Quy hoạch Lý Sơn phải gắn với ngư trường Hoàng Sa
5 năm phát hiện gần 700 người có dấu hiệu tham nhũng
Nhân sự mới Bộ KHCN và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Không nên đòi ‘giấy phép con’ dịch vụ kế toán
Phê duyệt danh mục khoản vay 286 triệu USD đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 20-05-2016
- Cập nhật : 20/05/2016
Fitch: Nợ công Việt Nam sẽ tăng lên 53,7% trong 2016
Nhiều bộ còn thờ ơ với cải cách môi trường kinh doanh
Đó là đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi trao đổi với báo giới bên lề Hội thảo về Triển khai Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh và Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tổ chức ngày 18/5.
Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 19, ông Cung đánh giá rằng những khó khăn của việc thực hiện Nghị quyết này, “ở mức độ nào đó, là sự trì trệ, thờ ơ của các bộ”.
Một số bộ ngành được đánh giá là không muốn buông quyền lợi. Ông cho biết khi khảo sát việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia ở một cơ quan, ông thấy có 1/4 trong số hơn 100 thủ tục đã được kết nối, nhưng những thủ tục được kết nối lại ít tác động đến doanh nghiệp, ít thay đổi quyền và nhiệm vụ của bộ.
“Như vậy có lẽ cần thay đổi 1 cách thực chất hơn, kết nối đáng lẽ phải tìm ra các thủ tục có tác động nhiều nhất đến cộng đồng doanh nghiệp, đến phát triển kinh tế để kết nối trước, còn thủ tục đơn giản khác thì để kết nối sau,” người đứng đầu CIEM đề xuất.
Với Nghị quyết 19 năm 2016 vừa ra đời, TS. Nguyễn Đình Cung hy vọng sự thờ ơ của các bộ sẽ mất dần, thay vào đó là sự tích cực, chủ động phục vụ doanh nghiệp, theo tinh thần “theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm”.
Trước đó, trong buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Thảo – Phó trưởng ban Môi trường Kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 19 năm 2014 và Nghị quyết 19 năm 2015 của Chính phủ, trong đó cho thấy dù môi trường kinh doanh đã cải thiện nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều chỉ tiêu bị tụt bậc.
Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam năm 2015 tăng 12 bậc, từ vị trí thứ 68 lên 56, mức tăng cao nhất kể từ năm 2012.
Còn theo báo cáo “Doing Business” của Ngân hàng Thế giới (WB) mà Việt Nam dựa vào đó để có chỉ tiêu xây dựng Nghị quyết, môi trường kinh doanh của Việt Nam cải thiện 3 bậc, từ vị trí 93 lên 90. Trong 10 chỉ tiêu, có 5 chỉ tiêu có sự cải thiện là khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện nặng, tín dụng, và giải quyết phá sản doanh nghiệp.
Bà Thảo cho biết mặc dù môi trường kinh doanh được cải thiện, nhưng còn nhiều chỉ số Việt Nam chưa đạt yêu cầu. Hầu hết các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay vẫn còn kém xa so với Singapore, Thái Lan và Malaysia, chỉ cao hơn Philipin.
Cụ thể, chỉ tiêu khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm 2015 tăng 6 bậc, nhưng thứ hạng vẫn ở mức thấp, đứng vị trí 119/189 nền kinh tế. So với trung bình của nhóm ASEAN-4 là vị trí 71, Việt Nam vẫn chưa đạt được.
Bà Thảo cho biết, trong năm 2015, khi WB điều tra thì Luật Doanh nghiệp 2014 chưa có hiệu lực thi hành. Nhưng với năm 2016 này, theo cách tính của WB, chúng ta tính ra thứ hạng của Việt Nam sẽ lên 50, đạt mức trung bình của ASEAN-4.
Về chỉ tiêu tiếp cận điện năng, Việt Nam có sự cải thiện khá tốt. Tiết kiệm điện năng đã giảm còn 56 ngày, về thứ hạng tăng 27 bậc, đứng thứ 159/189 nền kinh tế, nhưng còn thua xa ASEAN-4 về thứ hạng.
Về nộp thuế và bảo hiểm xã hội, năm 2015 Việt Nam giảm được 102 giờ xuống còn 770 giờ (trong đó 62 giờ thuộc bảo hiểm xã hội và 40 giờ thuộc nộp thuế). Với những thay đổi về chính sách thuế, có hiệu lực từ 1/1/2015, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu như Nghị quyết đề ra là giảm xuống còn 168 giờ/năm cho cả nộp thuế và BHXH.
Tỷ lệ thuế và BHXH/lợi nhuận của Việt Nam vẫn ở mức cao là 39,4%, so với ASEAN-4 chúng ta tương đương với Philipin và Malaysia, nhưng cao hơn nhiều so với Thái Lan và Singapore.
Về giao dịch thương mại qua biên giới, 2 năm qua mỗi năm Việt Nam giảm 1 bậc do những bất cập trong quản lý chuyên ngành. Thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu và nhập khẩu dài hơn nhiều so với Singapore, Malaysia và Thái Lan, và chúng ta còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra.
Về cấp phép xây dựng, đây là chỉ số có sự đi xuống so với tất cả các chỉ số của Việt Nam, và là chỉ số duy nhất kéo dài thêm thời gian, lên 52 ngày. Trong khi các chỉ số khác có xu hướng giảm thời gian, chỉ số này kéo dài thời gian từ 114 ngày lên 166 ngày. Thời gian kéo dài này chủ yếu nằm ở việc cấp phép xây dựng.
Về đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản, năm 2015 Việt Nam tăng thêm 1 thủ tục, thời gian kéo dài thêm 0,5 ngày. Việt Nam mất 57,5 ngày cho thời gian đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, cao hơn rất nhiều các nước khác như Thái Lan là 3 ngày, Singapore 4,5 ngày, Malaysia 13 ngày, Philipin 35 ngày.
Về tiếp cận tín dụng, Nghị quyết 19 xác định theo cách tiếp cận của WEF, và đặt ra mục tiêu của Việt Nam là thứ hạng 30. Tuy nhiên, chúng ta đang đứng ở vị trí 88/140 nền kinh tế, chưa đạt mục tiêu và còn dưới mức trung bình của ASEAN-4.
Về bảo vệ nhà đầu tư, Việt Nam chưa có sự cải thiện về điểm số và thứ bậc do sự thay đổi của Luật Doanh nghiệp chưa được ghi nhận trong năm 2015 do thời điểm có hiệu lực là 1/7/2015. Tuy nhiên, nếu chúng ta áp dụng cách tính của WB và Luật Doanh nghiệp, thì điểm số sẽ cải thiện từ 3,7 điểm lên 6,2 điểm, và lên vị trí thứ 50 - đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Về giải quyết tranh chấp hợp đồng, Việt Nam chưa đạt được mục tiêu là giảm từ 400 ngày xuống 200 ngày. Thứ hạng của Việt Nam chỉ cao hơn Philipin với vị trí 140, còn kém xa các nước Thái Lan, Singapore và Malaysia.
Về giải quyết phá sản doanh nghiệp, năm 2015 Việt Nam cải thiện 2 bậc nhờ điểm mới của Luật Phá sản 2014. Tuy nhiên, Luật Phá sản 2014 chưa đi vào thực tiễn do chưa có văn bản hướng dẫn ban hành. So với các nước ASEAN-4, Việt Nam mất 5 năm để giải quyết phá sản 1 doanh nghiệp, trong khi Malaysia chỉ mất 1 năm, Thái Lan hay Philipin chỉ mất 2,7 năm.
Bà Thảo cho biết, Nghị quyết 19 của năm 2016 đặt ra mục tiêu là, đến hết năm 2016, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN-4.
Truy thu gần 5,5 tỷ đồng tiền thuế NK của Formosa
Trao đổi với Báo Hải quan, ông Đào Chí Thành, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan Hà Tĩnh cho biết, Dự án Khu liên hợp gang thép Formosa và cảng Sơn Dương Hà Tĩnh là một dự án trọng điểm, có quy mô lớn, chính vì vậy khối lượng và chủng loại hàng hóa XNK của Formosa NK thời gian qua tương đối nhiều.
Do đó, để thực hiện kế hoạch kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) của Tổng cục Hải quan, Cục KTSTQ và Cục Hải quan Hà Tĩnh đã phối hợp tiến hành KTSTQ đánh giá tuân thủ pháp luật đối với Formosa. Theo đó, Cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra toàn bộ hồ sơ liên quan đến hoạt động XNK của Formosa trong giai đoạn 2010-2015.
Ông Đào Chí Thành cho biết thêm, kết quả kiểm tra cho thấy, thời gian qua Formosa đã tuân thủ tốt pháp luật hải quan, pháp luật thuế. Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu kỹ thuật và khảo sát thực tế tại chân công trình, cơ quan Hải quan xác định Formosa đã kê khai, áp mã HS chưa đúng với quy định hiện hành, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp đối với mặt hàng kết cấu thép tiền chế dạng tháp và các bộ phận rời kèm theo dùng để lắp ghép nhà xưởng.
Trên cơ sở kết quả KTSTQ tại trụ sở Formosa, cuối tháng 4 vừa qua Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1183/QĐ-TCHQ về việc ấn định thuế đối với mặt hàng NK của Formosa. Theo đó, Formosa bị truy thu gần 5 tỷ đồng thuế NK và trên 498 triệu đồng thuế GTGT. Ngoài ra Formosa còn phải nộp số tiền phạt chậm trên mức thuế bị truy thu và bị cơ quan Hải quan xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Kết quả này cho thấy, công tác KTSTQ đã góp phần quan trong trong việc chống thất thu cho NSNN. Đồng thời, hỗ trợ và hướng dẫn DN thực hiện tốt chính sách, pháp luật hải quan, pháp luật thuế, đặc biệt là đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài như Formosa, ông Đào Chí Thành nhấn mạnh.
TP HCM tụt hậu do 'đầu tàu mà chạy như toa tàu'
Chuyên gia cho rằng có quá nhiều "vòng kim cô" về cơ chế, thể chế khiến TPHCM phát triển không như kỳ vọng, tụt hậu so các đô thị trong khu vực.
Những quan điểm nêu trên được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo “TP HCM - Khát vọng vươn lên” do báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 19/5.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, TP HCM là đầu tàu của cả nước nhưng vẫn chạy không khác những toa còn lại. Nhiều đô thị trong khu vực có xuất phát điểm thấp hơn nhưng đã vượt qua TP HCM như Singapore, Thẩm Quyến… Do vậy, phải nhìn nhận thành phố đang tụt hậu rồi tìm vấn đề, trách nhiệm để giải quyết."Đất nước phải lo cho đầu tàu này chạy để kéo 62 toa còn lại theo, chứ hiện nay TP HCM phải cáng đáng cả nước. Thành phố là đầu tàu mà không được chạy thì không sao phát triển được. Phải nhìn thẳng vào vấn đề và không nên tự ái, buồn phiền gì cả”, ông Thiên nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện kinh tế cho rằng, hiện TP HCM muốn làm cái gì cũng phải trình Trung ương xem xét từ việc lớn đến bé. Hàng nghìn việc như thế nhưng thành phố phải cặm cụi đi xin từng cái một, thành ra cơ chế xin - cho nên không biết bao giờ mới khá nổi.
Ông Thiên nhận định, gần đây TP HCM không có động lực để tiến lên. Đơn cử như việc thành phố thu vượt ngân sách nhưng không được hưởng, kiểu như làm thêm nhiều tiền mà không được hưởng.
“TP HCM có quá nhiều vòng kim cô cơ chế, thể chế đã biến thành một địa phương bình thường như bao tỉnh thành khác của cả nước”, ông Du nói, đồng thời làm phép so sánh 12 đô thị ở châu Á như Hong Kong, Singapore, Bangkok, Mumbai, Manila, Kuala Lumpur... về năng lực cạnh tranh và môi trường sống thì TP HCM đứng chót bảng vì bị chững lại quá lâu và tụt hậu xa so với các đô thị khác.
Còn tiến sĩ Vũ Minh Khương - Đại học quốc gia Singapore, cho rằng, TP HCM có nguy cơ mất vai trò đầu tàu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Thành phố tuy đóng góp đến một phần ba GDP cả nước nhưng nhiều năm nay vẫn duy trì mức như thế.
“Chưa thấy ở TP HCM một đầu tàu ghê gớm để các tỉnh học theo vươn lên. Thành phố đang mất dần lợi thế của người đi đầu, mà là người đi đầu thì phải tự vượt lên chứ không ai giúp được gì và không trông đợi ở ai cả”, ông Khương phân tích.
Vị tiến sĩ đang giảng dạy ở Singapore cũng cho rằng người Việt có tính gặp thành công là đứng lại tận hưởng, chấm điểm thưởng, dễ thỏa mãn. Ở Singapore hoàn toàn khác, thành công chỉ làm họ có thêm động lực để tạo thành công mới.
Ông Khương cũng đưa ra dự báo đến năm 2040, dân số Việt Nam sẽ già đi. Trong 20-30 năm tới, nếu TP HCM không phát triển được coi như không đứng lên nổi. "Học giả quốc tế có câu người Trung Quốc già nhưng chưa giàu, trong khi người Việt Nam già nhưng chưa có một đô thị tử tế, một suy luận cay đắng cho nước ta", ông Khương nói.
Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cảm ơn các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp đã tham gia, đóng góp ý kiến và trình bày trăn trở, hướng phát triển cho thành phố.
"Hiện sức mạnh của kinh tế thị trường vẫn chưa được thành phố phát huy. Các khuôn khổ thể chế chung vẫn chưa sẵn sàng cho những thay thế, đột phá. Độ phức tạp của luật, chồng lấn qua nhiều thời kỳ nên TP HCM phải tìm cách vượt rào vươn lên", ông Phong nói và hứa sẽ xây dựng TP HCM thành nơi đáng sống, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Hà Nội đặt mục tiêu đến hết tháng 6/2017 cơ bản hoàn thành cấp “sổ đỏ”
Chủ tịch UBND Hà Nội ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về các nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (GCNQSDĐ) cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xác định công tác cấp GCNQSDĐ là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 và năm 2017 để phấn đấu đến hết tháng 6/2017 cơ bản hoàn thành công tác cấp GCNQSDĐ cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình theo Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn tại, vướng mắc.
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Thứ nhất, tiếp tục thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính trong việc công nhận QSD đất, cấp GCNQSDĐ cho các tổ chức, đơn vị. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các sở, ngành liên quan rà soát Quyết định số 25/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND TP, đề xuất bổ sung, sửa đổi đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận QSD đất thực hiện nhanh, gọn, đơn giản, đúng quy định; báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/5/2016.
Thứ hai, đối với các địa điểm đất do các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức sự nghiệp công và UBND các cấp quản lý, sử dụng: Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện và hoàn thành Kế hoạch 78/KH-UBND ngày 24/5/2012 của UBND thành phố về cấp GCNQSDĐ của các tổ chức trên địa bàn TP trong năm 2016. Đơn giản tối đa về hồ sơ thủ tục để xét cấp GCNQSDĐ; sử dụng ngay bản đồ địa chính (hoặc trích lục từ bản đồ địa chính lưu tại Sở để cung cấp cho đơn vị không lưu bản đồ địa chính) và các bản đồ hiện có để xét cấp GCNQSDĐ, không yêu cầu các đơn vị phải đo đạc lại, cung cấp thông tin quy hoạch và chỉ giới đường đỏ; đơn vị chỉ kê khai, đăng ký khi làm thủ tục công nhận QSD đất, cấp GCN.
Thứ ba, đối với các địa điểm đất do các tổ chức kinh tế sử dụng chưa được cấp GCNQSDĐ: Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, phân loại, tiếp tục thông báo, yêu cầu tổ chức khẩn trương liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn hoàn tất các thủ tục công nhận QSD đất, cấp GCNQSDĐ theo quy định.
Tiếp tục triển khai, hoàn thiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong cấp GCNQSDĐ cho các tổ chức trên địa bàn thành phố tại trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường (http://tnmtnd.hanoi.gov.vn).
Các trường hợp không thực hiện kê khai đăng ký đất đai theo quy định tại Điều 95 Luật Đất đai 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra xử phạt theo quy định.
Thứ tư, đối với đất do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng, chưa được cấp GCNQSDĐ:
Các trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm quy định của pháp luật về đất đai sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch được duyệt, thuộc các trường hợp đã được tháo gỡ, giải quyết tại Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND của UBND thành phố: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã xác định số lượng cụ thể tại từng địa phương, thông báo đến các hộ dân và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện dứt điểm.
Các trường hợp có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng đất: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã xác định số lượng cụ thể tại từng địa phương, hướng dẫn, đôn đốc chính quyền địa phương tổ chức hòa giải và giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật, làm căn cứ xét cấp GCNQSDĐ.
Các trường hợp chưa kê khai đăng ký đất đai: yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thông báo yêu cầu kê khai đăng ký đất đai theo quy định đến từng hộ gia đình, lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ và hồ sơ quản lý đối với các trường hợp không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ; tổ chức thanh tra xử phạt theo quy định đối với các trường hợ không kê khai đăng ký theo quy định.
Các trường hợp bị yêu cầu thu hồi đất theo kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân hoặc cơ quan thanh tra, cơ quan công an kiến nghị thu hồi đất; các trường hợp có quyết định thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng chưa thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tổng hợp, đề xuất phương án xử lý cụ thể, báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/6/2016.
Các trường hợp có bản án của Tòa án nhân dân tuyên thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai trước ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành (1/7/2014) nhưng đến nay chưa thi hành, hộ gia đình, cá nhân đó vẫn đang sử dụng đất ổn định, phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp, khiếu kiện: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Cục Thi hành án dân sự thành phố, Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện, thị xã, UBND các quận, huyện, thị xã tổng hợp đề xuất xử lý, báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/6/2016.
Thứ năm, đối với những địa điểm đất do cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng quản lý sử dụng chưa được cấp GCNQSDĐ:
Ban Tôn giáo thành phố cung cấp thông tin về đơn vị sử dụng, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc công nhận QSD đất, cấp GCNQSDĐ; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/5/2016.
Đối với đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tại khu vực đường, phố đã ổn định, phù hợ với quy hoạch phân khu đô thị đã được phê duyệt: Sở Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục công nhận QSD đất, cấp GCNQSDĐ đất theo quy định, không phải thực hiện các thủ tục cung cấp thông tin quy hoạch và xác định chỉ giới đường đỏ.
Đối với các địa điểm đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng cần xác định thông tin quy hoạch và chỉ giới đường đỏ để lập hồ sơ công nhận QSD đất, cấp GCNQSDĐ: Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị cung cấp thông tin về quy hoạch, chỉ giới đường đỏ ,Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường lập dự toán kinh phí thực hiện, báo cáo UBND thành phố.
Thứ sáu, đối với các dự án phát triển nhà ở, trường hợp chủ đầu tư vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng, vi phạm quy hoạch tại dự án dẫn đến vướng mắc trong việc cấp GCN quyền sở hữu nhà ở cho các hộ dân: Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND thành phố thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra, kết luận, xử lý khắc phục vi phạm của Chủ đầu tư; đồng thời, với việc xét cấp GCNQSDĐ, quyền sở hưu nhà cho người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ với chủ đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 327/TB-VPCP ngày 22/8/2013.
Thứ bảy, đối với các trường hợp đã cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà nhưng còn tồn tại (chưa nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, chứng nhận bổ sung tài sản…): Sở Tài nguyên và Môi trường phân loại, chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện, thị xã xử lý, giải quyết dứt điểm xong trước ngày 31/12/2016.(TBNH)