng khác như bơ, cam, táo và khoai tây.
Ông Sirivadhanabhakdi nói rằng Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng đối với ông bởi lao động ở đây rất cần cù, chịu khó và nguồn nước sạch thì dồi dào, thuận tiện cho phát triển nông nghiệp.
Giá xăng sinh học sẽ bị đội lên cao
Liên Bộ Công thương - Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch 39 quy định về phương pháp tính giá cơ sở và điều hành giá xăng dầu.
Theo Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, thì chi phí kinh doanh định mức của các loại xăng (bao gồm cả xăng truyền thống và xăng sinh học) để tính giá cơ sở đều được ở mức 1.050 đồng/lít, dầu điêzen, dầu hỏa là 950 đồng/lít, các loại dầu madút là 600 đồng/kg.
Song, tại Thông tư liên tịch 90, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch 39 đã tách xăng sinh học (E5, E10) ra thành một quy định riêng, với chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở được nâng lên 1.250 đồng/lít.
Sở dĩ xăng sinh học được tách ra với mức chi phí kinh doanh định mức cao hơn là vì chi phí phát sinh đặc thù như: Chi phí khấu hao tài sản của hệ thống phối trộn xăng E5, E10, chi phí hao hụt trong quá trình phối trộn, chi phí vận hành, chi phí giám định cấp chứng chỉ hợp chuẩn, hợp quy, chi phí tài chính, chi phí vận chuyển phát sinh do cung đường vận chuyển hàng hóa thay đổi, chi phí cải tạo cửa hàng chuyển sang kinh doanh xăng E5, E10...(Đại đoàn kết)
Lạm phát cơ bản thấp nhất trong khoảng hơn 7 năm gần đây
Trong tháng 8, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân tăng giá của các mặt hàng có mức cao như giá dịch vụ y tế là do điều chỉnh tăng theo bước 2 (bao gồm chi phí tiền lương) của Thông tư liên tịch số 37 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, ở 16 địa phương, nên chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 8,12%, làm cho CPI tăng khoảng 0,28%.
Cùng với đó là một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86 của Chính Phủ.
Trong tháng 8, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố khách quan có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố chủ quan là tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.
Quảng Bình tồn kho hàng nghìn tấn cá
“Trong lúc dầu sôi lửa bỏng thì lãnh đạo tỉnh kêu gọi chúng tôi mua cá giúp ngư dân. Giờ dân không ăn, cá không bán được, doanh nghiệp điêu đứng, muốn gặp lãnh đạo tỉnh để trình bày, tìm cách tháo gỡ thì họ né tránh” - một giám đốc doanh nghiệp thu mua cá nói.
Theo thống kê của các doanh nghiệp thu mua cá, Quảng Bình hiện có 7 kho đông lạnh, chủ yếu nằm ở hai cảng cá Sông Gianh (Bố Trạch) và Nhật Lệ (TP Đồng Hới). Họ là đầu mối thu mua hầu hết sản phẩm của ngư dân và tàu dịch vụ nghề cá cập ở hai cảng này, sau đó phân phối đi các thị trường trong cả nước. Hằng năm các kho đông lạnh này thu mua và xuất bán ra thị trường hàng chục nghìn tấn cá, doanh thu hàng trăm tỷ đồng.
Gần 2.000 tấn cá tồn kho
Cuối tháng 4 vừa qua, trước tình trạng cá chết chưa rõ nguyên nhân, các thị trường từ chối cá biển, các kho đông lạnh tạm dừng thu mua cá đánh bắt của ngư dân khiến tình hình rối loạn. Nhằm ổn định tình hình, Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi các doanh nghiệp thu mua cá giúp ngư dân, kèm theo các ưu đãi như: Hỗ trợ 20% giá thu mua, miễn 6 tháng lãi suất ngân hàng đối với các doanh nghiệp vay thu mua.
Nhờ những ưu đãi nói trên, cộng với sự tích cực vận động của các cấp chính quyền mà lượng cá đánh bắt xa bờ của ngư dân đều được thu mua hết. Tình hình ổn định, ngư dân tự tin bám biển, vươn khơi. Tuy nhiên không chỉ người dân các tỉnh trong vùng cá chết mà hầu hết các tỉnh thành trong cả nước cũng giảm ăn cá biển vì sợ nhiễm độc. Lượng cá các doanh nghiệp thu mua của ngư dân chỉ xuất bán được một ít, đa số tồn đọng ở các kho lạnh.
Theo bà Trương Thị Mười, Phó GĐ Công ty TNHH Đức Hiếu, có kho lạnh ở Cảng cá Nhật Lệ, cho biết: Trước thời điểm cá chết hàng loạt, để chuẩn bị cho dịp lễ 30/4, công ty bà đã mua vào 260 tấn cá các loại, trị giá 6,6 tỷ đồng. Bỗng dưng cá chết hàng loạt, người dân sợ nhiễm độc không ăn cá, chừng ấy tấn cá nằm lại trong kho. Thị trường đổi chiều, doanh nghiệp bà quyết định dừng thu mua cá, tuy nhiên trước sự vận động của chính quyền, bà đã vay 18 tỷ đồng của ngân hàng nông nghiệp để thu mua cá. Mặc dù đã cậy nhờ hết các mối làm ăn xưa nay, nhưng lượng cá bán ra nhỏ lẻ so với số lượng mua vào.
Hiện lượng cá mua mới tồn kho của bà Mười là 400 tấn, thêm 260 tấn trước thời điểm cá chết, tổng cộng 640 tấn, tương đương 30 tỷ đồng. Doanh nghiệp bà Mười đang phải gửi gần 300 tấn cá ở các kho lạnh của TPHCM, Nghệ An, Hải Phòng… vì các đầu mối trả lại hàng. Cứ mỗi tháng, bà Mười phải trả cho các kho lạnh này phí gửi 1.000 đồng/kg cá, tương đương 300 triệu đồng/tháng. “Để bảo quản 640 tấn cá tồn kho, ngoài 300 triệu trả cho các kho lạnh mình gửi hàng, tiền điện duy trì kho lạnh của mình, rồi tiền lãi ngân hàng, tiền nhân công… mỗi tháng doanh nghiệp tôi phải bỏ ra gần 500 triệu đồng. Sẽ không trụ nổi nếu Nhà nước không sớm vào cuộc tháo gỡ khó khăn giúp chúng tôi” - bà Mười nói.
Theo các doanh nghiệp thu mua cá trên địa bàn Quảng Bình, hiện họ đang tồn đọng gần 2.000 tấn cá, tương đương 100 tỷ đồng. Theo tiên lượng của các doanh nghiệp, nếu giỏi xoay trở thì họ chỉ có thể bán được 50% lượng cá nói trên, chủ yếu các loại như: ngừ, thu, bạc má, nục… số còn lại cho cũng không ai lấy.
“Hỏa tốc” thành “tốc hỏa”
Theo các doanh nghiệp thu mua cá, cho đến nay họ chỉ nhận được ưu đãi 20% giá mua cá của ngư dân, còn ưu đãi lãi suất ngân hàng thì chưa một doanh nghiệp nào được hưởng. Bà Nguyễn Thị Ninh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Dũng Đức Tài, TP Đồng Hới cho biết: Đến công văn của Ngân hàng Nhà nước, thông báo ưu tiên vay và miễn lãi suất cho các doanh nghiệp thu mua cá, khi về đến địa phương không ai phổ biến để doanh nghiệp biết.
Liên quan đến công văn số 3438, cho vay thu mua, tạm trữ hải sản của Ngân hàng Nhà nước, theo chỉ thị của Chính phủ mà bà Ninh nói, ngay cả PV báo chí cũng chỉ được Sở TTTT Quảng Bình yêu cầu tuyên truyền để các doanh nghiệp được biết vào ngày 31/6, có nghĩa là còn 5 ngày nữa là hết hạn cho vay.
Bà Nguyễn Thị Ninh nói: “Khi nước sôi lửa bỏng chúng tôi thường xuyên nhận được các công văn đóng dấu hỏa tốc chỉ đạo, vận động mua cá. Thực hiện theo “hỏa tốc” nay chúng tôi đang bị “tốc hỏa” nhưng chẳng ai ngó ngàng đến. Cá thì tồn đọng chất đống, còn lãi ngân hàng thì đến tháng phải nộp”.
Bà Nguyễn Thị Lê, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản An Bình, đóng tại xã Thanh Trạch (Bố Trạch) đặt câu hỏi: Số cá tồn đọng trong các kho hàng hiện nay là cá sạch, nhưng không bán được, nếu tiêu hủy thì có được hỗ trợ như cá bị nhiễm độc vừa qua không? Hoặc đợi Formosa đền bù thì cũng trả lời cho các doanh nghiệp biết.
Theo bà Lê, xử lí được số cá tồn đọng, các kho hàng mới có chỗ trống để tiếp tục thu mua cá cho ngư dân. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn vì ngư dân không bán được cá.
Trả lời về sự chậm trễ trong ưu đãi vay vốn theo chỉ thị của Chính phủ, ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Bình cho biết: Do thủ tục vay vốn liên quan đến nhiều mảng, nhiều ngành nên có sự chậm trễ. Đặc biệt nguồn để cho vay ưu đãi chưa về nên các ngân hàng chưa triển khai. Ngày 22/8, ông đã có công văn hướng dẫn các ngân hàng thương mại.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng: Quảng Bình là địa phương làm tốt nhất công tác hỗ trợ ngư dân và các doanh nghiệp thu mua cá. Vừa rồi ông đã “trị” một số ngân hàng gây khó dễ với doanh nghiệp. Trước câu hỏi, đến nay các doanh nghiệp bị tồn đọng quá nhiều cá do không bán được, tỉnh có chủ trương gì để giải quyết cho các doanh nghiệp không? Ông Hoài nói: “Vấn đề này đã giao cho anh Dũng (Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng - PV) rồi”.
PV liên lạc với Phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng, ông Dũng nói, trước đây ông có phụ trách, nhưng nay đã giao cho người khác. “Anh Hoài nói thế, chứ đó là trước đây, giờ anh Ngân (Phó chủ tịch tỉnh Lê Minh Ngân) mới lên phụ trách. Vừa rồi đi họp Quảng Trị (công bố môi trường biển) anh Ngân cũng đi mà” - ông Dũng nói.(Tienphong)