tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 19-05-2016

  • Cập nhật : 19/05/2016

Nga công bố thời gian bàn giao hai tàu chiến cho Việt Nam

Nga sẽ bàn giao hai tàu hộ vệ cho Việt Nam trong khoảng 3, 4 tháng tới.
mot tau chien cua nga. anh: tass 

Một tàu chiến của Nga. Ảnh: Tass 

Hai tàu hộ vệ Project 11.661 lớp Gepard-3.9 được đóng bởi nhà máy đóng tàu Zelenodolsk của Nga sẽ được chuyển giao cho Việt Nam vào tháng 8 và tháng 9, Tass dẫn lời giám đốc điều hành nhà máy Renat Mistakhov hôm qua cho biết.

"Chúng tôi đang đóng hai tàu cho Việt Nam. Tàu hộ vệ đầu tiên đã được hạ thủy. Tàu thứ hai sẽ được hạ thủy vào ngày 25/5", ông Mistakhov nói.

Năm 2011, Nga đã bàn giao hai tàu chiến lớp Gepard Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ cho Việt Nam.

Tàu hộ vệ lớp Gepard có trọng lượng rẽ nước tối đa hơn 1.930 tấn, động cơ 52km/h, được trang bị tên lửa chống hạm Kh-35, tên lửa đất đối không Osa-M, và súng phóng rocket chống ngầm RBU-6000.


Chuyên gia CSIS: 'Lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ với Việt Nam đã lỗi thời'

Các chuyên gia Mỹ đánh giá lệnh cấm vũ khí mà Mỹ áp đặt cho Việt Nam đã lỗi thời, việc dỡ bỏ nó là động lực thúc đẩy quan hệ hai nước.
tong bi thu nguyen phu trong tro chuyen cung tong thong my barack obama tai nha trang. anh: reuters

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

Trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam vào cuối tháng này, nhiều quan chức và các nhà phân tích ở Washington đã đề cập đến việc Mỹ xem xét dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đây là vấn đề quan trọng và bức thiết khi quan hệ song phương của hai nước đang dần ấm lên và đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và Việt Nam ngày càng có nhiều lợi ích chung tại Biển Đông, theo Trung tâm nghiên cứu và chiến lược quốc tế (CSIS).

Murray Hiebert, phó giám đốc chương trình Đông Nam Á của CSIS cho rằng mặc dù những năm gần đây, quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ có những bước tiến quan trọng, nhưng quân đội hai nước mới chỉ bắt đầu hiểu về nhau.

Nhiều người Việt Nam vẫn đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có ý định hợp tác với Việt Nam một cách nghiêm túc và mang tính xây dựng trong những năm tới. Cảm giác "nghi ngờ" này không phải là mới mà xuất hiện sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc và tồn tại trong giai đoạn hai nước bàn bạc xây dựng các cam kết cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995.

Hai nước, từng bước phải làm việc tích cực nhằm xóa bỏ những tàn tích "nghi ngờ" lẫn nhau. Năm ngoái, điều này thể hiện bằng chuyến thăm đầu tiên của Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Nhà Trắng.

Đây là tín hiệu cho thấy hai bên đã có sự tôn trọng hệ thống chính trị của nhau. Tuần tới, Tổng thống Mỹ Obama sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam. Ông cũng là tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp đến Việt Nam, sau Bill Clinton và George Bush. 

Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ sẽ xóa bỏ những tàn tích nghi ngờ còn lại giữa hai nước. Những cá nhân có thẩm quyền trong chính phủ Mỹ hiện đang nghiêm túc xem xét về vấn đề này.

Một trong những người đề xướng dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm là Thượng nghị sĩ John McCain. Ông đã chỉ ra những giá trị trong việc xây dựng mối quan hệ an ninh hàng hải chặt chẽ hơn với lực lượng quân đội đang phát triển nhanh của Việt Nam. Trong khi đó, những người chỉ trích yêu cầu cần có thêm nữa những cải thiện về nhân quyền trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, họ vẫn ủng hộ sự phát triển hơn nữa của quan hệ Việt-Mỹ, trong đó có quan hệ quốc phòng.

Một số quan chức khác lại lo ngại rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm có thể tạo điều kiện cho chính quyền Việt Nam sở hữu các thiết bị quân sự có thể được sử dụng cho hoạt động không mong muốn. Tuy nhiên ngay cả khi không có lệnh cấm, giống như những nước khác, Việt Nam vẫn sẽ cần phải vượt qua một quy trình chặt chẽ của cơ quan chính phủ và quốc hội Mỹ ban hành, để mua được các hệ thống vũ khí của nước này.

Theo ông Hiebert, đối với chính quyền Washington hiện nay, lý do chính của việc dỡ bỏ lệnh cấm là Mỹ muốn đạt được mối quan hệ "có đi có lại", thực sự thông hiểu lẫn nhau chứ không hoàn toàn vì những cải thiện nhân quyền. Đây có thể là thông điệp hay một cách thức xây dựng lòng tin, truyền tải đến Hà Nội rằng Mỹ mong muốn nhìn thấy Việt Nam sẽ gia tăng những sáng kiến và đề xuất hợp tác trong giai đoạn mới của mối quan hệ quốc phòng hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại quân sự.

Những nỗ lực ban đầu trong vấn đề này đang được tiến hành nhưng vẫn chỉ ở giai đoạn đầu. Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tiến hành một nhóm làm việc về vấn đề thưong mại quân sự, cho phép đại diện từ ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và Việt Nam tham gia vào khuôn khổ chính thức đối thoại chính sách quốc phòng giữa hai bộ.

Đồng thời, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà hoạch định chính sách Việt Nam quen hơn với quy trình mua bán quốc phòng kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ một phần.

Việt Nam, trong quá trình hiện đại hoá quân đội đang coi những công nghệ quân sự của Mỹ như một trong những cơ hội để nâng cao năng lực quốc phòng. Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác quốc phòng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Tuy nhiên, tình trạng không rõ ràng do lệnh cấm vận vũ khí gây ra đã làm phức tạp thêm cho Việt Nam khi muốn tăng cường hợp tác với Mỹ trong vấn đề này.

"Chính sách đối ngoại của Mỹ có hiệu quả nhất khi các nhà lãnh đạo sử dụng đúng các công cụ của mình. Trong chuyến thăm lần này, ông Obama đang có cơ hội quan trọng để thông báo cho các nhà lãnh đạo Việt Nam biết rằng Mỹ đang nghiêm túc xem xét việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Quốc hội Mỹ sẽ có cơ hội đánh giá lại tình hình sau chuyến thăm của ông Obama. Lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam thực sự đã lỗi thời", ông Hiebert khẳng định.


Liên kết Việt - Nga yếu nhất là kinh tế

Giáo sư, tiến sĩ sử học Vladimir Kolotov (Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg) trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ nhân chuyến thăm Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

ong vladimir kolotov - anh: ngo vuong anh

Ông Vladimir Kolotov - Ảnh: Ngô Vương Anh

* Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chọn Nga làm địa điểm công du đầu tiên sau khi nhậm chức, nhiều phương tiện truyền thông Nga đã nhấn mạnh chi tiết này. Ông nghĩ gì về thông điệp chuyến đi này? Những phương diện quan hệ nào của hai nước sẽ được thúc đẩy sau chuyến thăm?

- GS Vladimir Kolotov: Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Nga là một sự kiện quan trọng. Giữa hai nước chúng ta đã hình thành quan hệ hữu nghị truyền thống, sự hợp tác và độ tin cậy cao.

Thế nhưng đáng tiếc là hiện nay, không phải trong tất cả mọi lĩnh vực, quan hệ của chúng ta đều ở mức độ chấp nhận được. Liên kết yếu nhất là kinh tế.

Ở Liên bang Nga hiện nay rất ít thông tin khách quan về một Việt Nam hiện đại phát triển nhanh và năng động ra sao.

Theo tôi, mức trao đổi kinh tế Việt - Nga hiện nay còn tương đối yếu. Kim ngạch thương mại Việt Nam với Trung Quốc (58 tỉ USD), với Mỹ (38 tỉ USD) cao hơn hẳn so với Nga (3,8 tỉ USD).

Do vậy, chuyến thăm lần này nên tập trung tìm ra những biện pháp thiết thực toàn diện để nâng cao việc trao đổi hàng hóa giữa hai nước. Đồng thời theo tôi, bên cạnh kinh tế cũng cần nỗ lực phát triển mối quan hệ trên các lĩnh vực khác như truyền thông, văn hóa và giáo dục.

* Chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam diễn ra trước thềm hai chuyến công du quan trọng khác: Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam (23-5) và Tổng thống Nga Vladimir Putin đi thăm Trung Quốc (dự kiến tháng 6). Đề nghị ông bình luận về ba diễn tiến này.

- Trong điều kiện hiện nay, việc tích cực hóa các quan hệ trực tiếp ở cấp cao đã là việc bình thường. Đây là công việc của các chính khách hàng đầu. Trước khi bắt đầu một vòng mới của “trò chơi lớn”, các đấu thủ chính đang thông qua các nỗ lực đàm phán, làm sáng tỏ quan điểm và lối thoát khỏi tình hình đang có.

Cần sử dụng tối đa các kênh chính thức, ngoại giao, cấp độ chuyên gia để giải quyết những vấn đề tồn đọng và những vấn đề an ninh bằng con đường hòa bình trong khuôn khổ luật quốc tế. Khả năng này hiện hữu, nhưng chưa trở thành hiện thực.

Nếu những biện pháp trên không được thực hiện thì các vấn đề cũng sẽ được giải quyết, nhưng sẽ theo một cơ chế cứng rắn bất chấp luật quốc tế cũng như lợi ích quan trọng sống còn của các nước trong khu vực.(TT)


Ông Obama thăm Việt Nam dưới góc nhìn báo Mỹ

New York Times nhận định chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 23-5 sẽ hướng nhiều hơn đến tương lai của hai nước.

tong thong my barack obama se tham viet nam tu ngay 23-5 - anh: new york times

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Việt Nam từ ngày 23-5 - Ảnh: New York Times

Tờ nhật báo hàng đầu của Mỹ khẳng định có một điều chắc chắn là khi đặt chân tới Việt Nam, ông Obama sẽ trở thành tâm điểm trong câu chuyện thời sự của giới truyền thông Việt Nam.

Điều đó là tất yếu bởi đây là vị tổng thống Mỹ thứ ba tới thăm Việt Nam kể từ sau ngày Việt Nam giành hoàn toàn độc lập, thống nhất đất nước năm 1975.

Cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết những ngày qua ông thường xúc động mạnh khi xem lại các bức hình và những bài báo về một thời quá khứ ông từng có mặt ở Việt Nam.

Ông Hagel từng có 12 tháng tham chiến tại Việt Nam. Và với ông, đó là khoảng thời gian định hình toàn bộ cuộc đời ông, bất kể những năm tháng sau này, dù là lúc ông đã trở thành một thượng nghị sỹ hay một bộ trưởng quốc phòng.

Ông nói: “Tôi biết những hình ảnh ấy sẽ làm nhói lòng mình. Chúng khiến cho cả quá khứ hồi sinh trở lại”.

Với tổng thống Obama, tờ New York Times bình luận: “Đối với ông Obama, chuyến công du tới Việt Nam không những mở ra cơ hội giúp củng cố thêm chính sách xoay trục sang châu Á của ông, mà còn làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác kinh tế, an ninh (của Mỹ) với một đối tác đang ngày càng có vị thế quan trọng hơn trong khu vực”.

Ông Hagel nói trong mọi quyết định sau này của ông với tư cách bộ trưởng quốc phòng và mọi lời tư vấn của ông với tổng thống Obama đều được khởi phát từ những trải nghiệm của ông ở Việt Nam.

Hiện tại ông Hagel cho biết ông thường thấy mình hay nghĩ ngợi nhiều hơn về thời gian từng ở Việt Nam vào những năm 1960. Ông nói chắc chắn là ông sẽ ngắm nghía thật kỹ những bức ảnh chụp về chuyến công tác của ông Obama để thấy sắc màu cây cối xanh tốt và những người dân trong chiếc nón lá truyền thống của họ.

Cũng theo New York Times, trong chuyến đi này, ông Obama sẽ không tập trung nhiều vào những vấn đề liên quan tới các trường hợp lính Mỹ hi sinh trong chiến tranh tại Việt Nam, mà sẽ dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động hợp tác giữa hai nước nhằm giải quyết hậu quả của chất độc da cam dioxin, một vấn đề vẫn đang rất nhức nhối tại Việt Nam.

Nhưng tờ báo Mỹ cũng cho rằng, là một tổng thống trưởng thành trong giai đoạn cuộc chiến tranh đã kết thúc, nên ông Obama khó có thể trở thành một biểu tượng hàn gắn cho những vết thương tâm lý của quá khứ. Thực tế là rất nhiều cựu binh Mỹ khi hồi hương bị chính những người dân trong nước họ khinh miệt vì đã tham gia cuộc chiến tại Việt Nam.

Với thượng nghị sĩ John McCain, các nỗ lực góp phần vào quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã trở thành một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của ông.

Ông cho biết kể từ khi hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao tới nay, ông thường xuyên có mặt tại Việt Nam. Ông nói: “Tôi thấy mình đi trên đường phố Hà Nội nhiều hơn ở Phoenix”.


Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn kiểm tra tiền thật, tiền giả

Ngân hàng Nhà nước cho biết việc chỉ dựa vào hai chữ cái đầu dãy xêri để xác định một tờ tiền là tiền giả là thông tin không chính xác.

Sau thông tin dùng yếu tố “hai chữ cái đầu dãy xêri” để phân biệt tiền thật tiền giả lan trên mạng xã hội, ngày 18-5, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM một lần nữa khẳng định đây là thông tin không chính xác, đồng thời nơi này cũng hướng dẫn cách kiểm tra nhanh một số yếu tố bảo an để phân biệt tiền thật, tiền giả.

Cách đầu tiên là đưa tờ tiền lên trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và dây an toàn. Ở tiền thật sẽ nhìn thấy trên cả 2 mặt tờ tiền hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền giấy.

Dây an toàn có các chữ và số rõ ràng, sắc nét và sáng hơn màu nền xung quanh. Trong khi đó ở tiền giả các yếu tố trên không rõ ràng, sắc nét và tinh xảo như tiền thật.

Ngoài ra có thể dùng tay vuốt nhẹ tờ tiền để kiểm tra các chi tiết in nổi tại các vị trí như dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, Quốc huy, hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ và số mệnh giá...). Ở tiền thật sẽ có cảm giác nhám, ráp khi vuốt trong khi ở tiền giả chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như tiền thật.

Bên cạnh đó có thể quan sát các cửa sổ trong suốt trên tờ tiền, kiểm tra hình dập nổi trên cửa sổ lớn, kiểm tra hình ẩn trong cửa sổ nhỏ bằng cách đưa cửa sổ tới gần mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ và hướng vào nguồn ánh sáng đỏ (bóng đèn sợi đốt, ngọn lửa ...) sẽ thấy hình ẩn hiện lên xung quanh nguồn sáng.

Còn ở tiền giả không có cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn, nếu có chỉ là các nét dập thô, không tinh xảo như tiền thật và trong cửa sổ nhỏ không có hình ẩn như tiền thật.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết các thông tin trên sẽ giúp người dân có thể tự kiểm tra đồng tiền trong giao dịch, mua bán hàng ngày.

“Việc chỉ dựa vào hai chữ cái đầu dãy xêri để xác định một tờ tiền là tiền giả là thông tin không chính xác. Nguyên nhân là bọn tội phạm vẫn có khả năng sản xuất những tờ tiền giả trùng với chữ cái đầu số xêri của tờ tiền thật. Chưa kể bọn tội phạm cũng không chỉ cố định trong một vài chữ cái hoặc số xê-ri nhất là khi những thông tin này đã được cộng đồng cảnh báo.

Do vậy nếu tin vào những thông tin được lan truyền trên mạng thì người dân rất dễ chấp nhận, tiêu thụ những tờ tiền giả có những chữ cái đầu số xê-ri chưa được cảnh báo trong cộng đồng”, đại diện NHNN TP.HCM cho biết


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục