Quản lý thi công người Trung Quốc của nhà thầu Giang Tô bị đuổi do nhiều lần vi phạm về quản lý chất lượng thi công ở tuyến cao tốc hơn 1.300 tỉ đồng.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 05-08-2016
- Cập nhật : 05/08/2016
Trái cây nội địa “điêu đứng” vì… bị nghi là hàng Trung Quốc
Nhiều loại trái cây nội địa như ổi, thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng… to tròn, bóng bẩy, ngọt lịm được tung ra thị trường dù giá “rẻ bèo” nhưng sức mua khá thấp do người tiêu dùng luôn nghi ngờ là hàng của Trung Quốc.
Nông sản thất thu, tiêu thụ gặp khó
Với kinh nghiệm hơn 3 năm trồng ổi, ông Đoàn Văn Minh (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TPHCM) cho biết, chưa thấy năm nào mà ổi đưa ra thị trường gặp nhiều khó khăn như thời gian gần đây. Trầy trật từ khâu trồng đến khi thu hoạch thì người tiêu dùng nghe nói ổi Đài Loan thì nghĩ ngay là hàng Trung Quốc khiến việc buôn bán cũng chật vật.
Ông Minh cho rằng do năm nay nắng nóng kéo dài đã khiến vườn ổi hơn 6.000m2 của ông cho sản lượng “khiêm tốn”, trái bị nám và nhỏ hơn mọi năm.
Theo ông Minh, trên thị trường, loại ổi trái to, bóng láng, vị nhạt là loại có sử dụng thuốc kích thích. Trong khi ổi ông trồng kích cỡ chỉ bằng nắm tay, trái chắc thịt, ngọt nhưng mang tiếng giống ổi… Đài Loan khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn. Mỗi ngày ông bán khoảng 100 kg ổi tại vườn. Ổi loại 1 bán với giá 10.000 đồng/kg, còn ổi dạt dưới 8.000 đồng/kg, giảm hơn 5.000 – 7.000 đồng/kg so với trước đây, khiến ông lỗ nặng. “Nhiều khi ổi không bán được tui đành để rụng cả vườn chứ biết làm sao”, ông Minh thở dài nói.
Cùng chung thảm cảnh, ông Đoàn Thanh Tùng, ngụ thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) than ngắn thở dài về thị trường tiêu thụ trái cây đang gặp khó khăn.
Theo ông Tùng, do tình trạng nắng nóng, xâm nhập mặn kéo dài đã khiến cho sản lượng trái cây giảm nhiều so với mọi năm. Ông trồng chủ yếu xoài Thái và xoài cát. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch vừa qua chỉ vỏn vẹn 3 tấn với giá bán 16.000 đồng/kg được bán tại vườn.
Ông Tùng khẳng định, vườn xoài của ông không có dùng thuốc tăng trưởng, kích thích. Khi cây ra trái thì ông bọc cẩn thận nhằm tránh sâu, rầy đục phá. Nếu có phun thuốc trừ sâu, rầy nhưng trái đã được bọc bao nên không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cũng có một số nhà vườn khác vì ham lợi nhuận, phun thuốc kích thích làm cho người tiêu dùng mất niềm tin, rồi chính họ tự hại mình khi hàng bán không chạy.
Ông Tùng cho biết thêm, vào mùa thu hoạch thì thương lái tới mua cả vườn, họ trút hết cả cây rồi phân loại xoài non, xoài già và xoài chín trước khi cho vào từng thùng xốp, vận chuyển lên thành phố tiêu thụ.
“Không biết họ bảo quản và bán như thế nào mà giá xoài ngày càng tụt dốc. Trong khi người tiêu dùng luôn cho rằng nhà vườn dùng thuốc bảo quản gây hại cho sức khỏe nên không còn tin tưởng khiến việc sản xuất chật vật lắm”, ông Đoàn nói.
Lèo tèo người mua dù giá… rẻ bèo
Trong khi tại vườn, hàng loạt mặt hàng nông sản đang thất thu thì ngoài thị trường việc buôn bán gian dối lại khiến nông sản gặp càng nhiều khó khăn hơn.
Nhiều người dân sinh sống tại TPHCM liên tục phàn nàn trái cây bày bán dọc đường không rõ nguồn gốc và kém chất lượng. Do đó, người dân bắt đầu “kén chọn" và “đề phòng” hơn trong việc mua trái cây dọc đường dù phải “hoa mắt” với giá… rẻ hều.
Chạy xe một vòng trên các tuyến đường như Quang Trung (Q.Gò Vấp), Cộng Hòa, Trường Chinh (Q.Tân Bình), Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức)… đa số các sạp và xe bán trái cây bày bán đủ loại nhưng sức mua lại khá thấp.
Theo chủ vựa trái cây Nguyễn Thị Hạnh (khu Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh) nguồn hàng được bày bán trên đường chỉ là hàng loại 3, 4, thậm chí có những loại trái cây Trung Quốc “đột lốt” hàng Việt.
Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng cho biết, mua hàng ngoài đường, xe đẩy hay hàng rong lắm khi chỉ mua thêm sự bực bội. “Hai ngày trước, đi làm về ngang qua đường Phan Văn Hớn (Q.12), thấy vải bày bán cũng tươi, ngon với giá 25.000 đồng/kg nên dừng xe lại mua. Lúc tính tiền lại thành 30.000 đồng/kg, hỏi ra thì người bán lại nói 25.000 đồng/kg là vải rời, còn cái này là vải nguyên chùm nên có giá như thế”, chị Phạm Thị Thanh (ngụ P.Tân Thới Nhất, Q.12) bức xúc nói.
Việc “độ cân”, mập mờ giá cả của các chủ xe đẩy cũng diễn ra phổ biến. “Lắm lúc đi ngang đường, thấy trái cây ngon lắm, tính dừng lại mua nhưng thiệt tình không biết có phải hàng Trung Quốc kém chất lượng hay hàng bị sâu bệnh gì không? Lắm khi mua về lại còn bị thiếu hụt nên dần dần cũng sợ, không dám mua tùy tiện nữa”, bà Nguyễn Thị Vân (43 tuổi, Q.Bình Tân) nói.
Tương tự, nhiều người mua hàng cũng “tố” người bán thường xuyên cân thiếu, mua 1 ký về nhà có khi chỉ còn 700-800 gram, ít khi cân đủ, tính đi tính lại tưởng mua giá rẻ hóa ra lại còn mắc hơn bình thường.
Với nhiều người, không riêng trái cây vỉa hè mà ngay cả khi mua hàng tại các hệ thống siêu thị cũng vẫn có ít nhiều hoang mang về nguồn gốc sản phẩm.
Chị Lương Giang Trâm, đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh) cho biết, khoảng 2-3 tháng trước, chị mua sắm tại một hệ thống siêu thị lớn tại Bình Thạnh thấy khá bất ngờ khi giá trái cây nhập khẩu nhiều loại như táo, lê được khuyến mãi chỉ còn hơn 30.000 – 40.000 đồng/kg. “Có thể do hàng chín quá hay sao đó, nhưng giá táo Mỹ, Úc gì đó mà giá vậy mình cũng hơi ngại”, chị Trâm nói.
Trong khi đó, đại diện nhiều hệ thống bán lẻ cho biết, đối với nguồn hàng nhập khẩu đều có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng, giấy kiểm định đầy đủ, đúng theo quy trình và chứng minh được nguồn gốc rõ ràng. “Giá nhập khẩu dao động đôi khi do nguồn cung, do yếu tố thời vụ hay tận dụng được giá vận chuyển rẻ khiến giá một số mặt hàng ở vài thời điểm khá thấp”, đại diện một hệ thống bán lẻ cho biết.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng mua phải sản phẩm kém chất lượng, các hệ thống bán lẻ đều khuyến cáo, người dân khi mua sắm dù ở siêu thị hay ngoài chợ cũng cần lựa chọn trái cây cho kỹ, tránh tình trạng mua phải hàng kém chất lượng, hay gian dối khi bán.(DT)
Phú Yên gặp khó trong phát triển cụm công nghiệp
Theo Sở Công Thương Phú Yên, tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên do. Đầu tiên, theo Luật Đầu tư năm 2014, CCN không được ngân sách tỉnh và trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng như các khu công nghiệp, khu chế xuất; trong khi UBND cấp huyện không cân đối được nguồn ngân sách đủ lớn để hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng. Hơn nữa, theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, mỗi tỉnh được hỗ trợ không quá 1 CCN cho cả giai đoạn 2016 - 2020. Điều này cũng khiến triển vọng hoàn thiện hạ tầng CCN của Phú Yên trong giai đoạn tới sẽ không khả quan.
Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư thứ cấp vào CCN cũng không được hỗ trợ nhiều, nhất là về thủ tục hành chính; không có quy chế riêng để quản lý theo cơ chế đầu mối nên không khuyến khích được doanh nghiệp di dời vào cụm. Thực tế, không ít doanh nghiệp mất cả năm trời không hoàn thành được thủ tục đầu tư.
Cũng do CCN chủ yếu phân bổ ở vùng nông thôn điều kiện giao thông không thuận lợi, không hấp dẫn được doanh nghiệp đầu tư thứ cấp.
Tại Hội nghị công tác khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức mới đây, đại diện Sở Công Thương Phú Yên cho rằng: Để tháo gỡ những vướng mắc, nỗ lực của riêng địa phương là không đủ. Yếu tố quan trọng nhất là cần sửa đổi cơ chế chính sách sao cho đủ mạnh và phù hợp. Theo đó, Cục Công nghiệp địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển CCN, trong đó dành nhiều ưu đãi cho phát triển hạ tầng; bổ sung cơ chế quản lý đầu mối, một cửa đối với doanh nghiệp đầu tư thứ cấp. Hỗ trợ tối đa kinh phí khuyến công quốc gia cho thực hiện nhiệm vụ quy hoạch chi tiết và đầu tư kết cấu hạ tầng CCN tại địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn của Phú Yên.
Trước đề xuất của Phú Yên, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương - chia sẻ: Việc hỗ trợ phát triển hạ tầng CCN trên địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn được thực hiện theo quyết định số 40 của Thủ tướng Chính Phủ, cả nước có 41 địa phương đủ điều kiện. Tuy nhiên, chương trình này thuộc đầu tư trung hạn do vậy phải mất nhiều thời gian cho xây dựng, hoàn hiện hồ sơ theo quy trình. Bộ Công Thương sẽ sớm tổng hợp nhu cầu chuyển Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí.
Với đề nghị hỗ trợ hạ tầng và lập quy hoạch chi tiết CCN từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cũng khá khó khăn. Ngân sách dành cho khuyến công quốc gia chỉ vài chục tỷ đồng/năm trong khi đầu tư hạ tầng CCN đòi hỏi vốn lớn, rất khó bố trí.
Riêng về Dự thảo Nghị định về quản lý và phát triển CCN, ông Ngô Quang Trung cho biết đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ chờ phê duyệt.
Theo Quy hoạch mạng lưới CCN tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Phú Yên có tổng số 26 CCN với tổng diện tích 875ha. Hiện toàn tỉnh đã có 10 cụm được thành lập, trong đó 4 cụm được hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN được ban hành theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.(BCT)
Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc kêu gọi 'chiến tranh nhân dân trên biển'
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định các nước cần tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực khi có các phát biểu về Biển Đông.
"Tôi cho rằng quan chức các nước cần phát biểu và hành động phù hợp với các tuyên bố chính thức cũng như nghĩa vụ của quốc gia mình, là tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực", ông Lê Hải Bình nói trong cuộc họp báo chiều nay.
Tuyên bố trên được ông Bình đưa ra khi trả lời câu hỏi về việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn hôm 2/8 kêu gọi quân đội, cảnh sát và người dân nước này nên chuẩn bị "chiến tranh nhân dân trên biển".
Theo ông Bình, các nước liên quan đến tranh chấp Biển Đông cần có đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định của khu vực cũng như trên thế giới.
"Hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích và nguyện vọng của các nước trong và ngoài khu vực, các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế", người phát ngôn Việt Nam nhấn mạnh.
Dân miền Tây đua nhau trồng giống xoài Đài Loan
Những năm gần đây người dân miền Tây bắt đầu chuyển sang trồng giống xoài Đài Loan, là loại xoài trái to để được lâu, dùng để phục vụ ăn sống đã mang lại thu nhập cao hơn.
3 năm trở lại đây, các xã vùng đất cồn cù lao như Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, (huyện Chợ Mới – An Giang) phát triển trồng xoài Đài Loan với số lượng lớn lên 3.000 ha. Khu vực này luôn túc trực 12 vựa trái cây lớn chuyên thu mua xoài Đài Loan mang đi tiêu thụ khắp miền Tây. Lúc cao điểm, mỗi ngày địa bàn này xuất trên 100 tấn xoài cho thị trường.
Ông Trần Văn Na, xã Mỹ Hiệp hồ hởi nói: “Một ha xoài giống Đài Loan trồng sau 18 tháng cho trái chín, năm sau có thể cho trái 2 đợt trong năm, bình quân 1 ha sẽ thu được khoảng 20 -25 tấn trái/năm, với giá bán khoảng 25.000 - 35.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Sau khi trừ chi phí người trồng thu lãi khoảng nữa tỷ đồng/năm.
Còn xoài bán mão cả vườn cho thương lái 1 công (1.000m2) xoài lá như thế giá 100 triệu đồng, khai thác 1 vụ rồi trả lại cho chủ vườn.
Sản xuất một công xoài bây giờ cho hiệu quả kinh tế gấp 2 ha làm lúa mà chăm sóc khỏe hơn nhiều. Xoài có giá nên đất đai vùng này giá cũng tăng theo. Một công đất bây giờ cầm tiền mua 90 triệu là rất khó mua”.
Anh Nguyễn Văn Bền ở ấp An Tường, xã An Thịnh I, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng, chuyên nhân giống và phát triển xoài Đài Loan. Anh Bền cho biết, người bà con của anh tên là Hồ Thị Dự từ Đài Loan gửi về quê nhà cho 5 cây giống xoài đặc biệt để anh nhân giống bằng phương pháp ghép.
Sau một thời gian thử nghiệm anh đã thành công, sau 2 năm cây đã có trái chín. Từ đó anh tiếp tục nhân giống và hiện nay đã trồng được 3,5 ha xoài này.
Năm đầu tiên, anh thu hoạch lứa xoài đầu giá bán 25.000 đồng/kg. Thấy có hiệu quả anh mở rộng diện tích gấp đôi. Anh cho biết, xoài Đài Loan một năm ra bông 2 lần vào tháng 4 và tháng 11, nhưng anh Bền chỉ chọn vào mùa nghịch tháng 11 cho trái để bán được giá hơn và giúp cây không bị mất sức.
Vụ vừa rồi, anh nhận đơn hàng của siêu thị Coopmart Cần Thơ đưa xoài Đài Loan vào bán trên 5 tấn trái. Ngoài ra các thương lái biết tiếng cũng tìm đến tận nhà đặt cọc tiền mua xoài khi cây mới ra bông...
Bây giờ xoài Đài Loan của anh được đem đi bán khắp các chợ trong tỉnh Sóc Trăng, nhiều người biết đến, Trung tâm khuyến nông tỉnh cũng đã đến nhà để nghiên cứu và hỗ trợ kỹ thuật phát triển giống xoài này.
Anh Bền cho biết thêm: Đã có rất nhiều người đến hỏi mua giống xoài Đài Loan của anh nhưng anh vẫn chưa nghĩ đến việc bán cây giống.
Đa phần hiện nay xoài anh bán thương phẩm ở ngoài thị trường, bà con mua về ăn lấy hột làm giống. Theo anh Bền, xoài Đài Loan trồng hột phải mất 4 năm mới cho trái và chắc chắn chất lượng không thể tốt bằng cây mẹ, còn nếu chiết cành trồng chỉ chưa đến 2,5 năm là có thể cho trái chín.
Xoài Đài Loan trưởng thành mỗi cây cho từ 70-100 trái, mỗi trái nặng từ 1 -1,5kg tuy nhiên không nên để trái sai quá, chất lượng giảm ở những vụ sau.
Trong khi đó, với đặc tính dễ trồng, thích nghi tốt, sâu bệnh ít, cho năng suất cao, xoài Đài Loan có đầu ra tương đối ổn định. Ông Nguyễn Hoàng Liệt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân nông thôn An Giang, chia sẻ, thời điểm này, cây xoài cho giá trị kinh tế rất cao nhờ vào thị trường nội địa. Đôi lúc có xuất khẩu tiểu ngạch sang trị trường Campuchia và Trung Quốc nhưng số lượng không lớn.
Tuy nhiên, ông Liệt chia sẻ mối lo lắng của nông dân, "liệu xoài có tồn tại được mãi hay không? Về lâu dài nếu xoài này cạnh tranh với giống xoài khác trên thị trường liệu có bền vững hay không? Nếu không, đời sống người dân sẽ ra sao khi đã đổ vào đầu tư vào giống xoài này?"
Theo thông tin từ Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn), ông Ma Quang Trung, thời gian qua các tỉnh khu vực phía Nam và ĐBSCL phát triển giống xoài Đài Loan (còn gọi xoài 3 màu) quá nhanh, vì giống này đã mang lại lợi nhuận khá cao hơn một giống xoài thông thường trong nước.
Hiện tại theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay các tỉnh Nam Bộ đã trồng trên 6.000 ha xoài giống Đài Loan. Trong đó An Giang 4.315 ha, Đồng Tháp 827 ha (620 ha đang cho thu hoạch), Đồng Nai 740 ha, Vĩnh Long 100 ha, Hậu Giang 40 ha, Tiền Giang 25 ha.
Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt, giống xoài này chỉ đáp ứng nhu cầu ăn tươi, chưa được nghiên cứu kỹ, chưa được công nhận giống cho phép sản xuất rộng rãi tại các tỉnh Nam Bộ.
"Vùng nguyên liệu hiện nay rất dồi dào, trong khi công nghệ chế biến xoài thành các sản phẩm giá trị gia tăng như mứt xoài, nước ép xoài thì chưa được nghĩ tới", ông Liệt trăn trở.