Môi trường hoạt động ở đây có phần “thông thoáng” hơn so với Hà Nội và Tp.HCM...
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 26-08-2016
- Cập nhật : 26/08/2016
Chuyện Việt Nam ồ ạt nhập đùi gà đông lạnh của Mỹ, Hàn cho tới lối thoát cuối cùng của nền nông nghiệp nước ta
Khi không thể đảm bảo yêu cầu tối thiểu của thực phẩm là phải SẠCH, người Việt thì ôm bệnh, còn doanh nghiệp Việt không những đã đánh mất cơ hội xuất khẩu thực phẩm sang nước khác, mà còn đang nằm chờ các thách thức ập đến.
Trong câu chuyện đùi gà Mỹ giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam hồi năm ngoái, chúng ta thường nhìn vào mức giá 20.000 đồng/kg đùi gà Mỹ để cho rằng chăn nuôi Việt Nam sẽ “chết” khi vào TPP.
Tuy nhiên, tỷ trọng ngày càng tăng của thịt đông lạnh nhập khẩu trong lượng tiêu thụ của người Việt còn chỉ ra một xu hướng tiêu dùng khác: Thà ăn thực phẩm đông lạnh đã qua kiểm dịch còn hơn dùng thực phẩm tươi trôi nổi.
6 tháng đầu năm 2015, người Việt đã tiêu thụ 70.000 tấn thịt gà ngoại. Trong khi đó, trong cả năm 2014, người Việt chỉ nhập khẩu 100.000 tấn.
Nói về ngành nông nghiệp Việt Nam, ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại – cho rằng với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP và FTA Việt Nam – EU, độ mở với nông nghiệp của Việt Nam là cực lớn khi thuế các mặt hàng nông sản sẽ về 0 ngay sau khi ký kết.
Tuy nhiên, cơ hội lớn này nếu các doanh nghiệp Việt không tận dụng được, tất thách thức sẽ ập đến.
“Hàng nước ngoài sạch hơn, rẻ hơn do hàng rào thuế quan giảm, và nhu cầu của người Việt bắt đầu hướng sang thực phẩm sạch … là những thách thức cực lớn cho doanh nghiệp Việt”, ông Tuyển cho biết tại Diễn đàn "Đón sóng thực phẩm sạch" do báo điện tử Trí thức trẻ - Soha tổ chức.
Ông Tuyển cho rằng: Thách thức số 1 của nông nghiệp Việt Nam không phải là câu chuyện cạnh tranh con lợn, con gà, mà là khi không có được sản phẩm sạch, chẳng những người Việt ôm bệnh, mà doanh nghiệp Việt bên ngoài thì không xuất khẩu được, bên trong thì không cạnh tranh được với các mặt hàng sạch từ nước ngoài tràn vào.
Nếu làm đúng cách, làm nông sẽ lời hơn may mặc
Theo khuyến nghị của ông Tuyển, cụm từ “phát triển một nền nông nghiệp toàn diện” vốn được nhắc đi nhắc lại trong chính sách của Chính phủ nên bỏ đi, và thay vào đó là phát triển một nền nông nghiệp đa chức năng dựa trên lợi thế so sánh, với 3 chức năng chính.
1- Đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm,
2- Tạo ra những vùng sinh thái kết hợp nông nghiệp với du lịch ví như những cảnh cực đẹp thường thấy trên báo nước ngoài như ruộng bậc thang, vườn sinh thái…,
3- Nền nông nghiệp chăm lo, bảo vệ sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, không nên coi nông nghiệp là ngành truyền thống mà phải coi đó là ngành công nghệp sản xuất lương thực, thực phẩm.
“Thực tế, nếu áp dụng công nghệ mới vào sản xuất sạch thì với 1ha đất để làm nông sẽ có giá trị hơn làm khâu may trong may mặc”, ông Tuyển so sánh.
Giải pháp cụ thể ông Tuyển đưa ra là phải tái cơ cấu nông nghiệp dựa trên 2 “chân”, 1 là tận dụng đất khi Việt Nam gia nhập các FTA. 2 là đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Việc tận dụng đất vào thời điểm hiện tại khá hợp lý khi một vài hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực. Với mức giảm thuế quan trong một số ngành thâm dụng lao động như dệt may và da giày, các ngành này sẽ rút lao động trong nông nghiệp mà không cần thời gian đào tạo lại quá dài.
Khi lực lượng lao động trong nông nghiệp được rút ra, đất đai vốn thuộc sở hữu của họ có thể cho thuê. Đấy là điều kiện để có nền sản xuất nông nghiệp tập trung.
TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định: Câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những trách nhiệm nặng nề của ngành nông nghiệp.
Nhưng một vấn đề quan trọng hơn là bản thân ngành nông nghiệp trong giai đoạn toàn cầu hóa, với việc nông nghiệp là lợi thế quan trọng nhất của nước ta, rất có thể đề xuất trên chính là lối thoát, là con đường để ngành nông nghiệp và nền kinh tế của chúng ta khôi phục và phát triển.(Trithuctre)
Hà Nội dừng dự án chợ - trung tâm thương mại Châu Long
Tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội vừa quyết định dừng triển khai dự án xây dựng chợ - trung tâm thương mại Châu Long, Q.Ba Đình, Hà Nội.
Quyết định được đưa ra sau phiên họp của tập thể lãnh đạo UBND TP về dự án đầu tư xây dựng chợ - trung tâm thương mại Châu Long.
Theo đó, UBND TP Hà Nội giao UBND quận Ba Đình chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Công thương và các sở, ngành liên quan rà soát thủ tục, hiệu lực pháp lý của dự án chợ - trung tâm thương mại Châu Long, thông báo cho nhà đầu tư dừng triển khai dự án vì đã quá thời hạn đầu tư theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, UBND TP cũng giao các cơ quan chức năng tính toán hoàn trả các khoản chi phí cho nhà đầu tư đã thực hiện theo quy định.
Về cải tạo chợ Châu Long, UBND TP giao UBND quận Ba Đình nghiên cứu, tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ Châu Long theo mô hình chợ truyền thống.
Quá trình thực hiện theo nguyên tắc UBND quận Ba Đình sẽ ứng vốn thực hiện và hoàn vốn từ thu phí dịch vụ các hộ kinh doanh theo đúng quy định.
Đối với thiết kế chợ truyền thống Châu Long, UBND TP yêu cầu thiết kế kiến trúc kết cấu thép linh hoạt, gọn nhẹ, đảm bảo trật tự, vệ sinh, an toàn trong lưu thông hoạt động và phòng cháy chữa cháy.
Việc thiết kế phải phù hợp với quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành, báo cáo UBND TP trước khi khởi công và hoàn thành trong 6 tháng kể từ ngày khởi công.(TT)
TP HCM yêu cầu làm rõ vụ báo mất tiền 26 tỷ đồng
Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa có văn bản gửi công an và Ngân hàng Nhà nước thành phố, yêu cầu làm rõ vụ khách hàng báo mất 26 tỷ đồng trong tài khoản.
Trong văn bản này, Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến giao Công an Thành phố triển khai nắm tình hình, xử lý nghiêm vụ việc, báo cáo nhanh tới UBND TP HCM.Đồng thời, lãnh đạo Thành phố cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM phối hợp, hỗ trợ công an để giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan đến Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền để phối hợp chỉ đạo xử lý.
Trao đổi với VnExpress sáng nay, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM - ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết cơ quan này chưa chính thức nhận được văn bản chỉ đạo của UBND TP HCM, nhưng thông qua các thông tin nắm được trên báo chí, Ngân hàng Nhà nước thành phố đã triển khai ngay việc yêu cầu lãnh đạo phụ trách khu vực phía nam của VPBank báo cáo vụ việc, hướng xử lý và phối hợp công an khi cần thiết.
Ông Minh cho biết thêm, trước giờ Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được bất kỳ thông tin phản ánh nào từ bà Trần Thị Thanh Xuân - Giám đốc Công ty Quang Huân. Riêng Công an TP HCM thì đã nhận được đơn khiếu nại của bà này và đã có sự phối hợp với bà Xuân cũng như phía VPBank để điều tra, làm rõ nguyên nhân, song đến nay chưa có kết quả.
Ngoài ra, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng cho biết đã yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn rà soát lại tất cả các quy trình nội bộ về quản lý cũng như là bảo vệ tiền gửi của khách hàng (cả tiền gửi thanh toán và sổ tiết kiệm). Các ngân hàng cũng phải khẩn trương phối hợp với cơ quan công an làm rõ các trường hợp phát sinh rủi ro đã xảy ra trên nguyên tắc phải bảo vệ quyền lợi và giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho khách hàng.
Trước đó, bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Quang Huân có trụ sở ở huyện Củ Chi, TP HCM cho biết tháng 3/2015, công ty bà có mở tài khoản tại VPBank để phục vụ công việc kinh doanh.
Toàn bộ số tiền khách hàng mua bán nông sản với công ty đã giao dịch qua tài khoản là 26 tỷ đồng. Tháng 7/2015, bà Xuân đến ngân hàng rút tiền mới biết toàn bộ tiền trong tài khoản đã biến mất, chỉ còn vài trăm nghìn đồng. Bà đã khiếu nại lên Ngân hàng VPBank cũng như làm đơn tố giác lên Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP HCM từ tháng 9/2015 nhờ can thiệp, tuy nhiên đến nay vụ việc vẫn chưa có kết quả.(Vnexpress)
Đang có 71 doanh nghiệp nước ngoài kiện Chính phủ
Tại buổi làm việc giữa tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&ĐT sáng nay, 25-8, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đã báo cáo tổ công tác về việc chậm trễ giải quyết thiệt hại cho Công ty Apex tại Bình Dương.
Công ty Apex là doanh nghiệp may mặc của Hàn Quốc, có số vốn 190 triệu USD. Năm 2014, khi sự kiện giàn khoan HD981 xảy ra trên biển Đông, công ty này đã bị thiệt hại sau một số vụ biểu tình phản đối giàn khoan HD981.
Sau đó, công ty này kê khai bị thiệt hại 37 tỉ đồng và đã được hỗ trợ 13 tỉ đồng. 24 tỉ đồng còn lại hiện công ty này đang tiếp tục đòi được hỗ trợ.
Ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng lỗi trong việc chậm trễ bồi thường, hỗ trợ cho Công ty Apex thuộc về UBND tỉnh Bình Dương. Cục Đầu tư nước ngoài đã gửi nhiều công văn đề nghị tỉnh này xác định thiệt hại của công ty trên để có phương án giải quyết.
Sau khi được thành lập, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: CHÂN LUẬN
Theo ông Hoàng, để hỗ trợ Công ty Apex thì phải kiểm tra, xác định giá trị thiệt hại, đồng thời phối hợp với các cơ quan thuế và bảo hiểm rà soát và chờ Chính phủ chỉ đạo thực hiện. “Công ty này đang nợ bảo hiểm 7,3 tỉ đồng và nợ thuế thu nhập cá nhân 1,3 tỉ đồng. Công ty đề nghị trừ tiền này. Chúng tôi không có chủ trương đền bù. Chúng tôi khẳng định phải làm rõ các thiệt hại, phần nào bảo hiểm đền bù, phần nào thiệt hại thực tế, phần nào DN phải tự chịu trách nhiệm” - ông Hoàng phân trần.
Cũng theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Thủ tướng đã chỉ thị các tỉnh phải làm việc với DN, các cơ quan chuyên môn như bảo hiểm, công an để triển khai... tuy nhiên, địa phương chưa xác định được thiệt hại. “Tháng 6-2016, chúng tôi đã làm việc với BHXH Việt Nam và tỉnh Bình Dương nhưng chỉ mỗi BHXH Việt Nam gửi văn bản sang, còn tỉnh Bình Dương chưa gửi. Ngày 1-7, chúng tôi tiếp tục làm văn bản gửi tỉnh Bình Dương yêu cầu tỉnh kê khai thiệt hại đối với DN này, tuy nhiên vẫn không được. Ngày 1-8, chúng tôi lại gửi văn bản cho tỉnh này và hiện nay vẫn không có thông tin gì... Chúng tôi đã báo cáo Văn phòng Chính phủ” - ông Hoàng cho biết.
Ông Hoàng cũng xác định trong tuần tới Cục Đầu tư nước ngoài sẽ họp bàn với Bộ Tài chính, nếu không đôn đốc được thì cũng phải chịu!
Tổ trưởng tổ công tác - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sau khi nghe ông Hoàng trình bày cho biết: Hiện nay có 71 vụ việc các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) kiện Chính phủ. Chính phủ cùng với các cơ quan liên quan đang tìm hiểu, phối hợp giải quyết.
Về vụ việc Công ty Apex, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng: Nếu Cục Đầu tư nước ngoài đã đôn đốc mà chưa được, phải mời UBND tỉnh Bình Dương và Công ty Apex ra để họp bàn. “Tất cả thiệt hại phải có chứng lý rõ ràng. Có nhiều doanh nghiệp thiệt hại của họ không hẳn là do những vụ việc năm 2014 gây ra đâu” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý.(PLO)