tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 07-06-2016

  • Cập nhật : 07/06/2016

Chủ đầu tư đua nhau… trả dự án bãi đậu xe ngầm

TP.HCM đã quy hoạch xây dựng các bãi đậu xe ngầm từ năm 2004, song đã hơn một thập kỷ trôi qua, 5 dự án bãi đậu xe ngầm được phân bổ cho các chủ đầu tư (trong đó có chủ đầu tư đã động thổ khởi công) vẫn án binh bất động, dù người dân Thành phố đang rất thiếu chỗ đậu xe.

Từ năm 2004, TP.HCM quy hoạch xây dựng 5 bãi đậu xe ngầm tại Sân vận động Hoa Lư, Công viên Tao Đàn, Công viên Lê Văn Tám, Sân khấu Trống Đồng và Nhà hát Thành phố. Các chủ đầu tư gồm Công ty IDICO, Công ty Đông Dương, Công ty TTC, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm. Đến nay, hầu hết các chủ đầu tư bỏ cuộc, trả lại dự án cho Thành phố, chỉ duy nhất Dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám được động thổ vào năm 2010, nhưng động thổ xong thì bỏ đó.

Trong số 5 dự án trên, Dự án bãi đậu xe ngầm tại Sân vận động Hoa Lư do Công ty Đông Dương làm chủ đầu tư, nhưng vào năm 2014, công ty này  trả lại Thành phố. Đến cuối năm 2015, Thành phố giao cho Vingroup thực hiện dự án. Theo quy hoạch, dự án này rộng 24.000 m2, gồm 5 tầng hầm, trong đó 3 tầng hoạt động thương mại, 2 tầng còn lại đậu xe bán tự động. Tổng sức chứa 2.500 ô tô và gần 3.000 xe máy. Dự án cũng sẽ xây dựng sân vận động, đường chạy, khán đài, trường năng khiếu thể dục thể thao... số vốn thực hiện dự án là 3.400 tỷ đồng. Lý do mà Công ty Đông Dương trả lại dự án vì không đủ sức thực hiện.

hang dai xe dau o khu dat du kien lam bai dau xe ngam cong vien le van tam. anh: gia huy

Hàng dài xe đậu ở khu đất dự kiến làm bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám. Ảnh: Gia Huy

Dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Tao Đàn ban đầu được giao cho liên doanh 3 nhà đầu tư do TTC làm chủ, nhưng khi được chấp thuận đầu tư, chủ đầu tư này lại đem dự án phân lô bán nền và không thực hiện. Sau đó, dự án được chuyển cho Công ty IDICO, nhưng cũng thất bại. Đến lượt Công ty Phát triển đô thị Hà Nội nhận dự án, nhưng cũng không thể thực hiện được. Cuối cùng lại giao vào tay Công ty Đông Dương, một chủ đầu tư cũng chưa thực hiện nổi dự án cũ mà mình được giao. Tới thời điểm này, dự án đã vào tay Vingroup.

Dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám là dự án duy nhất đã động thổ, nhưng chưa triển khai, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm làm chủ đầu tư. Còn nhớ, năm ngoái, phóng viên Báo Đầu tư đã có buổi làm việc với ông Lê Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm, về việc bao giờ sẽ thực hiện dự án, ông Tuấn cho biết sẽ thực hiện xây dựng án vào cuối năm 2015, nhưng tới nay đã là tháng 6/2016 mà dự án vẫn im lìm.

Trong khi đó, đi qua Công viên Lê Văn Tám, cảnh tượng từng đoàn xe ô tô, xe gắn máy xếp hàng dài đậu ở lòng đường vì không có bãi đậu xe diễn ra thường xuyên. Các bãi đậu xe tự phát mọc lên dày đặc, giá gửi xe ô tô tại đây dao động từ 1,5 tới 2 triệu đồng/xe/tháng.

Trao đổi với ông Lê Tuấn về việc vì sao tới nay dự án bãi đậu xe ngầm của công ty ông chưa thực hiện, liệu công ty có ý định trả lại dự án cho Thành phố như 4 dự án khác hay không. Ông Tuấn cho biết, công ty ông vẫn quyết tâm làm dự án này, tuy nhiên đang gặp quá nhiều khó khăn về thủ tục.

Theo trình bày của ông Tuấn thì năm 2009, khi dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám được chấp thuận đầu tư và ký hợp đồng BOT, khi làm thiết kế phòng cháy chữa cháy xong thì  năm 2011 Luật Phòng cháy chữa cháy thay đổi. Vậy là dự án cũng phải thay đổi lại thiết kế phòng cháy chữa cháy theo luật mới.

“Hợp đồng thiết kế được sửa lại và hoàn tất theo Luật Phòng cháy chữa cháy từ ngày 20/12/2012, sau đó Công ty trình lên UBND TP.HCM, nhưng mãi tới ngày 27/5/2014 UBND TP.HCM mới chấp nhận phê duyệt bản thay đổi thiết kế phòng cháy chữa cháy của dự án. Sau khi hợp đồng BOT được thương thảo lần đầu tiên ngày 28/3/2013 và UBND TP phê duyệt nội dung thương thảo ngày 21/7/2014, sau đó hoàn tất thương thảo lần hai ngày 28/2/2016. Quy trình tiếp theo là ký hợp đồng BOT, nhưng tới nay công ty tôi vẫn chưa có chữ ký chấp nhận BOT thì làm sao có thể thực hiện được dự án”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, sau 6 năm động thổ dự án để “lấy ngày”, thì từ vốn đầu tư dự kiến ban đầu là 1.748 tỷ đồng, tới nay đã lên tới 4.200 tỷ đồng, tăng gần 2.600 tỷ đồng. Lý do đội vốn vì qua thời gian, giá vật liệu xây dựng và nhân công tăng… Chưa kể, công ty đã mất khá nhiều tiền để thực hiện bước đầu dự án, nhưng rồi lại bị bắt làm lại thủ tục. Tóm lại, chỉ chủ đầu tư là thiệt hại mà không biết kêu ai.

Qua giải thích của ông Tuấn, có thể thấy dự án này vẫn phải chờ khá lâu mới có thể thực hiện được. Đối với hai dự án bãi đậu xe ngầm khác tại Sân vận động Hoa Lư và Công viên Tao Đàn, khi Thành phố giao cho Vingroup làm chủ đầu tư có thay đổi lại thiết kế ban đầu, đó là cả hai dự án bãi xe ngầm này được làm nổi một tầng mặt. Đây là thay đổi lớn nhất trong thiết kế từ trước tới nay của các bãi đậu xe ngầm, và khi được làm thêm một tầng nổi thì rất có lợi cho nhà đầu tư. Theo ông Lê Tuấn, nếu sự thay đổi này có từ trước thì các dự án đã xong rất lâu, bởi tầng nổi làm trung tâm thương mại mới có lời, chứ chủ đầu tư làm bãi đậu xe ngầm bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để thu “bạc cắc” gửi xe thì chưa biết khi nào hòa vốn.(BĐT)


Rà soát cắt, chuyển vốn của 17 dự án vay vốn WB có vấn đề về giải ngân

Cơ quan chủ quản/chủ dự án 17 dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới có vấn đề về giải ngân sẽ phải gửi bản kế hoạch hành động cải thiện tình hình về Bộ Kế hoạch và DDầu tư trước ngày 6/6/2016.
du an phat trien giao thong do thi hai phong co tong so von dau tu len den 276,6 trieu usd, trong do ngan hang the gioi (wb) cho vay 175 trieu usd do vuong mac trong gpmb nen tien do trien khai rat cham

Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng có tổng số vốn đầu tư lên đến 276,6 triệu USD, trong đó Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay 175 triệu USD do vướng mắc trong GPMB nên tiến độ triển khai rất chậm

Công văn hỏa tốc được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương ký gửi các bộ: Công thương, Y tế, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giáo dục và đào tạo, Xây dựng, Khoa học và công nghệ, Tài nguyên và môi trường, Tài chính; UBND các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội, Lào Cai, Nghệ An, Hà Nam, Cần Thơ, Tiền Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang; Tập đoàn Điện lực VN.

Đây là các cơ quan chủ quản/chủ dự án của 17 dự án sử dụng vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) đang có vấn đề về giải ngân bị Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu xem xét cắt bỏ những khoản vốn không sử dụng và chuyển sang dự án khác.

Các dự án này gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Mekong vay vốn WB là 363 triệu USD; cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi – 613 triệu USD; Mekong IWRM – 25 triệu USD; Đổi mới sáng tạo hướng tới người có thu nhập thấp – 55 triệu USD; Đại học kiểu mới 180 triệu USD; Giao thông đô thị Hải Phòng – 175 triệu USD; Đổi mới Khoa học và công nghệ - 100 triệu USD; Chương trình phát triển đô thị các tỉnh miền núi phía Bắc – 250 triệu USD; Phát triển năng lượng tái tạo – 202 triệu USD; Quản lý rác thải bệnh viện – 150 triệu USD; Phát triển bền vững Tp. Đà Nẵng – 202,5 triệu USD; Giảm nghèo Tây Nguyên – 150 triệu USD; Tài nguyên ven biển để phát triển bền vững – 100 triệu USD; Nâng cấp đô thị khu vực đồng bằng Mekong – 292 triệu USD; Phát triển giao thông đô thị Hà Nội -  155,2 triệu USD; Phát triển đô thị loại II – 210 triệu USD; Hỗ trợ Y tế Đông bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng – 150 triệu USD.

“Cơ quan chủ quản/chủ dự án có dự án nêu tên báo cáo tình hình triển khai, tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án; dự kiến phần vốn giải ngân không hết và kiến nghị kế hoạch hành động để cải thiện tình hình gửi về Bộ KH &ĐT trước ngày 6/6”, công văn nêu.


Kết thúc đàm phán hợp đồng thuê đất dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2

Ngày 3/6, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã cùng với Tổ hợp nhà đầu tư Marubeni – Kepco tiến hành ký kết bản xác nhận kết thúc nội dung đàm phán hợp đồng thuê đất Dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2.

Dự án có tổng mức vốn đầu tư dự kiến là 2,3 tỷ USD, trong đó 50% tổng vốn đầu tư sẽ được góp bởi Liên danh Nhà đầu tư Marubeni - KEPCO, 50% còn lại sẽ được huy động từ các ngân hàng quốc tế bao gồm Ngân hàng Hợp tác phát triển Nhật Bản (JBIC), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) và một số ngân hàng thương mại quốc tế khác.

Dự kiến, việc xây dựng tổ máy đầu tiên với công suất 600MW sẽ được hoàn tất vào tháng 9/2019 và tổ máy thứ hai với công suất 600MW sẽ được hoàn tất vào tháng 3/2020. Sau khi hoàn thành xây dựng, đấu nối 1.200MW điện vào lưới điện quốc gia, Công ty sẽ vận hành Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 trong thời hạn 25 năm trước khi bàn giao cho Chính phủ Việt Nam.

le ky ket xac nhan ket thuc dam phan giua tinh thanh hoa va to hop nha dau tu marubeni – kepco 

Lễ ký kết xác nhận kết thúc đàm phán giữa tỉnh Thanh Hoá và Tổ hợp nhà đầu tư Marubeni – Kepco 

Được biết, Dự án được Bộ Công thương trao thầu cho Liên danh Marubeni – Kepco vào tháng 3/2013, với hình thức Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao (BOT). Đây là dự án điện BOT đầu tiên và lớn nhất từ trước tới nay của Tập đoàn Marubeni tại Việt Nam.

Hiện nay, nhà đầu tư đang trong quá trình tiến hành các bước hoàn thiện các tài liệu dự án với các bên liên quan, trong đó có hợp đồng thuê đất của dự án. Đồng thời, khẩn trương thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai dự án.


Dẫn vốn cho khu vực tư nhân

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức vào cuối tuần trước, vấn đề đảm bảo vốn cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, trở thành trụ cột của nền kinh tế lại được đặt ra bức thiết, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính hơn 20 năm qua vẫn là chiếc kiềng 3 chân khập khiễng.

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Nghị quyết 35/NQ-CP mà Chính phủ vừa ban hành về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, nước ta sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, tức gần gấp đôi so với số doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay.

Để làm được điều này, trong vòng 5 năm tới, làn sóng khởi nghiệp của doanh nghiệp phải tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này cũng đồng nghĩa, phải có một luồng vốn dồi dào bơm vào khu vực tư nhân, đảo bảo doanh nghiệp có đủ vốn để phát triển và khởi nghiệp. Tuy nhiên, giải được bài toán này không hề đơn giản.    

quang canh tai dien dan kinh te tu nhan viet nam

Quang cảnh tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam

Tại các nước trên thế giới, nhu cầu vốn của doanh nghiệp được đảm bảo bởi ba chân kiềng: chứng khoán, trái phiếu, ngân hàng. Trong đó, doanh nghiệp chỉ vay ngân hàng vốn ngắn hạn, còn vốn trung, dài hạn đều tìm kiếm ở thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, ở nước ta, kiềng ba chân này lại đang khập khiễng, gần như phụ thuộc toàn bộ vào trụ cột  ngân hàng. Huy động vốn qua thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ lệ thấp. Cụ thể, quy mô tín dụng ngân hàng mỗi năm khoảng hơn 200 tỷ USD (hơn 4,5 triệu tỷ đồng) trong khi quy mô thị trường cổ phiếu khoảng 60 tỷ USD và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 1,3 tỷ USD. 

Rõ ràng, tiếp cận vốn luôn ảnh hưởng đến sự sống còn cũng như sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, bên cạnh các biện pháp giảm lãi suất, giảm thủ tục hành chính trong cấp tín dụng, Chính phủ cần có các biện pháp phát triển thị trường vốn, tạo kênh dẫn vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế. 

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn, giảm áp lực vốn cho ngân hàng. Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đã cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2020 tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu khoảng 70% GDP (tăng gấp đôi so với hiện nay). Để làm được điều này, cần đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, có quy định, chế tài thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường vốn để gọi được các nhà đầu tư mới.

Về phía doanh nghiệp tư nhân, để tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, doanh nghiệp cần chiến lược kinh doanh bài bản, minh bạch thông tin, chứng minh khả năng sử dụng và quản lý dòng vốn tốt. Bên cạnh đó, phải thay đổi tư duy quản lý, giảm bớt sự phù thuộc vào nguồn tín dụng đắt đỏ và lãi suất bấp bênh của ngân hàng, hướng tới các kênh huy động vốn khác như các quỹ đầu tư, trái phiếu, cổ phiếu…

Hiện nay, nguồn vốn trong nước và quốc tế không thiếu, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân còn nhiều, song điểm yếu của doanh nghiệp nước ta là khả năng quản lý dòng vốn chưa tốt, minh bạch chưa cao, chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư. Có lẽ bước đi đầu tiên để tạo sự minh bạch, là doanh nghiệp phải sử dụng kiểm toán độc lập cho các báo cáo tài chính của mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải thường xuyên làm tốt công tác quan hệ đầu tư, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư cũ, trên cơ sở đó gọi thêm nhà đầu tư mới.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục