Sáng 2/5, tiếp ông Michael Kelly, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế có tính bổ sung lẫn nhau.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 26-08-2016
- Cập nhật : 26/08/2016
Mua giấy chứng nhận VietGap bao nhiêu cũng có
Không có nhiều sản phẩm được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, nhưng nếu doanh nghiệp muốn có được giấy chứng nhận này chỉ cần trả chi phí thì bao nhiêu cũng có.
Thực tế này được ông Lê Tư, Giám đốc Công ty Hồng Thanh Việt, một doanh nghiệp cung cấp thực phẩm sạch tại thành phố Vũng Tàu, nêu lên tại Diễn đàn "Đón sóng thực phẩm sạch" tổ chức ngày 23/8.
Ông Tư kể, khi lên Đà Lạt tìm nhà cung cấp thực phẩm sạch, ngỏ ý chỉ muốn tìm nguồn hàng trồng theo tiêu chuẩn VietGap (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam), ông nhận được lời đề nghị: “Anh cần chứng nhận VietGap cho sản phẩm nào, bao nhiêu, tôi lo cho”.
"Tôi cũng không biết chúng ta đang kiểm soát cái gì mà người ta có thể 'lo cho' cả đến tiêu chuẩn cấp thiết như thế", ông Tư nói.
Nêu thực tế này, Giám đốc Công ty Hồng Thanh Việt cho rằng, xã hội, người dân đang mất niềm tin nên đã đánh đồng và khi doanh nghiệp bán thực phẩm sạch thì không mua, nhưng lại chấp nhận ra chợ mua thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Tham gia tham luận tại diễn đàn, Tiến sĩ Hoàng Đình Chân - Giám đốc Bệnh viện ung bướu Hưng Việt dẫn số liệu thống kê "biết nói" của Cục Bảo vệ thực vật, có tới 2.000/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng; hơn 2.500/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
“Những con số này hết sức báo động nếu chúng ta không quan tâm tới thực phẩm sạch. Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình, thậm chí ngay trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ”, Tiến sĩ Chân lo lắng.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH cũng lấy dẫn chứng trong ngành sữa khi có tới 92% thị trường sữa nước là sữa bột nhập về pha lại, nhưng người dân vẫn lầm tưởng đó là sữa tươi.
“Doanh nghiệp hám lợi, sử dụng người nông dân như cứu cánh của họ. Khi giá sữa giảm xuống 50% thì lại bảo sữa nông dân bẩn, khi giá sữa lên thì lại bảo chúng tôi có trang trại nuôi bò”, Chủ tịch Tập đoàn TH thẳng thắn chia sẻ.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, nhà quản lý đang mải mê kiểm soát ở khâu bán lẻ mà bỏ quên khâu chăn nuôi.
"Chúng ta đang quản lý từ ngọn chứ không quản lý từ gốc. Những phong trào 'sực nhớ' cần bỏ ngay", ông Phú nói.
Hoan nghênh việc xử lý mạnh những doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại (nay là Bộ Công Thương) chỉ ra thách thức lớn nhất là Việt Nam không đảm bảo được tiêu chuẩn biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS).
"Vấn đề cấp bách đặt ra là phải đảm bảo sản xuất nông sản, thực phẩm và tiêu dùng thực phẩm sạch. Bảo đảm nông sản - thực phẩm sạch không chỉ là yêu cầu của xuất khẩu mà quan trọng hơn là bảo đảm sức khoẻ của người dân”, ông Tuyển nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội - Vũ Vinh Phú thì đề xuất, nên lựa chọn một số mặt hàng chính và làm cho tới cùng như gạo, thịt... sau đó thì nhân rộng ra. Cũng không nên làm theo phong trào một tháng rồi sau đó bỏ lơ thì kết quả cũng là số không. Song song đó, chế tài xử lý hành chính kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn cũng phải nâng lên để đảm bảo tính răn đe.(vnexpress)
VASEP: Formosa phải có trách nhiệm với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản
Liên quan đến sự cố môi trường khiến hải sản chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương xem xét hỗ trợ doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản và ngư dân, do những tác động nghiêm trọng của vụ việc này gây ra.
Theo VASEP, sự cố ô nhiễm môi trường đã gây tâm lý hoang mang, hầu hết các ngư dân đều trong tâm trạng lo lắng, không dám đi đánh bắt, khiến các nhà máy chế biến bị thiếu nguyên liệu sản xuất rất trầm trọng.
Thậm chí, nhiều nhà máy chế biến phải tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất với công suất rất thấp để duy trì và giữ chân công nhân.
Tính trong 8 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở khu vực này chỉ thu mua nguyên liệu đạt khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu hoạt động của doanh nghiệp cũng bị giảm mạnh.
Đơn cử như trường hợp Công ty cổ phần Nam Hà Tĩnh (Shatico) ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, công ty chỉ thu mua được 228 tấn nguyên liệu, trong khi cùng kỳ 2015, con số này là 580 tấn (giảm đến 60%); xuất khẩu chỉ được 160 tấn với kim ngạch đạt 1,4 triệu USD, giảm khoảng 42%.
Báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy, đến thời điểm giữa tháng 8/2016, ngư dân vẫn chưa đi đánh bắt trở lại nên dự kiến các tháng cuối năm, nhiều công ty chế biến thủy sản sẽ ngừng hoạt động vì không còn nguyên liệu để sản xuất. Trong khi đó, công ty vẫn phải chi các khoản để giữ chân người lao động và các khoản chi trả cho các đối tác.
Ngoài việc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ngư dân, sự cố môi trường đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của doanh nghiệp có nhà máy chế biến tại 4 tỉnh miền Trung. Nhiều phiếu thương mại quốc tế bị hủy bỏ, khiến doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn.
Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng trên, VASEP kiến nghị Chính phủ và các bộ có sự can thiệp đối với Tập đoàn Formosa trong vấn đề có trách nhiệm đối với doanh nghiệp và người dân ở đây.
VASEP cũng kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ, giải quyết hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp, tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp như tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu để doanh nghiệp duy trì sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và mặt hàng mới, hỗ trợ cước phí tại cảng nhập khẩu...(NDH)
Doanh nghiệp đồng hành cùng TP HCM đổi mới
Hơn 300 đơn vị đại diện cho trên 170.000 doanh nghiệp sẽ thể hiện sự cam kết đồng hành cùng TP HCM đổi mới.
Ngày 27/8 sẽ diễn ra chương trình giao lưu, đối thoại Doanh nghiệp đồng hành cùng TP HCM đổi mới lần thứ nhất. Chương trình có sự tham gia của hơn 300 nhà quản lý, doanh nhân đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM.
Đây được xem là sự kiện đầu tiên biểu thị sự quyết tâm, tích cực hưởng ứng của doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, trước lời kêu gọi đổi mới của Thành ủy, UBND TP HCM. Chương trình cũng nhằm mục đích kết nối cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đồng hành cùng Thành phố đổi mới, triển khai có hiệu quả các chương trình đột phá, hiện thực hóa mục tiêu đưa TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ tài chính, thương mại, khoa học, giáo dục của Đông Nam Á.
Tại sự kiện, Thành ủy TP HCM sẽ đón nhận bức tranh sơn mài với hơn 300 chữ ký của doanh nghiệp.
Chương trình do Trung tâm Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tại TP HCM phối hợp với Công ty IMS tổ chức.
Giá thuốc, dịch vụ y tế đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có sáu nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế với mức tăng 6,18% so với tháng trước. Tăng mạnh thứ hai thuộc về nhóm giáo dục với mức tăng 0,47%. Trong năm nhóm hàng giảm giá, giao thông giảm mạnh nhất với 1,97%, kế đến là hàng ăn và dịch vụ ăn uống 0,14%. Các đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua đã tác động mạnh mẽ lên chỉ số giá nhóm nhiên liệu khiến chỉ số giá nhóm giao thông quay đầu giảm mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân làm CPI tăng nhẹ chủ yếu đến từ các nhóm hàng và dịch vụ công ích. Trong khi đó nhu cầu mua sắm trong tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch) ít nên giá các mặt hàng như vật liệu xây dựng, thực phẩm,… không tăng đột biến.