“Tôi rất thắc mắc: Trong số 4.100 loại thuốc trừ sâu chúng ta nhập về (90% nhâp từ Trung Quốc) với số lượng 100.000 tấn và có tới 1.643 hoạt chất khác nhau trong khi Trung Quốc có 1,4 tỉ dân nhưng họ chỉ cho phép sử dụng hơn 600 hoạt chất”.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 23-08-2016
- Cập nhật : 23/08/2016
Việt Nam đứng đầu danh sách quốc gia thu hút vốn FDI
Theo Văn phòng thống kê FDI Intelligence, thuộc tờ báo tài chính hàng đầu thế giới - Financial Times (Mỹ), lần thứ hai liên tiếp, Việt Nam đứng đầu danh sách 14 quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp theo là Hungary và Romania. Các đối thủ của Việt Nam tại Đông Nam Á cũng nằm trong danh sách này là Malaysia và Thái Lan với vị trí thấp hơn.
Cụ thể, FDI Intelligence chấm Việt Nam đạt 6,45 điểm, vị trí tiếp theo là Hungary với 4,32 điểm và Romania với 3,48 điểm. Các đối thủ của Việt Nam tại Đông Nam Á là Malaysia đạt 2,86 điểm và Thái Lan 2,43 điểm.
Y tế là một lĩnh vực cho thấy sức hút của Việt Nam, kể từ khi chính phủ nới lỏng quy định về đầu tư nước ngoài. Theo các tổ chức thẩm định quốc tế, ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam sẽ còn tăng 75% trong thời gian từ nay đến năm 2020. Ngoài ra, thị trường lao động Việt Nam cũng tạo nhiều thuận lợi về sức cạnh tranh, với rất nhiều người có bằng cấp được đào tạo phù hợp với các công ty đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tập đoàn Amway (Mỹ) đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe với vốn đầu tư hơn 25 triệu USD tại Bình Dương.
Bản báo cáo mới nhất của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển khẳng định các nhà đầu tư ngày càng quan tâm nhiều đến khu vực “châu Á đang phát triển”. Bằng chứng là trên tổng số 765 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2015 vào các nước đang phát triển, số vốn đầu tư vào các nước “châu Á đang phát triển” là 541 tỉ USD và tập trung chủ yếu vào ba thị trường tiềm năng Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ.
Những chỉ số mới được công bố khẳng định Việt Nam là mục tiêu được đặc biệt nhắm đến trong thời gian gần đây. Theo thống kê mới nhất trong bảy tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã thu hút được gần 13 tỉ USD vốn FDI. Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết phần lớn nhà đầu tư hướng vào các dự án cụ thể, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và bất động sản(PLO)
Chuyên gia Việt cảnh báo tác hại khi Trung Quốc 'giữ lũ' Mekong
Chuyên gia hàng đầu về Mekong khẳng định các đập thủy điện của Trung Quốc giữ lại nước nhằm giảm lũ ở hạ nguồn gây tác động xấu đối với Việt Nam.
"Mấy năm nay đồng bằng sông Cửu Long bị mất lũ, là điều rất nguy hại. Chúng ta cần hiểu khái niệm lũ đẹp, tức là lũ giúp điều hoà nguồn nước vào đồng bằng, làm vệ sinh cho đồng ruộng. Lũ cũng sẽ mang phù sa cho trồng trọt, nguồn thức ăn trôi nổi cho nhiều loại cá và giúp giảm xâm nhập mặn ở khu vực này", ông Đào Trọng Tứ, nguyên phó tổng thư ký Uỷ ban sông Mekong Việt Nam, trao đổi với VnExpress.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long thời điểm giữa tháng 8 rất thấp. Trên sông Tiền, tại Tân Châu mực nước cao nhất chỉ 1,36 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 1,20 m; thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 40-50 cm.
"Đến nay, chưa có dấu hiệu gì báo lũ về vùng đầu nguồn", ông Khương Lê Bình, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, cho biết.
Là một chuyên gia hàng đầu về vấn đề sông Mekong, ông Tứ cho biết các đập thuỷ điện đã giữ lại một lượng lớn phù sa của con sông, trong khi ước tính 50% phù sa của đồng bằng sông Cửu Long là từ trên thượng nguồn đổ về.
Về phía Trung Quốc, các quan chức nước này khi trao đổi với một nhóm phóng viên Việt Nam thăm một số đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong hồi giữa tháng 6, cho biết Trung Quốc hiện có tổng cộng 6 đập thủy điện đang vận hành ở khu vực này, theo thứ tự từ Bắc xuống Nam là Công Quả Kiều, Tiểu Loan, Mạn Loan, Đại Triều Sơn, Nọa Trát Độ và Cảnh Hồng.
Ông Vương Hồng Minh, Vụ hợp tác quốc tế, Khoa học và công nghệ, Bộ Thủy lợi Trung Quốc, cho hay đặc điểm chung của các đập thủy điện là dùng để phát điện chứ không phải là "tiêu thụ nước". Trung Quốc giữ lại nước trên thượng nguồn nhưng sau đó vẫn xả xuống hạ du, chỉ làm "thay đổi quy trình chứ không làm mất nước đi nơi khác".
"Khi các quốc gia ở hạ lưu đang vào mùa mưa, họ không cần nhiều nước, lúc đó Trung Quốc sẽ tích nước để nhà máy điện hoạt động. Khi vào mùa khô, Trung Quốc sẽ xả nước. Quy trình này có tác dụng ngăn lũ, chống hạn cho các nước hạ du", ông Vương nói.
Phản bác lại ý kiến này, ông Tứ đánh giá khi một quốc gia tích trữ nước của dòng sông tự nhiên thì cơ chế xả nước sẽ vận hành theo phụ tải điện của nước đó.
"Việc xây đập thủy điện không phải làm để xả nước, nếu không tích nước thì không thể phát điện. Câu chuyện đó với đồng bằng sông Cửu Long là gây nên tình trạng bị mất lũ", ông Tứ nói.
Thiếu cơ chế chia sẻ thông tin
Là người theo dõi tình hình ở sông Mekong nhiều năm, ông Tứ cho biết một trong những vấn đề chính ở khu vực này là Trung Quốc vẫn chưa chia sẻ thông tin về cơ chế hoạt động của các đập thủy điện của họ với 4 nước thuộc hạ lưu, gồm Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào. Đây là các nước thành viên của Ủy hội sông Mekong (MRC). Điều đó khiến những nước hạ nguồn bị động trong việc sử dụng nguồn nước, nhất là khi xảy ra tình trạng hạn hán trong mùa khô.
Giải thích về việc này, ông Vương Hồng Minh, Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho hay Bắc Kinh có chia sẻ thông tin trong mùa lũ với các nước MRC, nhưng họ không làm việc này vào mùa khô.
"Vào mùa khô thông tin về lưu lượng ở thượng nguồn bị tác động bởi các yếu tố như độ bốc hơi, nước ngầm, lượng mưa nên không có nhiều tác dụng cho dự báo. Theo thông lệ quốc tế thì chúng tôi không cung cấp thông tin vào mùa này", ông Vương nói.
Không đồng tình với lập luận này, ông Tứ cho hay thông tin về hoạt động của các đập thuỷ điện cần được chia sẻ cả trong mùa khô và mùa mưa. Hiện các nước trên thế giới áp dụng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy năm 1997. Tức là việc chia sẻ thông tin cần được đảm bảo cho hợp tác quanh năm giữa các nước.
Cựu quan chức Ủy ban sông Mekong Việt Nam cũng lưu ý cần xem xét việc các đập thủy điện của Trung Quốc có hồ điều tiết loại gì. Nếu là hồ điều tiết nhiều năm thì lượng nước được tích lại không phải trong một năm mà là cho nhiều năm.
Đánh giá về cơ chế đối thoại trong hợp tác Lan Thương - Mekong được hình thành vào tháng 3 năm nay, ông Tứ nói việc này phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ của các quốc gia với nhau. Ông mong muốn Trung Quốc thời gian tới sẽ tham gia MRC để cùng các nước hạ lưu xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nước. Hiện Trung Quốc và Myanmar chưa phải thành viên Ủy hội này. Khi cơ chế Lan Thương - Mekong chưa có các hiệp định cụ thể, vấn đề quản lý nước chỉ mang ý nghĩa hợp tác chung chung, trong khi hợp tác phát triển bền vững ở Mekong còn rất nhiều thách thức.
"Với các dòng sông quốc tế, việc các nước có cơ chế hợp tác là điều rất quan trọng, các nước không thể nói anh đi đường anh, tôi đi đường tôi. Các bên cần hợp tác trên tinh thần cùng có lợi, trên cơ sở thiện chí và dựa trên luật pháp quốc tế. Tôi hy vọng cơ chế Lan Thương - Mekong sẽ giúp khắc phục những thiếu sót về hợp tác giữa Trung Quốc và các nước thuộc hạ lưu", ông Tứ nói. (Vnexpress)
Tổng bí thư: 'Cần tăng dự báo quan hệ giữa các nước lớn để tránh bị động'
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ngành ngoại giao tăng cường công tác dự báo để không bị bất ngờ trước những diễn biến mới.
"Việt Nam cần làm rõ nguồn gốc sâu xa của những diễn biến hiện nay đang diễn ra trên thế giới, nhất là mối quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa các nước lớn tại các khu vực trọng yếu, trong đó có châu Á - Thái Bình Dương và Đông Á, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của nước ta", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 sáng nay ở Hà Nội.
Theo Tổng bí thư, mặc dù hoà bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn trên thế giới, nhưng tình hình chính trị, an ninh đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến khó lường. Các cuộc xung đột vũ trang, các hoạt động can thiệp, lật đổ, các hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên diễn ra ở nhiều nơi. Châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á cũng có những thay đổi rất phức tạp, liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo và cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, tạo nên tình trạng bất ổn.
"Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải hết sức nhạy bén trong việc dự báo tình hình để không bất ngờ, bị động. Ngành ngoại giao cần chú trọng công tác nghiên cứu dự báo chiến lược, kịp thời đề xuất phương án ứng xử cho trước mắt và lâu dài", Tổng bí thư nói.
Tổng bí thư lưu ý trong thế giới liên kết, toàn cầu hoá hiện nay, đối ngoại quốc phòng - an ninh cũng có vị trí rất quan trọng. Ngành ngoại giao cần phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, chủ động triển khai hoạt động trong lĩnh vực trọng yếu này. Giữ vững môi trường thuận lợi để phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tác động trực tiếp lẫn nhau nên phải được thường xuyên xác định là ưu tiên cao, là điều kiện quan trọng hàng đầu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là tư tưởng của ông cha ta: "giữ nước từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy".
Việt Nam cần giữ vững nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình, trong đó có thương lượng song phương trên những vấn đề liên quan tới hai nước và đa phương trên những vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên; kiên trì phấn đấu nhằm đạt được một giải pháp cơ bản, lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tổng bí thư nhận định Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước, thể hiện trong việc ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ngành ngoại giao cần góp phần đưa các hiệp định đã ký kết vào cuộc sống theo tinh thần đem lại lợi ích cao nhất cho đất nước. Các cán bộ ngoại giao phải chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác thương mại, đầu tư, du lịch với chất lượng cao, góp phần thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết tình hình quốc tế thời gian tới sẽ tiếp tục vận động, phức tạp và đa chiều hơn, với các đặc trưng cơ bản là tốc độ, đổi mới, kết nối, hội nhập và phát triển bền vững.
"Hội nghị Ngoại giao lần này cần nghiên cứu trả lời câu hỏi thế giới trong 5 - 10 năm tới sẽ ra sao, nhận định những điểm mấu chốt của tình hình quốc tế có tác động tới môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam thế nào", ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh.(VNexpress)
Bác kiến nghị giảm thuế trứng Artemia hỗ trợ ngành tôm
Trước kiến nghị của hiệp hội và một số doanh nghiệp thủy sản về giảm mức thuế nhập khẩu trứng Artemia về 0%, Bộ Tài chính đã bác đề xuất này, thay vào đó là giảm 2% thuế nhập khẩu (từ 5% xuống 3%).
Bộ Tài chính cho biết, theo cam kết WTO, biểu thuế nhập khẩu với mặt hàng trứng Artemia cao nhất là 5%, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương liên quan. Trong góp ý của mình, Bộ KH&ĐT cho rằng, theo Nghị quyết 99/2015 của Quốc hội là không ban hành chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước, hơn nữa trứng Artemia trong nước đã sản xuất đáp ứng 20% nhu cầu (80% phải nhập khẩu).
Vì vậy, theo Bộ Tài chính, trên cơ sở lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và cần có chính sách thuế hợp lý vừa bảo hộ sản xuất trong nước, vừa khuyến khích mặt hàng tôm giống phát triển, đã giảm thuế nhập khẩu trứng Artemia từ 5% xuống 3%, áp dụng từ ngày 13/8/2016.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2009-2015, có khoảng 10 doanh nghiệp nhập khẩu trứng Artemia, với số lượng chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này khai báo nhóm hàng 23.09 (thuế suất 0%), thay vì nhóm 05.11 (thuế suất 5%) như 20 doanh nghiệp khác. Vì vậy, việc hải quan truy thu thuế nhập khẩu với 10 doanh nghiệp khai báo mã số chưa đúng, Bộ Tài chính khẳng định là đúng quy định, đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp khác.(Tienphong)