Bộ Tài chính yêu cầu VietinBank và BIDV phải trả cổ tức bằng tiền mặt: Cần sớm có sự tách bạch về chức năng
Ngân sách Nhà nước có cơ hội thu về 4.600 tỷ đồng cổ tức từ VietinBank và BIDV
Chuẩn bị thu thuế chuyển nhượng Big C Việt Nam
"Có dấu hiệu kinh doanh theo kiểu đa cấp trong bất động sản"
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 05-06-2016
- Cập nhật : 05/06/2016
Hà Nội có Chánh văn phòng mới
Chiều 3/6, UBND Thành Hà Nội đã công bố các quyết định về công tác tổ chức cán bộ của Văn phòng UBND TP.
Ông Phạm Quý Tiên, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội.
Tại buổi lễ, lãnh đạo UBND TP đã trao quyết định thôi công tác quản lý, điều hành Văn phòng UBND TP cho ông Nguyễn Thịnh Thành (SN 1956).
Cùng với đó, UBND TP quyết định điều động, bổ nhiệm ông Phạm Quý Tiên (SN 1968), Phó Giám đốc Sở Tài chính, giữ chức vụ Chánh Văn phòng UBND TP; bổ nhiệm ông Trương Việt Dũng (SN 1980), Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại Hà Nội, giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng UBND TP.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng đánh giá cao đóng góp của nguyên Chánh Văn phòng UBND TP Nguyễn Thịnh Thành. Trên cương vị công tác của mình, đồng chí Nguyễn Thịnh Thành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức của Văn phòng UBND TP đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Chủ tịch UBND TP mong muốn, dù thôi công tác quản lý nhưng với bề dày kinh nghiệm, đồng chí Nguyễn Thịnh Thành sẽ tiếp tục hỗ trợ lãnh đạo UBND TP, Văn phòng UBND TP trong các mặt công tác.
Đồng thời lãnh đạo TP bày tỏ tin tưởng vào năng lực, phẩm chất của các đồng chí lãnh đạo mới của Văn phòng UBND TP. “Các đồng chí lãnh đạo mới của Văn phòng UBND TP cần tổ chức, điều hành công việc hợp lý; củng cố tổ chức Văn phòng UBND TP theo hướng khoa học; tăng cường đoàn kết, đảm bảo kỷ cương, hiệu quả công việc…”, ông Chung nhấn mạnh.
Dân khóc vì thủy điện làm “đúng quy trình”
Mới đây, phát biểu trên đất Gia Lai, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển đã khẳng định công trình Thuỷ điện An Khê - Ka Nak “về cơ bản xả nước đúng quy trình”.
Vâng! Hiếm có một công trình nào ngay từ khi lập dự án đến khi hoàn thiện lại gặp phải những ý kiến phản đối như công trình Thủy điện An Khê - Ka Nak. Những cảnh báo về những hệ luỵ sẽ nảy sinh khi dự án làm thay đổi hoàn toàn điều kiện tự nhiên đã trở thành sự thực.
Kể từ khi chính thức bị chặn dòng để làm thủy điện, sông Ba - con sông dài nhất ở Tây Nguyên chảy qua địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên đã thay đổi hoàn toàn. Dòng sông dài nhất Tây Nguyên bỗng trở thành một dòng nước nhỏ. Sa mạc hoá ngay sau đó diễn ra trên chính giữalòng sông này… Và rồi, cái gì đến đã đến! Cùng với cái nắng lịch sử, năm 2016, khoảng 450 nghìn người dân của 7 huyện chịu ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.
Riêng đối với vụ đông xuân, trên 6,5 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, gần 7 nghìn ha cây trồng bị hạn… Đó có lẽ là con số “tố cáo” và chứng minh rằng Thuỷ điện An Khê - Ka Nak chính là công trình “sai lầm thế kỷ”.
Thế nhưng, câu nói của ông Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển rằng, Thuỷ điện An Khê - Ka Nak xả nước đúng quy trình đã khiến cho hàng vạn người dân của tỉnh Gia Lai và Phú Yên sống dưới chân đập thủy điện giận dữ.
Người dân cho rằng, cần phải xem xét lại quá trình đánh giá tác động môi trường khi xây dựng dự án của thuỷ điện này. Những nhà khoa học nào đã đánh giá tác động môi trường này? Quy trình xả nước do ai đặt ra? Có đảm bảo tính khoa học, đúng đắn hay không? Sau đó hãy bàn đến việc thực hiện đúng quy trình hay không…
Trước sự khốn đốn của người dân, một lời nói “thủy điện xả nước đúng quy trình” thể hiện sự thiếu trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ TN&MT. Thiếu trách nhiệm với chính cương vị công tác mà ông Hiển đang nắm giữ, thiếu trách nhiệm với hàng vạn người dân Gia Lai, Phú Yên đang chịu khô hạn. Rõ ràng người dân giận dữ là đúng.
Khi phóng viên đi thực tế xuống những thôn xã ruộng đất đang nứt nẻ vì thiếu nước, nhiều đồng bào ở đây nghẹn ngào hỏi: Chính phủ nói lấy dân làm gốc, mà sao một công trình tai hại, gây khổ cho bà con như vậy hóa ra lại “đúng quy trình”, vậy thế nào mới là sai? Đúng quy trình thì tại sao dân chúng tôi phải khóc lóc, đói khổ. Phải chờ viện trợ Nhà nước?
Trả lại nước cho dòng sông Ba không chỉ là mong ước của bao người dân sinh sống tại khu vực hạ lưu của dòng sông này, vốn đã chịu cảnh khô khát trong suốt nhiều năm liền mà còn góp phần cứu lấy môi trường tự nhiên, vốn đã bị hủy hoại sau khi một dự án thủy điện đi vào vận hành.(BGT)
Doanh nghiệp nhỏ tìm vốn ở đâu?
Trong 5 tháng đầu năm, cả nước có hơn 20.000 DN phá sản, đây là một con số đáng báo động. Và bài toán giải pháp huy động vốn cho các DN vừa và nhỏ vẫn là vấn đề nhức nhối.
Theo báo cáo của Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), trong 5 năm qua, có 380.000 doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa được thành lập, vượt cao so với mục tiêu là 350.000 DN. Đến nay cả nước có 535.000 DN nhỏ và vừa, chiếm 97% số DN và đóng góp 45% GDP.
Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2016, đã có 20.004 DN đóng cửa. Theo các chuyên gia, con số này là đáng báo động và buộc các DN phải dự phòng giải pháp xử lý khủng hoảng. Trong các giải pháp đó, vốn là phương án cần quan tâm đầu tiên.
Tại Hội nghị tìm giải pháp về vốn cho DN nhỏ và vừa trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, diễn ra tại TP HCM hôm qua, TS Trần Quang Thắng, Cố vấn thương mại Dự án Năng lực Thương mại Việt Nam (TCV) nhận định: “Chính phủ và ngân hàng đã thực hiên các chính sách tài chính quan trọng và quyết định nới lỏng tiền tệ, ngăn chặn sự sụt giảm đáng kể trong tiêu dùng và đầu tư. Tuy nhiên, giải pháp này không tập trung đặc biệt tạo ra các hiệu ứng sâu xa trên các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Hiện nay, trong nước có nhiều nguồn vốn cho các DN nhỏ và vừa tiếp cận. Các nguồn vốn trong nước bao gồm ngân sách nhà nước, nguồn vốn tự do, nguồn vốn vay và các nguồn khác.
Trong nhóm ngân sách nhà nước, DN sẽ tiếp cận với quỹ phát triển khoa học - công nghệ quốc gia, quỹ đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, DN sẽ tự tạo nguồn từ vốn góp ban đầu của chủ sở hữu và nguồn vốn góp bổ sung.
Với nhóm vốn vay có huy động từ ngân hàng, công ty cho thuê tài chính và huy động từ việc phát hành trái phiếu. Ngoài ra, còn nhiều nguồn khác như vốn chiếm dụng nhà cung cấp, vốn chiếm dụng nhân viên...
Trong điều kiện tín dụng thắt chặt, DN nhỏ và vừa có thể tìm kiếm nguồn thay thế, như huy động theo cách riêng, từ chủ sở hữu, gia đình, bạn bè, bán tài sản,.. và các nguồn tài trợ bên ngoài, tiếp cận các nguồn tài trợ và vốn rủi ro khác.
Sóc Trăng: Nhiều doanh nghiệp bị… “bỏ rơi”
Khi đưa ra lời kêu gọi đầu tư, hầu hết các địa phương khẳng định sẽ có nhiều chính sách ưu đãi cho DN. Tuy nhiên, thực tế lời hứa này chưa được các ngành, các cấp thực hiện.
Doanh nghiệp tư nhân vựa heo Tý thuộc tỉnh Sóc Trăng vừa phải thông báo bán đất với lý do doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì địa phương không thực hiện đúng lời hứa là chấm dứt, di dời, đầu tư nâng cấp các cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ từ cuối năm 2015.
“Chủ trương của tỉnh có, Chủ tịch tỉnh, Bí Thư tỉnh ai cũng hứa, nhưng ở dưới họ không làm”, ông Lý Minh Chánh - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân vựa heo Tý - nói.
Được biết, doanh nghiệp của ông Chánh đầu tư trên 30 tỉ đồng với 6 dây chuyền sản xuất tự động có công suất giết mổ 1.400 con gia súc, gia cầm/một ngày đêm. Tuy nhiên, 6 tháng qua, doanh nghiệp của ông chỉ hoạt động khoảng 10% công suất. Tính đến thời điểm này, lò mổ gia súc của ông Chánh là hiện đại nhất ở ĐBSCL nhưng việc lò mổ hoạt động không hiệu quả đang gây lãng phí và thiệt hại cho nhà đầu tư.
Ở một số lĩnh vực khác, doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn khi đầu tư tại Sóc Trăng. Gần 5 năm chờ đợi một buổi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh để tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư nhưng không được, ông Lưu Đắc Trí - Đại diện Công ty TNHH Trí Mỹ - vô cùng thất vọng. “Chúng tôi tha thiết mong các anh cho chúng tôi gặp, sau đó ngồi lại tìm cách tháo gỡ cái nào đúng cái nào sai”, ông Trí nói.
Liên quan đến bức xúc của doanh nghiệp, người đứng đầu tỉnh Sóc Trăng yêu cầu sớm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, ban ngành và phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Cá nhân nào làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp phải xử lý trách nhiệm kiểm điểm, nặng phải loại ra khỏi bộ máy Nhà nước. Quan điểm của tỉnh là hỗ trợ tối đa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - nói.
Tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước chỉ còn 15 – 17%
Trước đây tín dụng tập trung vào doanh nghiệp nhà nước tương đối cao, hiện này tỷ trọng tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước đâu đó chỉ còn 15 đến 17%...
Đây là thông tin được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ với hơn 500 doanh nhân tại diễn đàn kinh tế tư nhân do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức chiều 3/6 vừa qua.
Trước đó, bà Hồng đã nghe đại diện nhóm doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ nền kinh tế trong các nghiệp vụ liên quan tới huy động vốn trình bày nhiều vấn đề đáng chú ý về thị trường tài chính và huy động vốn.
Nội dung chi tiết tại bản tuyên bố đầy đủ được bà Hồng cho biết là bà cũng đã đọc.
Bản tuyên bố cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, trong đó việc tiếp cận các nguồn huy động vốn là một trong những thách thức lớn nhất đến sự sống còn của các doanh nghiệp thuộc khu vực này.
Các chủ thể này đang cần một sân chơi lớn về vốn với nhiều nhà đầu tư cùng các kênh huy động đa dạng đáp ứng được nhu cầu khác nhau của họ. Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết này vẫn chưa thực hiện được.
Nhóm doanh nhân nói trên cho rằng thị trường tài chính Việt Nam đang có sự mất cân bằng khi phần lớn nguồn vốn cho doanh nghiệp được tài trợ bởi các ngân hàng thương mại. Lượng vốn mà doanh nghiệp trực tiếp huy động từ thị trường chứng khoán chiếm chưa tới 30% nguồn vốn tín dụng. Trong khi đó nguồn vốn do ngân hàng tài trợ thường có kỳ hạn ngắn, yêu cầu thế chấp bằng tài sản và chi phí vay biến động. Điều này thường ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh, chiến lược phát triển dài hạn và chi phí huy động vốn của doanh nghiệp.
Con số được đưa ra là hiện nay tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế là hơn 200 tỷ USD, quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu khoảng 60 tỷ USD, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ khoảng 1,3 tỷ USD. Sự thiếu vắng các nhà đầu tư lớn và sự nghèo nàn của các sản phẩm tài chính khiến thị trường vốn chưa thể lớn mạnh được.
Đồng tình với nhận định của nhóm, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận hiện nay thị trường tài chính đang mất cân bằng, vốn của doanh nghiệp dựa rất nhiều vào ngân hàng.
Thị trường vốn chưa phát triển xứng tầm để tạo sân cho doanh nghiệp huy động nguồn vốn dài hạn, Phó thống đốc nhấn mạnh.
Theo bà Hồng, làm thế nào để phát triển thị trường tài chính, trong đó có thị trường tiền tệ để tạo tạo kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp là vấn đề được Chính phủ rất quan tâm. Mới đây, khi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã chỉ đạo cơ quan này phối hợp với các cơ quan liên quan có giải pháp phát triển thị trường tài chính lành mạnh, hài hoà giúp đa dạng hoá các kênh huy động vốn của doanh nghiệp.
Phó thống đốc khẳng định, điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước luôn tập trung vào sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ,
Đặc biệt nguồn vốn này đã được chuyển dần, trước đây tín dụng tập trung vào doanh nghiệp nhà nước tương đối cao, hiện nay tỷ trọng tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước đâu đó chỉ còn 15 đến 17%, tín dụng cho khu vực tư nhân đã tăng lên rất nhiều, Phó thống đốc nói.
Trở lại bản tuyên bố của phiên thảo luận thị trường tài chính và huy động vốn, nhận định được đưa ra tại đây là nguồn vốn nhàn rỗi trên thị trường không thiếu, tuy nhiên có hai điểm mấu chốt cần cải thiện để gỡ nút thắt cho dòng vốn là cải thiện độ rủi ro và tăng được tính thanh khoản.
Nhóm doanh nhân thực hiện bản tuyên bố cho rằng vấn đề lớn nhất của nhà đầu tư trên thị trường vốn hiện nay không hẳn là rủi ro mà là không đánh giá được rủi ro. Ngoài rủi ro quốc gia của Việt Nam và rủi ro của một số ngân hàng thương mại lớn được đánh giá bởi các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế như Fitch, S&P… các doanh nghiệp Việt Nam đa số chưa được đánh giá bởi một bộ xếp hạng rủi ro chuẩn nào. Các đánh giá rủi ro đều mang tính chủ quan và ngắn hạn.
Thanh khoản của thị trường thứ cấp sẽ quyết định sự hấp dẫn đầu tư trên thị trường sơ cấp. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đang thiếu các nhà đầu tư lớn và các sản phẩm đầu tư phù hợp. Chính sách của Ngân hàng Nhà nước đang nới lỏng dòng vốn cho thị trường bất động sản nhưng vẫn siết dòng vốn vào thị trường chứng khoán, bản tuyên bố nêu rõ.