Cấm bác sĩ bệnh viện công mở phòng khám tư: Phong bì, quá tải, lách luật... càng bức bối hơn?
Hạn, mặn kỷ lục 100 năm do hồ chứa thượng nguồn
Chủ tịch Quốc hội: “Nhiều thủ tục hành chính của mình cay độc lắm”
Nâng tốc độ xe lên 90km/giờ ở đường Vành đai 3 từ ngày 1/3
Gần 1.180 tỷ đồng xây dựng Quốc lộ 12B đoạn Tam Điệp-Nho Quan
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 25-08-2016
- Cập nhật : 25/08/2016
Nợ xấu của 13 ngân hàng tăng thêm hơn 10.000 tỷ đồng
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 6 là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5. Báo cáo tài chính của các ngân hàng cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu đều dưới 3%, duy chỉ có Eximbank là 5,3% nhưng thực tế, quy mô nợ xấu của ngân hàng có sự gia tăng đáng kể, từ ông lớn trong nhóm “big 4” đến ngân hàng tầm trung.
Nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng giá trị tuyệt đối của nợ xấu lại tăng lên nằm ở quy mô của mẫu số trong công thức tính nợ xấu.
Tín dụng không tăng mà nợ xấu vẫn tăng
Đầu tiên phải nhắc đến BIDV, chỉ trong 6 tháng, nợ xấu của ngân hàng này đã tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng, tương đương 31% trong khi dư nợ cho vay chưa tới 10%. Xét về quy mô dư nợ cho vay, tính đến 30.6, BIDV chỉ cao hơn VietinBank và Vietcombank lần lượt 11% và 54% nhưng xét về quy mô giá trị nợ xấu, BIDV gấp gần 2,5 lần so với VietinBank và gần gấp đôi Vietcombank. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV cũng đã chạm mức 2%, trong khi theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 thông qua, HĐQT cam kết sẽ giữ nợ xấu dưới 2%.
BIDV là một trong số ngân hàng đang nắm giữ trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) với giá trị lớn nhất. Chưa kể, với các biến cố từ chủ nợ sở hữu hàng nghìn tỷ nợ vay của BIDV, như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) với 10.664 tỷ đồng hay CTCP Khoáng Sản Na Rì Hamico (KSS)...
Eximbank cũng là một hiện tượng. Trong khi 6 tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ cho vay âm 4,6% nhưng quy mô nợ xấu lại tăng đột biến, gấp gần 3 lần, từ 1.574 tỷ đồng lên 4.285 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tại Eximbank tăng vọt từ 1,9% cuối năm 2015 lên 5,3% trong 6 tháng đầu năm 2016.
6 tháng đầu năm cũng cho thấy tốc độ gia tăng nợ xấu của VPBank với 11,3%, trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng 1,13%, tức là quy mô tăng nợ xấu gấp gần 10 lần so với tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, nợ xấu của VPBank là 3.499 tỷ đồng, tương đương 2,96%, trong khi năm 2015 là 3.145 tỷ đồng, tương đương 2,69%.
Quy mô nợ xấu của Sacombank trong 6 tháng đầu năm cũng tăng tới gần 64%, lên 5.651 tỷ đồng, trong khi tăng trưởng dư nợ cho vay chỉ hơn 7%. Hiện tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này cũng đã đạt mức 2,84%. Trong khi năm 2015 quy mô nợ xấu chỉ ở mức 3.448 tỷ đồng, tương đương 1,85%.
SHB cũng có tốc độ gia tăng nợ xấu mạnh, từ 2.261 tỷ đồng hồi cuối năm 2015 lên 3.129 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016, tăng thêm 868 tỷ đồng, tương đương 38,3% trong khi dự nợ cho vay chỉ tăng 7,2%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đạt 2,22%, trong khi cuối năm 2015 chỉ hơn 1,72%. Mệnh giá trái phiếu đặc biệt của VAMC do ngân hàng này nắm giữ tính tới thời điểm kết thúc năm 2015 cũng đạt gần 7.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với những ngân hàng khác cùng quy mô.
Nợ xấu nằm ở những “ông lớn”
Theo bà Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia tài chính ngân hàng, những khoản nợ mà trước đây đáng lẽ là rất xấu thì lại được cơ cấu lạiđể trở thành nợ bình thường, thì đến thời điểm 2016 nó dần dần lộ diện là chưa xử lý được đã làm cho nợ xấu tăng lên.
“Khi VAMC không còn những chỉ tiêu bắt buộc như những năm trước đây là 6 tháng phải bán bao nhiêu nợ xấu cho VAMC thì rõ ràng là các tổ chức tín dụng tự thân vận động xử lý khoản nợ xấu này. Ở chừng mực nhất định, mặc dù các biện pháp xử lý cũng ráo riết nhưng vẫn còn những vướng mắc, vì thế mà nợ xấu xử lý còn có những hạn chế nhất định”, bà Mùi phân tích.
Một góc nhìn khác, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam, cho rằng có một thực trạng đáng bàn là nợ xấu của một số tập đoàn lớn đến mức báo động nhưng chưa thấy có NHTM nào công bố.
“Tôi mong NHNN công bố rõ nợ xấu hiện nay nằm ở khu vực nào. Nợ xấu của ngân hàng hiện nay nằm ở các đại gia, có những đại gia nợ đến 32.500 tỷ đồng. Tôi hy vọng NHNN đưa ra con số nào đó để điều chỉnh nợ xấu của một ngân hàng thôi, chẳng hạn".
Điển hình như HAGL với dư nợ tại thời điểm 31.3.2016 lên tới 34.099 tỷ đồng. Trong đó, chủ nợ lớn nhất là BIDV với khoản nợ 10.664 tỷ đồng, sau đó là HDBank Eximbank, VPBank, Sacombank…
Hay như thị trường đang đồn đoán về những khó khăn của Tân Hoàng Minh, nhưng SHB đã tài trợ tới 1.000 tỷ đồng cho công ty triển khai dự án căn hộ cao cấp D.’ Le Pont D’or – Hoàng Cầu.
Hay như theo báo cáo của Chính phủ, tính đến cuối năm 2014, số nợ vay từ các NHTM và TCTD của các tập đoàn, tổng công ty là hơn 553.000 tỷ đồng. Các “chúa chổm” được điểm danh gồm: PVN nợ gần 175.000 tỷ đồng, EVN nợ hơn 108.000 tỷ đồng, Vinacomin nợ hơn 46.000 tỷ đồng, Vinalines nợ hơn 32.000 tỷ đồng, Tổng công ty Xi măng Việt Nam nợ hơn 15.700 tỷ đồng...(Dân Việt)
Bộ NN&PTNT tính chuyện trồng mía giữa vườn cao su
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên sản lượng mía của Việt Nam nhiều năm qua giảm; diện tích trồng mía chuyên canh không còn nữa nên cơ quan quản lý đưa ra giải pháp trồng mía xen với cây cao su để tăng nguồn mía nguyên liệu cho các nhà máy đường.
Ý tưởng này đang được Cục Trồng trọt và Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xem xét để phát triển mô hình trồng xen canh trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, niên vụ mía đường 2015-2016 diện tích trồng mía cả nước là 284.367 héc ta, sản lượng mía đạt 18,3 triệu tấn, năng suất bình quân 64,4 tấn/héc ta. So với vụ trước, diện tích mía giảm 6,7%, sản lượng mía giảm 8%.
Thống kê cũng cho thấy, lượng đường sản xuất năm nay đạt gần 1,24 triệu tấn và là năm thứ 2 liên tiếp sản lượng đường trong nước giảm. Và tình hình cũng không khá hơn trong niên vụ 2016-2017 khi Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối đưa ra dự báo năng suất và sản lượng mía nguyên liệu vẫn tương đương vụ mía 2015-2016.
Theo ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Ủy ban Mía đường, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), vụ mía 2015-2016, nhiều tỉnh trồng mía bị ảnh hưởng nặng do hạn hán, biến đổi khí hậu; chỉ tính riêng ĐBSCL đã có hơn 10.000 héc ta mía bị nhiễm mặn, tương đương khoảng 20% diện tích trồng mía ở khu vực này.
Tính toán của TTC cho thấy, để tăng khả năng cạnh tranh, các nhà máy phải sản xuất đường với giá thành tối đa khoảng 10.500 đồng/kg.
Bài toán giảm giá thành chỉ có thể làm được khi có đủ mía nguyên liệu. Song, với tình trạng biến đổi khí hậu thì diện tích chuyên trồng mía của cả nước sẽ không đáp ứng được nhu cầu nguyện liệu cho các nhà máy. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), có hai cách để giải quyết vấn đề nguyên liệu là tăng năng suất trồng mía và mở rộng vùng nguyên liệu.
Tuy nhiên, việc tăng năng suất cần phải có thời gian để tuyển chọn những giống mía có năng suất cao, cơ giới hóa cũng như xây dựng hệ thống thủy lợi cho cây mía. Do đó, giải pháp nhanh nhất là mở rộng diện tích. Nhưng trong bối cảnh Việt Nam đã không còn quỹ đất cho để chuyên canh cây mía vì thế, theo bộ này, cách tốt nhất là trồng xen canh cây mía với cây cao su.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hương (tỉnh Bình Phước) trước đây có 5 héc ta trồng điều, mấy năm trước, khi giá điều liên tục giảm, còn giá cao su tăng liên tục nên gia đình bà cùng nhiều hộ khác chuyển một phần diện tích trồng điều sang cây cao su. Hiện thu nhập của gia đình bà Hương chỉ trông chờ vào 1 héc ta điều do 4 héc ta cao su mới trồng gần 3 năm chưa thu hoạch và nếu cho thu hoạch cũng chưa thể có lãi do giá cao su đang ở mức thấp. Vì thế, bà Hương cho biết gia đình bà sẵn sàng trồng mía trong vườn cao su nếu được các nhà máy cam kết hỗ trợ kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, số liệu mới nhất về tổng diện tích cao su của cả nước (tính đến tháng 8-2015) là 981.000 héc ta, trong đó 600.000 héc ta đang cho thu hoạch mủ, còn lại 381.000 héc ta chưa thu hoạch.(NDH)
Một loạt mục tiêu, kế hoạch lớn cho ngành ngân hàng
Theo dự thảo đề án, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được gắn với việc triển khai lộ trình tăng vốn điều lệ phù hợp với quy định mới về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng.
Theo dự thảo đề án, mục tiêu chung đến năm 2020, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn tất cơ bản tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, giảm mạnh rủi ro hệ thống và tăng cường độ rộng và hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính.
Các mục tiêu cụ thể và chi tiết đến năm 2020 cũng được đặt ra trong dự thảo.
Đó là tiếp tục cắt giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững và cắt giảm đáng kể số ngân hàng thương mại yếu kém; đảm bảo 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ Basel 2 vào năm 2020.
Đáng chú ý, dự thảo đưa ra mục tiêu kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%/năm.
Cũng theo dự thảo trên, định hướng chính sách đến năm 2020 trước hết là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tiền tệ, ngân hàng. Bổ sung và xây dựng khuôn khổ pháp luật về về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu, trong đó đề cao thẩm quyền can thiệp của Nhà nước và trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xử lý các yếu kém, tồn tại và các vi phạm, rủi ro của tổ chức tín dụng.
Chính phủ sẽ thực hiện cấp phép thận trọng, linh hoạt đối với việc thành lập mới ngân hàng thương mại; tiếp tục sử dụng cấp phép cho các tổ chức tín dụng như là công cụ hữu hiệu trong cơ cấu lại và xử lý nợ xấu. Thắt chặt các điều kiện thành lập, góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.
Cùng đó, Chính phủ dự kiến sẽ nới lỏng quy định về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng Việt Nam và các giới hạn sở hữu vốn điều lệ của thành viên góp vốn, cổ đông tại Việt Nam.
Ở một nội dung khác, định hướng chính sách theo dự thảo trên là sửa đổi Luật Bảo hiểm Tiền gửi (Luật số 06/2012/QH2013), Luật các tổ chức tín dụng (Luật số 47/2020/QH12) để trao cho Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) để cho phép sử dụng phí bảo hiểm tiền gửi do các ngân hàng nộp cho DIV để tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng.
Để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, dự thảo đề án nêu định hướng sửa đổi đồng loạt các luật và quy định liên quan để thúc đẩy xử lý nợ xấu, chỉ đạo VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường của các ngân hàng, xóa hoàn toàn nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Giải quyết nhanh và thực chất vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng, góp phần đưa lãi suất cho vay về mức 5%/năm.
Tiếp tục triển khai cổ phần hóa các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại một số ngân hàng thương mại cổ phần về mức trên 65%; thực hiện cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Đề án cũng đưa ra một định hướng đáng chú ý là áp dụng biện pháp phá sản đối với các tổ chức tín dụng yếu kém mà việc phá sản không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Về lộ trình thực hiện đầy đủ Basel 2, đề án xác định mục tiêu 70% số ngân hàng thương mại sẽ thực hiện được vào năm 2020, qua tăng cường năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, bảo đảm các tổ chức tín dụng có đủ vốn tự có theo chuẩn mực vốn của Basel 2; triển khai lộ trình tăng vốn điều lệ phù hợp với quy định mới về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng và vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
“Kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng không đáp ứng được mức vốn pháp định và chuẩn mực an toàn vốn”, dự thảo đề án nêu định hướng.(Vneconomy)
Kantar: Người miền Bắc chuộng hàng nội hơn miền Nam
Báo cáo về sự khác biệt trong tiêu dùng giữa các vùng miền tại Việt Nam vừa được Kantar Worldpanel công bố cho thấy một số khác biệt trong tập quán mua hàng của các khu vực Bắc - Trung - Nam, thành thị và nông thôn.Theo đó, người miền Bắc ưu tiên dùng thương hiệu nộivà các sản phẩm có bao bì lớn. Trong khi người miền Nam nghiêng về các sản phẩm tiện lợi và sẵn sàng thử nghiệm hàng mới.
Về kênh mua sắm, người miền Nam vẫn chuộng chợ truyền thống, đặc biệt là khu vực nông thôn. Người thành thị cũng thích ứng tốt hơn với các siêu thị và đại siêu thị. Trái lại, ở miền Bắc, kênh siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện ích phát triển hơn.Nhìn chung, các hộ gia đình miền Bắc tiết kiệm và ưu tiên chi cho giáo dục. Còn miền Nam bỏ nhiều tiền hơn cho các hoạt động ăn uống bên ngoài.
Nông thôn miền Bắc là khu vực chi tiêu ít nhất cho hàng tiêu dùng nhanh. Còn nếu xét về ngành hàng, người miền Nam chi nhiều hơn cho các sản phẩm làm từ sữa và thức uống. Người miền Bắc lại chuộng thực phẩm đóng gói.
Kantar nhận định kênh bán hàng truyền thống vẫn chiếm ưu thế tại Việt Nam. Vì vậy, sự tương tác giữa người bán và người mua đóng vai trò đáng kể trong quyết định mua sắm, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Truyền miệng vẫn là nguồn thông tin đáng tin cậy nhất. Còn quảng cáo truyền hình vẫn là kênh truyền thông chủ yếu nhất. Việc người miền Nam ngày càng sử dụng Internet nhiều sẽ mang lại cơ hội lớn cho các kênh trực tuyến.
Ông David Anjoubault - Tổng giám đốc Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định: "Thị trường Việt Nam không chỉ có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, mà còn giữa miền Bắc và miền Nam. Chúng tôi nhận thấy những điều này qua phong cách sống, văn hóa và hành vi của mỗi hộ gia đình. Các doanh nghiệp nên dành thời gian tìm hiểu và tận dụng những khác biệt này để điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với người tiêu dùng trên khắp Việt Nam".(Vnexpress)