tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 03-06-2016

  • Cập nhật : 03/06/2016

NHNN Việt Nam và Ngân hàng CHDCND Lào hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm

Ngày 2/6/2016, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú có buổi làm việc với Thống đốc Ngân hàng Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào Somphao Phaysith về hệ thống tài chính kế toán của Ngân hàng trung ương.

Tại buổi tiếp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chào mừng Thống đốc Somphao Phaysith và đoàn công tác sang thăm và làm việc tại NHNN Việt Nam, chúc Thống đốc và Đoàn sức khỏe và một chuyến công tác thành công tại Việt Nam.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, mối quan hệ Việt – Lào nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng tiếp tục được phát triển ngày một vững chắc trong thời gian qua. Hàng năm, rất nhiều hoạt động trao đổi đoàn cả cấp cao và cấp kỹ thuật được tổ chức giữa hai bên, góp phần tích cực vào việc củng cố tình hữu nghị giữa các cấp lãnh đạo cũng như cán bộ của hai ngân hàng trung ương, đồng thời hỗ trợ tích cực cho việc tăng cường năng lực của mỗi bên.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, NHNN Việt Nam thực sự cảm kích khi được Ngân hàng CHDCND Lào luôn tin tưởng và coi là đối tác đáng tin cậy để chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm trong quản lý và thực hiện các chính sách trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng. Riêng trong năm 2015, hai bên đã tổ chức tổng cộng 14 đợt công tác cho cán bộ hai ngân hàng Trung ương để trao đổi chuyên môn.

NHNN Việt Nam hy vọng các hoạt động này góp phần tích cực cho Ngân hàng CHDCND Lào trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và sẵn sàng tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ tư vấn cho Ngân hàng CHDCND Lào về các lĩnh vực mà phía Lào quan tâm.

Trong buổi làm việc, đại diện Vụ Tài chính Kế toán, Sở Giao dịch và Cục Công nghệ tin học đã giới thiệu cũng như giải đáp những thắc mắc của Đoàn công tác về mô hình kế toán của NHNN Việt Nam, mô hình kế toán mới theo dự án FSMIMS.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, các chức năng nhiệm vụ về kế toán và hạch toán kế toán của NHNN Việt Nam có vai trò rất quan trọng, hỗ trợ cho sự vận hành về mọi mặt của NHNN cũng như hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam. Việc hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại các đơn vị được thực hiện chính xác, kịp thời và đầy đủ; đảm bảo an toàn về vốn và tài sản cho NHNN.

Công tác quản lý tài chính, tài sản của NHNN được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo hoạt động của các đơn vị, xử lý kịp thời kinh phí cho các nhiệm vụ phát sinh đột xuất, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao và nâng cao vị thế của ngành.

Thời gian qua, NHNN Việt Nam đã tích cực triển khai hiện đại hóa và áp dụng hệ thống thông tin quản lý vào công tác kế toán, quản lý tài chính và tài sản. Để chuyển đổi từ mô hình kế toán phân tán sang mô hình kế toán tập trung, trực tuyến, NHNN Việt Nam đã triển khai nhiều bước quan trọng như hoàn thiện hệ thống văn bản về quy trình, quy định về kế toán các nghiệp vụ của NHNN Việt Nam, chuẩn bị nguồn lực, rà soát số liệu chuyển đổi…

Việc chuyển đổi sang hệ thống mới diễn ra thuận lợi, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý hiệu quả các giao dịch của ngân hàng trung ương và công tác hạch toán kế toán, quản lý tài chính, chi tiêu…

Sau khi nghe các Vụ, Cục chức năng giới thiệu về mô hình kế toán, đoàn công tác của Ngân hàng CHDCND Lào đã đặt một số câu hỏi, trao đổi kỹ hơn về các vấn đề nghiệp vụ và nhận được giải thích, hướng dẫn cụ thể từ phía Vụ Tài chính Kế toán, Sở Giao dịch và Cục Công nghệ tin học của NHNN Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thống đốc Somphao Phaysith gửi lời cảm ơn sự đón tiếp “thắm tình anh em, ấm áp như trong một gia đình” của NHNN Việt Nam. Ông gửi lời chúc mừng tới đồng chí Nguyễn Văn Bình, nguyên Thống đốc NHNN đã được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Lê Minh Hưng được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng và giữ vị trí Thống đốc NHNN Việt Nam.

Thống đốc Somphao Phaysith đánh giá cao sự hướng dẫn, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm từ phía NHNN Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu của đoàn công tác. Thống đốc Somphao Phaysith tin tưởng, các thành viên trong đoàn Ngân hàng CHDCND Lào sẽ học tập được những kinh nghiệm quý báu đó và áp dụng vào thực tiễn hoạt động của mình.

Đồng chí Somphao Phaysith tin tưởng tình hữu nghị hợp tác toàn diện, tình đồng chí anh em giữa hai nước Lào – Việt nói chung và giữa hai ngành Ngân hàng nói riêng ngày càng phát triển tốt đẹp lên một tầm cao mới.


Doanh nghiệp mơ hồ về TPP

Nhiều DN trong nước, đặc biệt là các DNNVV chưa tìm hiểu, nghiên cứu về TPP để điều chỉnh công việc kinh doanh, hoàn toàn không hề biết điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước… 

Tại Hội thảo về những tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với thu hút đầu tư, phát triển thương mại do Trung tâm xúc tiến đầu tư (IPC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đà Nẵng, Hội Doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) nhận định, gia nhập TPP Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích như tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng vốn FDI nhờ sự lạc quan của các nhà đầu tư, dự kiến GDP tăng 10,5% vào năm 2025 so với mức cơ bản nếu không có TPP, những lĩnh vực các DN trong nước có ưu thế như dệt may, giày dép, máy móc…

dn can chu dong tiep can nhung thong tin lien quan den tpp

DN cần chủ động tiếp cận những thông tin liên quan đến TPP

TPP là một hiệp định hết sức có ý nghĩa, nhưng hoàn toàn không miễn phí cho các DN. Bởi, cũng theo ông Herb Cochran, TPP sẽ đặt ra nhiều thách thức khi Việt Nam tham gia kết nối với chuỗi cung ứng quốc tế, phải trở thành nhà cung cấp đạt chuẩn của các DN Hoa Kỳ, đảm bảo về chỉ số D-U-N-S Numbet (chỉ số ID duy nhất quốc tế); đạt chuẩn về chất lượng, an toàn lao động, môi trường và tính bền vững...

Để có thể tiếp cận thị trường, DN trong nước cần nắm rõ những thông tin về TPP. Đơn cử, DN phải xác định, lập kế hoạch và điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu theo quy tắc xuất xứ (ROO) của TPP để được hưởng ưu đãi về thuế quan. Muốn vậy, DN cần phải có hiểu biết về ROO cũng như các thủ tục hải quan để hưởng lợi khi xuất, nhập khẩu hàng hóa trong khối TPP.

Thế nhưng, trong thực tế nhìn chung DN trong nước lại đang rất mơ hồ về TPP. Ông Nguyễn Diễn, Phó giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, nhiều DN vẫn còn mù mờ về TPP. Ông Diễn giải thích kết luận này, hiện có đến 93% DN và 96% người tiêu dùng trong nước ủng hộ TPP và bày tỏ sự tin tưởng rằng hiệp định sẽ mang lại lợi ích kinh tế đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, lại có đến 40% DN chưa hiểu rõ về TPP. 80% DN còn thiếu các kiến thức về hội nhập và không biết điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước. Nhiều DN trong nước, đặc biệt là các DNNVV chưa tìm hiểu, nghiên cứu về TPP để điều chỉnh công việc kinh doanh, hoàn toàn không hề biết điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước…

Nguyên nhân, có rất ít DN trong nước tự tìm hiểu, nghiên cứu về TPP để điều chỉnh công việc kinh doanh. DN trong nước mong muốn có những thay đổi nhưng lại không hiểu và không có kiến thức. Đơn cử, tại TP. Đà Nẵng năng lực sản xuất kinh doanh của DN ở địa phương còn chưa phát triển, công nghệ chưa tiên tiến, kim ngạch xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng và chịu nhiều tác động của nhu cầu thị trường. Trong khi, những kiến thức về TPP của nhiều DN lại rất hạn chế…

Để không uổng công những nỗ lực đàm phán gia nhập TPP của Chính phủ, cũng như các cơ quan chức năng… DN trong nước cần phải năng động, nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt là việc tiếp cận các thông tin để trở thành những nhà cung cấp đạt “chuẩn” cho thị trường trong khối TPP; Các DN phải tìm hiểu kỹ những cam kết trong TPP, nắm rõ lộ trình TPP mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ để từ đó có những ý tưởng sản xuất, kinh doanh phù hợp và tận dụng được các ưu đãi mà TPP đã tạo ra.

Về phía chính quyền, cần có những cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công. Cũng theo ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, gia nhập TPP sẽ tạo động lực cho việc cải cách hành chính.

Do đó, cần có thêm nhiều thay đổi hơn nữa về thể chế và quản lý Nhà nước để đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, cần đơn giản hóa thủ tục hải quan và các thủ tục xuất nhập khẩu khác, nâng cao chất lượng logistics, hải quan và hành chính… Việc phát triển cơ sở hạ tầng logistics như là một biện pháp để khuyến khích dòng vốn đầu tư FDI mới sau khi TPP có hiệu lực.

Trong đó, TP. Đà Nẵng nên xem xét đề xuất Tổng cục Hải quan cho phép ứng dụng dự án thí điểm thành lập khu thương mại tự do dưới sự giám sát của hải quan khu vực.


Tập đoàn Prudential Toàn cầu đánh giá cao điều hành CSTT của NHNN

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa có buổi tiếp với ông Julian Adams, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách các vấn đề pháp lý của Tập đoàn Prudential Toàn cầu, Vương quốc Anh tại trụ sở NHNN.

Tại buổi tiếp, ông Julian Adams gửi lời chào tới Ban Lãnh đạo của NHNN và gửi lời cảm ơn Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã dành thời gian tiếp đoàn. Ông Julian Adams mong muốn được cung cấp những thông tin về vai trò của chính sách tiền tệ của Việt Nam đối với hoạt động tiêu dùng trong nước cũng như với tín dụng tiêu dùng; những quy định, tiêu chí áp dụng trong hoạt động cho vay nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng.

Phó Thống đốc cung cấp cho đoàn thông tin về chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua. Theo Phó Thống đốc trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ, NHNN khuyến khích đẩy tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Còn tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất như tín dụng tiêu dùng, tín dụng vào đầu tư kinh doanh bất động sản và tín dụng vào đầu tư, kinh doanh chứng khoán, cần phải theo dõi sát và cảnh bảo khi cần thiết vì trước đây ở Việt Nam từng có thời gian tín dụng chảy vào 3 lĩnh vực này rất cao gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Thống đốc NHNN vừa ban hành Chỉ thị chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát chặt chẽ việc cho vay trung và dài hạn cũng như cho vay bất động sảnđể đảm bảo không bị rủi ro trong chênh lệch kỳ hạn.

Ông Julian Adams nhất trí với việc NHNN trong việc áp dụng các biện pháp mang tính cẩn trọng đối với những lĩnh vực phi sản xuất và khẳng định các biện pháp này có sự hỗ trợ quan trọng đối với việc giảm tỉ lệ nợ xấu, chạy đua về lãi suất cho vay giữa các tổ chức tín dụng. Ông đánh giá cao những thông tin khái quát mà Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã cung cấp cho Đoàn công tác, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng mối quan hệ giữa hai bên sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp.

Trước khi công tác tại Tập đoàn Prudential, ông Julian Adams từng có thời gian dài công tác với vai trò phụ trách giám sát bảo hiểm tại Ngân hàng Trung ương Anh quốc (BOE).

Prudential là tập đoàn bảo hiểm nhân thọ và dịch vụ tài chính đa quốc gia hàng đầu thế giới đã có hiện diện tại Việt Nam trên 20 năm. NHNN cho rằng với kinh nghiệm, nguồn lực của mình, Prudential sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển của hệ thống tiền tệ - tài chính Việt Nam nhất là đối với thị trường vốn trong nước.


Hà Nội: Thu hồi, GPMB dự án TTTM Dịch vụ Hạ Đình, Thanh Xuân

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Hạ Đình, quận Thanh Xuân.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Cụ thể, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, UBND quận Thanh Xuân và UBND huyện Thanh Trì xác định rõ diện tích thực hiện của dự án theo địa giới hành chính của từng quận, huyện; hướng dẫn thực thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai, xong trước 15/6/2016; đề xuất báo cáo UBND thành phố nội dung vượt thẩm quyền.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 3626/STNMT-QHKHSD gửi UBND thành phố đề nghị giao UBND quận Thanh Xuân thu hồi phần diện tích bị chồng lấn giữa ranh giới hành chính quận Thanh Xuân và huyện Thanh Trì trong phạm vi giải phóng mặt bằng Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Hạ Đình do Công ty TNHH Thương mại Hỗ trợ kiến thiết miền núi là chủ đầu tư.


Công cụ pháp lý cần thiết bảo vệ các ngành sản xuất

Sáng 2/6, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực thi Pháp luật Phòng vệ thương mại.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh cho biết, đây là một chủ đề đã lâu nhưng không cũ, thậm chí đang có sức lan tỏa rất lớn không chỉ tại Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, trong bối cảnh xu thể hội nhập quốc tế về kinh tế đã tác động sâu sắc tất cả các nước, từ phát triển tới đang phát triển, không phân biệt chế độ chính trị hay tôn giáo.

Từ đó, sự tồn tại và phát triển của các nước được đặt trong bối cảnh lệ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, thể hiện rõ nét qua những mối quan hệ song phương và đa phương phức tạp.

“Việt Nam đã sớm nhìn nhận hội nhập quốc tế về kinh tế là sự nghiệp quan trọng của đất nước. Việt Nam là thành viên chính thức của nhiều thiết chế thương mại khu vực và thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc chúng đã sẵn sang chấp nhận một “sân chơi” và “luật chơi” chung, bình đẳng với mọi nước khác. Thực tiễn này đặt ra nhiều thách thức mới đòi hỏi phải được giải quyết một cách hợp lý để hài hòa, tránh xung đột giữa các lợi ích, trong đó đặt ra vấn đề giải quyết mẫu thuẫn giữa hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ lợi ích sản xuất trong nước”, ông Nam nói.

Tại Việt Nam, pháp luật về phòng vệ thương mại đã có những bước phát triển nhất định nhằm tái thiết lập trật tự trong cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa nội địa, đúng với tư duy của chủ nghĩa tự do kinh tế, nhưng cũng là công cụ bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với hàng nhập khẩu.

Cụ thể, năm 2002, UBTV Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH10 về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam. Tiếp đó, vào năm 2004, UBTV Quốc hội tiếp tục ban hành Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và Pháp lệnh số 22/2004/PL-UBTVQH11 về chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Kèm theo đó, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành liên quan cũng ban hành các nghị định và thông tư chi tiết hướng dẫn thi hành các điều trong các pháp lệnh nêu trên.

Nghị quyết 08/NQ/TW ngày 05/2/2007 của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới có nhận định một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam khi phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt hơn trên cả ba cấp độ: sản phẩm, DN và quốc gia.

Các sản phẩm và DN của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm và DN nước ngoài không chỉ trên thị trường thế giới mà ngay trên thị trường trong nước.

Tuy nhiên, dù đã có có đầy đủ chủ trương cũng như hành lang pháp lý của Đảng và Nhà nước, tới tận năm 2009, lần đầu tiên Việt Nam khởi xướng vụ việc tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng kính nổi trong xây dựng theo đề nghị của đại diện các nhà sản xuất mặt hàng kính nổi trong nước.

Tại kết luận cuối cùng về vụ việc, cơ quan điều tra đã kết luận rằng ngành sản xuất hàng hóa tương tự trong nước không phải chịu thiệt hại nghiêm trọng do việc nhập khẩu ồ ạt của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra gây ra. Do vậy, vụ việc được chấm dứt và không có bất kỳ một biện pháp tự vệ nào được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu.

Năm 2012, Việt Nam khởi xướng vụ việc tự vệ toàn cầu thứ hai đối với mặt hàng dầu thực vật tinh luyện. Đối với vụ việc này, lần đầu tiên Cơ quan điều tra Việt Nam thực hiện được một cách đầy đủ nhất tất cả các bước, bao gồm cả áp dụng thuế tạm thời lẫn thuế chính thức, bảo vệ thành công ngành sản xuất trong nước còn non trẻ trước thủy triều nhập khẩu của dầu thực vật ngoại.

Năm 2013 là mốc thời gian quan trọng đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Cơ quan điều tra Việt Nam khi lần đầu tiên sau gần 10 năm ban hành pháp luật về chống bán phá giá, một vụ điều tra chống bán phá giá được khởi xướng và tiến hành đầy đủ các quá trình trong suốt 12 tháng.

Hàng hóa bị điều tra trong vụ việc này là thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia. Tới tháng 9/2014, Bộ Công Thương đã ban hành kết luận cuối cùng về hành vi bán phá giá của các DN sản xuất, xuất khẩu nước ngoài đồng thời quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá để triệt tiêu hệ quả mà hành vi bán phá giá gây ra.

Tháng 9/2015, Cơ quan điều tra tiếp tục nhận được yêu cầu và tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm bột ngọt nhập khẩu. Tới tháng 3/2016, Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng thuế tự vệ ở phạm vi toàn cầu với sản phẩm này.

Tháng 12/2015, Cơ quan điều tra tiếp nhận và điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu. Kết luận cuối cùng trong vụ việc được dự kiến ban hành vào cuối 6/2016.

Tháng 3/2016, Bộ Công Thương ban hành quyết định điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Vụ việc này đang được tiến hành theo các thủ tục và trình tự phù hợp với pháp luật Việt Nam và WTO.

“Số lượng yêu cầu của các nhà sản xuất trong nước gia tăng nhanh chóng cho thấy việc sử dụng các công cụ pháp lý là cần thiết và phù hợp với nhằm bảo vệ sản phẩm, DN Việt Nam ngay trên thị trường trong nước trước những hành vi cạnh tranh không công bằng của DN nước ngoài; đồng thời thể hiện rõ rệt vai trò bảo vệ sự hình thành và tồn tại của các ngành sản xuất còn non trẻ của Việt Nam, là nội dung quan trọng đảm bảo cho hội nhập kinh tế quốc tế thành công”, ông Nam nói.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục