Đại sứ Ted Osius cho biết Tổng thống Obama rất xúc động trước sự chào đón nồng hậu của người dân Việt Nam.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 25-06-2016
- Cập nhật : 25/06/2016
Thủ tướng yêu cầu không đưa 3.500 giấy phép con vào nghị định
Lưu ý này được người đứng đầu Chính phủ nêu lên tại phiên họp chuyên đề về xây dựng văn bản pháp luật ngày 23/6. Phiên họp với sự tham gia của đầy đủ các thành viên Chính phủ, đại diện các bộ, ngành diễn ra một ngày sau khi Văn phòng Chính phủ có cuộc họp bàn, rà soát lần cuối với 17 bộ ngành, lãnh đạo VCCI, CIEM dự thảo các Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Đến nay, đã có 49 dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh được trình lên Chính phủ, như dự thảo Nghị định quy định về điều kiện, thủ tục thành lập cửa hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan; điều kiện để hoạt động kinh doanh các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng là chất lượng. Không phải chạy theo số lượng mà phải làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
“Các văn bản mặc dù được xây dựng theo quy trình rút gọn, song không vì tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng, không đưa y nguyên thông tư cũ, quy định cũ lên thành nghị định mới”, người đứng đầu Chính phủ nêu quan điểm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở, "văn bản nào sau này ban hành có sai sót, phải sửa đổi thì Bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng".
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cao vai trò của các Bộ trưởng trong công tác xây dựng thể chế. Thủ tướng cũng nhắc nhở “văn bản nào mà sau này ban hành có sai sót, phải sửa đổi thì Bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng”.
Do đó, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo nghị định, bảo đảm tiến độ đề ra. Ngoài ra, cần tiếp tục cập nhật và công khai các dự thảo trên mạng, các phương tiện thông tin truyền thông để kịp thời tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cơ quan thường trực thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, nhất là Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần quyết liệt vào cuộc, cùng các bộ, ngành rà soát những điều còn bất cập của luật, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, cho tới thời điểm này khi chỉ còn một tuần nữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực (ngày 1/7) về cơ bản, các bộ, cơ quan đã trình các văn bản quy định chi tiết theo tiến độ mà Chính phủ, Thủ tướng đã giao. Việc soạn thảo các văn bản đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Một số văn bản mặc dù được phép áp dụng thủ tục rút gọn nhưng vẫn phải bảo đảm bắt buộc lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội, các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp.
Ngoài các văn bản nói trên, từ nay đến hết năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng sẽ ban hành 37 văn bản quy định chi tiết thi hành 6 luật, cùng với 5 văn bản nợ đọng của 6 tháng đầu năm chuyển sang, tổng số văn bản cần ban hành sẽ là 42 văn bản.
Kể từ ngày 1/7/2016, khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực, theo Văn phòng Chính phủ, cần phải ban hành kịp thời tất cả các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh bởi theo quy định của Luật này, các văn bản quy định chi tiết thi hành sẽ hết hiệu lực khi luật, pháp lệnh hết hiệu lực.
“Nếu không ban hành kịp thời sẽ tạo khoảng trống pháp lý tác động rất lớn đến công tác quản lý điều hành và thực hiện các quyền con người, quyền công dân và môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, với các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh dù thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Còn khoảng một tuần nữa là tới mốc 1/7 - thời hạn quy định các điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành quy định trong thông tư không còn hiệu lực nếu không đưa lên thành nghị định. Như vậy, sẽ có khoảng 3.500 điều kiện kinh doanh ban hành chưa đúng thẩm quyền có thể được loại bỏ khỏi nền kinh tế. Và hiện “cuộc đua” nâng cấp thông tư lên thành nghị định đang bước vào giai đoạn nước rút.
Trước đó, tại cuộc họp rà soát lần cuối các dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh với các bộ, ngành do Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức ngày 22/6, lãnh đạo VCCI đã mang tới bản báo cáo dày hơn 300 trang, tổng hợp góp ý vào 311 điều kiện đầu tư kinh doanh mà cơ quan này nhận được từ phía cộng đồng doanh nghiệp. VCCI đã kiến nghị bỏ 75 điều kiện kinh doanh được coi là không còn cần thiết, sửa đổi 127 điều kiện và nhiều kiến nghị khác được quy định trong 49 nghị định mà Bộ Tư pháp đã thẩm định.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đề nghị, những điều gì còn băn khoăn giữa tiền kiểm và hậu kiểm thì chuyển hết sang hậu kiểm. Nếu còn băn khoăn giữa điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn kỹ thuật thì chuyển sang tiêu chuẩn kỹ thuật.
“Riêng quy chuẩn, quy phạm, Nhà nước cũng chỉ nên tham gia quy định một số, còn lại để xã hội, thị trường quy định, trước hết là các hiệp hội nghề nghiệp quy định và các doanh nghiệp tự công bố”, ông Lộc nêu quan điểm.
Việt Nam phản đối Trung Quốc mở tuyến du lịch ra Hoàng Sa
"Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Trung Quốc xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các đá, bãi, tại khu vực quần đảo Trường Sa hoặc tổ chức du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Những hành động phi pháp như vậy không thể thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố.
Truyền thông Trung Quốc trước đó đưa tin về việc nước này tiếp tục xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình ở quần đảo Trường Sa, trong đó có bệnh viện trên đá Chữ Thập và nông trường trên đá Subi. Tập đoàn Vận tải biển Trung Quốc COSCO còn có kế hoạch tổ chức du lịch ra quần đảo Hoàng Sa,
"Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nêu trên và không để tái diễn các hành động tương tự, nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông", ông Lê Hải Bình nêu rõ
Đào tạo nghề ở Việt Nam quá nặng về lý thuyết
Chiều 24-6, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội thảo giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), khẳng định thời gian qua lao động qua đào tạo nghề đảm nhận nhiều vị trí công tác phức tạp mà trước đây do chuyên gia nước ngoài thực hiện. Đặc biệt, khoảng 70% học sinh tìm được việc làm.
Tuy nhiên, ông Minh thừa nhận đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề, các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp; chương trình đào tạo ít được cập nhật theo sự phát triển của khoa học, công nghệ; sự gắn kết doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề lỏng lẻo...
Ngoài ra, một số chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng đào tạo nghề ở Việt Nam ít theo tiêu chuẩn quốc tế, chủ yếu học lý thuyết nên ra trường không làm được việc ngay.
Theo ông Minh để khắc phục những hạn chế cần gắn kết chặt chẽ giữa dạy nghề và thị trường lao động, kết nối cung, cầu giữa nhà trường và doanh nghiệp, bảo đảm người học có việc làm sau tốt nghiệp. Xây dựng chuẩn đầu ra, đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học nghề.
Bên cạnh đó, cần phát triển đội ngũ giáo viên bằng cách bồi dưỡng, bảo đảm 100% nhà giáo dạy các ngành, nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế và khu vực ASEAN được bồi dưỡng đạt chuẩn về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, đề nghị tiếp tục chuyển giao chương trình đào tạo từ các nước phát triển. Đồng thời, phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng hiện đại, phát triển hệ thống kiểm định chất lượng độc lập, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, nâng cao tay nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển và nâng cao trình độ ngoại ngữ.
Ông Đào Ngọc Dung cũng mong muốn Chính phủ sớm xác định cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương về giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở đánh giá về hiệu quả quản lý điều hành cũng như thuận lợi cho việc gắn kết với việc làm và thị trường lao động.
EU tài trợ 3,9 triệu euro để tăng minh bạch tài chính Việt Nam
Lễ khởi động Dự án tăng cường năng lực cho Kiểm toán Nhà nước thuộc Chương trình hiện đại hóa tài chính công của EU (EU-PFMO) vừa diễn ra sáng 24/6. Tại buổi lễ, Tổng kiểm toán Nhà nước - Tiến sĩ Hồ Đức Phớc cùng đại diện các nhà tài trợ châu Âu đã ký Hợp đồng dự án với tổng kinh phí 3,9 triệu euro.
Dự án do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EU) và Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ, triển khai trong 3 năm, nhằm hỗ trợ Kiểm toán Nhà nước nâng cao trách nhiệm giải trình, báo cáo, tính minh bạch và vai trò giám sát hoạt động quản lý tài chính công.
Ông Stéphane Gil - Giám đốc Expertise France châu Á cho hay, dự án gồm 2 trụ cột chính, một là phát triển cơ cấu tổ chức và quản lý nguồn nhân lực của phía Kiểm toán Nhà nước, hai là thúc đẩy công tác lập kế hoạch, hiện đại hóa phương pháp kiểm toán và quản lý hoạt động phù hợp với chuẩn mực của quốc tế.