Thị thực được cấp một đằng nhưng khi vào Việt Nam, nhiều người Trung Quốc lại hoạt động một nẻo khiến việc quản lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 20-05-2016
- Cập nhật : 20/05/2016
Phân lô bán nền “xé nát” quy hoạch
Tình trạng đất trong khu dân cư bị phân chia nhỏ lẻ, manh mún không theo quy hoạch khiến bộ mặt đô thị bị phá hỏng
Theo chân các cò đất chuyên nghiệp tại quận 9 đi về khu vực P. Long Trường, P. Long Thạnh Mỹ (TP. HCM), bất cứ khách hàng có nhu cầu mua đất gần khu dân cư để làm nhà ở cũng có thể tìm mua được khá nhiều lô đất nền với diện tích to nhỏ khác nhau, từ trên dưới 40m2 cho đến cả 100 – 200m2/mảnh, với mức giá khá hấp dẫn chỉ trên dưới 10 triệu đồng/m2.
Anh Nguyễn Thành Luân, làm nghề buôn bán tự do cho biết vừa “đánh liều” bỏ số tiền đặt cọc gần 300 triệu đồng theo từng đợt để “ôm” 2 mảnh đất nền thuộc khu dân cư Gò Cát, P. Phú Hữu, Q. 9. Mỗi mảnh đất có diện tích khoảng 50m2 trên tổng thể lô đất rộng vài nghìn mét vuông, được chủ đầu tư phân lô chia nhỏ. Toàn bộ khu đất được tận dụng tối đa từng mét vuông để phân chia thành đất xây nhà ở chứ hoàn toàn không có bất cứ một công trình công cộng, nơi sinh hoạt chung…
Anh Luân cho biết, sở dĩ anh quyết định như vậy vì mức giá khá rẻ, chỉ 13,5 – 14 triệu đồng/m2, trong khi mặt bằng chung ở khu vực xung quanh với loại đất nền được phân chia tự phát cũng rơi vào tầm 16 – 17 triệu đồng/m2. Hơn nữa, mục đích chính của anh là “lướt sóng” sang tay kiếm lời chứ không phải để ở, nên anh không lo lắng nhiều về việc ổn định sau này. Trong khi nhu cầu mua đất giá rẻ để xây nhà tại khu vực quận 9 của những cặp vợ chồng trẻ lại khá cao nên có thể bán lại được ngay.
Tìm hiểu thực tế tại một số khu vực quận, huyện vùng ven như Q. Thủ Đức, Q. 12, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn... tình trạng phân lô, bán nền diễn ra sôi động không kém. Theo giới chuyên gia nhận định “có cầu, ắt có cung” và phần lớn quỹ đất đai ở những quận, huyện vùng ven còn lớn, dân cư thưa nhưng có tốc độ đô thị hóa và dân số tăng nhanh, nhiều chủ đầu tư đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh, “săn” tìm đất ruộng, đất vườn với mức giá mềm. Sau đó bằng nhiều cách, mảnh đất lớn đó sẽ được phân chia, cắt nhỏ ra thành vài chục, thậm chí cả trăm mảnh đất nhỏ cho vừa với túi tiền người mua.
Đối với các chủ đầu tư bỏ tiền mua đất phân lô kiểu này trong thời gian qua, không phải họ không biết thành phố đã có Quyết định 33 ngày 15/10/2014 của UBND TP. HCM về diện tích tối thiểu để tách thửa, trong đó đơn cử đối với khu vực quận 9, Thủ Đức diện tích đất ở chưa có nhà muốn phân chia mỗi lô phải có diện tích ít nhất là 80m2, chiều rộng không nhỏ hơn 5m... Tuy nhiên, rất ít người thực hiện theo đúng quy định này vì họ biết rằng làm thế sẽ khó bán hơn nhiều do giá trị lớn.
Đồng thời, chủ khu đất luôn hạn chế đầu tư làm cơ sở hạ tầng như đường sá, cống thoát nước, công trình công cộng… để tiết kiệm chi phí, khiến cho không ít khu phân lô bán nền trở nên nhếch nhác. Còn lời hứa với người mua đất rằng sẽ bao cấp phép xây dựng, hoàn thiện nhà để ở hoặc làm sổ hồng, sau này họ sẽ lấy lý do vì chính sách, quy định của thành phố thay đổi để thoái thác trách nhiệm.
Về phía người có nhu cầu thực sự, do tài chính hạn hẹp, nên họ chấp nhận mua và xây dựng liều để có nhà ở và không ít người vẫn đang sống chung với tình trạng chủ đầu tư “lần lữa” về việc làm sổ sách giấy tờ mà không thể kiện cáo gì.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM, hiện thành phố đã có hơn 4.100 trường hợp tách thửa, phân lô bán nền không theo quy định, đã và đang “góp phần” không nhỏ vào việc phá nát quy hoạch thành phố, cũng như gia tăng áp lực đối với hạ tầng giao thông, công trình công cộng tại những khu vực này. Về lâu dài, điều đó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về các vấn đề an sinh xã hội.
Trước vấn đề này, UBND TP. HCM đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan không để xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép, tách thửa đất nông nghiệp phá vỡ quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Đồng thời cũng nêu rõ, chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu buông lỏng quản lý trên địa bàn, tiếp tục để xảy ra tình trạng phân lô bán nền, xây dựng nhà trái phép.(TBNH)
Sẽ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Vũng Tàu
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa đồng ý chủ trương việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng TP. Vũng Tàu.
Phó Thủ tướng giao UBND Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan thực hiện việc lập, tổ chức thẩm định và trình phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP. Vũng Tàu theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
TP.HCM: Quy định hạn mức đất ở
UBND TP.HCM vừa ban hành Quy định hạn mức đất ở trên địa bàn thành phố.
Theo đó, hạn mức đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú không quá 160m2/hộ; các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè không quá 200m2/hộ; khu quy hoạch phát triển đô thị không quá 250m2/hộ; huyện Cần Giờ và các khu dân cư nông thôn tại các xã của các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè không quá 300m2/hộ.
Hạn mức đất ở này áp dụng cho các mục đích gồm: giao đất cho hộ gia đình, cá nhân tự xây nhà ở; xác định nghĩa vụ tài chính; bồi thường, hỗ trợ về đất ở cho hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất; công nhận quyền sử dụng đất ở đối với trường hợp đất ở có vườn, ao.
Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 1/7/2004 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai mà trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở, thì diện tích đất ở được xác định bằng một lần hạn mức công nhận đất ở trong trường hợp diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở. Trường hợp diện tích thửa đất nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở thì diện tích đất ở được xác định là toàn bộ diện tích thửa đất.
Hà Tĩnh thông cảng tuyến hàng container tại Vũng Áng
Đây là tuyến hàng container qua cảng Vũng Áng với sự liên doanh, liên kết giữa Mitraco Hà Tĩnh, Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt - Lào (VLP) và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP). Tuyến hàng sẽ khai thác các dịch vụ ICD, xếp dỡ, lưu kho bãi, bảo quản hàng hóa, vận tải hàng hóa, container bằng đường bộ - đường biển, dịch vụ hải quan, logistics trọn gói với các thị trường Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lào và khu vực Đông Bắc Thái Lan.
Để đạt tiêu chuẩn cảng container, Công ty VLP cùng các đối tác liên kết đầu tưđồng bộ các phương tiện, thiết bị xếp dỡ hàng container, hàng tổng hợp như: cần cẩu từ 15 - 100 tấn, xe nâng container, 70 xe đầu kéo (8 xe đầu kéo container lạnh), 4 tàu container chuyên chạy tuyến nội địa Hải Phòng - Vũng Áng - Hồ Chí Minh.
Theo dự kiến, tuyến hàng container thời gian đầu tại cảng có 2 chuyến/tháng trong giai đoạn 1 và tiến tới 1 chuyến/tuần cho giai đoạn 2.
Cảng Vũng Áng là khu bến tổng hợp cho tàu bách hóa có trọng tải từ 3-5 vạn DWT. Đây là cửa ngõ giao thương quan trọng trong việc mở rộng, xuất nhập hàng hóa không chỉ cho khu vực tỉnh Hà Tĩnh, vùng lân cận mà còn cho cả nước bạn Lào, Thái Lan ra thế giới.
Hiện tại, khu vực Cảng Vũng Áng đã khai thác thành công bến cảng số 1 vào năm 2001 và Bến cảng số 2 khai thác từ năm 2010. Công ty VLP cũng đang gấp rút thi công bến số 3 với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, đảm bảo khả năng tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 45.000 DWT, tàu container 4.000 Teu...
Cũng tại buổi lễ, Đại diện Cảng Vũng Áng Việt - Lào và TCT Tân Cảng Sài Gòn đã trao 100 triệu đồng nhằm hỗ trợ cho Quỹ vì người nghèo cho xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh.(BĐT)
Người dân ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu sẽ được hỗ trợ tái định cư
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát thực hiện Khung chính sách tái định cư theo đúng nội dung đã phê duyệt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch hành động tái định cư của các Tiểu dự án liên tỉnh.
Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh tham gia Dự án phê duyệt Kế hoạch hành động tái định cư của các Tiểu dự án trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Mục tiêu tổng quát của Dự án nhằm tăng cường các công cụ lập quy hoạch, kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các hoạt động quản lý tài nguyên đất và nước tại một số tỉnh được lựa chọn khu vực ĐBSCL.
Dự án gồm 5 Hợp phần: Hợp phần I - Tăng cường công tác giám sát, phân tích và hệ thống cơ sở dữ liệu; Hợp phần II - Quản lý lũ vùng thượng nguồn; Hợp phần III - Thích ứng với chuyển đổi độ mặn vùng cửa sông; Hợp phần IV - Bảo vệ khu vực bờ biển vùng bán đảo; Hợp phần V - Hỗ trợ quản lý và thực hiện dự án.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan điều phối chung Dự án; là cơ quan chủ quản đối với Tiểu dự án 5 thuộc Hợp phần I; Tiểu dự án 1 thuộc Hợp phần II, Tiểu dự án 6 thuộc Hợp phần III có tính chất liên kết vùng và các hoạt động hỗ trợ quản lý dự án thuộc Hợp phần V của Dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản đối với các Tiểu dự án 1, 2, 3, 4 thuộc Hợp phần I. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản đối với Tiểu dự án 6 thuộc Hợp phần I.
UBND các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu là cơ quan chủ quản một số Tiểu dự án thuộc các Hợp phần II, III, IV.