Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Quyết tâm chính trị tách chức năng chủ sở hữu và quản lý Nhà nước đã rất rõ ràng
Ông William Marko (Worldbank): Sẽ cồng kềnh, lãng phí khi áp dụng cơ cấu phòng ban cho Siêu ủy ban 240 tỷ USD
Vietcombank đề xuất đầu tư 3.000 tỷ đồng trái phiếu đô thị của TPHCM
Tập đoàn Hàn Quốc muốn đầu tư phát triển hạ tầng tại TP Hồ Chí Minh
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 24-08-2016
- Cập nhật : 24/08/2016
Dân khốn đốn vì vườn mắc ca chỉ tốt lá, không ra quả!
Nhiều hộ dân xã Liên Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đang rơi cảnh điêu đứng vì giống mắc ca họ trồng mặc dù tươi tốt nhưng lại không cho quả. Nguyên nhân do người dân mua phải giống trôi nổi trên thị trường.
Chúng tôi về xã Liên Hà, nơi có những vườn mắc ca được trồng thử nghiệm cách đây 5 năm. Nghe hỏi về mắc ca, ông Nguyễn Việt Hùng, cán bộ nông nghiệp xã lắc đầu ngao ngán: Diện tích thì ngày tàn lụi, năng suất không có, nông dân trong xã đang bắt đầu chặt bỏ dần.
Theo ông Hùng, được sự chấp thuận của UBND tỉnh, năm 2010, một công ty đã làm việc với UBND huyện, nội dung thỏa thuận trồng, chế biến và thu mua sản phẩm cây mắc ca với từng hộ dân tại khu vực 6 xã vùng Tân Hà cùng cam kết: Đầu tư cho dân 50% chi phí giá cây giống, vật tư và bao tiêu quả mắc ca khi có thu hoạch.
Thực hiện cam kết này, năm 2012, công ty có về UBND xã, đặt vấn đề mua bán cây giống, hỗ trợ địa phương xây dựng mô hình điểm. Đại đa số cán bộ trong xã quyết định mua từ 50 – 100 cây với giá hỗ trợ 30.000 đồng/cây về trồng thử nghiệm, làm mô hình cho người dân học hỏi. Cứ như thế, toàn huyện đã có 44,5 ha mắc ca được công ty này đầu tư cho dân trồng tại xã Liên Hà (23 ha) và một số các xã khác như Tân Thanh (7 ha), Đan Phượng (3,5 ha), Tân Hà (11 ha).
Tham quan vườn mắc ca 5 năm tuổi của ông Hùng, chúng tôi nhận thấy vườn mắc ca của ông phát triển rất xanh tốt, cây nào cũng cao vút nhưng tuyệt nhiên rất ít trái. Qua trao đổi, ông Hùng tỏ ý nghi ngờ chất lượng cây giống. Theo ông Hùng, thời điểm nhận cây giống, cán bộ trong xã đã nhận thấy dù là cây mắc ca ghép nhưng các mắt ghép rất sơ sài, dường như không đúng yêu cầu kỹ thuật và cũng không thể nào nhận biết được mắt ghép trên có phải là chồi chuẩn hay không? Chính vì mập mờ từ khâu chọn giống ban đầu mà giờ nông dân trong xã phải điêu đứng vì trồng phải mắc ca “điếc”.
Tương tự, vườn cà phê xen mắc ca của anh Nguyễn Văn Thọ, cán bộ văn phòng UBND xã Liên Hà, cây mắc ca cũng chỉ toàn cành với lá, rất hiếm trái đậu. Anh Thọ cho biết: Đợt năm 2012, anh cũng lấy gần 200 cây giống mắc ca về trồng thử nghiệm. Lúc mới trồng đã có gần 40% cây bị chết, số còn lại thì cành khẳng khiu, cứ cao vút không phát tán, cũng chẳng có trái. Trong năm vừa qua, anh Thọ thu về được hơn 100 kg hạt, tính ra mỗi cây tầm 1 kg hạt, bán ra được chục triệu đồng.
Ông Trần Đức Xuân, Bí thư thôn Liên Hà 2 bức xúc: “Lúc nhận cây giống chúng tôi ai cũng hồ hởi, nào là sau 3 năm cho trái bói, mỗi cây chục kg, rồi được công ty đầu tư, thu mua. Nhưng rồi hiệu quả kinh tế thế nào thì đã quá thấm thía!”.
Theo ông Xuân, để có một ha mắc ca, cần số tiền trên 20 triệu đồng mua cây giống. Rồi phải bón phân, chăm sóc suốt quãng thời gian 5-6 năm mới biết được cây có ra quả được không; trong khi, sản phẩm làm ra còn mịt mờ về khâu tiêu thụ. Hiện ông Xuân có hơn 70 gốc mắc ca nhưng mỗi năm thu chưa tới 50 kg hạt, số hạt trên gia đình ông chả buồn đem đi bán, giữ lại chỉ để ăn, cho người thân làm quà biếu. Số gốc mắc ca trong vườn ông Xuân đã nhiều lần tính chặt bỏ nhưng vì chẳng gây hại gì cho vườn cà phê, lại giúp che bóng nên ông giữ lại. Ông Xuân cảnh tỉnh người dân khác phải hết sức thận trọng khi chọn mua giống trồng mắc ca.
Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Lâu nay, người dân tự phát đổ xô trồng mắc ca bằng các loại giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc từ vườn ươm của các cá nhân, đơn vị trong vùng, hoặc tự ươm cây làm giống khiến giá hạt mắc ca cao ngất ngưởng và không có một giá nhất định, tạo ra một thị trường ảo. Điều này khiến chúng tôi hết sức lo ngại”.
Theo ông Sơn, mặc dù Sở NN-PTNT đã tuyên truyền, khuyến cáo nhưng người dân dường như phớt lờ những cảnh báo. Điều này sẽ gây ra những hậu quả khó lường về sau. "Người dân đổ xô trồng mắc ca, tôi mong họ hãy tỉnh táo, đừng quá nóng vội, làm theo phong trào, để rồi lại tự mình hại mình”, ông Sơn nói.(NNVN)
VASEP kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc
Thời gian qua, nước này đã giảm khối lượng nhập khẩu, đặc biệt là với các mặt hàng như gạo, sắn và dăm gỗ... khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp khó. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn tăng rào cản kỹ thuật với một số mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam.
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, các doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn. Cụ thể, theo thông tin mạng quản lý phía Trung Quốc yêu cầu, muốn xuất khẩu vào thị trường này thì nhà máy chế biến phải có code vào Trung Quốc và nhà xuất khẩu phải nằm trong danh sách được Trung Quốc phê chuẩn. Trong khi đó, theo quy định của cơ quan quản lý Việt Nam (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - NAFIQAD), chỉ cần nhà sản xuất có trong danh sách được công nhận xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong danh sách các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc, một số chưa được đưa vào danh mục được phép nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc như cá hồi. NAFIQAD đã có nhiều công văn sang Trung Quốc nhưng phía Trung Quốc vẫn chưa có trả lời chính thức.
Ngoài ra, trong bối cảnh các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua (theo cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch), cơ quan thẩm quyền Trung Quốc đã yêu cầu có chứng nhận (H/C) của cơ quan thẩm quyền Việt Nam đối với các lô hàng thủy sản nhập khẩu nên nhiều doanh nghiệp/thương lái Trung Quốc đã không hoặc hạn chế đi việc thu mua theo con đường tiểu ngạch như trước đây.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đặt hàng thu mua cá tra với size cỡ lớn (>1 kg/con) nên đã dẫn đến tình trạng số lượng (nguồn cung) cá tra cỡ lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng lên và đã góp phần tác động tiêu cực đến việc giá nguyên liệu giảm trong thời gian từ quý II/2016.
Với mục tiêu đẩy mạnh việc xuất khẩu ổn định thủy sản sang thị trường Trung Quốc và tránh những tác động tiêu cực, VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương tháo gỡ những rào cản kỹ thuật và thủ tục hành chính. Hai Bộ làm việc với cơ quan thẩm quyền Trung Quốc làm rõ về quy định của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu (code xuất khẩu sang Trung Quốc), cũng như kiến nghị Trung Quốc mở rộng danh mục sản phẩm thủy sản được phép nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo VASEP, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 384,3 triệu USD (tăng 42,8% so với cùng kỳ năm 2015); trong đó, xuất khẩu tôm các loại đạt 217,43 triệu USD, tăng 41,8%, cá tra đạt 117,03 triệu USD, tăng mạnh 66,7%. Việt Nam cũng nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc đạt 32,14 triệu USD (tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2015).(NNVN)
Nghịch lý đường tồn kho, nhập lậu nhiều nhưng giá vẫn ở mức cao
Lượng đường nhập lậu năm nay đã có dấu hiệu suy giảm nhưng vẫn cao, khoảng 200.000 tấn. Đường giữ giá cao trong khi nguồn cung không thiếu được xem là một nghịch lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất cần sử dụng tới đường.
Bộ NN&PTNT cho biết, trong tuần qua, giá bán buôn đường kính trắng loại 1 (có VAT) tại nhà máy ổn định, hiện đang ở mức trên dưới 16.300 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nguồn cung đường trong nước hiện nay không thiếu. Lượng đường tồn kho của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, khoảng 416.000 tấn, cộng với lượng đường chuyển từ Lào về Việt Nam của Hoàng Anh Gia Lai hơn 30.000 tấn, 85.000 tấn đường phải nhập hàng năm theo cam kết với WTO và 100.000 tấn được Chính phủ đồng ý chủ trương nhập bổ sung chưa thực hiện. Theo đó khả năng thời gian tới có thể dư thừa hơn 200.000 tấn đường. Bên cạnh đó, lượng đường nhập lậu năm nay có giảm nhưng vẫn cao, khoảng 200.000 tấn.
Đáng chú ý, trong khi nguồn cung không thiếu nhưng giá đường vẫn duy trì ở mức cao so với hồi đầu năm. Theo ghi nhận, tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, giá đường chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Giá đường kính trắng xuất khẩu trong siêu thị hiện là 21.000 đồng/kg. Giá đường bán lẻ 19.000 - 21.000 đồng/kg. Đường giữ giá cao trong khi nguồn cung không thiếu là một nghịch lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất cần sử dụng tới đường.
Được biết, giá đường hiện ở mức cao trước hết là do sản lượng mía giảm nhiều do hạn, mặn. Đầu niên vụ 2015-2016, để khuyến khích nông dân trồng mía, nhiều nhà máy đường đã tăng giá thu mua mía lên khá nhiều. Vì thế, các nhà máy đang buộc phải điều chỉnh giá đường bán ra theo hướng tăng lên để bù chi phí sản xuất, nhất là trong bối cảnh giá đường trên thế giới tăng do ảnh hưởng của El Nino. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như trên thì việc một số doanh nghiệp, nhà buôn trung gian tranh thủ găm hàng, đầu cơ cũng khiến giá đường bị đẩy lên cao.
Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân giá cao trong khi tồn kho lớn là do nhiều đại lý, doanh nghiệp còn găm hàng, chưa chịu hạ giá bán để trục lợi. Nên để kéo giá đường xuống, cân đối cung cầu thì phải loại bỏ tình trạng đầu cơ.
Chỉ rõ hơn sự "gian manh" này của các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực thương mại Vũ Vinh Phú nhận định, hiện nay còn quá nhiều khâu trung gian phân phối đường đã tạo điều kiện cho các tư thương gom hàng trục lợi bất chính. Muốn hạ giá đường, phải tổ chức lại khâu phân phối, cắt bớt các khâu trung gian không cần thiết để đường từ nhà máy có thể đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Nếu không làm được điều này thì dù hạn ngạch nhập khẩu đường có tăng lên nữa thì giá đường vẫn khó giảm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã khẳng định, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đường găm hàng đợi giá đường tăng đã gián tiếp khiến giá đường sốt ảo, gây khó khăn trong công tác quản lý. Do đó, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra để phát hiện các doanh nghiệp cố tình đầu cơ trục lợi.(Motthegioi)
Diêm dân Bạc Liêu vẫn phải bán muối thấp hơn giá quy định
Trước tình hình đầu ra hạt muối gặp khó, chính sách thu mua muối tạm trữ của Chính phủ là một biện pháp tích cực, giúp ổn định giá muối trên thị trường, diêm dân thuận lợi trong tiêu thụ và sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống người làm muối.
Trước đầu ra hạt muối gặp khó, chính sách thu mua muối tạm trữ của Chính phủ là một biện pháp tích cực, giúp ổn định giá muối trên thị trường, diêm dân thuận lợi trong tiêu thụ và sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống người làm muối.
Tuy nhiên, theo diêm dân tỉnh Bạc Liêu, mặc dù có chính sách thu mua muối tạm trữ nhưng họ chưa được hưởng lợi nhiều, thương lái vẫn thu mua thấp hơn giá theo quy định.
Theo nhiều diêm dân ở “thủ phủ” muối huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, mặc dù chính sách thu mua muối tạm trữ của Chính phủ triển khai nhiều ngày qua, nhưng hiện nay tình hình tiêu thụ muối ở đây rất chậm, muối dựa đầy đồng nhưng rất ít thương lái đến tìm mua.
Anh Phạm Phương Quang, ấp Long Hà, xã Điền Hải, bức xúc nói, người dân không thấy doanh nghiệp về địa phương mua muối theo chỉ đạo của Chính phủ, lâu nay phần lớn diêm dân ở đây bán muối qua thương lái, mà giá thu mua cũng rất thấp.
Cùng phản ánh trên, ông Lê Xuân Minh, xã Điền Hải, huyện Đông Hải cho biết, muốn bán muối cho doanh nghiệp đứng ra mua tạm trữ theo quy định của Chính phủ, diêm dân phải thuê phương tiện chuyển ra tận nhà máy, cách đồng muối hàng chục km, lại tốn chi phí rất cao. Do đó, diêm dân chọn cách bán tại đồng qua thương lái nên giá bao giờ cũng thấp hơn với bán trực tiếp với doanh nghiệp.
Còn đối với doanh nghiệp, lâu nay họ chỉ mua muối ngay tại cầu cảng nhà máy. Vì điều kiện vận chuyển, con người nên việc triển khai thu mua muối tạm trữ cho diêm dân ngay tại đồng là rất khó. Nhưng giá muối mà doanh nghiệp thu mua hiện nay dao động từ 750 - 850 đồng/kg, tùy loại. Còn thương lái mua trực tiếp trong dân thấp hơn, do chi phí vận chuyển khá lớn, nếu mua theo giá quy định tối thiểu của Chính phủ là 600 đồng/kg thì thương lái lỗ.
Nhiều người dân làm muối cho biết thêm, chính sách thu mua muối tạm trữ của Chính phủ hiện nay rất ít người được hưởng lợi. Bởi phần lớn sản lượng muối tồn đọng hiện nay “nằm” ở những hộ kinh doanh. Còn những hộ sản xuất muối, thật sự họ không có điều kiện trữ lại, họ bán hết sau thu hoạch dù giá thấp để xoay sở cuộc sống.
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bạc Liêu cho triển khai thu mua ngay, nhưng do khó khăn trong việc vận chuyển nên việc thu mua còn hơi chậm, đến nay mới thu mua tạm trữ được hơn 1.300 tấn muối. Tuy nhiên, theo tính toán, đến hết thời hạn thu mua tạm trữ, khoảng 30% muối trắng, muối trắng ngà trên tổng số lượng muối tồn ở địa phương sẽ được thu mua toàn bộ.
Bạc Liêu có diện tích muối khoảng 2.600 ha tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Đông Hải. Hiện sản lượng muối còn tồn đọng trong dân khoảng 130.000 tấn.
Nghề làm muối có lâu đời nhất ở Bạc Liêu, đây cũng là một trong những nghề thăng trầm nhất trong các nghề truyền thống của tỉnh. Trong những năm qua, đầu ra hạt muối gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy diện tích sản xuất muối ở tỉnh này ngày càng thu hẹp. Diêm dân tỉnh Bạc Liêu đang cần ngành chức năng sớm có giải pháp phù hợp tìm đầu ra cho hạt muối, để chính sách thu mua tạm trữ muối của Chính phủ được đến tay diêm dân.Baotintuc)