Campuchia bắt 2 thành viên CNRP xuyên tạc quan hệ với Việt Nam
12 triệu USD xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho Lý Sơn
Co.opmart tặng gần 600.000 phiếu giảm giá cho khách hàng
Hà Nội kiểm tra nội bộ không thấy, thanh tra lại ra tham nhũng
Khởi tố 3 vụ án phá rừng quy mô lớn
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 20-08-2016
- Cập nhật : 20/08/2016
Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu sẽ có hiệu lực vào ngày 5/10/2016
Theo đánh giá, sau khi hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10 – 12 tỷ USD vào năm 2020, gần gấp 3 lần so với năm 2014 (đạt khoảng 4 tỷ USD).
Theo tin từ Vụ thị trường Châu Âu, Bộ Công thương, Hiệp định thương mại tự do giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á – Âu và các quốc gia thành viên (VN - EAEU FTA, bao gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) đã được hai Bên khởi động từ tháng 3 năm 2013, qua 2 năm đàm phán với 8 phiên chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, ngày 29 tháng 5 năm 2015 Thủ tướng Chính phủ các nước đã thay mặt Nhà nước chính thức ký Hiệp định này tại Burabay, Kazakhstan.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có văn bản thông báo việc hai Bên đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn và Hiệp định VN-EAEU FTA chính thức có hiệu lực từ ngày 05 tháng 10 năm 2016.
Sau khi VN – EAEU FTA có hiệu lực, hai Bên sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban về Thương mại hàng hóa, Tiểu ban về Quy tắc xuất xứ để phối hợp triển khai hiệu quả, đồng thời giám sát việc thực thi Hiệp định.
Việt Nam đã ký với Nga và Belarus nghị định thư về ô tô, theo đó với Nga hai bên đã thỏa thuận phía Nga có thể thành lập liên doanh sản xuất vận tải có động cơ tại Việt Nam nhưng phần vốn do các DN Việt Nam đóng góp trong liên doanh phải đạt ít nhất 50% vốn pháp định của các liên doanh, tỷ lệ nội địa hóa đến năm 2020 với xe tải là 30%, xe thể taho đa dụng (SUV) 30%, xe chuyên dụng 20% và xe vận tải từ 10 chỗ trở lên 35%, tỷ lệ này sẽ tăng lên đến năm 2025 ở mức 40-50%. Việc miễn thuế nhập khẩu với các phương tiện vận tải có động cơ theo hạn ngạch thuế quan, theo đó năm 2016 là 800 chiếc, năm 2017 là 850 chiếc và 2018 là 900 chiếc. Khi lượng hạn ngạch Khối lượng hạn ngạch được cấp năm sau sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện tỷ lệ nội địa hóa của (các) liên doanh nêu trong (các) kế hoạch thực hiện dự kiến của mình, nếu sử dụng ít hơn 50% lượng hạn ngạch thì hạn ngạch cấp cho năm sau sẽ bị giảm 50%.
Về phía Việt Nam, có hơn 4.500 mặt hàng nhập khẩu từ liên minh kinh tế Á ÂU được cắt bỏ thuế quan ngay lập tức, như cá hồi (thuế suất 10%), cá rô phi, cá da trơn (thuế suất 20%), cá ngừ (thuế suất từ 15-20%). Với mặt hàng gạo, các Thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu sẽ dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch tổng là 10.000 tấn gạo có xuất xứ tại Việt Nam.
Việt Nam vẫn khá rụt rè với các mặt hàng về xì gà, theo đó thuế suất nhập khẩu xì gà vẫn giữ ở mức 100% đến năm 2021, và giảm xuống 50% kể từ năm 2022, các loại xe ô tô hiện nay chịu mức thuế suất 74% như xe chơi gôn, xe ô tô đua nhỏ, xe ô tô có nội thất thiết kế (motor homes) chịu thuế 74% sẽ có lộ trình giảm xuống 60,5% trong năm 2016, xuống 33,6% năm 2020 và về 0% vào năm 2025. Lộ trình cắt giảm/xóa bỏ thuế quan không áp dụng với ô tô cũ.
Xem lộ trình cắt giảm thuế của Việt Nam
Về phía liên minh kinh tế Á – Âu, các bên đã thỏa thuận lộ trình cắt giảm thuế quan với 6.270 mặt hàng từ Việt namtrong đó sản phẩm sữa và kem không cô đặc, chưa pha thêm đường và chất ngọt sẽ giảm từ 15% về 0% ngay lập tức, trong khi sữa và kem ở thể rắn sẽ giảm từ 20% xuống 16,4% trong năm đầu tiên và giảm dần xuống 0% vào năm 2025.
Các loại pho mát, chaddar cũng có lộ trình giảm thuế từ 15% xuống 12,5% năm 2016, đến năm 2020 còn 6,8% và năm 2025 còn 0%.
Các loại hạt óc chó, hạt dẻ tươi, hạnh nhân, hạt macadamia, dầu lạc, dầu oliu thuế suất 5% giảm ngay về 0%.
Các loại lúa mỳ, bột lúa mạch, gạo lứt giảm từ 10% xuống 6,7% trong năm 2016, và về 0% năm 2020.
Các loại thịt gà tây, thịt mông đùi (ham) của lợn, thịt vai của lợn giảm thuế từ 20% về 0% ngay lập tức, các thịt giữa thịt và giăm bông, thịt vai, cổ giảm từ 25% theo lộ trình xuống 20,5% năm 2016 và 11,4% năm 2020.
Các loại trứng cá tầm muối, tôm hùm giảm thuế từ 20% xuống 0% ngay lập tức.
Về công nghiệp, các loại quặng sắt, quặng đồng, quặng nhôm, niken, than đá,các sản phẩm sắt thép, xăng máy bay, quặng crom…có thuế suất 5% giảm ngay về 0%. Theo Vụ thị trường Châu Âu, Bộ Công Thương, các mặt hàng này nhìn chung đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam, mà ngược lại còn góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.
Lộ trình cắt giảm thuế của liên minh Á Âu
Theo đánh giá của Bộ Công thương, ngành có lợi thế nhất khi tham gia hiệp định này bao gồm thủy sản, dệt may, và da giày. Thủy sản và chế biến giảm thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Ngành da giày cũng hưởng thuế suất 0%. Dệt may có 1 số nhóm hàng cũng giảm thuế 0%, còn 1 số khác thì sẽ giảm theo lộ trình 3, 5, 10 năm.
Về tổng thể, các bên tham gia hiệp định dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm vào khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.
Theo đánh giá, sau khi hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10 – 12 tỷ USD vào năm 2020, gần gấp 3 lần so với năm 2014 (đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh này sẽ tăng khoảng 18 – 20% hàng năm.(NDH)
Bộ Công thương đồng ý bãi bỏ thông tư 20
Bộ Công Thương vừa chính thức có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 20/2011/TT-BCT.
Bộ Công Thương thừa nhận Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô có nhiều bất cập và cần được bãi bỏ. Bộ Công Thương thừa nhận, mặc dù Thông tư 20 không trái luật, nhưng chưa phải là giải pháp toàn diện nhất và tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông.
Cụ thể, Thông tư 20 chỉ điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, không điều chỉnh các loại phương tiện khác. Không những thế, Thông tư 20 cũng chỉ áp dụng cho hàng nhập khẩu, không áp dụng cho hàng sản xuất trong nước.
Vì vậy, để thực sự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông, các quy định như của Thông tư 20 cần được áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia lưu thông, bất kể là xe chở người hay chở hàng, bất kể nơi sản xuất.
Theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành các quy định như vậy là Bộ GTVT, không phải Bộ Công Thương và quy định đó phải là quy định trong nước để áp dụng chung cho cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, không nên chỉ quy định tại cửa khẩu.
Một điểm bất cập nữa được nêu trong báo cáo của Bộ Công Thương là, Thông tư 20 không điều chỉnh xe đã qua sử dụng, cũng không điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu theo đường quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển, v.v...
Theo phản ánh của báo chí, đã xuất hiện tình trạng biến xe mới thành xe cũ hoặc đưa xe mới về nước theo đường quà biếu, quà tặng để "lách" Thông tư 20. Các tiêu cực dạng này không thể khắc phục được bằng Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền chính hãng, chỉ có thể khắc phục được bằng cách áp dụng các quy định trong nước mà cụ thể là tại khâu đăng ký lưu hành phương tiện.
Với các phân tích trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng đồng ý với việc bãi bỏ Thông tư 20 khi các quy định do Bộ GTVT ban hành chính thức có hiệu lực.
Đồng thời, giao Bộ Công Thương, căn cứ các quy định của pháp luật cạnh tranh, giám sát hoạt động nhập khẩu, phân phối ô tô tại Việt Nam để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, Bộ này cũng đề nghị không rút ngành, nghề "Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô" khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.
Thời gian qua, Thông tư 20 đã gây ra những tranh cãi khá gay gắt với quy định thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống mới nguyên chiếc phải có giấy uỷ quyền chính hãng của nhà sản xuất hoặc phiếu đại lý chính hãng.(NDH)
Siêu dự án lọc dầu: 'Khóc cười' ưu đãi tỷ đô
Ưu đãi thuế là một phần không thể thiếu của các dự án lọc dầu ở Việt Nam. Nhờ cơ chế ấy, nhà máy có thể hưởng lợi hàng tỷ đô la nhưng đó lại là nguồn gốc của những rắc rối không dễ giải quyết.
Siêu dự án, ưu đãi khủng
Trong số hàng loạt ưu đãi cho các dự án lọc dầu, thì việc được giữ mức thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu, 5% với khí hóa lỏng và 3% với sản phẩm hoá dầu khác là một đòi hỏi không thể thiếu của các nhà đầu tư. Cơ chế này áp dụng đầu tiên là cho dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Điều này có nghĩa, tuy là nhà máy trong nước, nhưng sản phẩm bán ra của lọc dầu Dung Quất vẫn phải chịu thuế nhập khẩu như các sản phẩm xăng dầu nhập khẩu khác. Với cơ chế này, khi thuế nhập khẩu xăng là 20% thì Dung Quất chỉ phải nộp 13% và giữ lại 7%. Nếu thuế nhập khẩu về 7% thì Nhà nước không thu đồng nào, còn nếu thuế về 0% thì Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) phải thay mặt Nhà nước bù cho Dung Quất 7%.
Sau Dung Quất, lọc dầu Nghi Sơn 9 tỷ USD với vốn nước ngoài chiếm đa số cũng được hưởng ưu đãi này. Thậm chí, Nghi Sơn còn được ưu đãi nhiều hơn cả Dung Quất khi được hưởng cơ chế này tới 10 năm. Dự án lọc hóa dầu Vũng Rô ở Phú Yên cũng được hưởng ưu đãi tương tự.
Cơ chế ưu đãi này cũng chính là điều nhiều nhà đầu tư lọc dầu khác đưa ra “mặc cả” khi đầu tư ở Việt Nam.
Khi mới ngỏ ý đầu tư dự án lọc dầu Nhơn Hội 28 tỷ USD, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) cũng kiên quyết muốn được hưởng ưu đãi thuế 3-5-7% như lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn.
Lúc đó, Bộ Tài chính đã có lần từ chối nhưng về sau cũng đồng ý cơ chế ưu đãi này. Cho nên nếu không có việc PTT từ bỏ dự án ở Nhơn Hội họ cũng được hưởng cơ chế ưu đãi như Nghi Sơn, Dung Quất.
Vì sao các nhà đầu tư lại tha thiết với ưu đãi này như vậy? Theo một tính toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với trường hợp Dung Quất, nếu không được ưu đãi, số lỗ nhà máy này từ năm 2010 - 2014 đã lên đến 27.600 tỷ đồng.
Nhờ “giá trị ưu đãi” mà Dung Quất được giữ lại, nên từ năm 2010 - 2014, Dung Quất đã được hưởng giá trị ưu đãi từ cơ chế lên tới trên 26.000 tỷ đồng.
Ưu đãi bị phản tác dụng vì hội nhập
Tuy nhiên, hiện nay cơ chế ưu đãi này bỗng trở nên “hết thiêng”, thậm chí trở thành gánh nặng với các nhà máy lọc dầu như Dung Quất, và cả ngân sách nhà nước.
Lý do chủ yếu đến từ quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Từ năm 2015 đến nay, ngoại trừ mặt hàng xăng giữ nguyên ở mức 20%, thuế nhập khẩu các sản phẩm dầu và hóa dầu từ ASEAN giảm mạnh.
Cụ thể, kể từ 1/1/2016 thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu diesel và nhiên liệu phản lực (Jet A1) từ các nước ASEAN là 0%. Trong khi đó, thuế suất áp dụng với dầu dieselvà Jet A1 của lọc dầu Dung Quất khi ấy vẫn là 10%.
Như vậy một nghịch lý xuất hiện, sản phẩm của Dung Quất sản xuất trong nước, bán cho thị trường trong nước lại phải chịu thuế nhập khẩu cao hơn xăng dầu nhập từ Singapore. Vì lẽ đó, Dung Quất liên tục kêu cứu vì “đứng trước nguy cơ không bán được hàng và phải đóng cửa trong thời gian tới”.
Sau đó, Bộ Tài chính đã phải giảm thuế các mặt hàng dầu xuống 7%, bằng với giá trị ưu đãi mà Dung Quất được hưởng. Với mức thuế này, ngân sách không phải cấp bù cho Dung Quất và trước mắt giá bán của Dung Quất có thể ngang bằng với sản phẩm từ ASEAN. Song điều này cũng đồng nghĩa với việc, những ưu đãi cho Dung Quất đang trong tình trạng gần như “có cũng như không”.
Mặt khác, ưu đãi cho Dung Quất được bắt đầu tính từ năm 2010, đến hết năm 2018 là kết thúc, trong khi ưu đãi cho lọc dầu Nghi Sơn phải đến năm 2027 mới chấm dứt (tính từ 2017). Chính vì thế, trong một văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2015, Tập đoàn Dầu khí VN đã cảm thấy lo ngại sản phẩm của Dung Quất không cạnh tranh được với Nghi Sơn.
“So với lọc dầu Nghi Sơn thì nhà máy lọc dầu Dung Quất được hưởng ưu đãi thấp hơn, điều này sẽ tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN trong cùng một lĩnh vực đầu tư”, PVN giãi bày.
PVN cho rằng sau năm 2018, nếu không được tiếp tục được hưởng cơ chế ưu đãi thì sức cạnh tranh của Dung Quất là thấp so với các đơn vị trong cùng lĩnh vực, đặc biệt là trường hợp Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Còn với Nghi Sơn, việc cho nhà máy này được hưởng ưu đãi như Dung Quất đến tận 2027 đã khiến ngân sách đứng trước nguy cơ bù lỗ cho nhà máy này. Cụ thể, số tiền bù lỗ có thể lên đến 3,5 tỷ USD (khoảng 75 nghìn tỷ đồng) trong 10 năm tới trong khi số vốn bỏ ra của liên danh các nhà đầu tư là 9 tỷ USD. Kịch bản này chỉ xảy ra nếu giá dầu ở mức 75 USD/thùng, còn với giá dầu ở mức 45-70 USD/thùng thì số tiền lọc dầu Nghi Sơn dự kiến được hưởng là 1,5-2 tỷ USD.
TS. Ngô Minh Hải, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ DNNN (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) từng chia sẻ: “Lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, là bước đột phá phát triển kinh tế miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung. Cho nên khi làm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Chính phủ mới cho hưởng nhiều ưu đãi. Thế nhưng khi các dự án lọc dầu đang ngày càng nhiều ở Việt Nam, các chính sách ưu đãi nên xem lại”.
Đáng tiếc là, những ưu đãi kể trên đã được “duyệt” cho nhiều dự án lọc dầu. Cho nên ít nhất 10 năm tới, câu chuyện ưu đãi thuế cho lọc dầu 'tỷ đô' chưa thể kết thúc.(Vietnamnet)
Khối ngoại chiếm ưu thế M&A tại Việt Nam
Theo thông tin từ Diễn đàn M&A Việt Nam, 60% thương vụ M&A giữa các doanh nghiệp nội địa, quy mô nhỏ và vừa quanh mức 5 triệu USD. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng góp vai trò trong các thương vụ quy mô lớn từ 30 -100 triệu USD.
Điển hình cho sự xuất hiện của khối ngoại trong các thương vụ M&A là các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Trong đó, các doanh nghiệp đến từ Singapore tập trung vào việc mua lại các dự án bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh như Duxton Hotel Saigon, Empire City, Somerset Vista HCM, Kumho Asiana Plaza...
Các doanh nghiệp đến từ Thái Lan lại tập trung vào các ngành bán lẻ với 2 thương vụ lớn là Central Group mua lại BigC Việt Nam (1.140 tỷ USD) và Singha trở thành nhà đầu tư chiến lược vào Masan (1,1 tỷ USD). Trước đó, cuối năm 2014, TTC cũng mua lại hệ thống Metro Việt Nam. Như vậy, 2 chuỗi siêu thị lớn nhất tại Việt Nam rơi vào tay Thái Lan.
Lý do khiến các nhà bán lẻ Thái Lan tập trung mở rộng thị trường trong khu vực là việc AEC hình thành vào năm 2015, với hàng rào thuế quan được gỡ bỏ. Trong khi đó, ngành bán lẻ nội địa Thái Lan đã trưởng thành, có lợi thế hơn các nhà bán lẻ ngoại khác và đây là thời điểm thích hợp để họ mở rộng kinh doanh bán lẻ ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước như Việt Nam và Indonesia.
Các doanh nghiệp Nhật Bản lại ghi dấu ấn với 2 thương vụ JX Nippon Oil & Energy mua lại 10% Petrolimex và Koizumi mua lại 23% Công ty Cổ phần QH Plus. Động thái này của các doanh nghiệp Nhật Bản được cho là bước đi tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới khi có dự báo rằng, thị trường Nhật Bản có thể giảm mạnh 8% trong 5 năm tới.
Theo các chuyên gia phân tích, xu hướng các nhà đầu tư quốc tế tham gia vào thị trường Việt Nam là sau một thời gian đầu tư, họ có thể thoái vốn đầu tư để hiện thực hóa lợi nhuận. Còn các công ty nước ngoài mua cổ phần lớn, thậm chí mang tính chi phối hoặc giữ vai trò lớn trong các công ty mục tiêu.
Với xu hướng này, các quỹ đầu tư và tổ chức trung gian đang đóng vai trò là chất xúc tác cho các thương vụ. Điển hình, thương vụ mua lại của Domesco năm 2014, Taisho mua lại khoản đầu tư chiến lược 24% vốn Dược Hậu Giang. Các công ty mà nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ cao có thể là những đối tượng M&A lớn trong tương lai, như Dược Hậu Giang, Vinamilk, Traphaco...(NDH)