Viện phí sắp tăng khoảng 50%
Vỡ hồ chứa nước khai thác titan: Bộ Tài nguyên nói gì
Kỷ luật Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang
Ninh Bình có tân Chủ tịch HĐND tỉnh
Chủ tịch ADB: Chính phủ Việt Nam phải chi tiêu ngân sách hiệu quả hơn
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 19-06-2016
- Cập nhật : 19/06/2016
Chôm chôm Đồng Nai được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ) vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai), UBND tỉnh Ðồng Nai là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Ðây là sản phẩm thứ hai của Đồng Nai được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sau bưởi Tân Triều.
Theo đó, chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc được trồng, bảo quản và đóng gói tại thị xã Long Khánh và ba huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Cẩm Mỹ được có tên chung là chôm chôm Long Khánh.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, khu vực địa lý có các điều kiện tự nhiên đặc thù như địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng là những yếu tố tạo nên chất lượng của chôm chôm Long Khánh, qua đó khẳng định chất lượng đặc thù của chôm chôm Long Khánh so với các vùng khác.
Phạt 2 công ty gây ô nhiễm 1,3 tỉ đồng
UBND TP Cần Thơ xử phạt hành chính hai công ty với số tiền 1,3 tỉ đồng.
Ngày 17-6, thông tin từ văn phòng UBND TP Cần Thơ cho biết Phó chủ tịch UBND TP Đào Anh Dũng đã ký quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH MTV Ecotech Cần Thơ (hoạt động trong lĩnh vực xử lý và tiêu hủy rác thải không độc hại) và Công ty TNHH MTV Hồng Lĩnh (sản xuất đất sạch và giá thể vi sinh), đều đóng trên địa bàn phường Phước Thới, quận Ô Môn (TP Cần Thơ), với số tiền 1,3 tỉ đồng.
Theo đó, Công ty TNHH MTV Ecotech Cần Thơ bị xử phạt số tiền 904 triệu đồng do thải chất thải rắn thông thường không đúng quy định về bảo vệ môi trường và nhiều hành vi gây ô nhiễm môi trường khác.
Công TNHH MTV Hồng Lĩnh bị xử phạt hành chính 400 triệu đồng do chôn lấp chất thải rắn thông thường không đúng quy định về bảo vệ môi trường.
Ngoài bị xử phạt hành chính, hai công ty này buộc phải khôi phục tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi và thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đầu tư thay máy móc cũ được ưu đãi thuế
Ngày 17-6, tại buổi đối thoại do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức, một số doanh nghiệp FD khiếu nại việc doanh nghiệp của họ bị truy thu thuế, không được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản đầu tư máy móc mới để thay thế máy móc cũ, phải khấu hao trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Theo các doanh nghiệp, Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho rằng việc áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng với hoạt động đầu tư thường xuyên, trong khi việc đầu tư máy móc mới là hoạt động đầu tư mở rộng nên phải chịu thuế.
Phát biểu tại buổi đối thoại, đại diện Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho biết vừa nhận được công văn hướng dẫn mới nhất của Bộ Tài chính, trong đó quy định việc thay thế máy móc cũ từ một trong ba nguồn (quỹ khấu hao cơ bản tài sản cố định của doanh nghiệp, sử dụng lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư, sử dụng vốn trong phạm vi vốn đã đăng ký) được xem là hoạt động đầu tư thường xuyên nên vẫn được hưởng ưu đãi thuế.
Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được hưởng ưu đãi trong phạm vi quy mô đầu tư và công suất đã được phê duyệt, nếu đầu tư làm tăng quy mô và công suất thì phần tăng sẽ không được áp dụng ưu đãi thuế.
Theo hướng dẫn của Cục Thuế Bình Dương, các doanh nghiệp đã bị truy thu thuế liên hệ với cơ quan thuế để kê khai lại. Đối với phần thuế ưu đãi đã bị truy thu, doanh nghiệp sẽ được bù trừ cho kỳ nộp thuế tiếp theo hoặc được hoàn lại số tiền đã nộp.
Cũng tại buổi đối thoại, đại diện Sở KH-ĐT Bình Dương cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016, địa phương này đã thu hút gần 1,1 tỉ USD vốn FDI với gần 200 dự án đầu tư mới và tăng vốn đầu tư.
Dừng toàn bộ hoạt động khai thác tại mỏ titan Suối Nhum
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) ngày 18-6 tiếp tục thông tin về việc kiểm tra sự cố vỡ bờ moong hồ chứa nước tuyển quặng của Công ty TNHH Tân Quang Cường tại mỏ titan Suối Nhum, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Như Bộ TN-MT đã thông tin, chiều tối 16-6, Văn phòng Bộ đã có văn bản số 2380/BTNMT-VP thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Môi trường phối hợp kiểm tra, làm rõ thông tin về sự cố vỡ hồ chứa nước tuyển quặng titan của Công ty TNHH Tân Quang Cường tại mỏ Suối Nhum, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Ngay sau chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tối 16-6, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã giao Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Nam chủ trì, phối hợp với Cục Môi trường miền Nam (Tổng cục Môi trường), Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận kiểm tra ngay tình hình khắc phục sự cố; xác định nguyên nhân; việc tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản của Công ty Tân Quang Cường tại mỏ titan Suối Nhum…
Qua nhận định ban đầu, khu vực bị vỡ bờ moong là do Công ty mở vỉa, đào moong chứa nước để khai thác tại vị trí có địa hình cao (sườn đồi) tại cote +69m, cao hơn địa hình mặt đường ĐT.719 khoảng 50 m xung quanh là bờ cát... và thiếu sự theo dõi, kiểm tra lượng nước công ty bơm từ ngoài vào lòng moong để phục vụ hoạt động khai thác làm xảy ra sự cố là tràn nước, vỡ vách moong, tạo thành dòng áp lực lớn đẩy nước và cát trong hồ chảy tràn gây ra sự cố.
Sau khi sự cố xảy ra, Công ty đã chủ động, khẩn trương tập trung thiết bị máy móc, nhân lực gồm: 1 xe xúc lật, 2 xe múc, 5 xe ben, 1 xe bơm nước rửa đường, khoảng 40 công nhân của công ty và lực lượng dân quân, Công an xã Thuận Quý, Bộ đội biên phòng để san ủi cát tràn ra đường và điều tiết giao thông; các sở, ngành và địa phương cũng đã kịp thời có mặt tại hiện trường trước 6 giờ 30 phút ngày 16-6 để chỉ đạo công ty thực hiện.
Theo nhận định của Đoàn công tác Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Công ty TNHH thương mại Tân Quang Cường đã và đang khai thác quặng titan tại khu vực Nam Suối Nhum nêu trên theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 1019 do Bộ TN-MT cấp. Tại thời điểm kiểm tra, có 3 vị trí đã được công ty khai thác với tổng diện tích khoảng 6 ha, vị trí các moong khai thác phù hợp với thiết kế mỏ đã duyệt và đều nằm trong diện tích khu vực được phép khai thác.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động khai thác titan của công ty tại khu vực này còn một số tồn tại, thiếu sót như: Chưa hoàn thành việc ký hợp đồng thuê đất để khai thác khoáng sản; chưa đăng ký ngày bắt đầu khai thác theo quy định; chưa báo cáo để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình xử lý môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã duyệt; chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng nước mặt; chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước theo quy định.
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty tạm dừng toàn bộ hoạt động khai thác tại mỏ để xử lý dứt điểm sự cố, đảm đảm an toàn, đáp ứng các yêu cầu về môi trường và khắc phục xong các tồn tại thiếu sót nêu trên.
Đoàn Kiểm tra cho biết hiện đang tiếp tục kiểm tra thực địa và làm việc với công ty để làm rõ trách nhiệm và những tồn tại, hạn chế nêu trên để kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Dự kiến sau khi có báo cáo kết quả của đoàn kiểm tra, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ có báo cáo chính thức, kiến nghị các việc xử lý gửi Bộ trưởng Bộ TN-MT trong ngày 20-6 để chỉ đạo thực hiện.
Như Báo Người Lao Động đưa tin, khoảng 4 giờ ngày 16-6, moong chứa nước khai thác titan của Công ty TNHH Tân Quang Cường bất ngờ bị vỡ khiến một lượng lớn bùn cát tràn vào Khu Du lịch Nam Thuận Quý và tràn ra Tỉnh lộ 719 khiến giao thông bị ách tắc nhiều giờ liền vì bùn cát phủ. Sự cố này đã làm ô nhiễm môi trường khu vực nói trên. Công ty đã cam kết và đang tiến hành bồi thường thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sự cố nêu trên.