Việt Nam - Campuchia khánh thành cột mốc biên giới số 30
Phát hiện cơ sở chế biến cà phê “bẩn” tại Nha Trang
Phát triển hạ tầng TP.HCM: Còn thiếu 42.000 tỉ đồng
Lâm Đồng xây mô hình du lịch nông nghiệp
VNPT mở thêm 2 trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quốc tế
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 21-04-2016
- Cập nhật : 21/04/2016
Gia tăng khiếu nại về dịch vụ tín dụng tiêu dùng, bảo hiểm
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong quý I năm 2016, tổng đài 1800.6838 đã ghi nhận có 1.406 cuộc gọi của người tiêu dùng để phản ánh, khiếu nại. Trong Quý I năm 2016, ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày (56 trường hợp, chiếm khoảng 22,3%). Sau đó là nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và điện thoại, viễn thông. Đây là 3 nhóm ngành hàng thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất.
Như vậy, bên cạnh hàng hóa tiêu dùng hàng ngày (do tính chất tiêu dùng thường xuyên làm phát sinh nhiều vi phạm và phản ánh), thì nhóm “tài chính, ngân hàng, bảo hiểm” cũng đang tăng dần số lượng phản ánh, khiếu nại đến Tổng đài, cụ thể là dịch vụ cho vay tín dụng tiêu dùng từ các công ty tín dụng và dịch vụ bảo hiểm.
Trước đó, năm 2015, Cục Quản lý cạnh tranh, cũng có văn bản khuyến cáo với người tiêu dùng về dịch vụ tín dụng tiêu dùng. Dựa trên những vụ việc đang được giải quyết, VCA khẳng định, có tình trạng nhân viên thu hồi nợ có dấu hiệu đe dọa, quấy nhiễu người tiêu dùng và người thân của người tiêu dùng trong quá trình thu hồi nợ. VCA cũng khẳng định, lĩnh vực tín dụng tiêu dùng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Để phòng trách rủi ro do từ tín dụng tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo, người tiêu dùng trước khi ký hợp đồng cần đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng, đặc biệt lưu ý các điều khoản vể lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt. Đồng thời, cần lưu ý và cẩn trọng khi cung cấp các thông tin cá nhân của mình và của người khác cho bên cung cấp dịch vụ.
Sau khi ký hợp đồng, người tiêu dùng nên đề nghị nhân viên tư vấn hoặc công ty cung cấp một bản sao có giá trị pháp lý của hợp đồng đã ký kết. Trường hợp hợp đồng được gửi sau bằng đường bưu điện cần lưu ý nhân viên tư vấn có hình thức xác nhận về việc sẽ gửi hợp đồng cho người tiêu dùng và thời gian hoàn thành gửi hợp đồng.
“Đang có nguy cơ cản trở tiến trình cải cách”
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trao đổi với phóng viên Báo Hải quan xung quanh những vướng mắc bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp.
Ông đánh giá như thế nào về việc ban hành danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư năm 2014?
Một bước tiến của Luật Đầu tư năm 2014 là tập hợp, công bố được 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng thực ra đó vẫn là quá lớn và quá nhiều trong một nền kinh tế bình thường. Điều kiện kinh doanh nghĩa là hạn chế tự do kinh doanh, hạn chế gia nhập thị trường để bảo vệ một lợi ích chung nào đấy, khi ấy phải lý giải được lợi ích chung mà tôi bảo vệ phải có một cái lợi lớn hơn việc hạn chế gia nhập thị trường. Nhưng ở Việt Nam không ai tính đến điều đó cả.
267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện này là do Quốc hội yêu cầu phải có thì mới thông qua Luật Đầu tư. Cho nên nhiều ngành nghề đưa vào khi đó chưa có sự đánh giá đầy đủ, thuần túy chỉ tiến hành cơ học. Đọc hết những ngành nghề này với tư cách một người nghiên cứu lâu năm, tôi thấy có sự áp đặt, không có cơ sở thực tiễn, không có cơ sở khoa học.
Mặt khác, các điều kiện kinh doanh ấy hạn chế cạnh tranh, hạn chế tính sáng tạo, hạn chế sự đa dạng hóa sản phẩm và khả năng cung cấp sản phẩm tốt hơn. Nó làm tăng "quyền lực" can thiệp vào thị trường cho những người trong những ngành ấy. Họ không có xu hướng giảm giá và tăng tính năng động sáng tạo. Đây là một trong những nguyên nhân căn bản của việc tại sao giá cước vận tải không giảm dù giá xăng dầu giảm mạnh. Khi DN không thấy bị cạnh tranh, nếu làm không tốt vẫn không có DN nào thay thế được thì họ vẫn “bình chân như vại” và sống tốt.
Ý nghĩa của việc yêu cầu các điều kiện kinh doanh do bộ, ngành ban hành phải được nâng lên thành Nghị định là gì, thưa ông?
Khi các bộ không được ban hành điều kiện kinh doanh, mà phải do Chính phủ ban hành, thì những quy định ấy sẽ được nhiều người "nhòm ngó" hơn. Đơn vị soạn thảo Nghị định có thể vẫn tìm cách cài cắm quy định nào đó có lợi cho họ, nhưng họ không được tự tung tự tác đặt ra các điều kiện phục vụ lợi ích của chính họ như trước. Ý nghĩa đưa các điều kiện kinh doanh lên thành Nghị định là như thế. Muốn vậy, các bộ phải rà soát lại hàng nghìn điều kiện kinh doanh do họ đã ban hành. Điều kiện nào cần thiết và phù hợp mới được nâng lên thành Nghị định, còn không phải bãi bỏ từ 1-7-2016.
Nếu cải cách được như thế cũng là một thay đổi lớn, một cơ hội lớn cải thiện điều kiện kinh doanh.
Nhưng nhìn lại cho đến nay, trong báo cáo tổ công tác thi hành Luật DN, Luật Đầu tư vừa qua, đây vẫn là một kỳ vọng lớn về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Nếu không làm triệt để thì trở thành một thất vọng với cộng đồng DN vì người ta kỳ vọng rất nhiều.
Thế nhưng, đang có nguy cơ cản trở tiến trình cải cách này. Trước hết, cùng với việc Luật Đầu tư có hiệu lực từ 1-7-2015 thì có 7 luật khác cùng ban hành. Trong 7 luật đó lại có những điều khoản quy định giao cho Bộ trưởng ban hành điều kiện kinh doanh. Điều này cho thấy việc thẩm tra Luật từ Quốc hội có vấn đề. Cải cách lớn về điều kiện kinh doanh của Luật Đầu tư có nguy cơ bị hạn chế tác dụng khi các luật chuyên ngành lại giao thẩm quyền về ban hành điều kiện kinh doanh cho các bộ trưởng. Khi mất thẩm quyền ở Luật Đầu tư thì “cài” thẩm quyền vào luật khác.
Tưởng như Luật Đầu tư đã rất rõ ràng, nhưng lại bị chính các luật khác ngăn cản. Các bộ bảo rõ ràng Quốc hội giao cho họ ban hành điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực phụ trách. Các Luật ấy cũng do Quốc hội ban hành và giao nhiệm vụ, có phải Luật Đầu tư cao hơn các luật khác đâu. Vậy là, thể chế đã vô hiệu hóa một phần cải cách của Luật Đầu tư, mà khi đã vô hiệu hóa một phần rồi thì nó có nguy cơ bị vô hiệu hóa toàn phần.
Có một số bộ phản ứng khá gay gắt và nói rằng những quy định họ ban hành không phải là điều kiện kinh doanh?
Thế nào là điều kiện kinh doanh cũng là vấn đề. Nhưng với một tâm thế muốn cải cách, muốn thay đổi thì chẳng có gì là khó cả. Về mặt pháp lý có thể không rõ ràng, nhưng về mặt khoa học rất rõ ràng.
Các bộ cũng có rà soát điều kiện kinh doanh thật, nhưng mới ở mức tập hợp lại các quy định điều kiện kinh doanh ở các Thông tư, chưa đánh giá tính hợp lý, cần thiết, tính hiệu quả, hiệu lực và đặc biệt là tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN để từ đó cải cách. Như thế việc nâng cấp các quy định về điều kiện kinh doanh từ Thông tư lên Nghị định chỉ ở mức nâng cấp cơ học, không thay đổi về chất lượng của điều kiện kinh doanh.
Tại sao một cải cách lớn có thể mang lại một sự thay đổi về chất đối với môi trường kinh doanh Việt Nam, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh mà làm trầy trật thế? Ở đây phải nói vai trò của các Bộ trưởng rất quan trọng. Có thể nói nhiệm kỳ vừa kết thúc các Bộ trưởng ít quan tâm đến vấn đề này. Hy vọng nhiệm kỳ mới đây các Bộ trưởng sẽ ý thức rõ nét hơn, nhất quán hơn về yêu cầu cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh từ hội nhập và yêu cầu nội tại của nền kinh tế. Đặc biệt là những đơn vị tổng hợp như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải nắm vị trí tiên phong của cải cách, phải “gác cổng” để chỉ lọt qua được những văn bản có chất lượng, đáp ứng yêu cầu cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh. Tiếp đến, không thể không có vai trò Thủ tướng.
Ở đây phải có quyết tâm về mặt chính trị, có nhận thức, có sự phối hợp trong nội bộ các cơ quan và giữa các cơ quan với nhau. Ngoài ra, cũng cần nhắc đến vai trò không kém phần quan trọng là truyền thông, báo chí. Nếu sợ truyền thông, giấu giếm vấn đề thì không phát huy được cải cách.
Sẽ có 12 Nghị định hướng dẫn Luật Thuế XK, thuế NK sửa đổi
Theo Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan)- đơn vị chủ trì xây dựng Luật Thuế XK, thuế NK sửa đổi, để hướng dẫn triển khai các quy định của Luật này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định hướng dẫn Luật.
Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định hướng dẫn Luật Thuế XK, Thuế NK sửa đổi. Ảnh: T.Trang
Theo đó, bên cạnh một Nghị định chung quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế XK, thuế NK và một Nghị định ban hành biểu thuế XK, biểu thuế NK ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan, sẽ có thêm 10 Nghị định về ban hành biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định thương mại tự do.
Cụ thể: Nghị định về ban hành biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định thương mại tự do ASEAN; Nghị định về ban hành biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do ASEAN- Hàn Quốc; Nghị định về ban hành biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Nhật Bản; Nghị định về ban hành biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do ASEAN- Úc- Newzealand; Nghị định về ban hành biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do ASEAN- Ấn Độ; Nghị định về ban hành biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc.
Và các Nghị định về ban hành biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do: Việt Nam- Chile; Việt Nam- Hàn Quốc; Việt Nam- Liên minh kinh tế Á Âu; Việt Nam- Nhật Bản.
Hiện các Nghị định này đang được Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan), Vụ Chính sách thuế và Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) triển khai xây dựng và lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để kịp thời có hiệu lực triển khai đúng theo tiến trình có hiệu lực của Luật Thuế XK, thuế NK sửa đổi là ngày 1-9-2016.
Lạng Sơn: Chủ động hạn chế ùn ứ nông sản tại cửa khẩu
Theo đánh giá của Hải quan Lạng Sơn, thời điểm này, tại cửa khẩu Tân Thanh đang là thời điểm DN XK nông sản sang Trung Quốc. Tuy nhiên, với sự chủ động thực hiện nhiều giải pháp của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, tình trạng dồn ứ xe chở hàng hóa tại khu vực cửa khẩu đã không xảy ra như những năm trước.
So với thời điểm tháng 3 và tháng 4-2015, cửa khẩu Tân Thanh luôn trong tình trạng phương tiện chở hàng hóa dồn ứ xếp hàng đôi từ cửa khẩu đến ngã 3 Pác Luống; các đoạn đường từ Tà Lài đến Pá Phiêng (quốc lộ 4A), từ Dốc Quýt đến Tam Lung (quốc lộ 1A) thường xuyên xảy ra nhưng đến hiện tại đang là cao điểm của mùa vụ năm 2016, lượng xe XK hàng hóa tại cửa khẩu đã không bị ách tắc, dồn ứ.
Theo thống kê từ Chi cục Hải quan Tân Thanh, tính đến ngày 11-4, sản lượng thanh long, dưa hấu XK qua cửa khẩu Tân Thanh sang Trung Quốc tăng hơn so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, sản lượng thanh long XK đạt 139,312 tấn, tăng 26%; sản lượng dưa hấu XK đạt 154,948 tấn, tăng 23%, nhưng không gây ùn ứ tại khu vực cửa khẩu như năm trước.
Với số lượng hàng hóa tăng mạnh, để tránh ùn ứ xe chở hàng, Chi cục Hải quan Tân Thanh đã chỉ đạo, đôn đốc các tổ, đội tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN XNK. Đặc biệt, đơn vị đã bố trí CBCC trực trong các khâu nghiệp vụ giải quyết công việc hàng ngày, đảm bảo hàng hóa thông quan trong thời gian ngắn nhất, không để tình trạng tồn đọng hàng hóa tại cửa khẩu.
Không chỉ có lực lượng Hải quan thực hiện nhiều giải pháp mà lực lượng Biên phòng cũng đã đưa nhiều phương thức quản lý nhằm kiểm soát tình trạng phương tiện chở hàng hóa XK qua cửa khẩu không bị ùn ứ như năm trước như: Bố trí lực lượng giải quyết ưu tiên thông quan xe chở hàng nông sản khi xảy ra ùn tắc kéo dài; kiểm soát tốt xuất, nhập cảnh đối với người, phương tiện vận tải hàng hóa nông sản qua lại cửa khẩu; thường xuyên kiểm tra hiệu quả an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông…
Được biết, phía Trung Quốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng bãi đỗ xe Khả Phong từ tháng 3-2016, với sức chứa khoảng 1.000 xe, góp phần tránh ùn tắc phương tiện. Đoàn công tác của tỉnh Lạng Sơn cũng đã sang làm việc với Ban quản lý khu công nghiệp Nam Sơn tại Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc). Qua đó, hai bên đã thống nhất đưa ra một số biện pháp nhằm giảm ùn tắc trong XNK hàng hóa. Cụ thể, phía Trung Quốc, toàn bộ xe không có hàng đỗ chờ tại bãi Khả Phong trước khi ra Pò Chài bốc hàng để tránh ùn tắc; đưa bãi tạm làm bãi đợi của các xe có hàng trước khi sang bãi khác bốc dỡ; kéo dài thời gian thông quan khi lượng hàng hóa XNK tăng…
Bãi bỏ thêm 2 thủ tục hành chính thuế
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký ban hành Quyết định số 832/QĐ-TTg công bố 6 thủ tục hành chính sửa đổi, thay thế, bãi bỏ trong lĩnh vực quản lý thuế thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính.
Trong đó có 4 thủ tục hành chính sửa đổi, thay thế và 2 thủ tục hành chính bãi bỏ.
4 thủ tục hành chính được sửa đổi, thay thế gồm thủ tục "Khai thuế tài nguyên đối với cơ sở khai thác tài nguyên" và thủ tục "Khai quyết toán thuế tài nguyên (trừ dầu thô, khí thiên nhiên)" ở cả 2 cấp thực hiện là Cục Thuế và Chi cục thuế.
2 thủ tục hành chính bị bãi bỏ là "Khai phương pháp xác định giá tính thuế tài nguyên" ở cấp Cục thuế và cấp Chi cục thuế.
Quyết định cũng nêu rõ nội dung cụ thể của từng thủ tục hành chính sau khi được sửa đổi, thay thế từ trình tự, cách thức thực hiện, số lượng hồ sơ đến thời hạn giải quyết, mẫu tờ khai cũng như yêu cầu, điều kiện thực hiện các thủ tục này.