Dù tỉnh Quảng Ngãi mới nghe CPG thuộc Tập đoàn CAG của Trung Quốc trình bày quy hoạch đảo Lý Sơn nhưng dư luận trong nước đã rất lo lắng
Thủ tướng: Phải tạo chuyển biến rõ rệt về tái cơ cấu kinh tế
- Cập nhật : 03/06/2016
(Yeu nhan)
Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Thủ tướng yêu cầu phải tạo chuyển biến rõ rệt về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 21/CT-TTg yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (các bộ, ngành trung ương và địa phương) tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.
Chỉ thị nêu rõ, mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến rõ rệt về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân.
Về định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, phấn đấu giảm lãi suất, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án chống đô la hóa trong nền kinh tế, hạn chế tín dụng ngoại tệ đi đôi với xây dựng thị trường mua bán ngoại tệ phù hợp; tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế. Thực hiện chính sách tài khoá chủ động, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công. Huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế.
Phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 6,8%
Chỉ thị nêu rõ, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2017 khoảng 6,8%. Các địa phương căn cứ số liệu tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2016 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) công bố, đồng thời căn cứ vào điều kiện thực tế ở địa phương ước thực hiện cả năm và dự báo triển vọng phát triển để xác định chỉ tiêu GRDP năm 2017 cho phù hợp.
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung thực hiện quyết liệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, trong đó tập trung vào 3 trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư (trọng tâm là đầu tư công); tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng (trọng tâm là các tổ chức tín dụng); tái cơ cấu doanh nghiệp (trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước); Thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ và hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tổ chức lại sản xuất, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, tạo ra các vùng sản xuất lớn, các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản, thực phẩm...
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và cam kết hội nhập quốc tế sâu rộng; Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch và điều hành phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; Huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; ưu tiên đầu tư cho các công trình giao thông và hạ tầng đô thị lớn,... Đầu tư phát triển cơ sở vật chất các ngành giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, du lịch, thông tin và truyền thông,... và các phúc lợi xã hội khác.
Vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam trước 31/12/2018
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới, bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Rà soát, hoàn thiện pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tiếp tục đẩy mạnh vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam trước ngày 31/12/2018; chủ động, tích cực vận dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong nước...
Khuyến khích mạnh mẽ mọi tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, sáng kiến nâng cao năng suất lao động trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao trong nước, kết hợp với thu hút, trọng dụng cán bộ thực tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.
Về nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, đối với dự toán thu ngân sách nhà nước, phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP năm 2017 khoảng 20 - 21%. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) tăng bình quân tối thiểu 13 - 15% so với đánh giá ước thực hiện năm 2016 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).