Thủ tướng yêu cầu không đưa 3.500 giấy phép con vào nghị định
Việt Nam phản đối Trung Quốc mở tuyến du lịch ra Hoàng Sa
Đào tạo nghề ở Việt Nam quá nặng về lý thuyết
EU tài trợ 3,9 triệu euro để tăng minh bạch tài chính Việt Nam
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 24-06-2016
- Cập nhật : 24/06/2016
CIC và câu chuyện vay nợ
Mỗi một cá nhân đều có một thông số CIC riêng, được tổ chức này theo dõi cập nhật tất cả những hoạt động tín dụng trong quá khứ. Họ sẽ chấm điểm tín dụng cho từng cá nhân, và chính thông số này sẽ quyết định hạn mức vay tiêu dùng cho từng người, áp dụng chung cho tất cả các TCTD.
Tuần qua, Thời báo Ngân hàng tổ chức tọa đàm với chủ đề “Điểm tín dụng cá nhân trong cho vay tiêu dùng” với nhiều thông tin bổ ích dành cho người cho vay lẫn đi vay.
Tọa đàm đã diễn ra với rất nhiều nội dung trao đổi nhưng quan trọng nhất vẫn là câu chuyện làm sao để người vay có thể hiểu được Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước quan trọng với bản thân người vay như thế nào.
Nói một cách dễ hiểu, mỗi một cá nhân đều có một thông số CIC riêng, được tổ chức này theo dõi cập nhật tất cả những hoạt động tín dụng trong quá khứ. Họ sẽ chấm điểm tín dụng cho từng cá nhân, và chính thông số này sẽ quyết định hạn mức vay tiêu dùng cho từng người, áp dụng chung cho tất cả các TCTD.
Theo đó, người vay nên hiểu rằng, lịch sử tín dụng của họ bị theo dõi rất chặt, cần phải có kế hoạch trả nợ đúng để không bị ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng của tương lai. Vì chỉ cần một lần vay bị quá hạn trở thành nợ xấu sẽ bị đưa lên CIC, lưu suốt năm năm khiến người có nợ xấu khó tiếp cận các tổ chức tài chính khác.
Để khẳng định tầm quan trọng của CIC với mỗi cá nhân vay vốn, ông Cao Văn Bình, Phó tổng giám đốc CIC nhấn mạnh rằng: CIC chính là cầu nối giúp minh bạch thông tin cá nhân, làm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng cho người dân, đồng thời giúp các TCTD tìm được khách hàng tiềm năng, giảm chi phí thẩm định để có những chính sách phù hợp.
“Hiện nay chúng tôi đang thực hiện việc chấm điểm tín dụng cho mọi cá nhân từ 18 tuổi trở lên có và chưa có quan hệ tín dụng theo thông lệ quốc tế. Nếu người nào có điểm tín dụng cao (thông tin tốt) sẽ nhận được nhiều ưu đãi từ ngân hàng hay các công ty tài chính. Trường hợp điểm tín dụng thấp thì khả năng tiếp cận vốn sẽ hạn chế vì đơn vị cho vay sẽ cẩn trọng và cân nhắc hơn” - ông Bình nói.
Ông Bình cũng thừa nhận có nhiều khách hàng khi vay không trả được nợ, bị ghi nhận bởi CIC, đến khi đi vay tại tổ chức khác mới biết mình bị ghi nhận xấu. Không dừng lại ở đó, theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước đến năm 2020, CIC tích cực mở rộng thu thập thông tin ngoài ngành (như cơ quan công an, các đơn vị dịch vụ công ích điện, viễn thông...). Các trường hợp chưa tiếp cận tín dụng vẫn có hồ sơ trên CIC để các ngân hàng, công ty tài chính có thể tham khảo.
Từ đây, khách hàng chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ vay, mặc dù số tiền rất nhỏ vẫn sẽ bị lưu thông tin xấu trên CIC. Thông tin bị lưu trong suốt năm năm. Trong 5 năm đó khách hàng rất khó đi vay vì lịch sử tín dụng của từng khách hàng hầu như ngân hàng, công ty tài chính nào cũng đều có thể xem được qua CIC. Đó cũng là nhắc nhở mọi người dân cần quan tâm quản lý giấy tờ cá nhân của mình để tránh bị kẻ gian lợi dụng sử dụng vào mục đích không tốt. Ngoài ra cần quan tâm các khoản vay về ngày giờ trả nợ để tránh phát sinh nợ xấu, bị ghi nhận trên CIC.
Cũng tham dự tọa đàm, bà Vương Thủy Tiên, thành viên HĐTV Home Credit Việt Nam nói thêm rằng, với các công ty tài chính như Home Credit, thông tin trên CIC là một trong những tiêu chí quan trọng để thẩm định khách hàng trước khi ra quyết định cho vay.
“Khi có khách hàng muốn vay tiền từ Home Credit, chúng tôi sẽ truy cập dữ liệu trên CIC để có thông tin về tình trạng hiện tại của khách hàng như đang nợ ở đâu, nợ bao nhiêu, trả nợ như thế nào, trong quá khứ có nợ quá hạn ở tổ chức nào không... Những thông tin này, cộng với những biện pháp thẩm định khác của riêng công ty sẽ giúp chúng tôi có cơ sở để đưa ra quyết định chuẩn xác hơn”.
Như vậy, chuyện ghi nhớ CIC là tất yếu đối với người tiêu dùng lúc này. Tuy nhiên, với những ai còn đang mơ hồ, có thể sử dụng một số ứng dụng công nghệ nhắc nợ. Nói như ông Ngô Trung Lĩnh, CEO CTCP Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt (đơn vị cung cấp phương thức thanh toán Payoo), cho biết nếu khách hàng quên ngày đóng tiền, có thể tải ứng dụng Payoo cài vào điện thoại và sử dụng chức năng nhắc nợ tự động.
Hệ thống sẽ gửi tin nhắn cho khách hàng hàng tháng; hoặc với chức năng thanh toán tự động, khách hàng không cần mất thời gian thanh toán, Payoo sẽ tự động thanh toán tất cả hóa đơn, sau đó gửi thông báo cho khách hàng và cập nhật cho các công ty tài chính lẫn các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước...(TBNH)
Xây dựng Thành phố Điện Biên Phủ là đô thị hạt nhân
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Điện Biên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu xây dựng vùng tỉnh Điện Biên phát triển ổn định, bền vững, gắn phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội với bảo đảm Quốc phòng - an ninh và ổn định chính trị.
Cụ thể, đến năm 2035, hệ thống đô thị của tỉnh Điện Biên phân bố hợp lý, trong đó thành phố Điện Biên Phủ là đô thị hạt nhân, động lực phát triển của vùng; có sức lan tỏa mạnh đến các đô thị khác trong tỉnh, trong vùng Tây Bắc; thị xã Mường Lay là đô thị trọng điểm của vùng kinh tế sinh thái sông Đà. Các thị trấn huyện lỵ là đô thị động lực của vùng huyện; khu vực nông thôn phát triển bền vững theo mô hình nông thôn mới.
Xây dựng tuyến biên giới hữu nghị, ổn định và phát triển toàn diện; khai thác có hiệu quả mối quan hệ nội ngoại vùng, các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, văn hóa, sinh thái và cảnh quan, dịch vụ, kinh tế cửa khẩu nhằm phát triển kinh tế, thực hiện tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững giữa đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ các vùng cảnh quan thiên nhiên, các vùng sản xuất, môi trường và sinh thái tự nhiên.
Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ Quy hoạch phải đánh giá, phân tích thực trạng, tiềm năng, nguồn lực phát triển vùng như điều tra, khảo sát, thu thập, phân tích đánh giá số liệu hiện trạng; đánh giá thực trạng khai thác, phát triển du lịch tại khu di tích quốc gia Điện Biên Phủ - Mường Phăng và các khu vực khác trong tỉnh; đánh giá thực trạng xây dựng dọc các trục hành lang kết nối...
Đồng thời, dự báo quy mô phát triển vùng tỉnh; xác lập các phân vùng phát triển không gian phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc vùng và phân vùng của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; định hướng phát triển không gian vùng, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; định hướng phát bảo tồn và bảo vệ di sản...(BĐT)
Đầu tư gần 1.100 tỷ đồng xây dựng hạ tầng KCN Long Hậu 3
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư đối với Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Long Hậu 3 (giai đoạn 1), tỉnh Long An.
Chủ đầu tư dự án trên là Công ty Cổ phần Long Hậu. Quy mô diện tích quy hoạch 123,98 ha tại Ấp 3, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Tiến độ thực hiện dự án được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 - quy mô 40 ha, từ quý III/2016 – quý I/2017; giai đoạn 2 - quy mô 40 ha, từ quý II/2017 – quý I/2018; giai đoạn 3 - quy mô 43,9825 ha, từ quý II/2018 đến quý I/2019.
Tổng mức đầu tư thực hiện Dự án là 1.091,37 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện Dự án 50 năm.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Long An chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện việc chuyển đổi đất lúa và lập, trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.
Đồng thời chỉ đạo việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Long Hậu thực hiện dự án đầu tư; đôn đốc các đơn vị liên quan phối hợp với chủ đầu tư xác định phương án đền bù, giải phóng mặt bằng cụ thể trong đó chú trọng đến việc giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất và vấn đề nhà ở cho người lao động; thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016-2020 theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Đề xuất đầu tư gần 6.130 tỷ đồng xây cầu Nguyễn Trãi vượt sông Cấm - Hải Phòng
Việc xây dựng cầu Nguyễn Trãi có vai trò quan trọng trong việc giúp Hải Phòng thực hiện chiến lược phát triển đô thị, xây dựng khu Trung tâm hành chính mới sang phía Bắc sông Cấm
UBND TP. Hải Phòng vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư lựa chọn Đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi – TP. Hải Phòng được sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản năm tài khóa 2016, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo UBND TP. Hải Phòng, cầu Nguyễn Trãi dài hơn 1.300 m có điểm đầu kết nối với đường trục chính Bắc Nam của Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng); điểm cuối kết nối với đường Nguyễn Trai tại nút giao Ngã 5 sân bay Cát Bi và đường Lê Thánh Tông (phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền).
Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến là 6.129 tỷ đồng (tương đương 30,066 tỷ Yên), trong đó phân vốn vay ODA Nhật Bản là 5.474,4 tỷ đồng; vốn đối ứng từ ngân sách địa phương là 654,6 tỷ đồng.
Hải Phòng cho biết là, Dự án được Chính phủ Nhật bản rất quan tâm, đặc biệt BộKinh tế, Thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI) đã tài trợ nghiên cứu khả thi cùng các thủ tục đề xuất và hỗ trợ tiếp cận vốn vay ODA Nhật Bản.
Việc xây dựng cầu Nguyễn Trãi không những giải quyết nhu cầu bức thiết giao thông giữa trung tâm thành phố Hải Phòng với khu đô thị mới Bắc sông Cấm, kết nối các khu công nghiệp mà còn kết nối vùng có sự phân luồng hàng hóa đến và đi từ cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đến Hà Nội. Bên cạnh đó, Dự án hội tụ những lợi thế vượt trội về giao thông, cảnh quan trên sông Cấm, tạo điểm nhấn kiến trúc cho TP. Hải Phòng.
Trước đó, Cơ quan tư vấn Nhật Bản đưa ra 3 phương án kiến trúc cho cầu Nguyễn Trãi như sau: Phương án 1, cầu Nguyễn Trãi được kết cấu dây văng; Phương án 2, cầu Nguyễn Trãi được kết cấu vòm thép; Phương án 3, cầu Nguyễn Trãi được kết cấu treo. Cơ quan tư vấn Nhật Bản đề xuất phương án kiến trúc cầu Nguyễn Trãi dạng vòm thép (phương án 2) là khả thi nhất. Vì kết cấu vòm thép mới hơn so với cầu dây văng, có kiến trúc đẹp, phù hợp với biểu tượng của thành phố Cảng